Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người

Hồ Chí Minh là người luôn luôn lo lắng đến tương lai lâu dài của đất nước. Người nói: “Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”. Thật ra kết quả của việc trồng người không phải đợi đến trăm năm mà chỉ sau vài chục năm, hai mươi nhăm năm chúng ta đã có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Muốn đạt được những thành quả tốt đẹp đó, cần có sự kết hợp hài hòa, trước mắt là của hai ngành y tế và giáo dục, một ngành lo cho sự phát triển tâm hồn và trí tuệ, một ngành chuyên lo sự phát triển thể lực của thanh niên chúng ta.

Trong các cuộc tranh đua trên sân cỏ, ai cũng thấy, tuy không kém phần xông xáo và nhanh nhẹn, nhưng hình thể của thanh niên Việt Nam quá bé nhỏ so với thiên hạ. Nguyên nhân cơ bản là từ hàng ngàn đời nay dân ta là dân ăn rau, thịt chỉ để dành đến Tết, giỗ và hội hè (Đặng Nghiêm Vạn, Văn hóa Việt Nam Đa tộc người, NXB Giáo dục 2007, tr.364, 365), lại thêm các tục kiêng khem vô lý và quá đáng trong các dịp sản phụ ở cữ…Tất nhiên thay đổi tập quán ngàn đời của một dân tộc không phải là chuyện dễ. Nhưng ngày nay trong sự hòa nhập với thế giới, việc kết hợp giáo dục gia đình với phối hợp của hai ngành giáo dục và y tế và sự quan tâm của Nhà nước, trong đó có việc quan tâm quản lý giá sữa trên thị trường, hy vọng có thể làm được.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đề ra chiến lược con người đã từ lâu. Nhưng phần do chiến tranh kéo dài, phần do mải chạy theo nhiệm vụ phát triển kinh tế trước mắt, mà các vị lãnh đạo Nhà nước ta chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ lâu dài liên quan tới tiền đề của dân tộc.
Ta còn nhớ trong đại chiến thế giới lần thứ II, người lính Nhật có thân hình thấp lùn như thế nào. Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian, ta thấy thân hình của người Nhật không kém gì thân hình của các người Tây phương khác. Có được đầu óc tinh khôn và cơ thể phát triển, người Nhật đã trở thành cường quốc thứ hai chỉ sau Mỹ, mặc dù Nhật không có tài nguyên gì đáng kể.
Có thể coi những việc làm hằng ngày hiện nay của hai ngành y tế và giáo dục là để chuẩn bị cho tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh được không?
Việc lo chống cúm A H1-N1, chống sốt xuất huyết, chống HIV của ngành y tế hiện nay, cũng như việc đề ra 10 nhiệm vụ coi như nhiệm vụ chiến lược của ngành giáo dục, cũng như việc tổ chức các kì thi mà Vụ Khảo thí đề ra là cần thiết, nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa thể đáp ứng nhiệm vụ chiến lược mà Hồ Chí Minh đề ra cho toàn Đảng là: “Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”! Tôi nghĩ rằng trong nhiều viện hiện có của ngành y tế có thể nâng Viện Dinh dưỡng thành Viện Dinh dưỡng Quốc gia chăng? Còn Viện Chiến lược Giáo dục hiện nay có nhiệm vụ quét sạch các tư tưởng lạc hậu hàng nghìn năm do chế độ phong kiến hay tư tưởng nông dân để lại như: Đi học để đỡ chân lấm tay bùn, một người làm quan, cả họ được nhờ v.v… mà phải nghiên cứu lịch sử giáo dục từ thời Hi Lạp – La Mã đến thời Phục hưng: Học trước hết để giải phóng con người, biến con người từ con người nô lệ thành con người hoàn toàn tự do

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)