Từ chiếc khẩu trang chống dịch: Bàn luận về văn hóa, khoa học và sắc tộc

Chưa khi nào cuộc tranh luận xung quanh chiếc khẩu trang nhỏ bé lại trở nên căng thẳng như trong đại dịch Covid-19, người ta dễ dàng kỳ thị, bài xích nhau hoặc thậm chí đưa ra cả thông điệp, quan điểm chính trị xung quanh việc đeo/ không đeo. Nó là biểu hiện của những khác biệt về văn hóa, khoa học và sắc tộc ngầm ẩn.


Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng hầu như vẫn chỉ có ít người da trắng ở Úc đeo khẩu trang. Ảnh: https://www.news.com.au/

Tôi có anh bạn người Úc da trắng thân nhau hơn chục năm. Khi dịch bệnh nổ ra, tôi và anh cãi nhau gay gắt về vấn đề đeo khẩu trang chống dịch. Tôi cho rằng đeo khẩu trang là một hành động đơn giản và cấp thiết, nếu toàn dân tự giác đeo khẩu trang thì sẽ giúp bổ trợ hai hành vi chống dịch quan trọng khác là thường xuyên rửa tay đúng cách và giãn cách xã hội. Ngược lại, anh bạn tôi cho rằng vì văn hoá và lịch sử nước Úc không có thói quen đeo khẩu trang, nên nếu chính phủ Úc ra lệnh bắt thực hiện hành vi này, người dân sẽ rất phẫn nộ, từ đó chống đối, không thực hiện cả việc rửa tay hay giãn cách xã hội. Anh phân tích, bối cảnh văn hóa đóng vai trò mấu chốt trong việc lên phương án phòng chống dịch: người dân Úc, vốn lớn lên và sinh sống trong môi trường dân chủ tự do, sẽ không dễ dàng chấp nhận các chính sách gò bó đến vậy. Nếu chính phủ Úc không thuyết phục người dân một cách hài hòa, anh so sánh việc yêu cầu toàn dân Úc đeo khẩu trang để chống dịch ngang với việc cấm toàn bộ xe ô tô vận chuyển trên đường để giảm ách tắc giao thông. Việc phải đeo khẩu trang đối với người dân Úc cũng cực đoan như việc trên đường phố không còn một chiếc xe ô tô nào nữa vậy: giải pháp này có thể mang lại hiệu quả lớn, nhưng sự gò bó thay đổi chính văn hóa và nhịp sống của xã hội là một đánh đổi không chấp nhận được. 

Tôi rất bất ngờ khi anh vẽ một bức tranh chân dung người dân Úc – các công dân của một xã hội dân chủ giàu có – nhuốm màu cực đoan. Cần nói thêm, anh bạn tôi là một giáo sư đại học ở Úc đã có thâm niên từng làm việc tại Việt Nam với các dự án cộng đồng, hoàn toàn không phải là một nhân vật thiếu trải nghiệm văn hóa hay bảo thủ thái quá. Có thể vì anh muốn bảo vệ luận điểm của mình nên đã vô ý quá lời, đơn giản hóa tâm lý người dân Úc cũng như văn hóa của nước Úc. Nhưng vấn đề cần thảo luận ở đây là luận điểm cho rằng người dân nước Úc rất cứng đầu và khăng khăng bảo vệ sự tự do sinh hoạt theo thói quen của họ, dù tình hình bệnh dịch của thế giới vào thời điểm chúng tôi tranh luận đang biến chuyển vô cùng khó lường. Và có gì đó mang tính phân biệt, trong việc anh ngầm ám chỉ rằng việc người dân các quốc gia châu Á tuân thủ việc đeo khẩu trang nghiêm ngặt phần lớn là do “bản tính tuân thủ” của xã hội Á Đông. 

Cuộc đối thoại có thể đi vào ngõ cụt, ngõ cụt này được xây lên do cách hiểu rất méo mó và bất di bất dịch về văn hóa: đây là cách chúng tôi đã sinh sống từ trước đến nay, nó ăn sâu vào suy nghĩ và thói quen của chúng tôi, và chúng tôi không cần phải thay đổi lối sống này chỉ vì ở các nơi khác người ta sinh hoạt khác. Nếu lối sống sẵn có ở nước bạn vô tình giúp xã hội của bạn chống dịch rất thành công, đấy là một may mắn ngẫu nhiên; sự may mắn của các bạn không phải là bài học cho chúng tôi, vì thì là rằng văn hóa mỗi nơi mỗi khác!

Khoa học vượt ra ngoài văn hóa và chính trị?

Việc vị giáo sư đại học ở Úc dùng ngay luận đề văn hóa để giải thích sự khác nhau giữa các hành động chống dịch ở mức độ cá nhân, cũng như sự thiết kế các chính sách chống dịch khác nhau, là rất đáng đem ra mổ xẻ ở đây. Suy cho cùng, nếu không có văn hóa làm chỗ dựa, chúng ta sẽ rất hoang mang trong việc tìm cơ sở để lý giải cho những gì chúng ta đang làm hoặc đang không làm. Một chính sách dựa trên chứng cứ và cơ sở khoa học sẽ chỉ thành công nếu được trình bày và lý giải theo cách phù hợp với văn hóa của quốc gia sở tại. Khoa học có văn hóa riêng của nó, nhưng hai từ khoa học và văn hóa ít khi nào đi đôi với nhau, mà có khi tranh luận về văn hóa đi vào bế tắc, người ta sẽ cầu cứu đến khoa học như là một vị thẩm phán công bằng và vô tư, phán xét sự thật dựa trên bằng chứng và nghiên cứu thực nghiệm gắt gao. Việc thừa nhận rằng khoa học cũng có luận lý văn hóa chính trị riêng tuy chính xác nhưng rất mạo hiểm: vì trước nay chúng ta cần một lĩnh vực đòi hỏi tính phản văn hoá và phản chính trị – chính là khoa học – để có thể đi đến tri thức chung mà không phải mắc vào chiếc bẫy bản chất hóa văn hóa và đặc tính con người. Đây là lí do mà các nhà khoa học chỉ trích rất kịch liệt việc chính trị hóa nghiên cứu khoa học: họ tin rằng khoa học “vượt lên” ngoài chính trị, và khoa học chính là cứu cánh cho những vấn đề to lớn nhất của nhân loại.


Tổng thống Mỹ Donald Trump là người phản đối việc đeo khẩu trang, ông vẫn không đeo khẩu trang trong bức ảnh ông làm việc với Thống đốc Jared Polis của Colorado vào hồi tháng 5 và hình ảnh của ông gây ảnh hưởng rất lớn – khiến nhiều người dân Mỹ không đeo khẩu trang. Chỉ vài ngày gần đây ông mới chịu đeo khi tình hình dịch bệnh leo thang ngày càng phức tạp. Nguồn ảnh: Nytimes.

Nhưng nếu thực sự khoa học chính là cứu cánh cho nhân loại, thì có lẽ không có lí do nào mà việc đeo khẩu trang lại không được tích hợp triệt để trong công tác chống dịch toàn cầu. Nghiên cứu đã ngày càng cho thấy rất rõ việc đeo khẩu trang, dù là khẩu trang vải, giúp bảo vệ bạn và mọi người xung quanh hiệu quả. Vậy mà trong cơn đại dịch nguy nan, vẫn có nhiều nơi khước từ việc làm này. Có lẽ đây chính là cốt lõi của vấn đề: khoa học dựa trên tiêu chuẩn đánh giá riêng (cuộc chiến về bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của việc đeo khẩu trang chống dịch là một chủ đề lớn khác mà tôi không tiện bàn luận chi tiết ở đây, tôi đã liệt kê một số bài báo khoa học liên quan bên dưới bài để tiện việc tham khảo), nhưng khoa học không thể nào vượt lên trên văn hóa và chính trị trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi công tác chống dịch lại là công tác của ngay hôm nay, ngay giờ phút này.

Thế là lại quay về chuyện văn hóa. Như đã bàn ở trên, chúng ta vừa có thể dùng văn hóa để giải thích sự khác nhau trong các chính sách chống dịch toàn cầu, và vừa có thể dùng văn hóa để biện luận cho sự khác nhau này. Văn hóa là một khái niệm kì diệu như thế – nó có thể được mang ra kéo giãn hoặc cho co lại tùy thích. Tuy việc thảo luận bằng cách lạm dụng khái niệm văn hóa theo kiểu “văn hóa của tôi khác văn hóa của anh” là bất cập nhưng nó mách ta biết niềm tin và suy nghĩ của mỗi cá nhân chúng ta đến từ đâu, và nó nhắc nhở chúng ta rằng sự khác biệt trong niềm tin và suy nghĩ của các cá nhân khác với chúng ta không phải là do họ hồ đồ vô cớ, mà phần lớn là do rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. 

Cái bẫy khư khư ôm lấy văn hóa của riêng mình

Thế nhưng sức mạnh tư duy của khái niệm văn hóa dừng lại ở đó. Trong một xã hội đa chủng tộc, việc khư khư nắm giữ văn hóa như một khái niệm bất di bất dịch không chỉ ngăn cản sự hòa nhập đồng điệu của nhiều sắc tộc mang trong mình nhiều văn hóa khác nhau, mà còn góp phần tái thiết lập hệ thống cấp bậc sắc tộc trong xã hội đó. Trước khi Trung Quốc ra cảnh báo chính thức đến các du học sinh Trung Quốc về việc xem xét lại kế hoạch du học ở Úc vào tháng 6 năm nay do lý do kì thị chủng tộc tăng cao tại Úc, thống kê của Liên minh người Úc gốc Á (Asian Australian Alliance) cho thấy trong vòng chỉ hai tuần trong tháng tư, tại Úc xảy ra 178 ca tấn công với động lực phân biệt chủng tộc lên người Úc gốc châu Á. Con số này tăng lên đến 386 vào đầu tháng 6/2020; thống kê này cũng nêu rõ 90% số tai nạn kì thị chủng tộc tại Úc là không được thống kê ghi nhận. Truyền thông Úc thường xuyên đưa tin các vụ tấn công phân biệt chủng tộc của người da trắng lên người châu Á; không ít các trường hợp này trực tiếp liên quan đến việc các sinh viên quốc tế châu Á tại Úc thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng để chống dịch. Không chỉ ở Úc, tại Mỹ có hơn 1000 trường hợp người châu Á bị tấn công, tại Anh, trong ba tháng đầu năm 2020, cảnh sát ghi nhận 267 trường hợp người châu Á bị tấn công. Cả ba quốc gia đề cập ở đây đều đa văn hóa, đa chủng tộc, có lượng dân đa số là người da trắng, và sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Tại Mỹ, người da trắng chiếm hơn 60% dân số; người Mỹ Latin chiếm hơn 18%, người da đen chiếm hơn 13%, người châu Á chiếm gần 6%, người bổn quốc chiếm chỉ hơn 1%. Tại Anh, người da trắng chiếm hơn 87%; người châu Á chiếm 7%, người da đen chiếm 3%, và các nhóm còn lại chiếm 3%. Tại Úc, một điều thú vị là thống kê dân số không sử dụng các nhóm sắc tộc như ở Anh và Mỹ, mà sử dụng quốc gia tổ tông làm nguồn gốc của công dân. Điều này khiến việc tính toán số liệu về sắc tộc không mang tính chính xác, do cách thống kê của Úc được thiết lập với tinh thần xóa bỏ các khái niệm về chủng tộc nhưng tạm ước tính dựa trên các số liệu thống kê về nguồn gốc công dân rằng hơn 75% dân số Úc là người da trắng, hơn 15% là người châu Á, dưới 3% là người bổn quốc, dưới 1% người da đen và dưới 1% người Mỹ Latin. 

Những người biểu tình không đeo khẩu trang đối diện với cảnh sát ở Michigan, Mỹ. Nguồn: CNN.

Như vậy, khi nói về văn hóa ở các quốc gia này, chúng ta cần phải nói về văn hóa ở số nhiều, và theo tỉ lệ: văn hóa người da trắng, văn hóa người da màu, văn hoá của số đông, văn hóa của thiểu số. Và về sắc tộc, văn hóa của số đông người da trắng tại các quốc gia này được nghiễm nhiên xem là văn hóa “chuẩn” và chủ đạo; các văn hóa thiểu số của người da màu xung quanh là các văn hóa cần phải thích nghi, hòa nhập, thay đổi, biến dạng, hòa tan. Sự khác biệt trong các hành vi chống dịch từ nhiều nhóm người khác nhau – được lý giải và biện luận bằng khái niệm văn hóa – chính là cái bẫy dẫn đến vòng xoay tái sản xuất cấp bậc sắc tộc, dù sắc tộc đó có được gọi tên hay không. Dù khoa học có đứng về hành vi của nhóm thiểu số, khoa học cũng không thể giải cứu họ ra khỏi sự phân biệt và tệ hơn là bạo lực từ các thành phần cực đoan trong nhóm đa số trong bối cảnh dịch bệnh. 

Bối rối giữa các yếu tố kinh tế chính trị 

Cần phải nói thêm, văn hóa và chủng tộc không phải là toàn bộ câu chuyện xung quanh việc khoa học và các sự thật do khoa học chứng minh có đến được gần gũi với người dân hay không. Sức khỏe cộng đồng là lĩnh vực luôn đi liền với các yếu tố chính trị không chỉ nội địa mà còn ở tầm quốc tế. Điển hình cho luận điểm này là việc tổ chức Y tế Thế giới WHO gửi ra các tín hiệu gây bối rối cho các quốc gia thành viên về việc liệu có cần áp dụng chính sách yêu cầu đeo khẩu trang không khi lúc đầu họ khuyến cáo rằng người dân không cần phải đeo khẩu trang nếu bản thân không có triệu chứng bệnh hoặc đang không phải chăm sóc cho người bệnh. Khi nhận chỉ trích từ nhiều phía về khuyến cáo kì lạ này, WHO chống chế rằng đeo khẩu trang sẽ tạo nên cảm giác an toàn ảo cho người đeo khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch khác, đồng thời quan ngại rằng sự ồ ạt mua khẩu trang của người dân sẽ tạo nên sự thiếu thốn trang thiết bị cần thiết cho các cán bộ y tế. Hai lý do này không hề liên quan đến cơ sở khoa học của hiệu quả trong việc đeo khẩu trang hay không; đây là hai lý do thuần túy mang tính kinh tế – xã  hội – chính trị. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc đeo khẩu trang sẽ dẫn đến việc lơ là rửa tay hay giãn cách xã hội, và việc thiếu thốn trang thiết bị y tế là vấn đề không thể được giải quyết bằng giải pháp bác bỏ việc sử dụng các trang thiết bị này. Sự thất bại của WHO trong việc đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, xác đáng và rõ ràng ngay từ đầu dịch đã ảnh hưởng đến việc nhiều quốc gia xem xét thiết kế chính sách phản ứng của mình.

Thế nhưng cũng trong bối cảnh mù mờ chính trị này, chính văn hóa và kinh nghiệm lịch sử là cứu cánh cho rất nhiều quốc gia. Việt Nam, tương tự với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Phi vốn đã có kinh nghiệm chống dịch SARS và Ebola, phản ứng nhanh và ngay lập tức thực hiện các quy cách chống dịch gắt gao, bao gồm cả việc quy định đeo khẩu trang nghiêm ngặt khi ra đường. Điều đáng bàn ở đây là, số ít các chuyên gia ở Anh và Mỹ ủng hộ việc đeo khẩu trang ngay từ những ngày đầu chống dịch liên tục nhấn mạnh rằng việc áp dụng giãn cách xã hội và khuyến nghị ho vào khuỷu tay là những phương pháp chống dịch được áp dụng và thực hiện rộng rãi dù không hề được đưa qua thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên – phương pháp thực nghiệm thường được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho nghiên cứu khoa học thực nghiệm. Chính vì vậy, việc lập luận rằng phải đợi bằng chứng khoa học theo đúng phương pháp thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên cho hiệu quả của việc đeo khẩu trang chống dịch là vô lý và mang tính định kiến. Có lẽ các nghiên cứu về nhân học sức khỏe trong tương lai nên đào sâu vào vấn đề này: điểm khác biệt nào giữa hành vi ho vào khuỷu tay và hành vi đeo khẩu trang khiến một hành vi được chấp nhận nhanh chống và rộng rãi, trong khi hành vi còn lại lại bị mang ra đặt thành vấn đề tranh cãi đến như vậy?

Từ đầu tháng 7, tình hình diễn biến dịch ở Úc lại rơi vào tình trạng xấu sau nhiều tháng quản lý rất hiệu quả. Tại tiểu bang Victoria, trước tình hình ca lây nhiễm tăng mạnh, kế hoạch phong tỏa chia theo mười hai mã vùng trong vòng hai tuần được thực hiện nhanh chóng. Anh bạn tôi nằm trong mã vùng bị phong tỏa triệt để; anh không được phép ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng. Tính tôi rất hay trêu bạn, nhưng lần này thì tôi không trêu; tôi hiểu sự thất vọng là rất thật khi việc quản lý dịch ở tiểu bang bị thất bại ngay vào lúc nước Úc đang chống dịch thành công. Chỉ sau một tuần, lệnh phong tỏa theo mã vùng được lan rộng ra thành phong tỏa toàn khu vực đô thị Melbourne, và biên giới giữa bang New South Wales và bang Victoria cũng bị đóng. Vào ngày 10/7/2020, tiểu bang Victoria khuyến nghị, nhưng không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường cho toàn bộ công dân. Theo lời bạn bè tôi ở Úc kể lại, khuyến nghị không gây ảnh hưởng gì đáng kể cho hành vi chống dịch của người dân: cảnh tượng người châu Á đeo khẩu trang đi lại giữa những người da trắng không đeo khẩu trang vẫn là quan cảnh thường ngày tại Melbourne tại thời điểm tháng 7/2020. Có lẽ anh bạn tôi đã đúng phần nào: phải chăng thực sự có điều gì đó ở văn hóa chủ đạo tại Úc khiến việc đeo khẩu trang không chỉ có vẻ thừa thãi – nó còn làm cho số đông cảm thấy bức bối khó chịu. Thế nhưng có lẽ còn quá sớm để tuyên bố rằng anh bạn tôi đã thật sự nắm bắt được nhịp thở của đời sống Úc, dù anh thật sự là công dân Úc “chính gốc”. Theo thống kê vào tháng 4/2020 của ĐH Oxford, Anh, số lượng người đeo khẩu trang chống dịch tăng vọt tại các nước châu Âu (với dân số người da trắng chiếm phần đông) khi chính quyền các nước này ra lệnh yêu cầu người dân tuân thủ quy định. Cụ thể, số người đeo khẩu trang tăng 84% ở Ý, 66% ở Mỹ, và 64% ở Tây Ban Nha – quốc gia mà tính đến tháng 6/2020, tỉ lệ người đeo khẩu trang tăng hơn 90%. Trong phát biểu chính thức từ ĐH Oxford, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây là kết quả của việc chính phủ các quốc gia này có phương án truyền đạt thông điệp sức khỏe cộng đồng rõ ràng và nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu cũng  trực tiếp bác bỏ nhận định thường được đưa ra ở Anh rằng vì nước Anh không có lịch sử và văn hóa đeo khẩu trang, việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang sẽ gây hại cho kinh tế nước Anh, do người dân sẽ ngừng đi mua sắm tại các cửa hàng. 

Có lẽ bài học mà chúng ta cần phải học đã từ rất lâu nhưng rất hay quên, đó là việc văn hóa là một hiện tượng sống. Văn hóa bất di bất dịch chỉ có thể tồn tại trong trí hình dung thiếu tính linh động và sáng tạo của những ai cho rằng con người không thể thay đổi, rằng xã hội không thể chuyển mình thích nghi theo những biến chuyển do chính các cá nhân trong xã hội mang lại. Tại Mỹ, mấy hôm nay Tổng thống Trump đã liên tục xuất hiện trên báo đài với chiếc khẩu trang in hình đại ấn quốc gia như đang gửi thông điệp thay đổi phương án chống dịch sau nhiều tháng không đeo khẩu trang khi xuất hiện ở trước công chúng. Ở Anh, Thủ tướng Borris Johnson đã ra lệnh bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi vào các cửa tiệm và đích thân đeo khẩu trang trên báo đài sau nhiều tháng chịu chỉ trích về phương án chống dịch kém hiệu quả; người dân Anh không tuân thủ có thể bị phạt 100 bảng Anh. Câu chuyện về chiếc khẩu trang chống dịch không phải đơn thuần là câu chuyện chiến thắng dù chậm nhưng hết sức khách quan và công bằng của một nền khoa học mang tính mục đích luận – một khoa học cứu cánh của nhân loại. □
—-
Tài liệu tham khảo:
Phát biểu chính thức của ĐH Oxford về việc ủng hộ chính sách đeo khẩu trang ở Anh: https://www.ox.ac.uk/news/science-blog/face-coverings-made-compulsory-after-oxford-covid-19-study-inspires-debate
Báo cáo khoa học của Royal Society và British Academy về chứng cứ khoa học cho việc đeo khẩu trang chống dịch và thông điệp gửi đến công chúng: https://royalsociety.org/-/media/policy/projects/set-c/set-c-facemasks.pdf?la=en-GB&hash=A22A87CB28F7D6AD9BD93BBCBFC2BB24
Tổng kết các nghiên cứu mới nhất về đeo khẩu trang chống dịch và phát biểu chính thức của CDC Hoa Kỳ: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/cloth-face-cover-guidance.html

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)