Từ Hà Giang tới Quảng Bình: Những tiếng chuông cảnh báo

Những chung cư nham nhở của đại công trường vỡ nợ 1.800 tỷ đồng ở Hà Giang chưa phai trong tâm trí người dân, nay lại tới Quảng Bình. Dải đất nghèo miền Trung hàng năm thu ngân sách địa phương chưa vượt quá 550 tỷ đồng, nay đã vay nợ ngân hàng trên 5.000 tỷ đồng. Trong số ấy, tổng số nợ xấu khó đòi đã tới mức báo động vượt qua con số 500 tỷ đồng. Nếu tách riêng số nợ dành cho 33 doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa; cứ 20 đồng cho DNNN vay, nay 5 đồng đã rất khó đòi. Những nguy cơ gì ẩn chứa sau mơ ước tăng trưởng GDP hai con số quá lệ thuộc vào vốn vay?


Một công ty có 57 tỷ đồng vốn hoạt động, thì 42 tỷ đã là vốn vay. Cùng chia số phận với 33 DNNN khác trên địa bàn tỉnh, Mía Đường Quảng Bình có vốn đầu tư 142 tỉ đồng, nay đã lỗ 136 tỷ; càng sản xuất, lưu kho, càng thêm lỗ. Nợ xấu gia tăng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tài chính của các ngân hàng cho vay; ngân hàng cho vay lâm bệnh thì người dân gửi tiền nháo nhác hành xử theo tâm lí đám đông, cả hệ thống tài chính quốc gia có nguy cơ liên lụy. Bởi vậy, từ Hà Giang tới nợ xấu ở Quảng Bình, cần báo động về trách nhiệm của các địa phương, ngân hàng thương mại quốc doanh cũng như các doanh nghiệp trong việc dễ dãi với từng đồng vốn vay.
Có được tự do từ chính sách tản quyền, các địa phương ganh đua từng đồng vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng; tỉnh nào cũng sân bay, bến cảng, xi măng lò đứng, mía đường, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản. Ra ngõ gặp công trình, 12.000 dự án đầu tư trải rộng như tấm màn thưa khó có thể tạo nên những ngành nghề mũi nhọn. Đó là chưa kể vô số dự án được thực hiện bởi những mục đích  chính trị nhiều hơn là lí do kinh tế; rót thêm 750 triệu USD tiền vay từ thị trường chứng khoán New York làm cho quy mô vốn đầu tư của TCT Đóng tàu Việt Nam Vinashin nở ra rất nhanh, nay đã bằng 3/4 hãng đóng tàu Hyundai, song năng lực quản lí và hiệu quả kinh tế còn rất nhiều điều quan ngại. Nếu David Dapice, giáo sư kinh tế của Harvard có lí, thì càng tăng đầu tư dàn trải, Việt Nam mỗi năm đã đánh mất ít nhất 1 tỷ USD. Đó là chưa kể các nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng cạn kiệt dần, môi trường sinh thái bị hủy hoại và cơ hội cạnh tranh của con cháu sẽ càng khó khăn hơn. Bởi vậy, nếu chỉ đo lường tăng trưởng bởi GDP, tỉnh nào cũng mời gọi đầu tư, song lãi mẹ đẻ lãi con, người cho vay có lợi còn ta nghèo vẫn hoàn nghèo.
Việc cho vay và sử dụng vốn vay dường như có phần dễ dãi ở Quảng Bình còn có một lí do khác. Trong 7 ngân hàng thương mại có hội sở ở địa phương thì 5 ngân hàng thuộc quốc doanh, khách hàng vay nợ cũng thường là doanh nghiệp quốc doanh. Dù sự can thiệp hành chính vào chính sách cho vay đã bớt phần lộ liễu, song không thể phủ nhận ảnh hưởng của chính quyền địa phương đối với việc cấp phát nguồn tín dụng này. Tín chấp là một công cụ quản lí rủi ro quen thuộc, song các ngân hàng ở Quảng Bình lại có thêm sáng kiến buộc các giám đốc doanh nghiệp mang nhà đất tư nhân thế chấp cho nợ của doanh nghiệp. Đây là một giải pháp tình thế cực chẳng đã, bởi nhà đất của một ông giám đốc thì có đáng kể gì với khoản vay hàng trăm tỷ đồng riêng của nhà máy mía đường. Hơn nữa, công ty là pháp nhân độc lập; bắt giám đốc thế nợ cho công ty thực ra đã cá thể hóa khoản nợ, làm cho công ty chỉ mang danh hữu hạn, chứ trách nhiệm dây dưa đến tất cả các thành viên liên đới.
Về lâu dài, phải tăng cường vai trò của ngân hàng trong quản trị rủi ro. Người cho vay phải được chủ động hơn khi đánh giá mức khả thi của dự án và quyền can thiệp vào quá trình sử dụng tiền vay. Nếu người vay vỡ nợ, ngân hàng phải dễ dàng thu hồi được các nguồn tài nguyên cấp cho dự án, phát mại chúng và thu hồi nợ đọng. Pháp luật đất đai và phục hồi theo luật phá sản phải nghiêng hẳn về bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ. Ách tắc trong phát mại tài sản thế chấp làm cho nợ xấu lan rộng và người thiệt hại cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Nợ khó đòi ở Quảng Bình lại gióng lên một hồi chuông nữa cảnh báo những giấc mơ tăng trưởng bề nổi, mà không tính đến hiệu quả và lợi ích lâu dài cho con cháu mai sau.


Phạm Duy Nghĩa

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)