Truyền thông để khoa học gần hơn với đại chúng

Từ xa xưa, ở các nước phương Tây, xuất hiện những con người, có tri thức, tự đúc rút kinh nghiệm rồi chia sẻ, phổ biến kiến thức, trong phạm vi một nhóm nhỏ rồi mở rộng đại chúng.


Trẻ em háo hức đến Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Ví dụ: Nhà hiền triết Socrates, người đặt nền móng cho thuật tự biện từng đi khắp các thành bang Hy Lạp để truyền bá tư tưởng và mở trường dạy học. Euclid, người đã viết bộ sách cơ sở, có thể coi nó là bộ sách nền móng của Toán học, Newton với “Philosophiae Naturalis Principia Mathematica” (tạm dịch: Nguyên lý Toán học của Triết học tự nhiên) nền móng của Cơ học cổ điển. Darwin với cuốn “nguồn gốc loài người” giải thích quá trình hình thành loài mới, nguồn tiến hoá của giới tự nhiên ngày nay… Có rất nhiều các ví dụ lịch sử về những cá nhân và những cuốn sách như thế mà chúng ta không thể kể hết được, là minh chứng cho thấy các ví dụ trong lịch sử, để thấy được ở phương Tây họ chú ý tới việc phổ biến khoa học ra sao. Chính từ sự phổ biến kiến thức ấy mà dân trí của họ được nâng cao, con người phát triền và luôn thôi thúc sự sáng tạo, từ đó tạo ra một nền khoa học kỹ thuật phát triển giúp thúc đấy kinh tế.

Trong khi đó, giới nho sỹ Việt trước đây chỉ bao gồm giới quan lại, các thầy đồ, nho sinh, với các tri thức mang nặng tính khoa cử quanh quẩn trong khoảng 60 cuốn sách kinh điển của Nho học. Do vậy, những tri thức được truyền bá trong cộng đồng xưa kia chủ yếu chỉ trong lĩnh vực văn chương. Còn những sản phẩm tri thức có tính ứng dụng thiết thực lại rất ít được phổ biến, có chăng chỉ giới hạn trong một vài lĩnh vực như Đông y, phong thủy, tử vi lý số, kinh dịch bói toán. Các tri thức khoa học, kỹ thuật, công nghiệp hầu như không được quan tâm chia sẻ truyền bá rộng rãi trong cộng đồng.

Cái nếp xưa lạc hậu ấy đến nay trong xã hội hiện đại vẫn hằn sâu trong tư duy của số đông. Chúng ta vẫn tự hào về truyền thống hiếu học, nhưng thực chất sự hiếu học ấy thuần túy vẫn chỉ là nhồi nhét vào đầu học sinh những kiến thức sẵn có phục vụ cho mục tiêu đỗ đạt, có bằng cấp để tìm công ăn việc làm, thay vì học tập theo nhu cầu ứng dụng thiết thực trong đời sống. Hậu quả không chỉ là chúng ta thiếu các nhà phát minh, sáng chế tài năng, mà nghiêm trọng hơn, là sự hạn chế nghiêm trọng ngay từ mặt bằng dân trí phổ thông, dẫn tới năng suất, chất lượng lao động thấp, làm hạn chế năng lực phát triển của đất nước.

Để thay đổi nếp nghĩ lạc hậu kéo lùi sự phát triển trên đây, riêng trong lĩnh vực truyền thông KH&CN, cần bắt tay triển khai ngay một số công việc:

Chú trọng truyền thông về các hoạt động giáo dục khoa học, kỹ thuật công nghệ trong nhà trường, kêu gọi nghiên cứu phổ cập giáo dục STEM để học sinh được tiếp cận với các tri thức khách quan ngay từ nhỏ, tạo nền tảng về khoa học kỹ thuật và công nghệ cho thế hệ tương lai.

Tăng cường truyền thông các bài giảng khoa học từ các chuyên gia uy tín dành cho đại chúng để đưa tri thức mới, các công nghệ, kỹ thuật mới tới gần hơn với người dân.

Truyền thông một cách chuyên nghiệp, nghiêm túc về các seminar, hội nghị khoa học liên ngành, tạo sự gắn kết trong nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, đồng thời giúp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có thể mở rộng vốn hiểu biết về nhu cầu thực tiễn đời sống nhằm tạo ra các nghiên cứu ứng dụng có chất lượng cao hơn.

Truyền thông về hoạt động đổi mới giáo trình, phương pháp dạy học tại các trường theo xung hướng tăng cường thực hành, đưa sinh viên và các nhà khoa học tham gia cùng quần chúng cải thiện đời sống, cải tạo công nghệ, kỹ thuật sản xuất.

Truyền thông về các sân chơi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cho các cấp từ tiểu học tới đại học, từ địa phương tới trung ương, từ các xã tới toàn quốc để kích thích sự sáng tạo của đại chúng và tôn vinh các sáng tạo, cải tiến có ích. Đồng thời các nhà khoa học cũng tham gia hỗ trợ trong việc đảm bảo cơ sở lý thuyết, tính đúng đắn và tối ưu cho sản phẩm.

Trên hết, truyền thông KH&CN phải thay đổi nhận thức của số đông trong cộng đồng xã hội, để mỗi cá nhân đều có ý thức chủ động tìm hiểu nâng cao trình độ, kiến thức của mình cùng những người xung quanh, và ứng dụng vào những việc làm thiết thực nhỏ nhất.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)