Truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam
Khởi đi từ cách hiểu “Dân chủ là sự thể hiện các quyền tự do và bình đẳng của con người và sự ý thức của họ về các quyền lợi ấy, sự thể hiện này là một phạm trù lịch sử ăn khớp với các điều kiện và quá trình xã hội cụ thể, gắn liền với các thiết chế và quan hệ xã hội nhất định đồng thời thông qua các lực lượng và phương tiện xã hội xác định”, bài viết đặt vấn đề tìm hiểu nội dung và tính chất, động lực và cơ cấu cũng như các quy luật và đặc điểm của sự phát triển truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam. Bài viết nêu ra một số hạn chế của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam và cho rằng việc kế thừa đồng thời cải tạo nó là “cuộc cách mạng duy nhất đảm bảo cho dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh để hòa nhập vào thế giới hiện đại, cuộc đấu tranh mà trong đó con người Việt Nam vừa phải Trở lại chính mình vừa phải Vượt khỏi chính mình”.
Không thể tách rời khái niệm dân chủ với tự do và bình đẳng, dù rằng trong thực tế có những khi dân chủ không song hành với bình đẳng và tự do. Bước vào xã hội có giai cấp, con người cũng bước vào một thời kỳ phân hóa trên cả các mặt kinh tế và văn hóa, chính trị và xã hội. Khoảng cách và mâu thuẫn giữa các giai cấp và các nhóm xã hội về quyền lợi kinh tế – văn hóa và địa vị chính trị – xã hội đã trở thành chướng ngại đối với sự phát triển toàn diện của từng cá nhân và vững chắc của toàn xã hội. Tư tưởng về quyền tự do và bình đẳng vì vậy đã hình thành như định hướng phát triển tối ưu cho xã hội loài người, và thước đo trực tiếp của các quyền lợi ấy chính là dân chủ. Hơn thế nữa, trong lịch sử đã có vô số các trường hợp bình đẳng mà không tự do hay tự do mà không bình đẳng, nên dân chủ luôn là bạn đồng hành với pháp luật trong việc điều chỉnh sự lệch hướng và điều tiết sự lệch pha giữa tự do và bình đẳng, quy tụ chúng lại trên một đường hướng, một mục tiêu chung. Cho nên có thể nói dân chủ là sự thể hiện các quyền tự do và bình đẳng của con người và sự ý thức của họ về các quyền lợi ấy, sự thể hiện này là một phạm trù lịch sử ăn khớp với các điều kiện và quá trình xã hội cụ thể, gắn liền với các thiết chế và quan hệ xã hội nhất định đồng thời thể hiện qua các lực lượng và phương tiện xã hội xác định. Từ cách hiểu này, có thể bước đầu tìm hiểu nội dung và tính chất, động lực và cơ cấu cũng như các quy luật và đặc điểm của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam.
Các sử liệu hiện có không cho phép tìm hiểu chi tiết về thiết chế xã hội Việt Nam trước thời Bắc thuộc, nhưng một số truyền thuyết lịch sử cũng ít nhiều phản ảnh một phong khí dân chủ trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội của người Việt đương thời. Chẳng hạn truyền thuyết về Lang Liêu cho thấy người Việt không có chế độ tông thân pháp với quy định chặt chẽ về dòng đích dòng thứ như Trung Quốc; truyền thuyết về Mai An Tiêm cho thấy tình hình hoạt động thương nghiệp – ngoại thương của người Việt; truyền thuyết về Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung cho thấy quyền tự do của phụ nữ trong hôn nhân… Nhưng bị trấn áp dưới thời Bắc thuộc cũng như bị hạn chế từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, các quyền lợi bình đẳng và tự do nguyên sơ này đã phát triển trong một hình thức tàn khuyết với nền dân chủ công xã gồm “lệ làng” và quyền “tự trị” của các xã thôn đối với Nhà nước mà đặc biệt là trên địa bàn miền Bắc.
Khác với tiền bạc và địa vị xã hội có thể sáng còn tối mất, học vấn là một loại quyền lực mà con người giữ được suốt đời, nên trong xã hội Việt Nam ngày xưa giới trí thức luôn là người tiên phong trong việc giương cao ngọn cờ dân chủ, tuy trong không ít trường hợp ngọn cờ ấy thường bị che lấp bởi khẩu hiệu “nhân nghĩa” muôn thuở của Nho gia. |
Động lực thứ hai của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam luôn luôn là nông dân chứ chưa bao giờ là doanh nhân, nên truyền thống dân chủ ở Việt Nam đã phát triển một cách không toàn diện về nội dung và không đồng bộ về cơ cấu. |
Dĩ nhiên nền dân chủ ấy cũng có những khiếm khuyết của nó, chẳng hạn song song với việc bảo vệ các thành viên của cộng đồng thì nó cũng đồng thời đè nén các thành viên bằng sức mạnh của cộng đồng, song song với việc chống lại sự khống chế của giai cấp thống trị đối với cộng đồng thì nó cũng đồng thời tách cộng đồng ra khỏi nhiều quá trình chung của đất nước. Sự đan xen giữa thiết chế xã hội này với thiết chế chính trị phong kiến mà đặc biệt là từ thời Lê trở đi đã đưa tới một kết quả đặc biệt, đó là sự đan xen giữa các yếu tố dân chủ và không dân chủ trong tổ chức, thiết chế và quan hệ của xã hội Việt Nam. Cho nên Việt Nam thời phong kiến có Trưng Nữ Vương nhưng cũng có sự bất bình đẳng đối với phụ nữ; có Hội nghị Diên Hồng nhưng cũng có sự áp chế đối với nhân dân. Phải nói rằng thiết chế chính trị Nho giáo cũng có những yếu tố dân chủ nhất định, chẳng hạn chế độ khoa cử để tuyển chọn cán bộ hay chức quan Ngự sử chuyên trách việc can gián nhà vua và tham hặc quan lại phạm pháp, nhưng nhìn chung xã hội phong kiến tồn tại trên căn bản kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc chỉ có thể tạo ra một truyền thống dân chủ nửa vời.
Từ cuối thế kỷ XIX thì con người Việt Nam đã bắt đầu tiếp xúc với nền dân chủ hiện đại và ý thức công dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà một trong những bằng chứng cụ thể là phong trào cộng sản ở Nam Kỳ trước Cách mạng Tháng Tám với các hình thức đấu tranh của xã hội dân chủ hiện đại như báo chí, nghị trường. Nhưng nếu nói ý thức công dân là biểu hiện của một quá trình khác hẳn về chất so với sự phát triển của truyền thống dân chủ thời phong kiến, thì ở Việt Nam quá trình ấy đã diễn ra một cách phức tạp và khó khăn. Manh nha từ các phong trào vận động yêu nước, tiến bộ và cách mạng trước 1945 rồi định hình trong ba mươi năm chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước 1975, ý thức công dân ở Việt Nam đã hình thành và phát triển với hai mâu thuẫn cơ bản. Thứ nhất, do chưa có được cơ sở kinh tế và kết cấu xã hội tương ứng nên về cơ bản nó vẫn tồn tại trên nền tảng xã hội truyền thống với những điều chỉnh mang tính gá lắp về dân chủ, vì vậy về cơ bản vẫn chưa phù hợp với các nhu cầu của sự phát triển đất nước hiện tại, đây cũng là nhân tố xã hội dẫn tới việc duy trì chế độ bao cấp sau 1975. Thứ hai, do hình thành và phát triển trong những điều kiện bất thường, ý thức công dân ở Việt Nam có một nội dung không hoàn chỉnh trong một kết cấu khá đơn giản thiên về các nội dung chính trị, nên một khi có những biến động khách quan về kinh tế – xã hội thì rất dễ bị phá vỡ thế cân bằng và mất đi tính ổn định cần thiết như người ta đã thấy trong thời gian xóa bỏ bao cấp từ 1986 đến nay. Những khiếm khuyết trong ý thức công dân, trong truyền thống dân chủ của con người Việt Nam hiện nay chính phản ảnh đồng thời thể hiện hai mâu thuẫn ấy, hai mâu thuẫn trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam thế kỷ XIX – XX.
Động lực chủ yếu của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam
Có thể dễ nhận ra rằng truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam đã có mầm mống của hầu hết các quan niệm tự do và bình đẳng hiện đại, chẳng hạn giữa Phạm Lam Anh “Khí phẫn kết thành trời cũng hỏi” với Hồ Xuân Hương “Ví đây đổi phận làm trai được” đều có một nét chung là không cam tâm yên phận với số phận và địa vị mà xã hội phong kiến an bài cho phụ nữ ngày xưa. Truyền thống dân chủ trong lãnh vực văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật ở Việt Nam còn dễ thấy hơn, dù rằng cái học tu tề trị bình để quản lý xã hội của Nho gia khiến trí thức Việt Nam thời phong kiến ít quan tâm mà cũng không coi trọng những loại học vấn để phát triển sức sản xuất. Viên hành tẩu Bộ Lễ Cao Bá Quát cũng có thể kết bạn thơ văn và thậm chí còn được đề bài Hậu tự cho tập thơ Thương Sơn công thi tập của Tùng Thiện công Miên Thẩm, viên Bố chánh xuất thân Cử nhân Nguyễn Thông cũng có thể gửi thư cho viên Thượng thư xuất thân Tiến sĩ Phạm Phú Thứ để thẳng thắn trình bày quan điểm của mình về văn chương. Chính từ đây, có thể thấy được động lực thứ nhất của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam. Khác với tiền bạc và địa vị xã hội có thể sáng còn tối mất, học vấn là một loại quyền lực mà con người giữ được suốt đời, nên trong xã hội Việt Nam ngày xưa giới trí thức luôn là người tiên phong trong việc giương cao ngọn cờ dân chủ, tuy trong không ít trường hợp ngọn cờ ấy thường bị che lấp bởi khẩu hiệu “nhân nghĩa” muôn thuở của Nho gia. Từ Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan với nhà Mạc soán ngôi tới Đào Duy Từ giúp đỡ họ Nguyễn chống Trịnh, người trí thức Việt Nam đã từng bước đi tới một truyền thống dân chủ chính trị ngay từ thời phong kiến, truyền thống đã đem lại cho lịch sử Việt Nam những Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích trong triều đại nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII và một Cao Bá Quát với ngọn cờ Vũ Thang “điếu dân phạt tội” ở miền Bắc năm 1851 rồi những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp dưới ngọn cờ cứu nước “chẳng nghe Thiên tử chiếu” ở Nam Kỳ sau Hòa ước 1862.
Nhưng động lực thứ hai của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam luôn luôn là nông dân chứ chưa bao giờ là doanh nhân, nên truyền thống dân chủ ở Việt Nam đã phát triển một cách không toàn diện về nội dung và không đồng bộ về cơ cấu. Không có một nền kinh tế hàng hóa trên cơ sở sản xuất công nghiệp, truyền thống dân chủ kinh tế trong xã hội Việt Nam thời phong kiến không thể phát triển vì không có một tầng lớp doanh nhân độc lập về ý thức xã hội và chủ động trong hoạt động kinh doanh. Cần nói thêm rằng không nên ngộ nhận mà coi Nho giáo là một chướng ngại tư tưởng đối với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, của hoạt động thương nghiệp. Tất cả các kinh điển Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo đều không có câu nào phê phán việc buôn bán, một trong các học trò giỏi của Khổng Tử là Tử Cống còn là một đại thương nhân. Cho nên việc trọng nông ức thương của một số chính quyền phong kiến thật ra chỉ là cấm đoán, hạn chế tư thương nhằm giành độc quyền và lợi nhuận thương nghiệp tối đa về cho quan thương, cho thương nghiệp của chính quyền chứ hoàn toàn không phải vì khinh ghét thương nghiệp. Dĩ nhiên đến đầu thế kỷ XX thì tầng lớp tư sản dân tộc không bị hạn chế như thương nhân thời phong kiến, nhưng hoàn cảnh đất nước bị ngoại nhân đô hộ lại khiến họ không được tự do và bình đẳng trong việc cạnh tranh với tư bản nước ngoài. Phải thẳng thắn để nhìn nhận rằng chế độ bao cấp kéo dài sau 1975 thật ra chính là sự lặp lại việc đè nén tư thương thời phong kiến ở một quy mô khác, nên không lạ gì mà đến cuối thế kỷ XX một số cá nhân và cơ quan trong bộ máy Nhà nước vẫn còn phản ứng khi Chính phủ quyết định bãi bỏ các giấy phép con…
Trong sinh hoạt xã hội, truyền thống dân chủ ở Việt Nam cũng có nhiều điều khiếm khuyết. Nếu sự không bình đẳng và tự do trong xã hội hiện đại chủ yếu xuất phát từ sự phân hóa giàu nghèo, có nguồn gốc kinh tế thì sự không bình đẳng và tự do trong xã hội truyền thống xuất phát từ sự phân biệt sang hèn, có nguồn gốc đẳng cấp. Không lạ gì mà các quy phạm lễ nhạc thời phong kiến lại bao gồm cả các chuẩn mực trong sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, nhà cửa tới vật dụng trang phục, với những quy định có khi rất chi tiết về kích thước, kiểu dáng, màu sắc của nhà cửa đền miếu, y phục vật dụng… có tính chất đẳng cấp cho các nhóm xã hội, ai vi phạm các quy định này sẽ bị coi là “vượt phận tiếm lễ”, thậm chí còn có thể bị coi là có mưu đồ phản nghịch, “bất hiếu bất trung”. Dĩ nhiên nhìn từ góc độ xã hội thì các quy phạm hạn chế quyền tự do cá nhân trong tiêu dùng ấy cũng hạn chế cả quyền tự do cá nhân trong sản xuất, nên với sự thắng thế của kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa thì nó cũng mau chóng bị thủ tiêu như một tập quán bất bình đẳng chà đạp lên nhân phẩm con người. Tuy nhiên tập quán này lại ít nhiều được phục hồi trong thời bao cấp sau 1975 với các hình thức tem phiếu tiêu chuẩn tương ứng với cấp bậc chức vụ trong bộ máy Nhà nước, dẫn tới tệ nạn đặc quyền đặc lợi hiện đã vượt ra khỏi phạm vi hoạt động tiêu dùng trong đời sống vật chất mà thấm vào nhiều hoạt động và lãnh vực khác của sinh hoạt xã hội, dĩ nhiên với sự giúp sức đắc lực hơn của kinh tế thị trường.
Sau cùng, sự phát triển của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam còn gặp phải một trở ngại khách quan là sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với các khu vực biên giới, hải đảo… và những vùng sâu vùng xa luôn luôn có những khoảng cách về kinh tế – xã hội, về dân sinh và dân trí, đây là một khó khăn lớn cho việc xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cơ chế dân chủ hiện đại thống nhất trên toàn lãnh thổ, ảnh hưởng bất lợi tới việc kế thừa và nâng cao ý thức dân chủ nơi con người Việt Nam sau thế kỷ XX.
Quy luật phát triển của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam:
Từ những điều nói trên, đã tạm đủ để có thể bước đầu rút ra một số đặc điểm mà cũng là quy luật phát triển của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam:
1. Truyền thống dân chủ ở Việt Nam luôn gắn liền với độc lập dân tộc. Chịu tác động từ thảm họa vong quốc hàng ngàn năm, ý thức giác ngộ về quyền tự do và bình đẳng của con người Việt Nam trong và sau thời Bắc thuộc đã tập trung hướng tới lợi ích cộng đồng nhiều hơn lợi ích cá nhân, nên thường được phát huy vào những lúc tổ quốc lâm nguy, nhân dân khốn khổ, còn trong những thời kỳ độc lập và hòa bình thì tâm lý tiểu nông an phận của nông dân và tư duy “pháp tiên vương” (theo phép tắc thời tiên vương) trì trệ của tầng lớp thống trị lại vượt lên chiếm vai trò chủ đạo, làm triệt tiêu tính năng động và sáng tạo của dân tộc trên tất cả các hoạt động và lãnh vực xã hội, điều này quy định yếu tố thụ động và tự phát trong sự phát triển của truyền thống dân chủ ở Việt Nam.
2. Nhìn chung truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam còn chưa toàn diện về nội dung và chưa đồng bộ trong cơ cấu, chẳng hạn nặng về dân chủ chính trị mà nhẹ về dân chủ kinh tế và dân chủ xã hội, hay dân chủ chính trị nhìn chung cũng chưa đồng bộ về trách nhiệm và quyền lợi, vì sau khi xã hội thần dân với biểu hiện tích cực nhất của nó là ngọn cờ Cần vương của các nhà nho yêu nước đã bị lịch sử khai tử cuối thế kỷ XIX, con người Việt Nam không có một xã hội công dân nên trong thực tế đã đi đến ngày 30. 4. 1975 bằng một xã hội quốc dân.
3. Động lực chủ yếu của truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam là nông dân và trí thức. Nhưng do giới hạn của điều kiện sống, ý thức dân chủ ở hai nhóm xã hội này ít khi triệt để và mang nhiều mâu thuẫn, đây cũng là ánh phản về những hạn chế trong truyền thống tư tưởng và tư duy của con người Việt Nam.
4. Cơ chế phối hợp giữa dân chủ và pháp luật ở Việt Nam chưa thống nhất ở các các nhóm xã hội, khu vực và địa bàn khác nhau. Nếu thừa nhận một trong những nền tảng của dân chủ là sự tự ý thức về quyền tự do và bình đẳng nơi từng cá nhân, thì hiện nay ý thức ấy còn chưa có được cơ sở kinh tế – xã hội cũng như điều kiện giáo dục – thông tin phù hợp để phát triển một cách thuận lợi và tự nhiên.
***
Trên con đường hội nhập vào thế giới thông qua kinh tế hàng hóa với cơ chế thị trường, Việt Nam cũng mang theo nhiều hành trang là những giá trị của quá khứ. Trong số hành trang ấy có những yếu tố trở thành động lực và nguồn lực, nhưng ngược lại cũng có những yếu tố trở thành gánh nặng và trở ngại cho sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Truyền thống dân chủ chưa đầy đủ và nhiều mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam là một giá trị mang cả hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực nói trên, nên việc kế thừa đồng thời cải tạo truyền thống này vừa là một vấn đề phức tạp vừa là một vấn đề cấp thiết trong sinh hoạt kinh tế và xã hội, văn hóa và tư tưởng, khoa học và chính trị ở Việt Nam hiện tại. Dĩ nhiên đây không phải là một công việc dễ dàng hay đơn giản, vì nó buộc con người Việt Nam phải có những đột phá trên tất cả các mặt nhận thức và tâm lý, tư tưởng và lối sống, nghĩa là trong cả phương thức tư duy lẫn phương thức sống. Nhưng đây là cuộc cách mạng duy nhất đảm bảo cho dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh để hòa nhập vào thế giới hiện đại, cuộc đấu tranh mà trong đó con người Việt Nam vừa phải Trở lại chính mình vừa phải Vượt khỏi chính mình…