Vốn xã hội tích lũy lâu đời

Vốn xã hội của dân ta, xuyên qua lịch sử, có đủ phong phú hay cũng nghèo nàn? Đây là một câu hỏi đáng nghiên cứu kỹ và đầy đủ, một đề tài cho nhiều luận án khảo sát trong tương lai. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu vài nét phác thảo.

Nhận xét đầu tiên là phải kể đến một yếu tố lịch sử xác định cá tính của cả dân tộc Việt Nam, đó là mười thế kỷ Bắc thuộc. Sống chung với nhau mười thế kỷ, dài lắm chứ! Làm sao một dân tộc tồn tại và giữ được cá tính sau một ngàn năm bị đô hộ? Guồng máy cai trị đó từng được thử thách trên địa bàn rộng lớn hơn ở phương Bắc, với đầy kinh nghiệm tổ chức, tuyên huấn, mà trong thời gian đó cũng có những vị quan tốt như Sĩ Nhiếp, Đỗ Tuệ Độ… Guồng máy cai trị đó lại đặt trên một nền văn minh có sức sống mạnh mẽ và có giá trị nhân bản cao rất hấp dẫn. Chắc phải có một yếu tố xã hội nào đó tồn tại, bám rễ trong mỗi con người Việt Nam và trong tương quan họ thiết lập với nhau.
Một trong các phản ứng tập thể của người Việt trong một ngàn năm đó là củng cố các mối liên hệ ở bên trong lũy tre làng, củng cố đời sống riêng trong tập thể mỗi làng xã, lấy đó làm chỗ ẩn náu, che chở nhau và cùng nhau tự bảo vệ. Paul Mus đã ví làng xã ở Việt Nam như các khúc của một con rồng, với đặc điểm là mỗi khúc có sinh mạng riêng, có thể sống riêng, chặt cái đầu rồng đi nhưng mỗi khúc rồng vẫn sống được. Có thể nói mỗi làng xã Việt Nam là một ổ kháng chiến để tự bảo vệ, bảo vệ bản sắc văn hóa, phong tục, tiếng nói, củng cố các truyền thống xã hội. Cứ xem các vị thần hoàng thờ trong đình làng, chúng ta thấy khác hẳn các vị thần thánh được người phương Bắc đưa sang. Tinh thần tự trị, tự quản, và có thể nói đến óc tự quyết, nằm trong hệ thống làng xã, là một thứ vốn liếng chung trong lịch sử nước ta.
Nhưng đơn vị làng xã có thể gây vốn mà cũng có thể tiêu sạch hết vốn liếng. Cũng giống như các thành thị Hy Lạp thời thượng cổ, mà một số nhà xã hội học đã so sánh với các xã thôn Việt Nam. Nhưng so sánh như vậy là che giấu một ưu điểm của xã thôn Việt Nam, so với các “cité antique.” Trong các thành thị Hy Lạp cổ, cá nhân con người bị hy sinh trước quyền lợi tập thể. Như Fustel de Coulanges viết, từ năm 1864, “Thành thị Hy Lạp được lập ra dựa trên một tôn giáo và tổ chức như một giáo hội. Trong một xã hội như thế, tự do của con người không còn nữa.” Làng xã Việt Nam không đến nỗi như vậy, làng xã không dựa trên tôn giáo, tinh thần bao dung của dân Việt cao hơn. Không thể tưởng tượng dân chúng trong một làng ở Việt Nam có thể chấp nhận việc tuyên án tử hình một hiền triết trong làng, như Socrate chẳng hạn, chỉ vì ông bị kết tội phạm đến thần thánh. Làng xã không đè bẹp cá nhân, mà đó cũng là một sức đề kháng trước các thế lực cai trị của các vị “khách” từ ngoài tới. Trong mỗi làng xã có những mạng lưới đan nhau làm nơi nương tựa cho các cá nhân, bên ngoài gia tộc và không lệ thuộc hệ thống chính quyền. Người ngoại quốc có thể chiếm được kinh đô, đặt quan cai trị, chỉ định các xã quan; nhưng họ không thể sử dụng hệ thống làng xã vào việc đồng hóa người Việt, không thể dùng hệ thống hành chính của họ biến đổi đặc tính dân tộc Việt. Nếu như trong các làng xã của chúng ta không có những mạng lưới linh động và luôn luôn biến hóa theo nhu cầu của các cá nhân, theo thời gian, thì chính quyền ngoại xâm có thể sử dụng chính cơ cấu làng xã để sai bảo và thay đổi luôn con người Việt Nam trong một ngàn năm thống trị.

Những mạng lưới tổ chức trong làng xã
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào xã hội Việt Nam trong một thời gian ngắn khoảng 10 năm, 20 năm thì thấy có những lúc toàn thể dân tộc muôn người như một, đoàn kết, tin tưởng và tự động tương trợ lẫn nhau. Thí dụ như mùa Thu năm 1945. Nhưng hình ảnh đó không đủ để tuyên bố xác định vốn xã hội. Các biến cố như chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh chống ngoại xâm, không phải là đời sống bình thường của một dân tộc, dù trong chúng ta nhiều người đã sống gần cả cuộc đời trong chiến tranh. Muốn biết cái vốn xã hội của người Việt thế nào, chúng ta phải tìm về những thời kỳ mà người Việt Nam sống tương đối “bình thường,” không được tác động một cách đặc biệt. Trong cuộc sống bình thường, người Việt Nam có cho thấy đã tích lũy được nhiều vốn xã hội, qua các yếu tố như chúng ta định nghĩa với những câu hỏi ở trên hay không? Chúng ta sẽ thấy vốn xã hội của người Việt qua mạng lưới tổ chức trong các làng xã từ thời cổ xưa, có thể là mầm mống cho xã hội công dân bây giờ.
Đọc những tài liệu nghiên cứu chúng ta cũng có thể xác định vốn xã hội của người Việt rất giầu và có gốc rễ lâu bền. Thử kể những sách của Phan Kế Bính (Việt Nam Phong tục – 1916), Toan Ánh (Nếp cũ – 1968, 1992), Trần Từ (Cơ cấu Tổ chức của Làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ – 1984), và các bài nghiên cứu chuyên đề khác. Qua các công trình nghiên cứu này, hiện còn khá sơ sài, tổng quát, chúng ta thấy mỗi làng ở Việt Nam là một mạng lưới rất nhiều tổ chức tự nguyện, tự do, với mục đích hỗ tương. Đặc biệt là mạng lưới này thường độc lập và không lệ thuộc vào cơ cấu chính quyền thôn xã. Chính quyền xã thôn có thể do chính quyền trung ương thay đổi, chỉ định, điều khiển. Nhưng nhiều “tổ chức tư” của dân làng hoàn toàn không dính dáng gì tới hệ thống hành chính của xã, và có khi không chịu ảnh hưởng của ranh giới địa dư do việc phân chia thôn, ấp, xã tạo ra. Giữa mọi người phải có một lòng tin tưởng lẫn nhau cao lắm mới thiết định được những mạng lưới tương trợ như vậy trong hàng ngàn năm.
Những cuốn sách trên đây đã kể ra nhiều tổ chức tư nhân tự nguyện trong làng. Kiểm điểm những danh từ để chỉ các “hội tư’ thì chúng ta thấy cả một kho phong phú. Riêng điều đó cũng chứng tỏ ý thức tương trợ tự nguyện của người mình rất cao và biểu hiện rất cụ thể. Hội, có khi gọi là Họ, là Phường, Giáp, Ty, Phe, Hàng (hàng giáp, hàng thôn)… đều có thể dịch là association. Trong số báo Tia Sáng gần đây, ông Nguyễn Quân đưa ra hình ảnh “người làng,” “người lính” và “người mở đất” để mô tả con người Việt Nam. Người làng, là một đơn vị trong làng xã. Người lính, một phần tử của quốc gia. Nhưng con người Việt Nam không phải chỉ có hai chiều (dimensions) đó mà còn sống với những kích thước khác. Họ còn là những phần tử của Hội, của Phường, Họ, Hàng, Phe, nữa. Các kích thước xã hội của con người rất phong phú.
Có những hội tương tế như Hội Hiếu, Hội Hỉ hoặc gồm cả hai, để mọi người giúp lẫn nhau trong những dịp ma chay, cưới hỏi, cất nhà, khao vọng… Có làng lập những Hội Ăn Tết, Hội Thịt Lợn, Hội Tư Văn, Họ Bánh Chưng, theo nhu cầu kinh tế hoặc văn hóa; Quan Họ là một mạng lưới hội tư xuyên qua nhiều làng. Quy tụ các nghề nghiệp thì có Phường Vải, Phường Củi, Phường Đan, Phường Nón, Phường Bát Âm, Phường Chèo, Giáo Phường… Ngày xưa cũng có những hội chỉ có mục tiêu giải trí như Hội Chọi Gà, Hội Chơi Diều. Những người cùng học một thầy thành lập Hội Đồng Môn, các vãi lập ra Hội Chư Bà, Hội Đội Bát Nhang; các cụ ông có Hội Đồng Tuế. Trong bài viết trên Tia Sáng, ông Nguyễn Ngọc Bích cũng nhắc tới việc Chơi Họ, hoặc Chơi Hụi. Đó là thứ tổ chức tín dụng tự phát trong làng xã, giống như các gotong royong ở Indonesia và bayanihan ở Philippines. Đó là một hình thức “tiểu tín dụng” (micro-credit) tự phát trong nhân dân, nếu không có lòng tin cẩn và tinh thần hỗ tương thì không tồn tại bao nhiêu thế hệ được.
Nếu Alexis de Tocqueville tới Việt Nam vào thế kỷ 19 chắc ông cũng phải thấy là người Việt Nam cũng có thói quen khi họ thấy một nhu cầu chung nào thì bảo nhau lập ra một hội hoàn toàn tư để cùng giải quyết nhu cầu đó! Những cơ cấu tự phát đó đã có từ bao giờ và mất bao lâu để thành hình rồi tiến hóa, lưu truyền trong xã hội cổ nước ta? Chắc nhiều sinh viên tiến sĩ có thể lấy câu hỏi này làm đề tài nghiên cứu. Khi nào tư nhân còn được tự do thành lập hội, lập phường, thì truyền thống tốt đẹp đó sẽ sống lại và phát triển thêm. Chúng ta sẽ có những Hội Tin Học, Hội Máy Bay Kiểu Nhỏ, Hội Hoa Phong Lan, Hội Du Lịch…
Trong làng xã còn một hình thức tập hợp mà Phan Kế Bính không thấy là quan trọng, nhưng đã được Trần Từ phân tích kỹ, là các Giáp. Một xã có thể có nhiều giáp; giáp không lệ thuộc tổ chức hành chính, không nhất thiết gồm những người cùng thôn, cùng tộc họ, mặc dù phần lớn các giáp từ đầu lập ra theo các tiêu chuẩn đó. Thành viên của giáp là những người đàn ông, gia nhập giáp ngay từ lúc ra đời, tức là cha truyền con nối. Địa vị của mỗi cá nhân trong giáp không tùy thuộc gia sản, chức vụ, địa vị xã hội hoặc bằng cấp, mà theo một tiêu chuẩn khách quan: ghi tên trước hoặc sau trong danh sách giáp. Ai ghi tên trước được ngồi chiếu trên, bình thường tức là người cao tuổi ngồi trên. Người ta có thể đổi giáp, gia nhập một giáp mới (rất hiếm), khi đó có thể phải ngồi dưới những người trẻ hơn mình vì họ ghi tên gia nhập trước. Trần Từ nói giáp có một thứ tiêu chuẩn phi giai cấp, biểu lộ tinh thần dân chủ trong làng xã của nước ta. Toan Ánh cũng công nhận “Tổ chức trong hàng giáp thật hết sức dân chủ.” Công việc của các giáp chỉ có tính cách tế tự và tương trợ, có ông Thủ Chỉ và hội đồng hàng giáp đứng đầu, vai trò lãnh đạo được luân phiên. Có những người Đăng cai lo các “dự án ngắn hạn” như tiệc tùng, ăn uống hàng năm. Ông Toan Ánh cũng giải thích tổ chức Giáp ở Việt Nam không liên hệ gì với tổ chức cùng tên ở Trung Quốc, bên đó hệ thống giáp lập ra vì nhu cầu an ninh địa phương.
Các tổ chức tư nhân tự nguyện trong làng xã có mục đích tương trợ, do các nhu cầu và sở thích chung của từng nhóm người. Một yếu tố quan trọng quy tụ các tập hợp tư nhân tất nhiên là nhu cầu kinh tế. Mỗi làng thường có Kho Nghĩa Sương, là kho lúa để làm việc nghĩa, phòng khi đói kém, đi cùng với ruộng nghĩa sương. Định chế này đặt dưới khung của cơ cấu hành chính nhưng cũng biểu lộ xu hướng tương trợ được tổ chức với tinh thần dân chủ. Phan Kế Bính có chép bản sao những điều ước nghĩa sương ở một làng thuộc tỉnh Bắc Ninh làm mẫu. Người ta góp vào Kho Nghĩa tùy theo sức, mỗi sào ruộng một đấu thóc. Thóc nghĩa sương chỉ dùng để tương trợ khi thiếu thốn, không được dùng vào việc khác. Những người có trách nhiệm đều do dân bầu với nhiệm kỳ 2 năm, họ được biếu thóc trong dịp Tết để thù lao. Khi dư đem bán thóc thì tiền được để vào quỹ chung cũng để làm việc tương trợ. Việc xuất tiền mua gì phải có chữ ký của bốn thủ bạ và người sương chính đứng đầu (chuẩn chi) rồi đưa cho thủ quỹ lấy ra. Nếu thủ quỹ không xét kỹ các chữ ký kể trên mà đã xuất thóc hay tiền thì sẽ phải đền. Những ngày họp dân xã, mỗi năm một lần, đàn ông từ 18 tuổi trở lên, ai cũng có quyền nêu vấn đề vào nghị trình và khi đa số thuận thì được. Nêu vài thí dụ trên để thấy dân trong làng xã có ý thức dân chủ và quan niệm tổ chức rất chặt chẽ.
Trên mặt kinh tế, người Việt lập các tổ chức tự nguyện như Phường Săn ở các làng ven núi rừng, như Yên Thế, BaVì, mỗi năm tổ chức các ngày hội săn bắn, thú vật săn được đem chia đều. Tại nhiều làng ven sông như Sơn Tây, Bắc Ninh, mỗi năm tổ chức đánh cá tập thể của tất cả dân làng trước khi cho người chuyên nghiệp “đấu trưng.” Trong những cuộc đánh cá tập thể đó nam nữ đều tham dự, công việc được phân chia thứ tự, đánh cá xong đem cúng đình rồi chia nhau hưởng. Ở các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có những Phường Củi, cùng đi đốn củi ở Ngàn Hống. Tại sao người ta không làm lối “riêng rẽ khỏe ăn?” Vì nhu cầu đông người để chống thú dữ, nhu cầu phân công cho nhiều loại lao động khác nhau, và cũng thỏa mãn cả nhu cầu giải trí và tạo cơ hội cho thanh niên nam nữ gặp nhau.
Nhiều tổ chức tư nhân tự nguyện tương trợ trong làng xã Việt Nam đã bị chế độ thực dân Pháp tìm cách thay thế bằng hệ thống hành chính và các tổ chức xã hội của họ, làm giảm bớt vai trò của người dân, nhưng giềng mối, gốc rễ tinh thần vẫn tồn tại. Năm 1945 khi dân ta được tự do, cùng một lúc tại các làng xã có bao nhiêu hội mới thành hình, lo từ việc giáo dục, y tế đến kinh tế, nhưng chú trọng nhiều vào mặt quân sự và chính trị. Phong trào Đời Sống Mới trong thời gian đó phát triển được phải nói là vì trong truyền thống, tập tục của người dân đã có một thứ vốn xã hội rất phong phú và bền chặt.

Kết luận
Những thí dụ kể trên đây cho thấy trong lịch sử dân tộc ta có một vốn liếng chung rất quý, là tinh thần tự nguyện và hỗ trợ lẫn nhau, biểu hiện qua những mạng lưới tổ chức tự phát của người dân, độc lập đối với hệ thống cai trị. Có một thời, khi khảo sát đời sống xã thôn Việt Nam người ta thường chỉ nêu lên các hủ tục. Tất nhiên cơ cấu xã hội nào cũng có thể sinh ra những hủ tục. Gặp khi bị chế độ thực dân kìm hãm, xã hội làng xóm có thể biến chứng chỉ còn phô bầy cái xấu làm cho người ta quên mất các thuần phong mỹ tục. Khi bình tĩnh nghiên cứu lại, chúng ta khám phá ra rất nhiều mầm mống tốt, sẵn sàng nẩy nở khi có luật pháp rõ ràng để người dân được tự do hội họp và tự do thành lập các hiệp hội. Mạng lưới các tập hợp tư nhân trong làng xã cổ truyền không thể tái lập như xưa được nữa, nhưng tinh thần tương trợ, lòng tin cẩn lẫn nhau trong truyền thống người Việt là có thật. Hệ thống giá trị đề cao tín nghĩa là có thật, đã được thể hiện rất cụ thể qua mạng lưới đó. Chúng ta có thể tin tưởng vào vốn xã hội của dân mình, sẵn sàng bước vào thời hiện đại.

Quý Đỗ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)