Về khoa học xã hội & nhân văn

.

Gần đây các vần đề nghiên cứu khoa học được đặt ra rất sôi nổi từ hệ thống quản lý, đầu tư kinh phí, chất lượng, số lượng đội ngũ, đào tạo và đánh giá kết quả nghiên cứu đến cơ cấu các thiết chế và hội đồng…song có vẻ chỉ sôi nổi trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên (KHTN) còn ‘bên’ KHXH&NV thì dường như ‘im lìm’.
Khoa học Xã hội (KHXH) tất nhiên gắn chặt với đời sống xã hội tức với chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa nghệ thuật… và việc nghiên cứu chịu những chi phối rõ ràng từ thể chế chính trị, ý thức hệ, quan điểm, chủ thuyết, chính sách cụ thể mà thể chế đó triển khai.
Nếu KHTN là không biên giới thì KHXH lại thường dung thân ở một cương vực, dân tộc, xã hội và lịch sử cụ thể. Và cái ‘tên miền .vn’ ảnh hưởng không nhỏ tới việc nghiên cứu, chuẩn mực quốc tế hầu như không được đặt ra! (Sau đợt phong GS, PGS mấy năm trước có thống kê cho thấy tỷ lệ học hàm, học vị KHXH ở VN khoảng 17-18% là cao bất thường so với các nước khác, kể cả các nước mạnh về KHXH &NV. Trong đợt đó có tới 40% học hàm trao cho các môn triết học và Lịch sử tư tưởng, trong khi ai cũng biết môn triết không phải thế mạnh của khoa học Việt Nam).
Một đặc điểm nữa là trong KHXH ở ta không có phân biệt khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng hay nói cách khác hầu như 99% là khoa học ‘ứng dụng’. Vô cùng hiếm các công trình thuần túy lý thuyết tầm cỡ dẫn đường quốc gia hay có tầm quốc tế. Một cảm giác chung là học hàm học vị KHXH ‘ít chất khoa học’ hơn bên KHTN. Viện Toán, Viện Lý, Viện Sinh,Viện Hóa hay Ung bướu rõ ràng vẫn ‘khoa học’ hơn Viện Sử, Viện Văn ,Viện Mỹ thuật hay Viện KHXH thành phố! Và có bị cảm giác ấn tượng như vậy cũng không oan. Sẽ có người nói: Tôi không thể làm TS, Th.s toán hay lý nhưng hầu như ai cũng có thể tự tin nói rằng: Tôi có thể làm TS sử, văn, triết hay quản trị kinh doanh và mỹ thuật… Hết sức xin lỗi các đồng nghiệp nhưng đó là một sự thật.

1. Tính phục vụ và tính phi vụ lợi của nghiên cứu KHXH là một biện chứng. Ta có truyền thống triều đại sau phủ nhận ‘sạch trơn’ triều đại trước. Khi một lãnh tụ chính quyền mới nói ‘nhà Nguyễn là phản động toàn diện’ thì suốt mấy chục năm không có công trình nghiên cứu nghiêm túc về nhà Nguyễn và nếu có thì chủ yếu để nhằm chứng minh là nó ‘phản động toàn diện’. Con người và xã hội VN muốn hay không cũng thoát thai trực tiếp từ con người và xã hội thời thuộc địa và thời Nguyễn. KHXH&NV hiện đại không nghiên cứu XH&NV thời đó thì là thiệt thòi cho việc xây dựng và phát triển xã hội và nhân văn ngày nay. Vì những quan điểm, lý do tương tự ta không có các công trình tầm cỡ về văn hóa Chăm và lịch sử ngàn năm của một vương quốc từng tồn tại trên đất VN ngày nay. Khi khai quật hoàng thành Thăng Long ‘ta’ chỉ thiên về đề cao sự ‘khác Trung Hoa’ của nghệ thuật hoàng thành mà không nhắc tới ‘sự gần gũi Chăm’ hiển nhiên của nó! Trước đây có cuốn Lịch sử Văn học VN đồ sộ mới ra được tập đầu gồm tất cả các tác giả – nhà thơ đều là các lãnh tụ xếp trước sau theo chức vụ của họ. Cuối tập đó có một nhà thơ thuộc nhóm Thơ mới nhưng lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa! Để cải cách hành chính các nhà Xã hội học (XHH) làm điều tra và kết quả cho thấy mức độ hài lòng của dân chúng với các dịch vụ công là trên 90% ở mọi trắc nghiệm. Tự hỏi với kết quả đó thì nước ta đâu cần cải cách Hành chính làm chi nữa. Có rất nhiều các công trình nghiên cứu lịch sử, từ Lịch sử một ngành, một tỉnh, một quận, thậm chí một ‘phong trào công nhân ở một công ty cao su’ nhằm chứng minh một chân lý đã được xác định. Ở đây mâu thuẫn giữa tính phục vụ, tuyên truyền, giáo dục…của KHXH và tính phi vụ lợi của KH thực sự cần tìm được một sự chung sống thế nào đó. Cần có những công trình, những phương pháp nghiên cứu KHXH xuyên thời gian vượt qua các nhu cầu thời sự thì mới có thể đi tới chiều sâu, có giá trị khoa học lâu bền.

2. Nghiên cứu KHXH ở ta thường đậm chất tập thể. Có lẽ chưa có một cá nhân nhà nghiên cứu KHXH nào được ‘rót’ kinh phí nghiên cứu trong khi các công trình có giá trị luôn là các công trình cá nhân và độc lập. Cần tìm ra một cơ chế nào đó để phát huy được các tài năng nghiên cứu KHXH, huy động chất xám của họ vào phục vụ sự nghiệp chung. Làm việc tập thể, liên kết tập thể là rất quan trọng trong nghiên cứu KHXH nhưng chỉ khi nó không cào bằng-dĩ hòa vi quý-mà tôn trọng đề cao phát kiến, quan điểm phương pháp của cá nhân xuất chúng và các nhóm tinh hoa. Việc “nâng cấp”- đổi tên- một trường bổ túc cán bộ văn hóa sơ cấp lên trung cấp rồi đại học và phát triển sau đại học môn ‘văn hóa học’ chắc không phải con đường phát triển thực sự của KH và văn hóa!
3. Sự dễ dãi, xuê xoa hạ thấp chất lượng trong đào tạo sau ĐH và xét duyệt các học hàm, học vị, công trình, đề tài cùng với quan niệm thực dụng, tức thời khá thô thiển làm cho nghiên cứu KHXH bị lạm phát số lượng, hạ thấp chất lượng cả ở nhân sự lẫn ‘công trình’. Đã có quá nhiều chuyện cười về chuyện này. KHXH có thể trở thành mảnh đất cho chủ nghĩa cơ hội, thoạt đầu có hại không chỉ cho khoa học mà cả cho chính trị, xã hội, kinh tế, đạo đức…Ai cũng thấy một số  GS. Văn học từng ‘lớn tiếng’ nhất trong phê phán văn chương ‘tiền chiến’-Thơ mới ,Vũ Trọng Phụng hay Tự lực Văn đoàn rồi Nhân văn Giai phẩm bằng các công trình đồ sộ thì sau đổi mới, khi thời thế đã xoay vần, cơ hội đã tới lại quay ra lớn tiếng ca ngợi những thứ, những người mình từng ‘hạ gục’. Và thói cơ hội đó không chỉ có trong nghiên cứu VHNT!
Giải quyết các mâu thuẫn, “thanh lý” các thực trạng  mà trên đây chỉ là vài thí dụ nhỏ) không hề dễ dàng nhưng không thể không làm bởi xã hội càng CNH, HĐH thì vai trò của nghiên cứu KHXH&NV càng lớn.

Tác giả