Tự tử và trách nhiệm của truyền thông

Cách đây chưa lâu, sự kiện ca sĩ Sơn Tùng M-TP bị phạt 70 triệu đồng và phải tiêu hủy toàn bộ bản ghi MV “There’s no one at all” đã gây ra khá nhiều tranh cãi cả trước và sau quyết định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Tuy số phận của MV này đã được xác định, câu chuyện này có thể vẫn chưa kết thúc, hay đúng hơn, đây là sự mở đầu tốt để người làm việc trong lĩnh vực truyền thông giải trí đưa những đánh giá thấu đáo hơn về vai trò của họ trước một vấn nạn đang gây nhức nhối trên toàn thế giới: tự tử.

Ảnh: self.com

Con số cập nhật nhất trên trang web của tổ chức y tế thế giới (6/2021) cho thấy mỗi ngày, có 700.000 người chết vì tự tử trên khắp toàn cầu, trong đó 77% số lượng tử vong vì tự tử nằm ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Đáng chú ý, tự tử là lý do lớn nhất gây ra tử vong ở độ tuổi từ 15-19. Những thông tin đáng giật mình này có lẽ khiến cho chúng ta phải tự hỏi điều gì khiến nhiều người lựa chọn tự kết thúc sinh mạng của họ đến vậy?

Có nhiều hơn một lý do đẩy con người đến quyết định bi kịch này. Đó có thể là hệ quả của các chứng bệnh tâm thần hoặc lạm dụng chất kích thích khiến một cá nhân không làm chủ được hành vi, hoặc không thể suy nghĩ thấu đáo. Đó có thể là phản ứng cực đoan trước biến cố bất hạnh của cuộc đời. Đó có thể là hành động của những người đã phải chịu sự bỏ bê, ngược đãi, hay bạo hành. Nhưng trong rất nhiều yếu tố có thể trực tiếp gây ra, hoặc gia tăng khả năng của hành động tự tử, không thể không kể đến sự tiếp xúc với các câu chuyện về tự tử trên truyền thông.

Trong vài thập kỉ qua, có không ít ví dụ cho thấy sau khi một ngôi sao tự kết thúc cuộc đời mình, một số người hâm mộ của họ cũng sẽ bắt chước làm theo. Một nghiên cứu của các giáo sư Đại học Yonsei, Hàn Quốc, thực hiện năm 2015 cho thấy cái chết do tự tử của những người nổi tiếng ở nước này gây tác động tiêu cực lên khán giả và gây gia tăng tỉ lệ tự tử trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở nhóm người có cùng độ tuổi và giới tính. Không chỉ thế, nhóm người còn có khả năng sẽ chọn kết thúc cuộc đời theo cùng một phương pháp với ngôi sao đó.

Chính vì thế, không ít nhà phê bình đã khẳng định rằng truyền thông phải nhận trách nhiệm trong việc gây ra nhiều vụ tự tử hơn trong xã hội. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “tự tử bắt chước” (copycat suicide) hay “hiệu ứng Werther”. Khái niệm hiệu ứng Werther được hình thành từ một sự kiện có thật trong lịch sử, đó là tỉ lệ tự tử của thanh niên Đức tăng đột biến sau khi cuốn sách của đại thi hào Goethe, “Nỗi buồn của chàng Werther”, xuất bản.

Nhiều nghiên cứu ở nhiều quốc gia chỉ ra rằng việc đọc hoặc xem các tin tức về cái chết do tự tử sẽ tăng khả năng thực hiện hành vi tự tử ở các nhóm vốn đã sẵn nguy cơ. Trong thời đại bùng nổ của truyền thông, khi các cá nhân có khả năng tình cờ nhìn thấy các tin tức như vậy trên báo chí chính thống hay mạng xã hội nhiều hơn, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn nữa.

Với các bậc phụ huynh, hiện tượng này có thể là một cơn ác mộng. Ở độ tuổi mới lớn, khi băn khoăn, bất an là cảm giác thường trực của con trẻ, khi sự hâm mộ cuồng nhiệt đôi khi có phần thái quá một thần tượng trở thành một phần của đời sống tâm lý lứa tuổi, trẻ vị thành niên là đối tượng dễ bị các tin tức tiêu cực này tác động hơn cả. Đó chính là lý do mà nhà sản xuất loạt phim nhắm đến khán giả mới lớn 13 Reasons Why (13 lý do tại sao) đã phải cắt bớt đi hơn 10 phút phim miêu tả cảnh tự tử của nhân vật chính sau khi nhận được sự chỉ trích gay gắt từ khán giả.

Nhưng, nếu quả thực là như thế, liệu có phải cứ cấm truyền thông đưa tin về các vụ tự tử đi là xong? Sự thật phức tạp hơn thế nhiều. Truyền thông, trên thực tế, có thể tạo ra những thay đổi tích cực.

Một trong những vai trò của truyền thông, bên cạnh việc đưa tin, là có thể bình thường hóa những vấn đề vẫn bị coi là những cấm kị trong xã hội. Tự tử có thể là một hành động cực đoan, nhưng nó chỉ là bề nổi của rất nhiều vấn đề khác vốn vẫn chịu sự kỳ thị xã hội như bệnh tâm thần, hay chưa được quan tâm thỏa đáng như bạo hành gia đình hay học đường. Việc xuất hiện những sản phẩm truyền thông bàn sâu hơn về những sự kiện, diễn tiến trước hành động tự tử của một cá nhân sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về các nguyên nhân của lựa chọn này. Những người đang phải sống chung với các chứng bệnh tâm thần và hoàn cảnh bất hạnh có thể có được an ủi khi thấy những vấn đề mình phải đối mặt được nhìn nhận, thấy hiểu. Và có thể nhờ vậy họ sẽ dám lên tiếng để tìm sự giúp đỡ.

Bản thân hành động tự tử cũng là đối tượng của sự kì thị hoặc bị coi là nỗi ô nhục của gia đình, người thân. Người tự tử cũng thường bị coi là những người ích kỷ, kém cỏi, thất bại. Truyền thông, bao gồm cả báo chí và truyền thông giải trí, sáng tạo, đều góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề này, thúc đẩy khán giả tìm hiểu sâu hơn về những yếu tố là nguyên nhân hoặc làm gia tăng nguy cơ tự tử. Truyền thông giúp có người ý định chọn tự tử là lối thoát nhận được cái nhìn cảm thông hơn, và cũng giúp các gia đình đã từng phải đối mặt với nó, hoặc đang phải chăm sóc một người có ý định tự tử vượt qua nỗi sợ thành kiến xã hội.

Không chỉ vậy, các tổ chức hoạt động nhằm giảm bớt tỉ lệ tự tử thường nhắc đến hiệu ứng Pagageno. Khái niệm này được lấy cảm hứng từ câu chuyện của chàng Pagageno – một nhân vật trong vở opera Cây sáo thần của nhạc sĩ Mozart. Trong vở opera, Pagageno mất đi tình yêu và tưởng rằng chết là cách duy nhất giúp chàng giải thoát bản thân khỏi nỗi đau. Tuy nhiên, đã có ba nhân vật khác xuất hiện và chỉ cho chàng những cách giải quyết khác, giúp chàng vượt qua cảm xúc tuyệt vọng và tìm lại khao khát sống. Các chuyên gia cho rằng, truyền thông có thể chính là một nhân vật cứu rỗi như vậy. Họ có thể mang đến cho những người trên bờ tuyệt vọng cơ hội nhìn nhận lại hoàn cảnh, cân nhắc các lựa chọn và chọn vượt qua nỗi đau khổ bằng cách tiếp tục sống.

Câu hỏi lớn nhất ở đây là? Vậy thì làm sao để biết được truyền thông có thể gây ra hệ quả nào khi họ bàn về tự tử. Trên thực tế, các chính phủ, tổ chức, hiệp hội truyền thông trên khắp thế giới đã bàn về vấn đề này nhiều năm trước. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã xuất bản một cuốn cẩm nang cho những người làm việc trong mảng truyền thông nghe nhìn để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực và thúc đẩy tác động tích cực lên khán giả khi bàn về tự tử.

Lời khuyên của các chuyên gia WHO nhấn mạnh vào yếu tố nhận thức và trách nhiệm của người viết. Cụ thể, để có thể góp phần cải thiện vấn nạn này, những người hoạt động lĩnh vực truyền thông cần đảm bảo cung cấp thông tin chính xác về những tổ chức, địa điểm có thể hỗ trợ người có nguy cơ tự tử cao, giáo dục khán giả về những vấn đề liên quan đến tự tử và cách phòng tránh, đưa ra những lời khuyên và giải pháp để đối mặt với biến động của cuộc sống. Bên cạnh đó, khi đưa tin hay bàn luận về những ca tự tử cụ thể, cần cân nhắc sử dụng từ ngữ thích hợp để tránh lãng mạn hay bình thường hóa hành động này, tránh đưa lại hình ảnh, đoạn phim của sự việc, và không dùng từ khóa tự tử với diễn đạt giật gân, tránh miêu tả phương pháp hay địa điểm. Khi nói về các vụ tự tử, tác giả của sản phẩm truyền thông cũng cần có trách nhiệm đưa ra những giải pháp tích cực hơn. Bên cạnh đó, họ cũng nên ý thức rằng chính họ, những người đưa tin hay sáng tạo nội dung liên quan đến tự tử cũng có thể bị tác động vì vấn đề này.

Nói một cách ngắn gọn, truyền thông đúng là có trách nhiệm với vấn đề tự tử. Cái chính là từng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, những tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội và cả hệ thống luật pháp quốc gia cho thấy họ đang nỗ lực về điều gì. Câu chuyện của Sơn Tùng M-TP và video của anh có thể sẽ có lúc rơi vào quên lãng, nhưng mỗi ngày, truyền thông Việt Nam vẫn sẽ bàn về tự tử, hoặc trong đời thật, hoặc trong thế giới hư cấu theo các cách khác nhau. Liệu có phải đã đến lúc chúng ta cần phải có một cuốn cẩm nang hoặc có thể là bộ nguyên tắc chi tiết về cho người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở nước mình.□

——–

Tác giả: Giảng viên ngành Quan hệ Công chúng – Quản trị Công nghệ Truyền thông, Đại học Hoa Sen.

Tác giả