Vẫn là chuyện nuôi dưỡng con người
Những ngày cuối cùng của năm 2005 lùi vào phía sau để lại dư vị đắng tai ác của vụ bán độ bóng đá. Giờ đây, việc xử phạt nghiêm khắc số cầu thủ bán độ là cần nhưng cần hơn gấp nhiều lần là phải chỉ ra được môi trường sống đã nuôi dưỡng và đẩy những cầu thủ trẻ của chúng ta trượt dài trên con đường tha hóa.
Rồi khi họ bắt đầu thành danh thì cũng là lúc họ buộc phải làm quen với món võ đã được luyện thành thạo của một số trong những bậc đàn anh, hơn nữa những bậc cha chú, đang dẫn dắt đường đi nước bước cho họ, món võ quá quen thuộc: ăn chặn tiền thưởng do mồ hôi lao động và quyết tâm phấn đấu của họ mà có. “Trong sự sa đọa dẫn họ đến con đường tha hóa và bán rẻ mình có ai giật mình với chính mình qua câu hỏi: Đã bao nhiêu lần mình ngó lơ và thiếu trách nhiệm với những cầu thủ mà mình thường thường “bác bác, con con”với họ” (Lao động 22.12). Trả đũa lại sự ăn chặn nhơ bẩn đó là là sự ăn miếng trả miếng để bù lại số tiền mồ hôi nước mắt đã được các bậc “đi trước” ăn bẩn mất.
Cái môi trường mà một cựu giám đốc sở TDTT một tỉnh nọ đã phát biểu trắng trợn: “Bóng đá Việt Nam không cần tiền đạo, chỉ cần tiền mặt” (Pháp luật TPHCM 28.12). Ở đó, có những gương mặt đã nhẵn lì về những chuyện tiêu cực xấu xa vốn đã được cảnh báo, nhưng vẫn tiếp tục được ỡm ờ dọn cỗ! Ai ỡm ờ? Dư luận xã hội đang còn nán đợi “hồi sau sẽ rõ”. Nhưng trước khi rõ điều này thì kẻ gánh chịu nỗi đau “Tiếc thay tay đã nhúng chàm; Dại rồi còn biết khôn làm sao đây” lại là đám trẻ người non dạ kia!
Vì thế mà giận thì thật là giận, mà thương thì cũng là thương số cầu thủ đã rơi vào cảnh ngộ “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Những giọt nước mắt hối hận nghĩ cho kỹ cũng chưa phải là đã quá muộn mằn nếu thấu tỏ cái “chốn đoạn trường” mà chúng đã đi vào được khởi đầu từ đâu. Phải dám nhìn vào điểm xuất phát mới thấy hé lộ ra sự thể tất cần có của tầm mắt khoan dung trong giải pháp. Đã hơn một lần tôi dẫn ra những lời xúc động thấm đẫm tính nhân văn của V.Hugo, tác giả “Những người khốn khổ”: “cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành pha lê rực rỡ”. Tôi không muốn nhìn vào ánh mắt thẫn thờ của những chàng trai đã bị sập bẫy đang ngồi trong trại giam. Tôi muốn nhìn nụ cười của họ vào những phút xuất thần lóe sáng trên sân cỏ đã làm bật dậy niềm sung sướng tự hào hồn nhiên và cao cả của hàng triệu tấm lòng. Rất dễ xéo thứ cát ô uế làm bẩn đế giày! Khó hơn nhiều là biết cách ném nó vào lò nấu để làm cho nó chảy ra và sôi lên. Khó hơn nữa là luyện cho nó trở thành pha lê rực rỡ.
Chuyện bán độ của số cầu thủ ngôi sao cần được xem như giọt nước tràn ly của sự bất cập trong việc đào luyện con người, trong công tác tư tưởng và văn hoá. |
Từ nghèo khổ, phút chốc có cả cục tiền, nếu thiếu sự giáo dục và rèn luyện, thì chuyện dấn vào và trượt dài trên con đường sa đọa là điều quá dễ hiểu. Cái đáng nói là lối dung dưỡng của sự vô trách nhiệm của những người, những tổ chức có chức năng quản lý và giáo dục những cầu thủ trẻ kia. Cái đáng nói là lối sống “sành điệu” dung tục và sống sượng của lối bán mình dễ dãi cho đồng tiền được khoác cho bộ áo sặc sỡ về lòng hâm mộ các “sao” bóng đá cũng như những “sao” khác sớm nở tối tàn trên sàn diễn hay từ các cuộc “thi” quen kích động những thị hiếu phàm tục, càng như chất xúc tác đẩy nhanh sự sa đọa. Chúng ta cũng đã được chứng kiến “cái nết đánh chết cái đẹp” ở một phiên toà nọ mà cái đẹp đã bán mình vẫn cố làm ra bộ trong trắng và ngây thơ! Với gia đình “gia giáo” còn thế thì chẳng trách các chàng trai nghèo khổ vốn hiếu hạnh đã buộc phải ăn tươi nuốt sống lối sống thị dân. Và cần phải đặt hiện tượng bán độ của những tài năng bóng đá trên bình diện văn hóa, để không chỉ tìm ra giải pháp cho việc đào tạo và giáo dục các tài năng trẻ trên sân cỏ mà còn phải nhìn lại những khuyết tật của sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
Báo chí đã gợi lên hình ảnh của những “Hai Lúa” đáng yêu và có bản lĩnh trên sân cỏ. Thế nhưng cũng đừng quên những “Hai Lúa” đó cũng vẫn đang phải hít thở trong cùng bầu không khí của những kẻ đã gục ngã kia. Và cũng cần biết rằng, nơi quê hương của những “Hai Lúa” đó cũng không thiếu sự lầm lũi cơ hàn mà khát vọng đổi đời cũng đang giục giã phải cố kiếm tiền để cải thiện đời sống cho bản thân và cho gia đình. Nhưng kiếm được đồng tiền sạch sẽ đâu phải dễ. Thì đấy, thật đau lòng phải dẫn ra đây cảnh ngộ của không ít cô gái phải kiếm chồng nước ngoài mà chẳng cần biết đến tình yêu, chỉ cốt có được một món tiền cứu giúp cha mẹ vượt qua đói nghèo. Không phải chỉ một thân phận Thuý Kiều “dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”, mà các cô gái của chúng ta đã phải xếp hàng để người ta xem mặt, thậm chí cũng không quá lạ lẫm với cái cảnh “vén tóc bắt tay”của người chào hàng và kẻ đi mua hàng! Báo chí đã đưa ra những con số xót xa về tỷ lệ số thanh nữ trong một xã kiếm chồng nước ngoài kiểu đó ở nơi vựa lúa của cả nước! Đau đớn hơn là chính gia đình họ cũng hối thúc chuyện ấy.
Hy vọng rằng đem chuyện này trộn lẫn vào chuyện“bán độ” bóng đá không đến nỗi lạc đề, cũng không là một “vĩ thanh” guợng gạo, mà là chuyện chẳng đặng đừng để đánh thức dư luận xã hội về việc nuôi dưỡng con người. Và liệu đây có phải là chuyện văn hoá không nhỉ?
Nguồn tin: Tia Sáng