Triết lý pháp luật hiện đại của Radbruch

Gustav Radbruch (1878–1949) là ông tổ của ngành triết học pháp luật ở Đức, đồng thời là một trong những nhà triết học pháp luật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Nói đến Radbruch, người ta vẫn thường nhắc đến một bài viết rất ngắn, nhưng cũng rất nổi tiếng được xuất bản vào tháng 9/1945: bài viết “Năm phút triết học pháp luật” (Fünf Minuten Rechtsphilosophie). Chỉ với “năm phút”, nhưng Radbruch đã khái quát hóa được “năm triết lý”, “năm yêu cầu” cơ bản nhất của pháp luật hiện đại, xuất phát từ nền tảng pháp luật tự nhiên, trên cơ sở phê phán những luận điểm của trường phái thực chứng pháp luật.

–    Luật pháp hiện đại: chống lại sự tùy tiện

Trường phái pháp luật thực chứng cho rằng: “Mệnh lệnh cũng là luật và ở nơi nào có quyền lực thì ở đó tồn tại pháp luật.”1 

Radbruch phản bác lại rằng hiểu như vậy rất nguy hiểm, vì đó chính là việc cổ súy cho tư tưởng độc tài, đặt bạo quyền đứng trên luật pháp. Ông phê phán: “Cách tư duy này đã làm cho các luật gia và cũng như người dân đang dần mất đi khả năng tự vệ, chống lại những hành vi của công quyền hành xử độc ác, không cần đến luật pháp.”2

Xuất phát từ những lập luận đó, ông đã đưa ra nhận định luật pháp hiện đại phải có chức năng chống lại sự tùy tiện. Muốn chống lại sự tùy tiện thì một đạo luật phải được ưu tiên áp dụng chung cho tất cả các trường hợp liên quan và công quyền không được phép hành động, nếu luật pháp không cho phép.3 

–    Luật pháp hiện đại: chống lại chế độ độc tài và bạo quyền

Trường phái thực chứng pháp luật cho rằng: “Luật pháp là những gì đem lại lợi ích cho con người.”4 

Radbruch phản bác lại và cho rằng: khái niệm “lợi ích” ở đây rất mơ hồ. Ông đưa ra hàng loạt các câu hỏi để cùng suy ngẫm như: Phải chăng việc vi phạm hợp đồng, những việc làm trái với lẽ phải cũng sẽ đều là “luật”, miễn sao nó phục vụ cho “lợi ích của con người”? Mà “con người” ở đây là ai? Phải chăng bất kể những gì mà cơ quan công quyền cho rằng nó có lợi cho con người thì đó đều là luật, bao gồm cả sự chuyên quyền và tùy tiện, xử phạt không cần luật hay tống giam, đàn áp không cần xét xử và tuyên án? Thế nào là lợi ích công và lợi ích tư? Điều gì xảy ra khi luật pháp chỉ phục vụ lợi ích của một người hay một nhóm người có trong tay quyền lực, nhưng lại ẩn dưới danh nghĩa là “lợi ích công”?5  

Radbruch khẳng định: “Không, nhất định pháp luật phải có vai trò chống lại sự độc quyền và bạo quyền.”6 Từ đó, ông đi đến nhận định không phải tất cả mọi thứ mà đem lại lợi ích cho con người thì đều là luật. Mà những gì là luật, chỉ khi đó là lẽ phải7 và có ích cho tất cả mọi người.8 Kết luận này cho thấy tư tưởng của Radbruch xuất phát từ động cơ bảo vệ nền dân chủ, chống lại bạo quyền; tư tưởng này rất khác so với quan điểm nặng về tính giai cấp của pháp luật, coi pháp luật là thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và bảo vệ trước hết lợi ích của giai cấp thống trị.

–    Luật pháp hiện đại: Chống lại sự bất công, hận thù và những hành động phi nhân tính

Trường phái pháp luật thực chứng cho rằng: con người là khác nhau về địa vị, xuất thân, nhiệm vụ…do vậy pháp luật phải làm rõ sự khác biệt này. Radbruch không phản đối một thực tế là con người khác nhau, nhưng ông lại có quan điểm khác, ông cho rằng mục đích tối thượng của luật pháp không phải là khoét sâu sự khác biệt hay khoảng cách giữa những con người, mà cần hướng đến sự công bằng (Gerechtigkeit).9 Khi xây dựng hay áp dụng pháp luật cần phải dựa trên những tiêu chuẩn chung, đảm bảo sự vô tư. Sự vô tư không thể có khi pháp luật hay việc áp dụng pháp luật không mang trong đó tính thiện, mà chứa đựng lòng hận thù, sự phân biệt đối xử hay những hành động phi nhân tính. Radbruch nêu ví dụ: nếu một ai đó cổ vũ cho việc ám sát các đối thủ chính trị, hoặc cổ vũ cho những mệnh lệnh giết những người của những chủng tộc khác, thì tất cả những điều này không phải là sự công bằng và cũng không được hiểu là luật.10

Như vậy một trong những tiêu chí của pháp luật hiện đại đó chính là sự công bằng. Pháp luật, ngoài nghĩa là lẽ phải, nó phải thể hiện sự công bằng, tính vô tư, đồng thời là công cụ để chống lại lòng hận thù hay những hành động phi nhân tính.

–    Luật pháp hiện đại: Chống lại sự không ổn định và không an toàn

Radbruch quan niệm rằng con người không ai hoàn thiện và vì vậy pháp luật do con người làm ra cũng không hoàn thiện, có thể còn có những điểm chưa hợp lý. Tuy nhiên, cần phải ưu tiên tính hợp pháp, vì pháp luật mang tính bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức, không ai có thể nại ra rằng do luật chưa hợp lý theo quan điểm cá nhân nên không thi hành.11

Ngoài ra pháp luật phải đảm bảo sự an toàn pháp lý (Rechtssicherheit) bao gồm các tiêu chí như: tính ổn định, tính tường minh, tính được đảm bảo thi hành và tính có thể tiên liệu trước. Radbruch đưa ra đề xuất rằng muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật thì nhân dân và đặc biệt là các nhà luật học có trách nhiệm phải chỉ ra những điểm còn bất hợp lý, chưa công bằng của luật, đề xuất để bãi bỏ.12

Thực chất Radbruch đã đưa ra một triết lý trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tính hợp pháp và tính hợp lý của pháp luật, theo hướng ưu tiên tính hợp pháp. Ngày nay, sự hài hòa giữa tính hợp pháp và tính hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật là rất quan trọng và cần thiết. Hai tiêu chuẩn này tuy độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, thống nhất và bổ trợ cho nhau. Radbruch đã chỉ ra mâu thuẫn có thể có giữa hai yêu cầu này và đặt ra trách nhiệm xã hội rất lớn đối với những nhà luật học trong việc chỉ ra những hạn chế, những điểm còn chưa hợp lý của pháp luật.13

–    Luật pháp hiện đại: Chống lại việc đi ngược lại những nguyên tắc pháp luật tự nhiên

Radbruch đánh giá rất cao những nguyên tắc của pháp luật tự nhiên (jus naturale). Ông cho rằng: “Có những nguyên tắc pháp luật còn quan trọng hơn bất cứ một văn bản pháp lý nào, vì khi một đạo luật mà xung đột hay mâu thuẫn với những nguyên tắc này chúng sẽ không có hiệu lực pháp luật. Người ta gọi những nguyên tắc này là pháp luật tự nhiên hay luật duy lý.”14 

Radbruch là người ủng hộ trường phái pháp luật tự nhiên (jus naturale). Pháp luật tự nhiên là những qui luật khách quan, tồn tại độc lập với luật lệ do con người đặt ra. Pháp luật do con người đặt ra phải tuân thủ luật tự nhiên, không thể có điều ngược lại.15 Con người ngay từ khi sinh ra vốn dĩ đã có những quyền con người một cách tự nhiên, những quyền con người ấy có trước cả khi có Hiến pháp hay luật. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trải qua đêm dài ác mộng về sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, Luật cơ bản (Hiến pháp) Đức tại Điều 1 Câu 1 đã tuyên bố và vĩnh viễn hóa giá trị cao nhất của Hiến pháp này đó chính là vấn đề bảo vệ phẩm giá của con người.16 Để không rơi vào luận điểm của chủ nghĩa duy tâm, Radbruch cũng phê phán rằng việc khẳng định Chúa là tối cao, cần phải vâng lời đức Chúa là luận điểm rất mơ hồ. Nếu coi đức Chúa quyết định tất cả, chỉ có đức Chúa là đúng, thì quyền lợi của con người sẽ bị gạt ra một bên. Từ đó, ông đề xuất cần phải nhìn nhận lại, cần coi việc bảo vệ quyền con người là việc bảo vệ những giá trị khách quan, thiêng liêng và quan trọng nhất của pháp luật.17 

Bài viết của Radbruch không giản đơn chỉ là để dành cho năm phút thuyết giảng, mà ông đã thực sự nêu lên được năm triết lý, năm chức năng căn bản nhất của pháp luật hiện đại. Những triết lý về pháp luật của Radbruch sở dĩ được thừa nhận rộng rãi và gây được ảnh hưởng mạnh mẽ vì cách tiếp cận của ông rất mới mẻ, không bị bó hẹp bởi định kiến giai cấp hay phạm vi dân tộc tính, mà đã hướng tới những chuẩn mực chung, phổ quát của pháp luật đó là: lẽ phải, sự công bằng, sự ổn định, tính khách quan, giá trị nhân văn, chống lại sự tùy tiện, bạo quyền và những hành động phi nhân tính.

1 – 3 Gustav Radbruch, Rechtsphilosophie, Studienausgabe, 2. Aufl., 2003, S. 209.
 
4-5 Xem: Gustav Radbruch, Rechtsphilosophie, Studienausgabe, 2. Aufl., 2003, S. 209.
 
6 Gustav Radbruch, Rechtsphilosophie, Studienausgabe, 2. Aufl., 2003, S. 209.

7 Từ Luật (das Recht) trong tiếng Đức còn có một nghĩa khác đó là lẽ phải, sự đúng đắn.
 
8-14 Gustav Radbruch, Rechtsphilosophie, Studienausgabe, 2. Aufl., 2003, S. 209.
 
15 Ngày nay trường phái pháp luật tự nhiên được nhiều người ủng hộ do tính hợp lý của nó, theo nguyên tắc sự vật như nó có, vì nó vốn như thế, cái xấu phải tránh, cái tốt phải được thực hiện.

16 Điều 1 Câu 1 Luật cơ bản (Hiến pháp) của Đức qui định: “Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm.”

17 Gustav Radbruch, Rechtsphilosophie, Studienausgabe, 2. Aufl., 2003, S. 210.
 

Tác giả

(Visited 4 times, 2 visits today)