Vĩnh biệt vị Đại tướng của khát vọng

Chiều tối 4.10.2013, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, người đầu tiên tôi liên lạc là người bạn ở rất xa - nhà báo, phóng viên Catherine Karnow - con gái của sử gia, nhà báo Stanley Karnow - người đã viết rất nhiều về tướng Giáp và được coi như một người bạn thân tình của gia đình. Trong những lá thư ngắn ngủi trao đổi, Catherine nói lúc này tấm lòng của cô ở cùng chúng tôi, chia sẻ nỗi buồn cùng chúng tôi và những người dân VN về tổn thất to lớn này.

Chứng kiến sự trân trọng của đồng bào cả nước cũng như những người bạn quốc tế dành cho Đại tướng, và từ những lần được gặp ông, được ông chia sẻ, đối với tôi, tuy từ giã chúng ta, nhưng Đại tướng đã để lại mỗi người dân VN và nhiều người bạn trên thế giới, bất kể chính kiến, dân tộc, thể chế… một sự kính trọng lớn lao và toàn diện với một nhân cách lớn xưa nay hiếm: Một người yêu nước vĩ đại và một tài năng quân sự thao lược xuất chúng. Tài năng quân sự kiệt xuất tầm cỡ thế giới đương đại bên cạnh năng lực kiệt xuất về chính trị, văn hóa của ông đã được báo chí, sách, phim ảnh… nói đến đầy đủ, nên ở đây tôi chỉ xin được nói về ông ở chiều kích tâm cảm khác trực tiếp hơn, đó hình như là sự gắn bó xuyên thế hệ giữa một công dân – một tổ chức trẻ với vị Đại tướng mà vinh quang được công nhận toàn cầu.

Trong 10 năm qua, Trung Nguyên và cá nhân tôi đã nhận được quan tâm đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người bạn lớn luôn dõi theo các chương trình mà chúng tôi và cộng sự cùng các tổ chức xã hội đề xướng như  “Nước Việt lớn hay nhỏ?” (2003), “Người Việt dùng hàng Việt” (2005), “Thương hiệu nông sản Việt” (2006) và chỉ mới năm ngoái (11.2012), khi sức khỏe đã thực sự  nguy kịch, Đại tướng vẫn có lời động viên cho Chương trình Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung Nguyên và các tổ chức xã hội đề xướng, rồi bức thư ông tâm huyết gửi tới các doanh nhân nhân dịp thành lập Câu lạc bộ Các nhà công thương VN hồi đầu năm nay… Từng ấy năm, từng lời nói ấm áp đôn hậu, từng dòng thư súc tích, chứa chan thôi thúc, từng quyển sách đề tặng truyền tải biết bao tin yêu gửi thế hệ trẻ của Đại tướng gửi đến tổ chức và tập thể chúng tôi hẳn nhiên không là ngẫu nhiên mà tôi nghĩ, điều đó thể hiện sự yêu mến, ủng hộ đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp VN giàu khát vọng.

Đối với tôi, đó là sự ủng hộ của nhân cách lớn, đại diện thế hệ tiền bối đối với khát vọng lớn, khát vọng xây dựng một đất nước hùng mạnh, đặc biệt về kinh tế. Tôi đọc được trong một bài phỏng vấn của cha Catherine – Stanley Karnow với Đại tướng, ông đã trả lời nhà báo rằng: “Tôi biết được tổ tiên của chúng tôi là những người đã hy sinh vì đạo nghĩa, và nhiệm vụ của mình là phải rửa sạch những nỗi nhục trong quá khứ”. Nỗi nhục ấy với tôi không chỉ là câu chuyện đất nước hàng nghìn năm đứng ở tuyến đầu của những cuộc tranh chấp, ngoại xâm… nó còn là câu chuyện chúng tôi – những thế hệ tiếp nối sẽ làm gì tiếp, thay vì chỉ “Dựng nước và Giữ nước”?


Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới
Ban tổ chức ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt
(23.11.2012) tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM

Trong lá thư gửi tới ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt (23.11.2012) – sự kiện thu hút hơn 60.000 lượt người tham dự tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), chúng tôi vinh dự nhận được thư của Đại tướng với lời nhắn gửi phản ánh tâm nguyện của Đại tướng về trách nhiệm của thế hệ thanh niên đối với nhiệm vụ xây dựng đất nước giàu mạnh “sánh vai các cường quốc năm châu”. Niềm tin này đặt cho chúng ta câu hỏi then chốt: “Làm sao kiến tạo thế hệ thanh niên cháy bỏng khát vọng khởi nghiệp – kiến quốc”? Đó cũng là lý do để chúng tôi tự tin tiếp tục với Hành trình vì Khát vọng Việt trao tặng hàng triệu cuốn sách cho các bạn trẻ VN để giúp các bạn khởi nghiệp, làm giàu bền vững vì lợi ích cho bản thân, gia đình, vì một VN hùng mạnh và ảnh hưởng ra toàn cầu. Hành trình này chính là hành trình cùng nhau tạo dựng một chí hướng vĩ đại cho người Việt, bản đồ dẫn lối thành công cho người trẻ để cùng nhau, thế hệ “con Rồng cháu Tiên” có thể làm nên những trang sử vẻ vang, chứ không chỉ còn “rửa sạch nỗi nhục trong quá khứ”.

Cuộc đời của Đại tướng cùng những gì ông và các cộng sự của mình đã làm, lại một lần nữa chứng nghiệm sự đúng đắn và sâu sắc nghệ thuật chiến tranh nhân dân của cha ông bao đời để chúng ta áp dụng vào cuộc chiến cạnh tranh thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là niềm tin mạnh mẽ vào thành công trong những điều kiện khó khăn nhất. Đó là hoài bão cháy bỏng về sự hùng mạnh của đất nước. Đó là năng lực sáng tạo – mưu trí trong chiến thắng với trở lực lớn lao khi nguồn lực vật chất còn giới hạn. Đó là tinh thần chiến binh can đảm, quyết chiến, quyết thắng. Quan trọng hơn hết là sự ủng hộ của cộng đồng, của nhân dân – chính là nền tảng cho mọi thắng lợi như điều Đại tướng chia sẻ với ông Stanley Karnow cũng trong cuộc phỏng vấn trên: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân. Trong chiến tranh, có hai yếu tố chính, đó là con người và vũ khí. Những vũ khí, thiết bị điện tử tinh vi của Mỹ cuối cùng lại không mang lại ích lợi gì. Con người mới là yếu tố quyết định. Con người! Con người!”. Trong những cuộc ganh đua với các tập đoàn toàn cầu, chúng tôi đã luôn dựa vào nền tảng chiến tranh nhân dân của cha ông, sáng tạo trong cạnh tranh, áp dụng các cách thức đã được cha ông, được những vị tướng lỗi lạc như ông ứng dụng để chiến thắng các cuộc chiến với các đối thủ to lớn hơn ngàn lần trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Dù Đại tướng đã từ giã chúng ta để ra đi nhưng những gì ông để lại, có lẽ không riêng phần cho Trung Nguyên với tất cả sự đôn hậu, ấm áp tin yêu mà còn là cho tất cả chúng ta – những người trẻ. Bên cạnh đó là những bài học giá trị đầy sâu sắc về trí tuệ và nhân văn vẫn luôn tươi mới – đây là một tài sản có giá trị lớn lao đầy thiết thực mà chắc rằng mỗi chúng ta nên nghiên cứu thấu đáo và sử dụng trong tư duy và hành động, đặc biệt trong phụng sự cộng đồng.

Chào từ biệt Đại tướng lần cuối, chúng ta đáp lời động viên chan chứa chân tình của ông để cùng bước vào chương trình xây dựng thế hệ thanh niên khởi nghiệp – kiến quốc với “Hành trình vì Khát vọng Việt”  vì sự thịnh vượng, phồn vinh cho mỗi gia đình, đóng góp cho sự hùng mạnh của đất nước với tinh thần chiến binh, khát vọng mạnh mẽ cùng tinh thần sáng tạo vượt mọi thách thức, nghịch cảnh.

Cùng cả nước tiễn đưa một nhân cách lớn – một tấm lòng yêu nước vĩ đại, chúng tôi, những thành viên Trung Nguyên cũng như mọi người dân Việt với tấm lòng kính trọng Vị tướng của dân, xin tiễn biệt người “Anh Cả” bằng những lời thơ giản dị mà một người bạn Trung Nguyên đã gửi tới chúng tôi:

“…Thưa Đại tướng!

Người yên nghỉ nơi vũng Chùa, núi Rồng kia chắc vẫn buồn lắm,

khi sự ra đi của người không thể cả dân tộc khóc thương.

Nước mắt có phân ly của nước mắt,

Cả dân tộc mình trong muôn nỗi phân ly còn mãi đắm chìm.

Và chắc người cũng rất buồn nếu dân tộc này chỉ biết khóc thương cho những anh hùng mở cõi, đánh giặc.

Mà thiếu vắng những anh hùng kiến quốc – những anh hùng thực sự bất diệt, để chào đón và khóc thương… ”

   

 

Tác giả