Vài lý do khiến Bill Gates tới Việt Nam

Không ít người mạnh dạn tuyên bố hoặc thầm nghĩ rằng Bill Gates sang Việt Nam (VN) là để đạt được một thỏa thuận về bản quyền như họ đã làm với Trung Quốc (TQ), hay để bán cho Bộ Tài chính một ít bản quyền phần mềm. Nhưng khi nghĩ vậy họ đã bỏ sót một vài yếu tố quan trọng sau:

Doanh số bản quyền phần mềm của Microsoft tại VN trong một năm chưa bằng doanh số một ngày của họ tại Nhật Bản. Đối với Bill Gates, thời gian là tiền bạc, người ta từng tính rằng nếu Bill Gates cúi xuống nhặt tờ 100$ rơi trên đường thì thời gian lãng phí đó còn giá trị gấp nhiều 100 $. Vậy mà lần này ông bỏ ra gần hai ngày cho VN! Đi cùng Bill Gates không chỉ một mình ông, mà là cả một đoàn người chuẩn bị, hộ tống và bao nhiêu trang thiết bị với khoản chi phí tính ra có thể vượt xa doanh số của Microsoft tại VN. Nói tóm lại, Bill Gates sang VN không phải vì lý do kinh tế ngắn hạn hay trung hạn.

Việt Nam không thể so sánh với TQ về quy mô thị trường, hay mức độ trưởng thành về vấn đề bản quyền phần mềm. Nền kinh tế TQ đã lớn tới mức họ sẽ trở thành một nguồn thu đáng kể cho Microsoft trong hiện tại và nguồn thu này sẽ còn tăng dữ dội trong nhiều năm tới. Nền kinh tế TQ đã phát triển tới mức chi phí cho bản quyền phần mềm không còn là quá lớn đối với họ và vấn đề bản quyền nếu không được cải thiện sẽ tác động có hại tới môi trường kinh tế, cản trở sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm của chính họ. Nói cách khác, khi Bill Gates gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì Microsoft đã đạt được các lợi ích kinh tế ngay trước mắt, trong ngắn hạn, cũng như trong dài hạn. Nhưng VN thì không, VN là con cá nhỏ tới mức có bắt lên được người ta cũng sẽ vứt lại xuống hồ chờ nó lớn lên.
 

Chuẩn bị giao lưu với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội

Như nhiều nhà chiến lược về công nghệ thông tin (ICT) đã nhận định, việc vi phạm bản quyền phần mềm lại là vũ khí tốt nhất của Microsoft chống lại các đối thủ mã nguồn mở (open source). Gây áp lực quá mạnh trong việc tuân thủ bản quyền sẽ khiến cho người sử dụng và các lập trình viên VN, vốn không thể chi trả nổi các khoản phí mua bản quyền, sẽ buộc phải chuyển sang các nền tảng (platform) mã nguồn mở. Kết quả là Microsoft không nhận được gì mà sẽ tự tạo cho mình một đội ngũ đối thủ hùng hậu. Một khi các lập trình viên và người sử dụng còn có thể vi phạm bản quyền phần mềm thì sẽ không có lý do kinh tế gì để họ sử dụng các sản phẩm open source vốn bị coi là kém chất lượng hơn. Điều này Microsoft hiểu, vì họ đã trải nghiệm tại các thị trường TQ, Ấn Độ, Mỹ la tinh. Chiến lược của họ không phải là gây áp lực tuyệt đối lên vấn đề bản quyền, mà quản lý nó một cách thận trọng, để vừa có thể thu phí bản quyền từ những người nghiêm túc và có tiền, vừa không tạo ra một đội ngũ đối địch, vừa khiến platform của Microsoft trở thành con ngựa thành Tơ roa xâm nhập sâu vào và tạo ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ICT VN.

Nhưng tại sao Bill Gates tới VN? Bên cạnh các lý do làm từ thiện, tò mò hay tham quan, dứt khoát phải còn các lý do khác về lợi ích. Sau đây có thể là một vài lý do:

a. Microsoft và Intel thật sự cho rằng VN có tiềm năng để trở thành một Ấn Độ mới trên hai phương diện nguồn lực, outsource, và thị trường tiêu thụ ICT. Không phải là tình cờ khi mà cả Intel lẫn Microsoft đều đến VN. Bộ đôi công ty đầu tầu này, vốn được gọi là cặp Wintel, đã cùng nhau thay đổi bộ mặt nền công nghiệp ICT của Mỹ, và một khi họ nhìn vào đâu, cả ngành công nghiệp ICT sẽ phải nhìn theo, họ đi tới đâu cả ngành sẽ phải đi theo. Lần này họ cùng tới VN, nhiều khả năng là họ tới để tạo sự quan tâm về nó, thúc đẩy nó và tìm cơ hội để biến nó thành một cường quốc thật sự về ICT.

b. Microsoft là một công ty marketing, họ không quan tâm nhiều tới việc tự bán sản phẩm, đối tác làm hộ họ điều này. Trọng tâm của họ luôn là xây dựng thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm tốt và vị thế thị trường. Khi hôm nay chúng ta biết tới một thương hiệu thì 10 năm, 20 năm sau chúng ta vẫn còn nhớ đến nó với một ấn tượng hầu như không thay đổi. Lần đến VN này của Bill Gates là một cơ hội cho Microsoft trong việc xây dựng hình ảnh không phai mờ về công ty này và sản phẩm của nó trong lòng người Việt. Tất cả giới lãnh đạo cao cấp nhà nước, tất cả các công ty hàng đầu, toàn bộ giới trí thức, toàn bộ sinh viên VN, phương tiện thông tin đại chúng và thậm chí cả nông dân đều hướng về Bill Gates và Microsoft. Bill Gates tới VN, đi theo ông là việc Microsoft xâm nhập vào lòng người Việt; dù bận rộn là vậy ông vẫn không quên giới thiệu bộ ba sản phẩm chính Windows, Microsoft Office và Internet Explorer, kết quả là bây giờ mọi người Việt chúng ta sẽ đều ghi nhớ chúng và 10 năm sau khi có đủ tiền chúng ta sẽ mua chúng.
c. Bill Gates đến với VN là một bài makerting điển hình. Khi một ngôi sao xuất hiện trước công chúng, những thứ xuất hiện cùng anh ta sẽ được quảng cáo. Bill Gates là ngôi sao, Microsoft và sản phẩm của họ là những thứ xuất hiện cùng ông. Một vấn đề quan trọng khác, trong kỷ nguyên internet 2.0, ai làm chủ internet người đó thống trị thế giới. Tại Mỹ và nhiều quốc gia, thương hiệu Microsoft đang suy yếu, thay vào đó Google đang là tâm điểm của báo chí và truyền thông. Để đảo ngược xu hướng này thì một quốc gia nhỏ chưa phát triển như VN cũng có thể là quân cờ chiến lược. Chuyến đi này của Bill Gates tới VN, vô tình hay hữu ý, đã giúp Microsoft có được lợi thế người đi đầu, chiếm địa vị duy nhất trong lòng hàng chục triệu người sắp hòa nhập vào kỷ nguyên Internet. Bản quyền cũng là câu chuyện của 10 năm. Lần này Bill Gates không cố ép chúng ta hai chữ “bản quyền”, điều Microsoft muốn là gieo được hai chữ “bản quyền” vào lòng người VN, họ chuẩn bị sẵn sàng nó cho cái ngày VN trưởng thành về mặt bản quyền như TQ ngày hôm nay.

Hãy nhớ rằng Bill Gates đến VN không phải để bán sản phẩm, ông đến để chuẩn bị cho việc làm ăn vào nhiều năm sau này. Bill Gates và Microsoft thành tâm muốn VN phát triển, vì nếu VN không phát triển thì chuyến đi này của ông là một sự lãng phí lớn.

Bill Gates đến VN, mang theo thông điệp của một cơ hội mới, vấn đề còn lại nằm ở chúng ta. Việt Nam mong muốn nắm lấy cơ hội này, nhưng liệu chúng ta có nắm được hay không? Hay lại để nó trôi đi như bao lần trước. Điều này phụ thuộc nhiều vào kiến thức và trình độ của các nhà quản lý vĩ mô.

Tân Ng
Nguồn tin: http://space.msn.com/tanNg

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)