Trước sự lôi kéo của cái ác
Cảnh một chiến binh IS cắt đầu nhà báo người Mỹ James Foley bằng con dao gọt trái cây được truyền đi trên internet đã gây ra một cú sốc mạnh đối với nhiều người, đặc biệt là người dân trong xã hội Mỹ. Đó là một dạng thức khủng bố mới, không tạo ra một lúc nhiều xác chết, nhưng đủ sức gieo rắc hình dung về trạng thái chết khủng khiếp, rùng rợn nhất đối với những người sống.
Trên bề mặt thông tin, những đoạn clip cho chúng ta thấy có một lực lượng chính trị mới muốn truyền đến toàn thế giới thông điệp về sự tồn tại và sức mạnh của mình. Bạo lực trở thành phương tiện để truyền đi thông điệp. Sự tàn nhẫn trong phương cách giết người tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, nỗi sợ choáng ngợp khiến nhân loại có thể dễ dàng bỏ qua những nguyên nhân, động lực thúc đẩy hay mảy may chia sẻ về mặt lý lẽ để thứ bạo lực đó có mặt. Mặc dù, ai cũng biết mọi thứ luôn có nguyên nhân sâu xa của nó và đó chỉ là cái ác của bề mặt, thứ dễ thấy nhất trong vô số tàn bạo trên bàn cờ chính trị quan hệ quốc tế vốn đầy rẫy những hắc ám khuất tất.
Điều mà những người trần mắt thịt chúng ta được biết qua những sự kiện này, đó là rõ ràng cái ác đã công khai đe dọa, thách thức, một mặt tạo ra nỗi ghê sợ cho đa số, nhưng mặt khác, lại có sức lôi kéo, quyến rũ riêng với một thiểu số nào đó. Nói như học giả Pháp Georges Bataille, thì cái ác có sự hấp dẫn của nó. Chính sự tò mò, sức hút đó đã khiến thông tin, hình ảnh thủ ác được truyền thông rộng rãi và lôi kéo nhiều người theo. Và cùng với sự phổ biến cái tàn bạo đó, thế giới đang chứng kiến một hiện tượng đáng sợ khác: một số công dân trong những xã hội văn minh sẵn sàng khoác áo đen để trải nghiệm cuộc đời chiến binh, đối thoại bằng bạo lực, và khi cần, sẵn sàng dùng dao cứa vào cổ người vô tội cho đến chết như một cách xác lập diễn ngôn hiện hữu của mình (trong tháng Tám, theo nguồn tin từ The Sunday Times, thì nghi phạm cắt cổ James Foley là một nhạc sĩ Rap người Anh theo phong trào IS; một bản tin trên tờ Mirror cũng cho rằng, một số nữ chiến binh IS là công dân các nước châu Âu đang ra sức chiêu mộ lực lượng…)
Khi cái ác trắng trợn phô trương sức mạnh, lan truyền nhanh sự ảnh hưởng của nó, lúc đời sống nhân loại bị đẩy sâu vào trong nỗi bất an khôn tả, con người sống trong cảm giác phi lý triền miên, thì cuộc kiếm tìm siêu hình về ý nghĩa tồn tại trở nên thách thức khốc liệt hơn bao giờ hết.
Nhưng may mắn thay, đổi lại, ngay chính trong lãnh địa của cái ác, người ta vẫn thấy vẻ mặt bình thản của những trí thức mang lý tưởng tốt đẹp, đó là James Foley, đó là Steven Sotloff – những con người dấn thân để theo đuổi mục tiêu cốt lõi muôn thở của báo chí; tường thuật những sự thật phi nhân của chiến tranh với mong muốn nguồn thông tin chiến sự sống động chân thực sẽ trở thành thông điệp thức tỉnh thế giới.
Ai đó nói rằng, truyền thông đang định hình thế giới của chúng ta. Vậy thì từ câu chuyện trên, cũng nên nhìn sâu vào bản chất của sự dấn thân trong sứ mệnh thông tin. Những cuộc dấn thân chấp nhận đầu rơi máu chảy của người đưa tin có thể được nhìn như một biểu trưng của phẩm giá trí thức. Nó nhắc nhở điều này: ở những nơi quyền lực của bóng tối vẫn còn khống chế lối ra của sự thật và tiếng nói của lương tâm con người, thì cần có nhiều James, Steven dám đánh đổi an nguy bản thân để nhích xa, mở rộng hơn biên độ âm vang của tiếng nói sự thật, dám đánh đổi tính mạng để bảo vệ lẽ phải, công bằng, nhân tâm, dám quyết liệt và không khoan nhượng trước mầm ác, cái ác đang diễn biến tinh vi trong bối cảnh sống đang đầy rẫy những dàn đồng ca thông tin của sợ hãi, khiếp nhược, vô cảm.
Thời nào cũng thế, sự ra quân của cái ác bao giờ cũng rộn ràng, thậm chí có sức hấp dẫn, hiệu triệu mạnh mẽ, còn sự hiện hữu của điều thiện đôi khi lại quá đỗi âm thầm, tự tại trong một thế giới thường bội thực bởi những hung tin.
Nhưng hy vọng, không vì thế mà niềm xác tín vào lương tri của chúng ta có thể dễ dàng bị lung lay.
Người đi tìm cái tốt đang bị khuất lấp* …Steve không phải là kẻ nghiện chiến tranh. Anh cũng chẳng cần nổi danh trong quân sự. Anh chỉ đơn thuần muốn trao tiếng nói cho những người thấp cổ bé họng. Câu chuyện của Steve cũng giống như câu chuyện của vị bác sĩ người Libya ở Misrata, người đã đấu tranh để có thể cung cấp những dịch vụ chăm sóc tâm lý cho trẻ em bị tổn thương bởi chiến tranh; hay như câu chuyện của người thợ sửa ống nước ở Syria, người đã mạo hiểm tính mạng, vượt ranh giới giữa hai chính quyền để mua được thuốc chữa bệnh. Và cuối cùng thì Steve đã hi sinh tính mạng của mình để kể được những câu chuyện của họ cho thế giới. Steve không phải là một người hùng. Như tất cả chúng ta, anh chỉ cố gắng tìm kiếm cái tốt đang bị khuất lấp trong một thế giới ngập tràn bóng tối. Và nếu cái tốt đó thực sự không tồn tại thì anh đã cố gắng tạo ra nó. Anh đã luôn tìm cách giúp đỡ những người thiệt thòi hơn mình, trợ giúp tìm việc và giới thiệu những mối liên lạc quý giá cho những người mới chuyển đến trong vùng. Anh có thể mải mê xem bộ phim hoạt hình ‘South Park’, nhưng vẫn rất nghiêm túc cố gắng hoàn thành một bài viết vào lúc 3 giờ sáng. Anh còn có tật xấu khó bỏ là nghiện đồ ăn vặt nữa. Bất chấp công việc bận rộn, Steve luôn dành thời gian “Skype” với cha của mình để trò chuyện về trận gôn mới nhất của ông. Steve thường nói rằng công việc của anh là nắm tay mọi người để gây dựng mối quan hệ với họ trước khi đào sâu vào câu chuyện. Anh không bao giờ nóng vội hay bị áp lực. Tất cả những người từng gặp đều trân trọng Steve bởi sự chân thành và lòng tốt của anh. Steve là một tâm hồn hiền lành mà thế giới này đã đánh mất. Nhưng tinh thần của anh thì sẽ còn sống mãi. Hôm nay chúng ta đau khổ. Tuần này chúng ta than khóc. Nhưng chúng ta sẽ lại vực dậy trước thử thách này. Chúng ta sẽ không cho phép kẻ thù khống chế mình bởi thứ vũ khí duy nhất mà chúng sở hữu là nỗi sợ hãi. Chúng ta cũng gửi những lời cầu nguyện đến cho gia đình của James Foley. Như Steve, anh đã phải chịu đựng những điều kinh khủng nhất. Nhưng những kẻ cầm tù anh không bao giờ đánh bại được anh, và anh đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác trong nhà tù tăm tối ở một nơi rất xa khỏi sự tự do của đất nước này. Khánh Minh dịch Nguồn: http://www.bbc.com/news/world-us-canada-29056608 * Trích bài phát biểu của người phát ngôn đại diện cho gia đình Steven Sotloff – nhà báo người Mỹ thứ hai bị lính IS sát hại, tiêu đề do Tia Sáng đặt |