Tụt hậu và phát triển

Cách đây 10 năm, chúng ta nói: Việt Nam đang bị tụt hậu so với thế giới. Đây là nguy cơ lớn nhất, cũng là thách thức lớn nhất. Nhờ nhận thức đó, chúng ta đã xác lập được một quyết tâm thực tiễn: phải thoát khỏi tụt hậu. Cách đây 5 năm, chúng ta lại nói: không chỉ tụt hậu, Việt Nam đang bị tụt hậu xa hơn. Và đây mới đích thực là nguy cơ lớn nhất. Nhận thức được điều này cũng là một bước tiến quan trọng của tư duy. Vì mấy lẽ. Một, nó xác định chính xác hơn tọa độ phát triển của Việt Nam trong không gian phát triển toàn cầu hiện đại. Hai, nó cảnh báo tính chất khốc liệt của tình thế mà chúng ta có thể lâm vào: khả năng dân tộc Việt Nam “bị đặt ra bên lề sự phát triển của thế giới”1. Ba, nó xác định rõ yêu cầu: để thoát khỏi tụt hậu, trước tiên, phải chặn được xu thế tụt hậu xa hơn. Quyết tâm phát triển của Việt Nam, vì thế, phải tăng gấp bội, phải ngàn lần “cao hơn núi”.

Tình thế cuộc đua tranh phát triển của Việt Nam.
Thế giới đang trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Nguyên lý phát triển đang thay đổi căn bản. Còn tốc độ biến đổi cao và ngày càng cao đang trở thành một thuộc tính phát triển cơ bản của mọi quá trình. Đối với một nước đi sau (như Việt Nam), do tiềm lực yếu, quen với sự thong thả và chậm chạp, việc nhập cuộc vào thế giới đó, đua tranh với nó một cách “bình đẳng” quả thực giống như một nhiệm vụ “bất khả thi”.
Nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới nghĩa là Việt Nam phải thực hiện bước chuyển kép chưa từng có trong lịch sử: vượt bỏ nền kinh tế nông dân cổ truyền, đồng thời, phải xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chuyển lên nền công nghiệp đại cơ khí và phát triển kinh tế thị trường, tháo dỡ các rào cản tự cấp tự túc để mở cửa và hội nhập vào thế giới. Đó là những nhiệm vụ “động trời”, mang tầm lịch sử – thời đại. Nhưng vẫn chưa hết. Để thoát khỏi tụt hậu và tiến kịp thế giới, Việt Nam còn phải đi ngay vào phát triển kinh tế tri thức, tức là phải thực hiện ngay cú nhảy “vượt thời đại”.

Đi thẳng vào hiện đại nghĩa là gì?
Là từ một điểm xuất phát thấp, chủ động tích cực tham gia ngay từ đầu vào quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức, là đặt mục tiêu xây dựng một cơ cấu kinh tế hiện đại bằng cách bỏ qua nhiều khâu, nhiều bước đi mà thế giới đã vượt qua. Đó chính là cách mà Hàn Quốc, Malaysia và một số nền kinh tế khác đã thực hiện thành công: rút ngắn quá trình công nghiệp hóa để bước nhanh sang công nghệ hiện đại. Nhanh đến mức mà J. Naisbitt, nhà tương lai học nổi tiếng người Mỹ phải thốt lên rằng có vẻ như các nước này bỏ qua công nghiệp hóa.
 


 

Đi thẳng vào hiện đại cũng có nghĩa là đồng thời với các quá trình kinh tế đó, phải hình thành và phát triển đồng bộ một xã hội dân chủ, văn minh, mở cửa, của con người, vì con người và do con người.
Thành tựu 20 năm qua, đã chứng tỏ sự lựa chọn là đúng đắn về nguyên tắc phương hướng phát triển của Việt Nam. Nhưng khi nhìn lại để đi tới, cần nhận thấy rằng, quá trình phát triển của chúng ta còn bị “lệch”: nặng về kinh tế, nhẹ về chính trị – xã hội; trong kinh tế lại thiên về công nghiệp hóa trong khi nội dung hiện đại hóa vẫn chưa được đặt đúng tầm. Chính đây là một trong những nguyên nhân căn bản giải thích tính chưa vững chắc của quá trình tăng trưởng, giải thích xu hướng tụt hậu xa hơn chưa phanh hãm lại được của nền kinh tế trong những năm qua2.
Tại thời điểm hiện nay, khi đất nước đang bước vào một giai đoạn hội nhập sâu và toàn diện vào hệ thống kinh tế thế giới và khu vực, thêm một lần, chúng ta phải suy ngẫm lại chân lý: cái đã từng đúng không chắc sẽ tiếp tục đúng. Đổi mới cần được tiếp tục đẩy mạnh chính là hiểu theo nghĩa đó. Và một chiến lược khôn ngoan phải là: Tiến hành công nghiệp hóa hướng tới kinh tế tri thức, dựa vào tri thức và vào hội nhập quốc tế; coi rượt đuổi tri thức và tiến kịp công nghệ là nội dung chủ chốt của toàn bộ nỗ lực đua tranh phát triển của dân tộc.

Cần chuẩn bị gì cho một cuộc chạy đua, vừa là maraton, vừa là đua tốc độ ngắn hạn?
Chắc chắn là cần chuẩn bị nhiều thứ. Ở đây, chỉ xin nêu vài thứ “hành lý” được coi là cơ bản.
Trước hết, phải chuẩn bị một ý chí phát triển và một tầm nhìn xa. Hãy nhìn lại Đông Á với các ví dụ thực tiễn – Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia và gần đây nhất là Trung Quốc, để nhận thức đầy đủ ý nghĩa quyết định của luận đề nói trên. Tất cả các quốc gia đó, không có ngoại lệ, đã nỗ lực “tiến kịp” bằng sự cắn răng vượt khó của người dân và tính kỷ luật sắt thép của xã hội, cộng vào đó, một bộ máy lãnh đạo quốc gia nhìn xa trông rộng (để biết đi tắt và biết vượt bỏ), toàn tâm toàn ý cho công cuộc phục hưng đất nước. Và họ đã thành công.
Thứ đến, một chiến lược phát triển thông minh. Để thành công với chiến lược phát triển “rút ngắn”, “tiến kịp”, cần có một chiến lược phát triển đặc biệt khôn ngoan. Chiến lược đó phải có tầm nhìn vượt xa thực trạng đất nước, phải bao quát được xu thế và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đang biến động rất nhanh và đầy bất thường. Chiến lược đó phải bảo đảm cho nền kinh tế tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh quốc tế với những đối thủ cạnh tranh mạnh hơn gấp bội và ngày càng khốc liệt.
Thực chất của chiến lược đó, đối với một nước nghèo đi sau, không có gì khác hơn là i) có một định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thế giới hiện đại (mà xu thế chủ đạo hiện nay là toàn cầu hóa và kinh tế tri thức); ii) có khả năng tận dụng được thời cơ và lợi thế phát triển mà thời đại dành cho các nước đi sau (lớn nhất là thời cơ đi ngay vào hiện đại, đi ngay vào công nghệ cao như mô hình Bangalore của Ấn Độ); iii) kết được mọi nguồn sức mạnh – tư nhân và nhà nước, nội lực và ngoại lực, lịch sử và hiện đại – thành một khối thống nhất, cùng hướng tới một mục tiêu duy nhất: đưa Việt Nam tiến kịp thế giới.
Yêu cầu này đòi hỏi không được tạo ra và duy trì một hệ thống thể chế kỳ thị, phân biệt đối xử các nguồn lực và các chủ thể phát triển.

Nguồn nhân lực cho phát triển.
Trong thời đại ngày nay, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển nền kinh tế lên hiện đại. 
Để đi thẳng vào hiện đại và phát triển kinh tế tri thức, vấn đề mấu chốt đặt ra cho một nước đi sau là: đào tạo thế nào để nhanh chóng có lực lượng trí thức đủ mạnh và thực sự hữu dụng cho một chiến lược phát triển rút ngắn?

 Không phải tất cả các nước đi sau đều có thể rút ngắn quá trình phát triển. Ngược lại, đa số đã thất bại, ít nhất là cho đến ngày hôm nay. Chỉ có một số ít nền kinh tế Đông Á và vài nền kinh tế Nam Mỹ là thành công trong nỗ lực phát triển rút ngắn của mình. Nói như vậy để thấy rằng chỉ có mong muốn và quyết tâm phát triển không thôi thì chưa đủ. Thậm chí, nếu chỉ có vậy thì đất nước càng dễ rơi vào thảm họa, kiểu như “đại nhảy vọt”. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ – hai nền kinh tế đang phát triển khổng lồ – đang bộc lộ rất rõ ý chí, năng lực và sự khôn ngoan trong việc lựa chọn cách thức phát triển theo lối đi nhanh vào hiện đại. Và cho đến nay, họ đang thực sự gặt hái những thành công. Sự trỗi dậy của hai nền kinh tế này không chỉ làm nghiêng lệch các cán cân phát triển vốn có của thế giới. Hơn thế, bằng tốc độ đi vào hiện đại rất nhanh, họ đang đe dọa vị thế của các nền kinh tế phát triển cao.
Một trong những kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực cao cấp điển hình ở các nước đi sau thành công trong nỗ lực đuổi kịp là ngay từ đầu và không hạn chế, thậm chí tạo mọi điều kiện để khuyến khích thanh niên đi du học nước ngoài, nhất là ở các trung tâm khoa học – công nghệ hàng đầu thế giới. Mỹ, Anh, Đức là những địa chỉ đó. Lực lượng trí thức được đào tạo ở các trung tâm này, khi trở về nước, sẽ đóng vai trò là lực lượng chủ chốt trong quá trình phát triển kinh tế và khoa học – công nghệ. Họ cũng sẽ là hạt nhân xây dựng nền đại học quốc gia đạt “đẳng cấp quốc tế”. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ đều hành động như vậy. Và họ đã thành công, ít nhất là “về cơ bản”. Việt Nam chúng ta cũng có định hướng này nhưng chưa biến nó thành một chiến lược xuyên suốt, có tầm vóc và một quyết tâm hành động quốc gia thống nhất và mạnh mẽ.
Một yếu tố cản trở quá trình này chính là thái độ đối với vấn đề “chảy máu chất xám” (brain drain). Nhưng xử lý vấn đề thế nào – bằng cách ngăn cấm, hạn chế thanh niên du học hay mở rộng cơ hội du học nước ngoài, đồng thời, tìm cách nâng cao sức hút quốc gia để lôi kéo họ trở về? Trả lời câu hỏi này, có hai bài học đáng lưu tâm.
Bài học thứ nhất: Thái độ đối với người du học. Suốt trong một thời gian dài, Trung Quốc coi những thanh niên du học không quay về nước là kẻ phản bội Tổ quốc. Chính phủ tìm cách hạn chế dòng học sinh du học. Kết cục là số người du học ít, tỷ lệ người trở về nước thấp. Nhưng từ nửa sau thập niên 1990, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình thực thi chính sách khuyến khích du học nước ngoài, đặc biệt là vào Mỹ, Anh, Đức, coi những người du học chưa về nước sau khi tốt nghiệp vẫn là người Trung Hoa yêu nước, đồng thời, tạo mọi điều kiện để hấp dẫn họ trở về (chủ yếu bằng việc cải thiện môi trường chính trị – kinh tế – xã hội trong nước, mở rộng cơ hội việc làm, tăng chế độ đãi ngộ và nâng cấp điều kiện làm việc…). Kết quả đảo ngược nhanh chóng: Số người du học tăng lên, hàng năm đạt 60-70.000 người. Tỷ lệ người về nước từ mức 20-30% trong thập niên 1980 nay lên tới 60-70%. Nhiều người thành đạt ở Mỹ và Châu Âu trong tư cách nhà khoa học hay doanh nhân lần lượt trở về Trung Quốc lập nghiệp. Và họ đã góp phần xứng đáng vào sự trỗi dậy kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc gần đây.
Bài học thứ hai: áp dụng chính sách chưa buộc người du học trở về nước ngay sau khi tốt nghiệp. Trong thập niên 1980-1990,  hàng ngàn nhà khoa học và kỹ sư gốc Châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, Ấn Độ) từng làm việc trong các trung tâm nghiên cứu và ngành công nghiệp thông tin của Mỹ lũ lượt hồi hương, đến mức một số người Mỹ lo ngại rằng sự dịch chuyển brain drain về Châu Á có thể làm chuyển dịch vị trí tiên phong về công nghệ của Mỹ sang Châu Á. Và giờ đây, người ta chợt nhận ra rằng việc những người du học tiếp tục tu nghiệp ở các trung tâm kinh tế và khoa học – công nghệ của thế giới thêm một thời gian và chỉ thu hút họ trở về nước ồ ạt khi điều kiện phát triển các ngành công nghiệp – công nghệ cao trong nước đã chín muồi cùng với các cơ hội mở rộng cho cá nhân họ là một chiến lược khôn ngoan. Việc ở lại thêm một thời gian đối với lực lượng tinh hoa này là vô cùng có giá trị vì nó cho phép họ tiến xa hơn vào các tri thức đỉnh cao, học hỏi thêm cách tổ chức hoạt động kinh tế tri thức và kinh doanh trong điều kiện toàn cầu hóa. Với tri thức đó, khi trở về nước, họ đã là những người có kinh nghiệm trong việc tổ chức công cuộc phát triển hiện đại ở đất nước mình.

Với nguồn tiềm năng trí tuệ to lớn và tình yêu Tổ quốc bao la trong mỗi người dân, chúng ta có dư địa thênh thang để chiến lược đó phát huy tác dụng, trở thành một lực đẩy mạnh mẽ bậc nhất cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam tiến kịp thời đại và “sánh vai” cùng nhân loại.

 ——–

 

[1] Cách diễn đạt của UNDP (Báo cáo Phát triển Con người 1999) về nguy cơ các nước đi sau không nhập cuộc được vào quỹ đạo phát triển toàn cầu và vì thế, đánh mất triển vọng phát triển của mình.

2 Ngoài khoảng cách chênh lệch thu nhập so với các nước đi trước đang doãng ra, sự tụt hậu xa hơn còn thể hiện ở mức độ cải thiện chậm chạp chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng trưởng quốc gia 2 năm gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam bị tụt 21 bậc. Tuy mức tụt 21 bậc có thể không phản ánh chính xác thực tế, nhưng dù sao, đây cũng là một cảnh báo cần được lưu ý nghiêm túc. 

  Trần Đình Thiên

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)