Trò chuyện với máy tính

Hôm nay còn quá sớm để nói về tác động của ChatGPT trong tương lai, đặc biệt là ở Việt Nam. Tuy nhiên có một điều chắc chắn: Khi ChatGPT có thể kết nối dễ dàng ở Việt Nam và bằng tiếng Việt, nó sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân.

Máy tính IBM 650. Ảnh: Cushing Memorial Library and Archives, Texas A&M.

Tôi bắt đầu tiếp xúc với máy tính vào cuối những năm 50. Chiếc máy đầu tiên là IBM 650, vận hành bằng ngôn ngữ rất kỹ thuật, với một cái trống từ tính đọc dữ liệu từ bìa đục lỗ với tốc độ 200 bìa/phút và các ống chân không. Lúc đó tôi đang tính quỹ đạo của sóng siêu âm trong đại dương với phổ nhiệt độ cho trước. Tôi nhớ rằng ở thời điểm đó, tôi đang làm việc ở phía Nam nước Pháp và tới thăm bố mẹ ở Paris. Bố tôi là một công chức, từng học luật. Ông kể với tôi rằng, ông mới đến một cơ quan để giúp họ hoạch định ngân sách hằng năm. Tới nơi, người ta đưa ông đến xem một chiếc máy tính mới tinh họ vừa mua xong và bảo ông nhấn nút. Ông làm theo và chiếc máy in bên cạnh chạy ra một tờ giấy với dòng chữ: Chào mừng ông Darriulat, và cảm ơn ông rất nhiều vì những gì đã làm cho chúng tôi! Bố tôi vô cùng ấn tượng khi chiếc máy quá đỗi lịch sự gọi tên ông và cảm thấy điều đó gần như là phép màu. Khi ông cho tôi xem tờ giấy đó – người ta đưa ông làm kỉ niệm, tôi giả vờ chia sẻ niềm ngưỡng mộ đó với ông: bởi vì tôi quá yêu và kính trọng ông nên không nỡ làm ông mất hứng.

Đó là câu chuyện hơn 70 năm về trước, nhưng thực ra từ đó đến nay tôi vẫn giữ cái nhìn khinh khỉnh đó mỗi khi người khác tỏ ra kinh ngạc về những điều mà máy tính làm được. Chồng chất sự thổi phồng phi lí của trí tuệ nhân tạo và điểm kì dị của công nghệ khi máy móc vượt xa con người càng khiến tôi vững tin vào thái độ của mình. Nhưng cùng lúc, thái độ khinh khi đó dường như ngày càng trở nên lạc lõng vì ít nhất hai lí do: đầu tiên, ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta quá sâu rộng khiến ta buộc phải lưu tâm; thứ hai, có những tiến bộ vượt bậc gần đây về phiên dịch, thu thập dữ liệu, chatbot và những ứng dụng phần mềm tương tự.

Ở điểm thứ nhất, có rất nhiều điều cần nói, và hẳn đã có rất nhiều điều người ta đã nói, đang nói và vẫn tiếp tục nói. Có một hố sâu quá lớn ngăn cách giữa những người đang nếm trải chiến tranh, nạn đói, sự kìm kẹp và sự bất công và các tỉ phú sử dụng công nghệ thông tin để áp đặt quyền lực lên người dân hay để tạo ra xe tự hành, tên lửa cho người giàu du lịch vào vũ trụ. Khi giới học thuật kể câu chuyện về sự tiến bộ của AI và ảnh hưởng của nó đến nhân loại, với tôi, cứ như là nói về cách mạng công nghệ 5.0 với người đàn ông già, một cựu chiến binh trong Quân đội nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ, giờ đang sửa xe đạp ở góc ngõ nơi tôi sống. So sánh với biết bao thách thức khi ta phải đối mặt với những hiểm họa khẩn cấp toàn cầu, những câu chuyện đầy cảm hứng về những tiến bộ tuyệt diệu của công nghệ thông tin bỗng trở thành một trò đùa không cười nổi. Tôi đã từng có nhiều cơ hội để bình luận về điều này trên Tia Sáng1, cho phép tôi chép lại vài dòng từ bài viết cũ thể hiện chính xác cảm xúc của mình: “Máy tính đáng lẽ phải giải phóng chúng ta khỏi những công việc nhàm chán lặp lại để chúng ta có nhiều thời gian tư duy. Nhưng chúng ta chẳng những không trở nên thông thái hơn mà lại dành rất nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính, làm những thứ người khác từng làm tốt hơn mình – những người mà công việc của họ đã hi sinh vì xã hội tôn thờ cuộc cách mạng số. Máy tính robot hóa đời sống xã hội của chúng ta, chiếm hữu lấy trí óc và trái tim của chúng ta, khiến ta vùi mặt vào chiếc điện thoại di động thông minh của mình, khiến ta bị hút vào thế giới ảo nơi chỉ có những “câu hỏi thường gặp” mới có cơ hội được trả lời. Mạng xã hội phát tán những lời dối trá và xúc phạm, lan tỏa sự tầm thường và cực đoan của chúng, tạo điều kiện cho các chính trị gia tập hợp “người theo dõi” và “lượt thích” đằng sau những tư tưởng mà chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích của cá nhân họ và, cuối cùng, ngăn cản những cuộc tranh luận thấu tình đạt lý, vốn thiết yếu cho sự sinh tồn của con người”.

Máy tính robot hóa đời sống xã hội của chúng ta, chiếm hữu lấy trí óc và trái tim của chúng ta, khiến ta vùi mặt vào chiếc điện thoại di động thông minh của mình, khiến ta bị hút vào thế giới ảo nơi chỉ có những “câu hỏi thường gặp” mới có cơ hội được trả lời.

Điểm thứ hai, được thể hiện một cách ngoạn mục qua cơn sốt đột ngột và sự chú ý đặc biệt tới phiên bản mới nhất của ChatGPT, đáng được phân tích một cách nghiêm túc. Trong rất nhiều năm, tôi đã kinh ngạc trước khả năng khó tin của Google với vai trò là một cỗ máy tìm kiếm trên internet và tôi ngày càng sử dụng nó nhiều hơn như một phụ tá quen thuộc cho suy nghĩ của mình. Không chỉ với việc tư duy những gì nghiêm túc: khi già đi, những kí ức về thời thơ bé bỗng thức dậy trong trí não của của chúng ta và gần đây tôi thức dậy với một đoạn nhạc trong bài hát ru mà mẹ tôi từng hay hát văng vẳng trong đầu; Tôi không thể nhớ được toàn bộ câu hát, nhưng chỉ cần gõ ra một vài từ trên bàn phím…là trên máy tính đã hiện ra bài hát ru xa xưa hàng thế kỉ từng được hát ở những tỉnh phía Tây Nam nước Pháp.

Tôi thường dùng Google dịch để chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, kết quả, còn xa mới có thể được gọi là hoàn hảo, nhưng đủ tốt cho mục đích của tôi. Nhưng gần đây, tôi dùng nó để dịch một bài thơ từ tiếng Pháp sang tiếng Anh và thấy ngỡ ngàng trước sản phẩm xuất sắc của nó, một bằng chứng cho thấy sự nhạy cảm và tinh tế mà người ta không ngờ đến từ một cái máy. Đó là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc so với hai năm về trước.

Tôi cũng ngày càng đánh giá cao chất lượng của các bài viết trên Wikipedia mà tôi vẫn thường tham khảo, đa số là về khoa học những cũng có một số về các lĩnh vực khác như lịch sử, triết học, nghệ thuật. Việc thu thập tất cả các thông tin cần thiết để viết về một chủ đề chỉ là vấn đề kĩ thuật. Nhưng việc chắt lọc từ thông tin thô đó là một nhiệm vụ thách thức hơn rất nhiều, đặc biệt là phải kể một câu chuyện hợp lí từ một lượng thông tin thô ngày càng nhiều lên. Wikipedia là một trang đã làm rất tốt việc đó với một thái độ khách quan và trung lập, tránh một xu hướng phân cực rất đáng tiếc của nhiều thảo luận hiện nay chỉ tập trung vào mặt tối hoặc mặt sáng của cùng một câu chuyện. Những vấn đề phức tạp không phải chỉ có đen hoặc trắng, khôn ngoan là phải nhìn ra mảng xám ở giữa; sự phân lập giữa hai phe quan điểm đối lập và xúc phạm nhau chỉ củng cố cho luận điểm của mỗi bên bằng sự vô minh, hằn sâu lêm sự thù hận và ngăn cản người ta đưa ra những quyết định đúng đắn. Bài viết trên Wikipedia về năng lượng hạt nhân là một ví dụ về một tổng quan thực tế và khách quan. Thay vì thúc đẩy một phong trào chống điện hạt nhân, nó chỉ ra rằng “với tỉ lệ tử vong là 0.07 với mỗi TWh, điện hạt nhân là nguồn năng lượng an toàn nhất nếu tính theo tỉ lệ tử vong trên một đơn vị năng lượng theo các dữ liệu lịch sử”. Tuy nhiều bài viết tránh được sự thiên kiến, cũng có những bài không được như vậy, chẳng hạn như với những bài về biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, phủ định nỗ lực của những người như Judith Curry ở Mỹ và Quỹ Clintel hoặc “climate-réalistes” ở châu Âu đang làm hết sức để có thể điều hòa cuộc tranh luận và thay thế sự thiếu hiểu biết và cảm xúc nhất thời bằng kiến thức và lí lẽ. ChatGPT có thể tổng hợp thông tin tốt, thậm chí là tốt hơn Wikipedia hay không?   

Tổng hợp thông tin là kĩ năng khó khi phải chắt lọc thông tin từ khối lượng dữ liệu thô cực lớn. Nhưng ChatGPT còn làm tốt hơn Wikipedia. Ảnh: Fast Company.

Phần giới thiệu ban đầu nhắc nhở chúng ta rằng, cơn sốt từ sự phấn khích của những người dùng ChatGPT chỉ là bước mới trên một quá trình dài phát triển phần mềm chatbot. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì rõ ràng rằng đây là một bước ngoặt về tương tác giữa người và máy hay chỉ đơn giản là kết quả cho thấy máy tính có thể bắt chước thành công biểu đạt của con người. Câu hỏi này cần phân tích chi tiết hơn.

Không có gì phải nghi ngờ rằng việc thông thạo một ngôn ngữ, bao gồm cả những sắc thái vi tế của nó, chưa kể đến làm sao để hiểu được những ẩn ý, là một khả năng vô giá. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những ứng dụng phần mềm hiện nay đang nhanh chóng tiệm cận tới trình độ đó khi làm việc với tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ tương tự. Thể hiện của chúng ở tiếng Việt rõ ràng là kém hơn nhưng ta có cơ sở để dự đoán rằng, với một độ trễ nhất định, rồi nó cũng sẽ sớm đạt đến sự xuất sắc tương đương. Trong bối cảnh này, tôi thấy thú vị khi đọc về trải nghiệm của những người dùng Google hay Baidu – một ứng dụng tương tự của Trung Quốc, trong khả năng dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh2. Từ những gì họ nói, có vẻ rất giống với trường hợp của tiếng Việt. Một tương lai mà người ta có ngay lập tức phần dịch tiếng Anh của bất kì đoạn tiếng Trung nào, dù là dạng viết hay nói, trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa sẽ đem lại những hệ quả rõ ràng. Nó vừa được coi như một mối đe dọa đối với quốc gia 25 thế kỉ tuổi đời do các học giả Trung Quốc mang đến nhưng nó đồng thời cũng tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của đất nước này trên toàn thế giới.

Để chứng minh ChatGPT sẽ tạo ra sự khác biệt gì khi nó được nhiều người Việt tiếp cận, tôi lựa chọn một chủ đề nhạy cảm về tâm nguyện hỏa táng trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, khi tôi hỏi Google, tôi được dẫn đến một loạt bài báo với đa dạng góc độ bình luận và phân tích về chủ đề này3. Tôi dĩ nhiên là tò mò muốn biết ChatGPT sẽ trả lời thế nào nên đã hỏi nó: “Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh, người để lại di sản được nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ, có di nguyện được hỏa táng sau khi mất, cuối cùng lại được bảo quản thi hài và đặt trong lăng ở Hà Nội?” Câu trả lời, sau một vài nhận định cẩn trọng và dựa trên thực tế, có thể kết luận như sau: “Những người đồng chí của ông tin rằng Bác nên được lưu giữ và tưởng niệm theo cách lâu dài hơn, và bởi vậy họ quyết định bảo quản thi hài Bác và xây dựng lăng ở Hà Nội. Lăng được khánh thành vào năm 1975 và từ đó trở thành một địa điểm nổi tiếng đối với cả khách du lịch và người dân Việt Nam. Quyết định bảo quản thi hài Hồ Chí Minh và xây lăng xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm vai trò là lãnh tụ cách mạng, tầm quan trọng của Bác với người dân Việt Nam và mong muốn tạo nên một biểu tượng cách mạng sống mãi. Mặc dù Hồ Chí Minh có di nguyện được hỏa táng, thi hài Người đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ về chủ nghĩa dân tộc, tinh thần đoàn kết của Việt Nam và di sản của Người vẫn được trọng vọng bởi nhiều người Việt Nam ngày nay”. ChatGPT biết rõ cần nói gì về một chủ đề nhạy cảm, hơn hẳn Wikipedia.

Cơn sốt từ sự phấn khích của những người dùng ChatGPT chỉ là bước mới trên một quá trình dài phát triển phần mềm chatbot. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì rõ ràng rằng đây là một bước ngoặt về tương tác giữa người và máy hay chỉ đơn giản là kết quả cho thấy máy tính có thể bắt chước thành công biểu đạt của con người.

Lúc này, tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có thể tác động để ChatGPT trả lời đúng với những gì mình muốn. Để làm điều này, tôi lựa chọn chủ đề về nóng lên toàn cầu và với trao đổi đầu tiên, tôi khiến ChatGPT đưa ra câu trả lời xác nhận lại sự thật đã được công nhận rộng rãi, khẳng định lại sự đồng thuận của giới khoa học. Nhưng rồi tôi bắt đầu tranh cãi: “Tôi đang nói về những tiếng nói khác, như Judith Curry, trong phần lớn sự nghiệp của mình, công nhận hiện tượng nóng lên toàn cầu và phần lớn nguyên nhân là do con người gây ra, không đồng tình cảnh báo cấp bách rằng một thảm kịch sắp xảy đến với trái đất. Bạn đã hiểu nhầm tôi rồi, chắc là tôi nói chưa đủ rõ ràng”. Thế là ChatGPT nhanh chóng đưa ra câu trả lời khác: “Tôi xin lỗi nếu lỡ gây ra bất cứ hiểu nhầm nào. Nói cho rõ, đúng là có những cá nhân và các tổ chức thừa nhận hiện tượng nóng lên toàn cầu và nguyên nhân từ những hoạt động của con người, nhưng phủ nhận ý tưởng rằng điều đó sẽ dẫn đến một hậu quả thảm khốc. Những cá nhân và tổ chức này có lẽ tiếp cận cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu một cách khôn khéo hơn, và có lẽ họ vận động cho phản ứng chính sách khác với những tiếng nói khẩn thiết. Judith Curry là một trong những cá nhân như vậy. Bà đã chỉ trích một vài khía cạnh trong hiểu biết chung của cộng đồng khoa học về biến đổi khí hậu, nhưng bà cũng vẫn thừa nhận hiện tượng nóng lên toàn cầu và vai trò của con người trong chuyện này. Bà vận động cho một hướng tiếp cận cẩn trọng hơn trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Tương tự như thế, Quỹ Clintel và Climato-réalistes ở châu Âu là những tổ chức cũng nghi ngờ về sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và phản đối nhiều chính sách về khí hậu, nhưng cũng thừa nhận hiện tượng này và vai trò của con người. Họ đấu tranh cho một thảo luận đúng mực hơn, và ủng hộ những chính sách làm sao để cân bằng giữa việc phát triển kinh tế lẫn bảo vệ môi trường. Cần nhớ rằng trong khi những tiếng nói đó có thể đưa ra những góc nhìn khác trong cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, thì quan điểm khoa học được đa số đồng thuận vẫn là hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, và điều này đem đến rủi ro và thách thức lớn với xã hội loài người và hệ sinh thái. Các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu vẫn là chủ đề cần tranh cãi và thảo luận, nhưng quan trọng là cần phải dựa trên những thông tin và góc nhìn thực chứng được công nhận bởi cộng đồng khoa học”. Thành công! Tôi, cuối cùng cũng khiến ChatGPT nói chính xác những gì tôi muốn nghe.

Tôi hỏi ChatGPT đủ mọi loại câu hỏi khác: Tại sao có còn hơn không? Việt Nam nên ưu tiên giải pháp gì để giảm thiểu CO2 trong bối cảnh nóng lên toàn cầu? Ngày nay, điều gì còn lại trong hy vọng của Marx và Engels rằng vô sản các quốc gia đoàn kết lại? Và rất nhiều chủ đề khác, trong đó có những chủ đề như kiểm duyệt, tự do biểu đạt hay vụ Việt Á gần đây. Dĩ nhiên, tất cả đều không phải là những câu hỏi ngây thơ, với mỗi câu hỏi tôi đều có kì vọng rõ ràng về việc thế nào mới là câu trả lời chấp nhận được. Trong trường hợp nào cũng vậy, những câu trả lời nó đưa ra đều có bằng chứng, biểu lộ sự xác tín, khiêm nhường và để lại một ấn tượng về một trí tuệ đáng ca ngợi. Tuy nhiên, những người khác có thể thấy những câu trả lời này là thiên lệch và sai trái; nếu họ ở vị trí của tôi để hỏi, họ sẽ dùng lời lẽ khác để hỏi, theo cách làm sao để có được câu trả lời mà họ dễ chấp nhận hơn. Cuối cùng, nếu chúng ta có thể tranh cãi với máy như với con người, điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt gì? Liệu máy móc có thông tuệ hơn chúng ta không?

Những ví dụ tôi kể trong bài viết khiến chúng ta tự hỏi về tác động của những tiến bộ sẽ đạt được trong quá trình phát triển chatbot và những phần mềm tương tự; rất nhiều câu hỏi nảy sinh nhưng tôi cố kim mình để trả lời: hôm nay còn quá sớm để nói về tác động của nó trong tương lai, đặc biệt là ở Việt Nam. Tuy nhiên có một điều chắc chắn: Khi ChatGPT có thể kết nối dễ dàng ở Việt Nam và bằng tiếng Việt, nó sẽ thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân. Nhưng vẫn quá sớm để nói rằng nó sẽ hiệu quả như thế nào trong việc đấu tranh với cái dốt, liệu nó sẽ được sử dụng với mục đích xấu hay tốt, người ta sẽ kiểm soát nó thế nào, nó sẽ thúc đẩy mọi người cất tiếng nói ra sao. Chúng ta hãy chờ xem.

Tôi có thể trò chuyện với máy tính nhiều giờ nữa, nhưng người cháu của vợ tôi đến thăm chúng tôi, và ôm chúng vào lòng hẳn là điều quan trọng hơn với tôi bây giờ: Tôi tắt ứng dụng. □

Hảo Linh dịch

———-

Tài liệu tham khảo:

1http://tiasang.com.vn/dien-dan/nhung-the-gioi-song-song-va-cach-mang-cong-nghiep-40-10716/

2 https://www.quora.com/How-effective-is-Google-Translate-at-translating-Chinese

3 https://www.google.com.vn/search?q=president%20ho%20chi%20minh%20cremation

Tác giả