Vì sao ít trí thức Việt kiều về nước làm việc?

Việt Nam có một lợi thế hơn hẳn so với các nước láng giềng là có khoảng gần 4 triệu người đang sinh sống khắp năm châu mà trong đó khoảng 300,000 người đã tốt nghiệp đại học và sau đại học. Trong số những trí thức Việt Nam này, có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật như các đại học Harvard, Standford, Yale, Tokyo, Sydney… các công ty Microsoft, Monsanto, Mitsubishi...

Tuy nhiên vì nền kinh tế Việt Nam được thoát thai từ chế độ bao cấp, doanh nghiệp tư nhân chưa phải là chủ lực, tính cạnh tranh trong thương mại chưa cao nên mối liên hệ giữa viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp chưa được quan tâm. Vai trò của trí thức, nhất là ở đại học và viện nghiên cứu rất mờ nhạt. Chính vì vậy “kho tàng kiến thức” của những nhà khoa học tên tuổi, những chuyên gia đầu ngành Việt kiều ở nước ngoài không được thực sự quan tâm (thậm chí hầu như bị lãng quên).

Có thể khẳng định, nếu có sự hợp tác về giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu của trí thức Việt kiều, dưới bất cứ hình thức nào, cũng sẽ rất có lợi cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hoá đất nước.

Nhưng tại sao cho đến nay vẫn có rất ít trí thức Việt kiều trở về nước phục vụ? Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:

► Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;

► Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên…) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;

► Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong     hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;

► Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;

► Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;

► Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình. 

Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều.
———————————
* Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001, Australia

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)