Từ hành chính-sự nghiệp tới tập đoàn báo chí

Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã bàn tới vai trò của giới truyền thông trong quản trị quốc gia và nhu cầu thay đổi cách quản lý lĩnh vực này trong thời đại ngày nay.


Thế nào là truyền thông? Sau mỗi lần nhấp chuột là vô tận các trang tin điện tử và blog cá nhân nhấp nháy suốt ngày đêm. Cùng với báo hình, báo giấy, báo ảnh, đài phát và truyền thanh lan nhanh đến hương thôn, từ truyền tin một chiều, truyền thông đã trở thành một ngành dịch vụ thỏa cơn khát thông tin đa dạng của hàng triệu khách hàng. Hơn thế nữa, truyền thông còn là kênh dẫn chính quyền đối thoại với người dân, là dung môi nơi doanh nghiệp đối thoại với người tiêu dùng. Như dòng thác dư luận, truyền thông đã trở thành một quyền lực đầy sức mạnh trong xã hội đương đại.
Muốn khơi dậy, khuếch trương và cương tỏa quyền lực ấy vì lợi ích của nhân dân, báo chí trước hết phải được độc lập về tài chính, tự lo lấy kinh phí và chịu trách nhiệm trước bạn đọc về các thông tin của mình. Cạnh tranh để có được bạn đọc và các nguồn quảng cáo, trong một tương lai gần các tờ báo và hãng truyền thông phải được tổ chức như các công ty kinh doanh dịch vụ công, tách ra khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp. Nhằm định hướng và chi phối, Nhà nước có thể nắm giữ phần lớn cổ phần trong các tập đoàn truyền thông. Khi ấy không giản đơn chỉ là kênh tuyên truyền, giới truyền thông vì lợi ích của bạn đọc và khách hàng sẽ góp phần giám sát chính quyền; buộc nền hành chính phải cởi mở và chia sẻ thông tin.
Dù rằng vào chợ WTO, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường in ấn, phát hành sách báo và truyền thông, song muốn chống đỡ sự lấn lướt của các hãng truyền thông phương Tây không thể mãi hài lòng với che chắn thụ động. Truyền hình cáp, ăng-ten vệ tinh, Internet… đã mang cả thế giới đến với từng gia đình người Việt Nam. Song để có được nguồn tin trung thực cho lợi ích dân tộc, đã đến lúc phải chuẩn bị cho những tập đoàn truyền thông đủ mạnh của người Việt Nam.
Tách dần khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp, có vô vàn nguy cơ khác đẩy báo chí tới những cám dỗ của các nhóm lợi ích muốn thao túng truyền thông cho các lợi ích của riêng mình. Quyền lực báo chí đôi khi bị lạm dụng hoặc có thể gây hại cho trật tự công; một tiếng thét “cháy” giữa chợ đông người có thể gây lên hoảng loạn khôn lường. Người dân đổ xô rút tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng, nhà đầu tư tranh nhau bán mua chứng khoán đôi khi cũng chỉ bởi một nguồn tin; nếu nguồn tin ấy sai lệch thì tai hại đổ dồn lên dân chúng.
Đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp người làm báo bởi vậy phải gắn liền với sự tự do báo chí. Lại thêm một lí do nữa để tái định nghĩa vai trò của Nhà nước đối với giới truyền thông: thay vì quản lý báo chí như các đơn vị hành chính-sự nghiệp, Nhà nước phải thúc đẩy sự ra đời của các hiệp hội báo giới, khuyến khích các hiệp hội này bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp thẻ hành nghề và giám sát đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Tự do tìm tin vào bảo vệ nguồn tin là quyền của nhà báo, song quyền ấy đi liền với các trách nhiệm buộc nhà báo phải đền bù thiệt hại, bị rút thẻ hành nghề, thậm chí bị phạt tù nếu cố tình bóp méo sự thật hoặc đưa tin sai lạc vì những lợi ích tư./.


Phạm Duy Nghĩa

Tác giả