Vốn xã hội từ lý thuyết đến thực tiễn ở Việt Nam

Năm 2006, một cuộc hội thảo do tạp chí Tia Sáng tổ chức đã quy tụ gần 200 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng đề cập đến một vấn đề thiết yếu đối với quá trình phát triển của Việt Nam: Vốn xã hội (VXH).


Những giải pháp được đặt ra trên nhiều phương diện khác nhau đối với quá trình phát triển của Việt Nam từ sau giai đoạn “mở cửa.”[1] Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu những vấn đề cốt lõi về VXH do đây là một thuật ngữ kinh tế xã hội của phương Tây, trong tiếng Anh là  social capital. Bài viết này sẽ đưa ra một số những thông tin căn bản nhất về vấn đề lý thuyết để tất cả mọi người ở tầng lớp xã hội có thể tiếp cận một vấn đề quan trọng “cũ người” nhưng “mới ta” này.

Một số nhà lý thuyết VXH tiêu biểu[2]

Khái niệm VXH đã được đề cập đến từ nửa đầu thế kỷ 19 khi Alexis de Tocqueville, một học giả người Pháp, quan sát đời sống của người dân Mỹ và cho rằng xã hội Mỹ là một tập hợp các mối quan hệ phức tạp nhưng lại hoạt động hết sức hiệu quả trong nền dân chủ. Tập hợp những mối quan hệ này đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa mà nhờ đó đã tạo nên sức mạnh của nước Mỹ trong quá khứ và cả trong giai đoạn hiện tại. Ông cho thấy “Ở đây không chỉ có các nghiệp đoàn thương mại và công nghiệp tham dự vào mà còn có hàng nghìn loại khác.”[3] Tuy nhiên, phải tới những thập niên cuối thế kỷ 19, thuật ngữ VXH mới được đưa vào các nghiên cứu mang tính học thuật và phải tới nửa sau thế kỷ 20, VXH mới được sử dụng một cách chính thống và được sử dụng rộng rãi trong các công trình khoa học. Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, VXH đã trở thành một thuật ngữ khoa học được nghiên cứu một cách có hệ thống và được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau về kinh tế học, xã hội học, nhân học,… Sau Alexis de Tocqueville, nhiều nhà lý thuyết khoa học xã hội khác như Robert Putnam, Pierre Bourdieu, James Coleman, Francis Fukuyama,… đã đưa VXH thành một nội dung quan trọng trong nhiều công trình nghiên cứu kinh điển về khoa học xã hội cũng như các chương trình giảng dạy ở nhiều trường đại học.

Trong cuốn sách nổi tiếng Chơi Bowling một mình (Bowling Alone), Robert Putnam đã đề cập đến lý thuyết VXH như là “giá trị cốt lõi của các mạng lưới xã hội” Theo ông VXH, cũng như vốn vật chất hay vốn con người, đều là những loại “vốn” có khả năng làm tăng năng suất từ những tác động tương hỗ của các mối tương tác thông qua các mạng lưới xã hội, các quy tắc xã hội cũng như niềm tin của con người trong xã hội, vì vậy, VXH có giá trị đối với những ai có khả năng sử dụng nó. “Putnam không những đã đào sâu khái niệm vốn xã hội, mà còn đề xuất những chỉ báo nhằm đo lường vốn xã hội. Trong một công trình nghiên cứu đối chiếu giữa miền bắc và miền nam nước Ý, Putnam đã khảo sát vốn xã hội xét về mức độ tham gia vào đời sống công dân qua những chỉ báo như: mức độ tham gia vào các cuộc bầu cử, số lượng phát hành báo chí, mức độ gia nhập tự nguyện vào các hội (như các hội hát hoặc các câu lạc bộ bóng đá…), và mức độ tin tưởng vào các định chế công cộng.”[4] Tuy nhiên, đóng góp quan trọng của Putnam đối với các khuynh hướng tiếp cận lý thuyết VXH chính là việc ông coi niềm tin của con người (trust) trong xã hội như một giá trị cốt lõi của VXH. Khái niệm này cũng được James Coleman đặt ra trong các nghiên cứu của ông cùng việc gắn các giá trị của VXH với sự sáng tạo trong vốn con người cùng với các chuẩn mực xã hội.

Không đi sâu vào các giá trị cốt lõi của VXH như Putnam hay Coleman, nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu lại đặt VXH trong một khoảng tiếp cận rộng hơn, bao quát hơn trong một cái nhìn chung đối với vốn kinh tế, vốn văn hóa và  vốn biểu tượng. Hướng tiếp cận này của Bourdieu cũng có nhiều điểm tương đồng với Putnam và Coleman, tuy nhiên, Bourdieu đã đóng góp cho hệ thống lý thuyết VXH một khái niệm hết sức có giá trị, đó là  vốn biểu tượng. Vốn biểu tượng được xem như những giá trị về danh dự, uy tín hay sự công nhận được lồng trong một ngữ cảnh văn hóa. Chẳng hạn, “chủ nghĩa anh hùng Việt Nam” có thể được xem như một loại vốn biểu tượng mang tinh thần dân tộc hoặc thương hiệu của đại học Harvard có thể được xem như một loại vốn biểu tượng trong việc thu hút sinh viên. Không giống như những loại “vốn” khác đã đề cập ở trên, vốn biểu tượng là một thành tố phi giới hạn, nó tùy thuộc vào các yếu tố lịch sử và văn hóa để hình thành nên VXH theo nghĩa chung nhất.

Nói tóm lại, VXH theo cách hiểu căn bản nhất bao gồm các thành tố: 1) Hệ thống các mạng lưới xã hội; 2) Niềm tin của con người trong xã hội; và 3) Khả năng kết nối để thực hiện công việc trong xã hội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa phải điều kiện “đủ” để chúng ta có thể cụ thể hóa VXH thành các giá trị mang tính thực tiễn đối với xã hội và đời sống của con người. Hướng tiếp cận của Francis Fukuyama dưới đây dường như đã giải quyết được vấn đề này.

Francis Fukuyama cho rằng “phần lớn các định nghĩa về VXH đều chỉ nói về những mặt biểu hiện của VXH hơn là về bản thân VXH. Ông quan niệm rằng VXH chính là thành tố văn hóa của các xã hội hiện đại – những xã hội mà kể từ thời kỳ Khai sáng đã được tổ chức dựa trên cơ sở của các định chế chính thức, trên cơ sở nhà nước pháp quyền và lý tính. Định nghĩa về VXH của Fukuyama có đặc điểm là nhấn mạnh hơn đến yếu tố chuẩn mực xã hội. Có thể nói, hướng tiếp cận của Francis Fukuyama là một hướng tiếp cận mang tính tổng thể đối với lý thuyết VXH. Từ những chuẩn mực xã hội mà con người đã tạo ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai, có thể nói, loài người là loài duy nhất trên hành tinh sáng tạo nên những giá trị mang tính xã hội. Những giá trị mang tính xã hội đó chính là sự tổng hợp cao nhất của VXH. Tuy nhiên, khái niệm VXH ở mức độ tổng thể mà Fukuyama đã đề xuất bao gồn cả mức độ thấp cũng như mức độ cao, nó bao gồm cả các yếu tố tích cực cũng như tiêu cực. Vì vậy, việc phân định các loại vốn khác nhau này cần được xem xét một cách cụ thể tùy từng trường hợp, chuyên mục dưới đây sẽ đề cập cụ thể hơn về vấn đề này.

Những vấn đề căn bản của lý thuyết VXH

Qua những hướng tiếp cận lý thuyết của các nhà khoa học nêu trên, chúng ta có thể tạm phân chia VXH thành hai loại căn bản: VXH dành cho cá nhân (như quan điểm của Bordieu) và VXH mang tính xã hội (như quan điểm của Putnam, Fukusima). Dường như hướng thứ hai ngày càng được quan tâm nhiều hơn và cũng được sử dụng ngày một rộng rãi hơn trong nhiều ngành nghề có liên quan đến VXH nói chung và khoa học xã hội nói riêng. Sự khác biệt trong việc tiếp cận VXH với các mức độ khác nhau ở các xã hội khác nhau chính là khó khăn lớn nhất đối với việc sử dụng lý thuyết VXH trong các nghiên cứu về khoa học xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tranh luận “vô tiền khoáng hậu” về mặt học thuật.

Trong nhiều cách phân loại về mức độ tiếp cận đối với VXH, các nhà khoa học đã chia thành những định mức như sau: “(1) Mức độ vốn xã hội vi mô (micro-level social capital), (2) mức độ vốn xã hội trung mô (Meso-level social capital), và (3) mức độ vốn xã hội vĩ mô (macro-level social capital).  Ba định mức này liên quan đến: (1) Cá nhân, (2) gia đình, trường học, cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, và (3) xã hội, đất nước và toàn cầu. Mối liên hệ hữu cơ là: (1) Nếu cá nhân không được chuẩn bị kỹ càng; (2) nếu nghiệp vụ không được đào tạo, huấn luyện nghiêm túc; (3) kết quả sẽ tạo ra là những thành viên xã hội có chất lượng nghèo nàn và hệ quả tất yếu là sẽ làm cho nguồn vốn xã hội suy thoái hay khánh tận.”[5] Việc phân chia này đã giúp các cá nhân trong xã hội, các hội nhóm, các nghiệp đoàn cũng như các thể chế quản lý xã hội có thể tiếp cận lý thuyết VXH ở các mức độ khác nhau tùy vào thực tiễn.

Việc phân chia nói trên, xét về lý thuyết là thỏa đáng và hợp lý, tuy nhiên, có một thực tế là tại cùng một thời điểm việc sử dụng lý thuyết VXH ở mỗi xã hội luôn có những khác biệt, thậm chí là những khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, ở vùng nông thôn, nơi người dân có quan điểm xã hội tương đối thủ cựu gần với truyền thống hơn thì mức độ tiếp cận VXH tương đương với cấp độ 1 hoặc 2 đã nêu ở trên. Trong khi đó, người dân ở thành phố (nơi có các thiết chế đô thị và lối sống hiện đại) buộc phải tuân thủ các quy tắc xã hội phù hợp với các định chế quốc gia (khu vực đô thị) và quốc tế. Mức độ này chính là tầm mức vĩ mô, ở cấp độ 3. Xét rộng ra, ở các xã hội khác nhau, các quốc gia khác nhau và các khu vực địa lý, kinh tế, lịch sử khác nhau thì việc tiếp cận VXH càng có nhiều khác biệt và càng cần được “phân cấp” cụ thể hơn, chi tiết hơn. Chẳng hạn, các quốc gia phát triển ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… có các thiết chế xã hội tương đối hoàn thiện, sẽ sử dụng VXH ở cấp độ cao hơn các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Cambodia,… nơi niềm tin trong xã hội chưa được khẳng định và các thiết chế xã hội chưa đủ hoàn thiện.

Ngoài những cách thức phân chia đã nêu ở trên, việc phân cấp sử dụng các cấp độ VXH cũng cần dựa trên trình độ phát triển của xã hội. Tạm thời, chúng ta có thể phân chia trình độ phát triển VXH qua ít nhất là 03 giai đoạn (gọi tắt là 3G – theo cách dùng của thuật ngữ phát triển công nghệ):

1G: Giai đoạn tiếp cận lý thuyết VXH
2G: Giai đoạn sử dụng lý thuyết VXH và các ứng dụng căn bản
3G: Giai đoạn ứng dụng VXH ở tầm vĩ mô

Theo đó, tại thời điểm hiện tại, các quốc gia phát triển đã sử dụng VXH 3G thì ở Việt Nam chúng ta vẫn chưa thực sự bước vào 1G do Việt Nam chưa có một xã hội dân sự (civil society) thực sự. Năm 2007, vấn đề ứng dụng các lý thuyết khoa học xã hội như VXH, vốn văn hóa, vốn biểu tượng,… đã được chính phủ Anh đưa vào chương trình nghị sự chính thức để sử dụng trong việc hoạch định chính sách công (public policy). Chương trình nghị sự này nhấn mạnh đến ảnh hưởng của các loại vốn nói trên từ những hành vi của cá nhân và cộng đồng. Từ đó quyết định cách thức tương tác của chúng đối với các thành tố khác như lợi ích của thông tin, ưu đãi tài chính đối với mỗi cá nhân trong xã hội. Chương trình này được nhóm nghiên cứu của David Knott thực hiện trong khung chính sách công của chính phủ Anh từ năm 2008.[6] Tuy nhiên, để thực hiện được các chính sách công dựa trên các loại vốn đó thì niềm tin và  chuẩn mực xã hội cần phải đạt đến một “độ cao” cần thiết trong một xã hội dân sự.

Lý thuyết VXH với thực tiễn của Việt Nam

Ở trên, bài viết đã nêu các vấn đề mang tính tích cực hay “mặt phải” của VXH. Dưới đây bài viết sẽ đề cập đến mặt trái của VHX và những quan điểm sai lầm của chúng ta về VXH. Việc hiểu nông hoặc hiểu sai về VXH đã dẫn đến những định hướng sai lầm và hậu quả là làm suy thoái VXH cũng như nền tảng đạo đức xã hội. “Theo Portes, vốn xã hội chứa đựng trong nó ít nhất là bốn hậu quả tiêu cực. Thứ nhất, đó là sự loại trừ những người ngoài. Vốn xã hội thường mang lại các cố kết bên trong nhóm. Tuy nhiên, những cố kết như thế lại tạo ra khó khăn cho việc mở rộng nhóm, đồng thời ngăn cản sự tham gia của những người bên ngoài. Thứ hai là đòi hỏi thái quá đối với thành viên. Điều này có thể tốt nếu xét theo khía cạnh tổ chức của nhóm. Nhưng mặt tiêu cực là ở chỗ nó hạn chế sáng kiến của các thành viên. Thứ ba là hạn chế tự do cá nhân. Thứ tư là việc hạ thấp chuẩn mực của sự cách biệt trong nhóm. Vì vốn xã hội có xu hướng tạo ra cố kết, giữ các cá nhân ở những vị thế ngang bằng nhau nên trong nhiều tình huống sự thành công của một cá nhân làm xói mòn liên kết nhóm. Nhiều khi, vốn xã hội giữ các cá nhân ở những vị thế ngang bằng nhau nên đã làm triệt tiêu tham vọng và sự sáng tạo của họ.”[7] Có thể nói, tính cố kết, bè phái, địa phương chủ nghĩa, gia đình trị,… là những mặt trái tiêu biểu của người Việt Nam, đó chính là những mặt tiêu cực phổ biến của VXH. Nhận thức được vấn đề này thông qua lý thuyết VXH có thể giúp chúng ta tránh được những nhược điểm căn bản, mang  tính cố hữu hoặc những sai lầm đáng tiếc.

Một thực tế khác rất dễ thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội được vận hành bằng những mối quan hệ “thân thuộc” mang đặc trưng “lợi ích nhóm.” Loại VXH này tuy làm lợi cho một số ít cá nhân ở các nhóm lợi ích nhưng xét trên tổng thể về VXH (như quan điểm của Fukuyama) thì nó không những không đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin và  chuẩn mực xã hội. Một xã hội không còn niềm tin và những chuẩn mực là một xã hội đang đứng bên bờ vực tan rã. Những biệt ngữ “chạy án”, “làm luật” hay “lách luật” đang được sử dụng hết sức phổ biến hiện nay là những minh chứng rõ nét về sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin đối với luật pháp. Việc “chạy trường”, “xin điểm”, “bằng giả, bằng rởm”… là những chỉ báo cho thấy các chuẩn mực về học vấn, nhân cách, tiêu chí giáo dục,… bị đảo lộn. Để giải quyết những vấn đề nói trên thì việc đưa lý thuyết VXH vào giảng dạy và áp dụng trong thực tiễn của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết. Việc làm này “tuy muộn nhưng còn hơn không.” Tuy nhiên, tất cả các vấn đề nói trên chỉ có thể được giải quyết trong một xã hội dân sự.

Tài liệu tham khảo

Bourdieu, Pierre.  1980. Le Capital Social: Notes Provisoires. Actes de la Rechercheen Sciencies Sociales 3: 2-3.
Bourdieu, P. 1984. Distinction: A social critique of the judgement of taste, Harvard: Routledge.
Bourdieu, Pierre.  1986.  The Forms of Capital.  In Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education.  J. Richardson, ed.  Westport: Greenwood Press.

Coleman, James.  1987.  Norms as Social Capital. In Economic Imperialism. Radnitsky and Bernholz, eds.  New York: Paragon House.
Coleman, James.  1988. Social Capital in the Creation of Human Capital. American Journal of Sociology 94 (Supplement): S95-S120.

Coleman, James. 1990. Foundations of Social Theory.  Harvard University Press.
Fukuyama, Francis. 1999. Social Capital and Civil Society. Lecture at The Institute of Public Policy. George Mason University. October 1, 1999

Fukuyama, Francis. 1997. Social Capital. Lecture at Brasenose College, Oxford, May 12, 14, and 15, 1997
Hayek, Friedrich.  1960.  The Constitution of Liberty.  Chicago: The University of Chicago Press.

Nguyễn Tuấn Anh, VXH và sự cần thiết nghiên cứu VXH ở nông thôn Việt Nam hiện nay. http://tainguyenso.vnu.edu.vn/
Putnam, Robert.  1966. Political Attitudes and the Local Community. American Political Science Review 60: 640-654.

Putnam, Robert.  1995. Bowling Alone: Americas Declining Social Capital.  Journal of Democracy 6: 65-78.
Putnam, Robert.  2000.  Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community.  New York: Simon and Schuster.

Tocqueville, Alexis de.  1988.  Democracy in America.  G. Lawrence, trans. J.P. Mayer, ed. Perennial Library edition.  New York: Harper and Row, Publishers
Trần Hữu Quang. 2006. Tìm hiểu khái niệm vốn xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội, số 07 (95), trang 74-81.

Trần Kiêm Đoàn. 2006. Khái niệm về VXH, trong: http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/vonxahoi.html



[1] Loạt bài này có thể xem trực tiếp trên website của Tạp chí Tia sáng: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=1787&CategoryID=16

[2] Ngoài các tác giả được giới thiệu ở đây còn một số nhà khoa học khác có đóng góp đáng kể đối với lý thuyết VXH nhưng do giới hạn về thời lượng của bài viết này nên chúng tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ mà không liệt kê toàn bộ.

[3] Putnam, Robert. 2000.  Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community.  New York: Simon and Schuster, tr. 48

[4] Trần Hữu Quang. 2006. Tìm hiểu khái niệm vốn xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội, số 07 (95), trang 74-81

[5] Theo Trần Kiêm Đoàn trong: http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/vonxahoi.html

[6] Xem: “Hướng tới biến đổi văn hoá: Một khung chính sách” (David Knott with Stephen Muers and Stephen Aldridge, Achieving Culture Change: a policy framework July 2007, PM’s Policy Unit) của chính phủ Anh tại trang web:  http://www.cabinetoffice.gov.uk/strategy

[7] VXH và sự cần thiết nghiên cứu VXH ở nông thôn Việt Nam hiện nay, tham luận của Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. http://tainguyenso.vnu.edu.vn/

 

Tác giả