Vốn xã hội ở Việt Nam

Lý giải hiện tượng hai cộng đồng dân cư có tài sản như nhau, nguồn lực bằng nhau, ở một mức xuất phát giống nhau nhưng một bên phát triển mạnh trở nên giàu có, một bên lụi tàn đến chỗ nghèo đói, người ta bắt đầu viện đến khái niệm vốn xã hội. Nếu có một thứ vốn như thế, tài sản vốn xã hội ở Việt Nam cao hay thấp, có đóng góp gì cho quá trình phát triển đất nước?

Nói một cách đơn giản nhất, vốn xã hội là những mạng lưới kết nối con người lại với nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung. Một ngôi làng bị bão tàn phá – nếu dân làng góp sức cùng nhau xây dựng lại nhà cửa thì kết quả sẽ cao hơn nhiều lần so với khi từng người đơn độc tự làm lấy. Vốn xã hội ở đây không phải tự dưng mà có. Nó phải xuất phát từ một quá trình trải nghiệm chuyện “có đi, có lại”, trải nghiệm mức độ “chơi được” của người khác và kỳ vọng ở kết quả nhờ thành công ở những lần hợp tác trước. Cũng như người Việt Nam từng hiểu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, vốn xã hội là một thực tế từ xưa nhưng chỉ trở thành đề tài thời thượng ở phương Tây vào cuối thập niên 1990.

Ở đây, cần lưu ý một số điểm trước khi nhìn lại vốn xã hội ở Việt Nam. Trước hết, vốn xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy tiến bộ của xã hội bên cạnh vốn tài sản và vốn con người như các ví dụ ở trên. Nó còn có thể có tác động xấu. Năm khu phố có năm tay lưu manh thì mọi người dù sao còn chịu được vì từng tên riêng lẻ không gây hại nhiều lắm, lại dễ bị khống chế. Nhưng nếu năm tay này liên kết với nhau thành một băng đảng thì hậu họa chúng gây ra tăng gấp hàng trăm lần cho cả một thành phố. Mafia, xã hội đen tồn tại đến bây giờ cũng nhờ biết “tận dụng”vốn xã hội của chúng.

Vốn xã hội phát huy tác dụng tích cực mạnh nhất ở một xã hội dân chủ nơi mọi người được tự do và tự nguyện tham gia các mạng lưới gắn kết cộng đồng và ngược lại nền dân chủ của một xã hội càng được củng cố một khi vốn xã hội ở đó mạnh lên.

Thứ nữa, các mạng lưới hình thành vốn xã hội thay đổi nhanh chóng. Ngày xưa lối sống khép kín của các cộng đồng dân cư nhỏ, như làng quê Việt Nam là môi trường xây dựng một loại vốn xã hội khác. Ngày nay, Internet, email, điện thoại di động lại là công cụ tạo dựng một loại vốn xã hội hoàn toàn khác. Tuy môi trường tác động lên vốn xã hội nhưng không thể kêu gọi chung chung rồi hy vọng nhờ vào “nhiệt huyết” mà vốn xã hội bỗng tăng lên theo kỳ vọng. Có thể nó sẽ tăng trong thời gian ngắn như trên thị trường vốn tài chính nhưng cũng sẽ nhanh chóng xẹp xuống một khi con người, qua trải nghiệm thực tế, không tìm thấy điều họ cần tìm. Vốn xã hội phát huy tác dụng tích cực mạnh nhất ở một xã hội dân chủ nơi mọi người được tự do và tự nguyện tham gia các mạng lưới gắn kết cộng đồng và ngược lại nền dân chủ của một xã hội càng được củng cố một khi vốn xã hội ở đó mạnh lên. Cuối cùng, từ “vốn” có thể gây hiểu nhầm vì qua quan sát, người ta nhận ra một điều: vốn xã hội càng sử dụng càng tăng chứ không giảm như các loại vốn khác; thậm chí nếu không sử dụng, vốn xã hội sẽ dần dần triệt tiêu.

Cho dù những nhà nghiên cứu đang bất đồng về định nghĩa vốn xã hội sao cho trọn vẹn và chính xác, có thể thấy đa số đồng ý ở điểm vốn xã hội chỉ xuất hiện khi các cá nhân trong cộng đồng cùng chia sẻ một số chuẩn mực và giá trị làm cơ sở cho sự hợp tác. Vì thế có lẽ một khía cạnh quan trọng trong nền văn hóa của một xã hội có thể được dùng để đo lường mức vốn xã hội của cộng đồng. Đó là tính tập thể đối chọi với tính cá nhân.

Chính Robert Putnam, tác giả cuốn Bowling Alone (2000) nổi tiếng về vốn xã hội than phiền vốn xã hội nước Mỹ đang giảm thấp vì người Mỹ hiện đại sống mang tính cá nhân hơn trước nhiều.

Thế nhưng, khái niệm tính tập thể thường không được hiểu đầy đủ. Chúng ta thường gán cho tính tập thể những điều tốt đẹp, là sức mạnh của “ba cây chụm lại” và chê bai tính cá nhân. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Tính tập thể đúng là mối quan hệ chặt chẽ ở một xã hội nơi con người gắn kết nhau, sống dựa vào nhau. Và một khi đã dựa vào nhau như thế, cá nhân trong tập thể thường phải tôn trọng sự đồng thuận, ít thích va chạm, không muốn đối đầu, không muốn làm người khác mất mặt – một khái niệm rất quan trọng trong xã hội phương Đông.

Cũng như vốn tài chính, vốn xã hội sinh ra không chỉ để phục vụ cho nó – nó phải có tác dụng lên sự thịnh vượng của cộng đồng. Và ở đây, tính tập thể – nhìn ở góc cạnh tránh va chạm, muốn có đồng thuận, có thể làm thui chột sự đột phá của cá nhân, có thể có tác dụng nhân vốn xã hội lên gấp bội.

Xét ở góc độ này người Việt Nam có tính tập thể cao. Nhưng điều đó chưa hẳn đưa đến kết luận vốn xã hội ở Việt Nam cao. Nó rất cao trong khuôn khổ gia đình khi cha mẹ có thể hy sinh tất cả cho việc học của con cái, trong bình diện cả nước khi có chiến tranh, lúc đó cá nhân sẵn sàng hy sinh thân mình vì lợi ích chung của cả đất nước. Nó cũng rất cao vì người dân Việt Nam rất tôn trọng tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng chia sẻ cho người gặp bất hạnh. Nhưng cũng như vốn tài chính, vốn xã hội sinh ra không chỉ để phục vụ cho nó – nó phải có tác dụng lên sự thịnh vượng của cộng đồng. Và ở đây, tính tập thể – nhìn ở góc cạnh tránh va chạm, muốn có đồng thuận, có thể làm thui chột sự đột phá của cá nhân, có thể có tác dụng nhân vốn xã hội lên gấp bội. Mạng lưới kết nối xã hội suy cho cùng là để nhằm thực hiện một mục tiêu chung nào đó, nếu tất cả chỉ chú trọng đến xây dựng quan hệ hòa đồng thì có nguy cơ quên mất mục tiêu ban đầu cho sự ra đời mạng lưới xã hội ấy. Hơn nữa, vai trò cá nhân rất cần thiết để làm người tiên phong, vượt ra khỏi tập thể quen thuộc của mình, tiếp thu ý tưởng của tập thể khác để xây dựng mạng lưới liên kết mới. Các nhà nghiên cứu về vốn xã hội cũng nêu lên hiện tượng cá nhân lẩn tránh đằng sau một tập thể để giảm bớt sự đóng góp và tăng mức hưởng lợi từ tập thể. Chỉ có thể tránh hiện tượng này bằng một tập thể với những quy ước rõ ràng, minh bạch, tính chịu trách nhiệm cao của từng cá nhân. Một ông thứ trưởng quản lý như thế nào để các bộ phận bên dưới nhũng lạm với quy mô chưa từng thấy lại có thể dùng màn che tập thể để lẩn tránh trách nhiệm – ấy chính là chỗ yếu của tính tập thể trong tính toán vốn xã hội của chúng ta.

Ở bình diện lớn hơn, tính tập thể của xã hội có nguy cơ ngăn cản xã hội đó vươn ra bên ngoài vì chắc chắn họ sẽ gặp phải những giá trị khác, những chuẩn mực khác khó lòng chấp nhận đối với họ. Lúc đó, vốn xã hội hạn hẹp này sẽ đẩy xã hội đó đến chỗ bế tắc và trở nên trì trệ.

Mặt tốt và mặt xấu của tính tập thể hay, nói cách khác, tính tích cực và tính tiêu cực của vốn xã hội thể hiện rõ nhất trong thế giới làm ăn. Nếu sử dụng mối quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc thành một liên kết riêng, mang tính loại trừ người khác để hưởng lợi cho riêng mình, thì đấy là một loại vốn xã hội nguy hại cho xã hội nói chung. Nó cũng giống mối quan hệ bên trong các băng đảng hay các nhóm khủng bố cuồng tín. Còn xây dựng một mối quan hệ mở, hướng ra bên ngoài, trên cơ sở mọi người tham gia cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi, là cầu nối cho mọi cá nhân lúc đó tính tập thể mới biến vốn xã hội thành nguồn lực lớn cho phát triển./.

Nguyễn Vạn Phú

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)