Văn hóa nhận trách nhiệm

Có thể chỉ do trùng hợp ngẫu nhiên, mà cũng có thể theo đúng quy luật ngặt nghèo, nhiều (quá nhiều) sự kiện xảy ra, đồng loạt hoặc liên tiếp trong năm, làm lộ rõ những sai sót, yếu kém của bộ máy quản lý, điều hành.

Báo chí đã có dịp đưa tin, bình luận về những vụ nổi cộm: dự báo sai về tình hình cung cầu lương thực dẫn đến quyết định bất hợp lý về xuất khẩu gạo; dự báo sai về tình hình thời tiết, dẫn đến sự bị động trong việc ứng phó với đợt mưa lũ lịch sử tại Hà Nội; chuyện vi phạm pháp luật môi trường rành rành và kéo dài của các doanh nghiệp lớn như Huyndai Vinashin, Vedan, Hào Dương, Miwon,…, đến khi bị phát hiện thì việc chế tài chẳng đi đến đâu và cũng chẳng thấm vào đâu, dù các phương tiện truyền thông và người dân đã tạo sức ép rất dữ dội và quyết liệt đối với bộ máy bảo đảm thực thi pháp luật.    

Bức xúc vì thiệt hại gây ra cho xã hội quá nặng nề trong khi sự trừng phạt không hề có hoặc không cân xứng, dư luận, thông qua nhiều diễn đàn, đòi hỏi giải quyết thấu đáo vấn đề trách nhiệm của những người giữ vị trí lãnh đạo, then chốt ở các cơ quan, thiết chế được giao chức năng công trong các lĩnh vực.        

Ai cũng hiểu rằng trách nhiệm, một khi được quy kết cho người nắm một chức vụ công, trở thành căn cứ để áp dụng chế tài pháp lý; việc chế tài, về phần mình, thường ảnh hưởng bất lợi ít nhiều đến sự thăng tiến và cả việc nắm giữ chức vụ đang có. Chức càng cao, quyền càng to, thì tầm ảnh hưởng của công việc thực hiện càng rộng, sâu, do đó, trách nhiệm càng lớn và chế tài tương ứng cũng nặng nề.

Trong nhiều trường hợp, được ghi nhận chủ yếu ở các nước chậm tiến, những người nắm quyền lực công mà làm bậy đến mức không né tránh được trách nhiệm, thường tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của chế tài đối với mình, về phương diện vật chất. Song cả khi ấy, thì sự chế tài cũng là cái gì đó không dễ chịu đựng: dù sao, người bị chế tài cũng là một nhân vật được xã hội biết đến một cách rộng rãi, như là người cổ vũ cho cái tích cực, cái tốt, cái đúng; chế tài, trong điều kiện đó, dễ khiến người ta có cảm giác bẽ bàng, như khi nhìn thấy một chiếc mặt nạ rơi xuống và làm lộ ra khuôn mặt xấu xí, đầy khuyết tật.   

Bởi vậy, “cố gắng” không nhận trách nhiệm là cách cư xử được ưu tiên lựa chọn bởi một người luôn “tận tâm” với chức vụ của mình mà lỡ làm bậy. Trong chừng mực nào đó, nó còn có mối liên hệ gắn bó với bản năng tự vệ để sinh tồn và được hiểu là một cách phản ứng tự nhiên của một thực thể sống trước sự đe doạ, tấn công từ bên ngoài.  

Muốn ngăn chặn sự phổ biến tràn lan của xu hướng đó trong khu vực công, chỉ kêu gọi ý thức tự giác, tự trọng của con người thì không đủ. Phải làm thế nào đặt “đương sự” ở trong tình trạng không thể chối bỏ hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác mà  phải chấp nhận để trách nhiệm được quy cho mình, một cách rành mạch, dứt khoát.   

Để đạt được điều đó, trước hết cần hoàn thiện hệ thống quy tắc pháp lý chi phối tổ chức và vận hành của guồng máy hành chính quốc gia. Tư tưởng chủ đạo là trách nhiệm gắn với chức vụ công, trên nguyên tắc, phải được cá nhân hoá. Mỗi hành vi ứng xử nhân danh quyền lực công, trong khuôn khổ giao tiếp chính thức, như ra một quyết định, công bố một quan điểm, một chính kiến,… đều phải gắn chặt với một chủ thể nào đó, có lai lịch được xác định rõ ràng. Tất nhiên, qua trình bàn bạc, thảo luận về việc xây dựng phương án ứng xử có thể diễn ra với sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là với tư cách người tham mưu, tư vấn; nhưng, một khi được lựa chọn, phương án ứng xử phải mang tên một cá nhân nào đó, đảm nhận một tư cách nào đó.     

Chẳng hạn, trong việc ra một văn bản pháp quy cấp Bộ, trách nhiệm về hệ quả luôn phải được xác định thuộc về Bộ trưởng, cho dù người biên soạn thường là một hoặc nhiều công chức thuộc quyền; thậm chí người ký văn bản có thể chỉ là một cấp phó.     

Bên cạnh đó, cần phải phát huy khả năng phản biện của xã hội đối với công việc quản lý, điều hành của nhà chức trách. Quy tắc cơ bản là: nếu xã hội, tức là người dân, buộc phải tuân thủ một chính sách hay một quyết định của nhà chức trách, thì, một cách hợp lý, xã hội phải có quyền tham gia vào việc kiểm tra tính hợp pháp, đúng đắn của chính sách, quyết định đó. 

Chất vấn công khai ở nghị trường đối với người quản lý, điều hành, như việc chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với thành viên Chính phủ, là một trong những hình thức phản biện, mang ý nghĩa kiểm tra, cho phép làm rõ chủ thể của trách nhiệm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bị chất vấn có thể trả lời quanh co và đẩy câu chuyện đi vào chỗ bế tắc. Cần có cơ chế kiểm tra trực tiếp, khách quan, nghĩa là do một người thứ ba tiến hành, cho ra kết luận vô tư mà tất cả các bên trong vụ tranh cãi, dù muốn hay không, đều phải chấp nhận.

Trong xã hội có tổ chức, chỉ có toà án mới đủ tư cách đảm nhận  vai trò người thứ ba đó. Rõ hơn, cần thừa nhận cho công dân quyền khởi kiện trước toà án để yêu cầu xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của một chính sách, một quyết định của nhà chức trách hành chính. Trong trường hợp việc áp dụng một chính sách, quyết định bị cho là không đúng dẫn đến thiệt hại vật chất, tinh thần cho công dân, thì người bị thiệt hại phải có quyền yêu cầu bồi thường thoả đáng.

Vấn đề còn lại là: trong suốt năm vừa vừa qua, chưa thấy biện pháp nào trong các biện pháp kể trên có dấu hiệu khởi động chính thức để hình thành. Bước vào năm mới, câu chuyện về xây dựng văn hoá nhận trách nhiệm trong khu vực công vẫn đang lẩn quẩn ở những chương đầu,… mãi chờ một cú hích của nhà chức trách, để sang trang.    

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)