Truyền thông trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai

Nếu coi sự hiểu biết của con người đối với thời tiết là một dạng tri thức thì truyền thông là cách thức để xã hội có cái nhìn đúng đắn về khả năng cũng như khó khăn của công tác dự báo khí tượng thủy văn.

Ngày Khí tượng Thế giới (23/03/1950-23/03/2013) cũng là thời điểm những người làm công tác khí tượng thủy văn chuẩn bị bước vào một mùa mưa bão mới. Bài viết dưới đây nhằm nâng cao nhận thức của bạn đọc v tầm quan trọng của truyền thông đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn.

Truyền thông theo định nghĩa của Valenzula (1992) là từng hành động trao-nhận thông tin giữa người và người. Thông tin bao gồm nhu cầu, mong muốn, tri thức, hay trạng thái tình cảm. Quá trình trao-nhận thông tin kết thúc khi người nhận hiểu được đầy đủ thông điệp mà người trao muốn chia sẻ. Dự báo thời tiết theo Fleming (2008) là quá trình con người đặt niềm tin vào sự hiểu biết của mình đối với sự thay đổi của trạng thái khí quyển trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian đó có thể kéo dài từ vài phút cho tới vài tháng, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào từng hiện tượng. Qua hai định nghĩa này chúng ta thấy chủ thể con người đã được hết sức chú trọng. Cả truyền thông và dự báo thời tiết đều hướng tới một đích ngắm duy nhất là phục vụ cộng đồng. Nói một cách khác, nếu coi sự hiểu biết của con người đối với thời tiết là một dạng tri thức thì truyền thông (anh Thông) là cách thức để xã hội (anh Xã) có cái nhìn đúng đắn về khả năng cũng như khó khăn của công tác dự báo khí tượng thủy văn (anh Dự).

Xin mạn đàm về anh Dự trước tiên. Hàng nghìn năm qua, loài người bằng mọi cách vẫn mải miết tìm cách tiếp cận đến quyền năng của ông giời, cố hiểu và làm chủ bầu khí quyển trái đất nhưng kết quả thu được rất hạn chế. Minh chứng là hàng năm thiên tai, không phân biệt sắc da, giới tính, hay vị trí địa lý, vẫn cướp đi hàng ngàn mạng sống trên trái đất cũng như hàng tỷ tiền bạc của cải và vật chất. Nói thuộc tính  “Không-Thể-Dự-Báo” hay “Có-Thể-Sai” là bản chất của anh Dự là vì nhẽ vậy. Thế còn anh Thông? Xin thưa, anh Thông là nhà đầu bếp khéo léo. Anh có đủ loại món ăn cũng như gia vị để hấp dẫn anh Xã. Lương-Giá-Tiền, Giao thông, hay Giáo dục là những món chế biến ưa thích, anh Xã ăn mãi không biết chán. Rõ ràng anh Thông có nhiều lựa chọn cho mình hơn. Tuy nhiên không vì thế mà anh Dự lại bị anh Thông bỏ quên. Chẳng thế mà trong tất cả các thời báo có lượng xuất bản lớn trên thế giới, phần tin dự báo thời tiết luôn tồn tại và chiếm một tỷ lệ nhất định. Tương tự như vậy trên hầu khắp các kênh truyền hình, phần tin thời tiết đều được điểm vào giờ “vàng”, thậm chí nhiều nơi còn có kênh truyền hình dự báo thời tiết riêng biệt 24/7. Khi thiên tai xảy ra, tin tức dự báo không còn là món ăn đơn thuần nữa, lúc này tin dự báo trở thành một trong những chiếc phao cứu sinh đầu tiên cho cộng đồng. Ở đây chúng ta thấy xuất hiện một nghịch lý là dù biết tính chất không-thể-dự-báo nhưng tại sao thông tin anh Dự đưa ra vẫn được dùng để phục vụ cộng đồng?

Câu trả lời ngắn gọn có thể là: “Vì Dự – Thông  chúng ta cần nhau”. Câu trả lời không sai bởi ai cũng biết xã hội càng văn minh, con người càng tiến bộ thì mối quan tâm của con người với thời tiết – khí hậu sẽ tăng lên. Nhưng dường như đó không phải là một câu trả lời hoàn chỉnh. Một câu trả lời hoàn chỉnh sẽ giúp chúng ta biết được thông tin khí tượng hiện đang được hiểu và sử dụng như thế nào, qua đó thấy được mức độ phụ thuộc cũng như tìm ra được một số giải pháp để có thể làm tốt hơn nữa công tác phục vụ cộng đồng của hai anh Dự – Thông.

Tính khả dụng của tin dự báo khí tượng thủy văn và khả năng thích nghi của truyền thông

Trước tiên, để tìm hiểu thông tin dự báo khí tượng thủy văn (gọi tắt là dự báo) hiên nay được hiểu và sử dụng thế nào chúng ta hãy cùng xem một ví dụ sau đây. Trong một khảo sát của cơ quan Khí tượng Úc (Muchemi, 2008), những người tham gia được hỏi là họ hiểu thế nào nếu nghe tin dự báo là 30% khả năng sẽ mưa tại một thành phố. 55% người hiểu là mưa sẽ rơi tại bất kỳ địa điểm nào trong thành phố với xác suất 30%, trong khi đó 36% câu trả lời hiểu theo nghĩa là 30% xác suất mưa trên toàn bộ thành phố. Kết quả này ngoài việc cho ta thấy sự đa dạng trong nhận thức của cộng đồng, nó còn cho thấy rõ ràng có một vấn đề nảy sinh giữa truyền thông và dự báo. Đối chiếu với định nghĩa về truyền thông nêu trên, ta thấy trong ví dụ này quá trình trao-nhận thông tin chưa kết thúc bởi cộng đồng hay người nhận chưa hiểu được một cách trọn vẹn, đầy đủ thông điệp của bên dự báo. Ở đây mô hình tri thức-thầy giáo-học sinh có thể dùng để minh họa cho vấn đề này. Nếu ta coi thầy giáo là nguồn truyền đạt lại kiến thức từ kho tàng tri thức tới học sinh thì rõ ràng để giảng bài cho học sinh, hiển nhiên là người thầy phải thông hiểu những điều trong sách hay kho tàng tri thức. Hiểu trên tinh thần đó thì để truyền tải một thông tin đầy đủ, trọn vẹn tới cộng đồng, bản thân người đưa tin cũng cần phải có hiểu biết về loại thông tin đó. Nói cách khác, truyền thông cũng cần tăng cường sự hiểu biết của mình đối với các tin dự báo.  Bên cạnh đó, về phía dự báo cũng có thể làm tốt hơn phần việc của mình nếu bản tin dự báo được làm cụ thể hơn. Gợi ý được đưa ra là bên cạnh tin dự báo mưa nói trên, anh Dự sẽ cung cấp thống kê khí hậu về tần suất xuất hiện mưa tại địa điểm và thời gian tương ứng. Thống kê này một mặt sẽ giúp người sử dụng (bao gồm cả truyền thông và cộng đồng) tiên lượng được khả năng sai số của dự báo, mặt khác nó sẽ giúp người dùng dần dần xây dựng được lòng tin hay độ khả tín vào dự báo.

Cũng liên quan đến việc hiểu và sử dụng bản tin dự báo, phần trao đổi này chúng ta thử tìm hiểu bản tin dự báo thời tiết đã và đang được sử dụng như thế nào thời gian qua tại Việt Nam? Trong những ngày có thời tiết tốt, guồng máy Dự – Thông bên phát bên nhận phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Tuy nhiên khi thời tiết nguy hiểm xảy ra, ví dụ như bão, lũ, một số điểm lấn cấn bắt đầu xuất hiện. Để dẫn chứng cho nhận định này, chúng ta lấy cơn bão gần đây nhất, cơn bão Sơn Tinh (24-29/10/2012, 7/63 tỉnh thành bị ảnh hưởng, thiệt hại xấp xỉ 3.5 tỷ đô-la Mỹ, 11 người chết và mất tích), làm ví dụ. Cùng thời gian này, bên kia Thái Bình Dương, nước Mỹ cũng phải chống trả với cơn bão Sandy (24/50 bang của Mỹ bị ảnh hưởng, thiệt hại xấp xỉ 71 tỷ đô-la Mỹ, hơn 80 người chết). Một sự so sánh giữa truyền thông và dự báo của hai quốc gia trong tình huống cùng đối phó với một hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm sẽ phần nào giúp chúng ta hình dung sự khác biệt và có thể rút ra những bài học hữu ích. Có người sẽ đặt câu hỏi tại sao lại so sánh Việt Nam – một nước đang phát triển, kinh thế đứng hàng thứ 62/110, với Mỹ – một siêu cường trên thế giới. Thực tế là, với siêu bão Sandy, một nước phát triển hàng đầu về công nghệ khoa học như thế mà cũng khốn đốn để đối phó và cứu trợ cộng đồng thì điều đầu tiên chúng ta cần nhận ra rằng: Dự báo chỉ là dự báo, đâu cũng vậy mà thôi. Tại Việt Nam, ngay khi bão kết thúc, như thường lệ khi có thiệt hại về người và của, dự báo là cơ quan được chính truyền thông “hỏi thăm” nhiều nhất. Tuy nhiên cũng khó trách được truyền thông trong trường hợp này vì dường như họ đang thực hiện nhiệm vụ của mình là truyền đạt thông tin, phản ánh, suy nghĩ của những người đứng đầu các địa phương bị thiệt hại lớn từ bão. Chuyện về những người đứng đầu các địa phương chúng ta tạm thời không lạm bàn trong bài viết này. Chỉ có điều, giá như truyền thông hiểu được bản chất và khả năng của công tác dự báo, sau đó sử dụng chính sự hiểu biết đấy để nâng cao nhận thức cộng đồng thì tốt biết mấy. Cùng thời điểm bão kết thúc, bên kia bờ đại dương, hầu như toàn bộ các hãng báo chí lớn như CNN, Washington Post, New York Times … tràn ngập thông tin thống kê thiệt hại do bão Sandy gây ra. Phóng viên truyền thanh, truyền hình đều cố gắng trực tiếp ghi hình, chuyển tải thông tin nhanh nhất tới cộng đồng, và kêu gọi sự giúp đỡ cho những người trong cơn hoạn nạn. Không một dòng tin nào họ nhắc tới dự báo. Liệu đây có được coi là điều tạo ra sự khác biệt giữa cách ứng xử của truyền thông hai nước?

Vẫn với ví dụ hai cơn bão Sơn Tinh và Sandy nói trên, nay chúng ta xem khả năng dự báo của Mỹ và Việt Nam khác và giống nhau thế nào. Giống như nhiều quốc gia thuộc Tổ chức khí tượng Thế giới, các bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm tại Mỹ và Việt Nam được phát báo chính thức từ một đơn vị và nội dung bản tin (trường hợp này là bản tin bão) đều bao gồm ba phần: thông tin cơn bão đã qua, thời điểm hiện tại và dự báo sắp tới. Do đó độ dài các bản tin chính thức cũng không chênh nhau đáng kể. Sự khác biệt trong dự báo lại bắt đầu từ chính truyền thông. Tại sao ? Tại Việt Nam, trong trường hợp thời tiết nguy hiểm, tất cả các phương tiện truyền thông đều phát báo chính xác những gì Cơ quan dự báo phát tin. Điều này có nghĩa là toàn bộ các thuật ngữ chuyên môn cũng được phát báo tới đại chúng, chuẩn xác tới từng dấu chấm dấu phẩy. Vấn đề là những ngôn từ được dùng trong các bản tin thường có khả năng bao hàm nội dung lớn hơn nhiều với số lượng các con chữ đươc sử dụng. Việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn này trong một số trường hợp có thể gây khó hiểu cho người sử dụng bản tin. Trong khi đó, tại các hãng truyền thông lớn của Mỹ, đội ngũ chuyên gia thời tiết của họ được phép tự dựng bản tin báo bão với lời văn dễ hiểu cho tất cả mọi người. Đương nhiên, trong bản tin họ vẫn có phần trích dẫn, hay giới thiệu tới bản tin chính thức của Cơ quan dự báo quốc gia. Theo dõi quá trình phát tin bão Sandy bên Mỹ, ta thấy còn một điểm rất đáng chú ý nữa. Đó là tại thời điểm ngày 24 tháng 10, tức 6 ngày trước khi bão đổ bộ đất liền. Với sự tự do trong quyết định bản tin của mình, kênh truyền hình MSNBC trình diễn sự khác nhau giữa dự báo của Trung tâm dự báo hạn vừa châu Âu và dự báo của Cơ quan khí tượng Mỹ. Dự báo của Châu Âu cho rằng Sandy sẽ đổ bộ vào đất liền nước Mỹ vào rạng sáng ngày thứ 3, tức 30 tháng 10; trong khi đó dự báo của Mỹ nhận định Sandy chạy thẳng ra biển. Hơn nữa, khoảng cách sai số giữa hai hệ thống dự báo này tại thời điếm đấy khác nhau xấp xỉ 1250km, tương đương khoảng cách Hà Nội – Nha Trang.  Với việc cung cấp hai dự báo tréo ngoe nhau như thế truyền thông Mỹ một mặt giải thích được với cộng đồng mức độ khó khăn cũng như khả năng sai số của dự báo, mặt khác cũng đưa ra cảnh báo sớm trước 6 ngày để người dân phòng bị trong trường hợp xấu nhất. Rất may, cảnh báo sớm này của Châu Âu lại đúng với những diễn biến thực tiếp theo của bão Sandy. Đưa tin như kênh truyền hình kia là một cách mở mang dân trí. Hình như, ta chưa thấy điều tương tự trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam.

Kết luận

Tóm lại, thông qua một số ví dụ chúng ta có thể thấy rằng mối quan hệ giữa truyền thông và dự báo là mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ. Trên hành trình này, cả truyền thông và dự báo đều có thể tự sửa đổi để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như cố gắng trợ giúp lẫn nhau, đặc biệt trong các tình huống thiên tai xảy ra. Đối với dự báo, bên cạnh dự báo định lượng hiện nay, dự báo xác suất có thể là một sự lựa chọn tốt trong tương lai. Dự báo xác suất giúp cho người sử dụng bản tin có ngay ước lượng về khả năng và giới hạn của dự báo, tránh được các rủi ro nghề nghiệp đối với các yêu cầu chưa phù hợp trong khoa học dự báo khí tượng thủy văn ở thời điểm hiện tại ví dụ như bão đổ bộ chính xác vào vùng nào, lượng mưa cụ thể bao nhiêu… Đối với truyền thông, đội ngũ phóng viên, biên tập tin dự báo nên cần thiết có sự am hiểu nhất định về ngành khí tượng thủy văn. Một cơ chế tự do hơn trong xây dựng, phát hành bản tin cũng có thể là một gợi mở trong tương lai của truyền thông.

Tài liệu tham khảo

Gerald Fleming, 2008: Service delivery and public weather services – an overview. WMO Bulletin, vol. 57 (4).

Samuel Muchemi et al., 2008: Guidelines on communicating forecast uncertainty. WMO/ TD No.4122.

Julia Scherba de Valenzuela, 1992: National Joint Committee for the Communicative needs of persons with Severe Disabilities, United States.

Tác giả