Vốn xã hội và phát triển kinh tế
Một cách tóm tắt xu hướng phát triển của kinh tế học (Tây phương) về phát triển trong nửa thế kỉ qua là: nó đi từ các mô hình căn cứ trên những quan niệm khá hẹp hòi, thậm chí thiếu nhất quán, đến những mô hình phức tạp hơn, với nhiều yếu tố “ngoại kinh tế” (thể chế, văn hóa lịch sử, địa lí). Hai yếu tố nổi bật mà lý thuyết này đã dần dần hội nhập trong xu hướng ấy là con người và xã hội.
Khái niệm vốn xã hội xuất hiện trong kinh tế trong bối cảnh ấy.[2] Qua cụm từ này, nhiều nhà phân tích cảm thấy đã tìm ra một “đáp số” cho hai nhu cầu cùng lúc: vừa vẫn duy trì tiếp cận kinh tế (“vốn”), vừa hội nhập vào tiếp cận ấy những yếu tố “xã hội”.
I. “Vốn xã hội” là gì?
Trong bài “Vốn xã hội và kinh tế” (Thời Đại số 8, 2003) tôi đã trình bày sơ về ý niệm “vốn xã hội”. Xin tóm tắt như sau: Tuy rằng động cơ khiến các học giả[3] đặt ra khái niệm này xuất phát từ nhiều hướng (xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục) song đại để là với nhận xét rằng (1) sự tin cẩn giữa những người cùng một “cộng đồng” (không nhất thiết bao trùm toàn thể quốc gia), (2) sự tuân theo thói lề, phong tục của cộng đồng ấy (không cần pháp luật cưỡng chế, hoặc vì hấp lực của quyền lợi vật chất), và (3) nói chung là “mạng lưới” xã hội (có thể là những hiệp hội, liên hệ gia tộc…), những “thứ đó” có ảnh hưởng thường là tốt đối với xã hội nói rộng, thậm chí có những lợi ích kinh tế rõ rệt. Từ những nhận xét “chung chung” (và khó phủ nhận) này, nhiều học giả đã gọi nguồn lực ấy là một thứ “vốn” – “vốn xã hội”.
Trước khi khai triển thêm về khái niệm này, cần nhận xét ngay rằng không ít bàn tán về nó là xung quanh câu hỏi thật sự căn bản: tại sao gọi nguồn lực này là “vốn”?
Người biện hộ cho bản chất “vốn” của nguồn lực này đưa ra ba lí do chính.[4] Thứ nhất, nó giống những loại vốn (đã được công nhận) khác ở chỗ có thể tích lũy từ các loại nguồn lực khác[5] với mong mỏi sẽ có thêm thu hoạch (dù không chắc) trong tương lai. Thứ hai, vốn xã hội có thể được sử dụng trong nhiều việc khác nhau (Coleman 1988).[6] Thứ ba, vốn xã hội có thể được chuyển thành những loại nguồn lực khác, vốn khác (Bourdieu 1985).[7]
Tất nhiên, cũng như những loại vốn khác ở chỗ có nhiều khác nhau song vẫn là “vốn”, vốn xã hội (theo những người đề xuất ý niệm này) có vài dị biệt với những loại vốn khác. Chẳng hạn, khác vốn tài chính (nhưng giống vốn vật thể và vốn con người), vốn xã hội cần được nuôi dưỡng, bảo trì, để tiếp tục có ích.[8] Rồi, cũng không thể tiên đoán suất chiết cựu của vốn xã hội. Về đặc tính này, vốn xã hội giống với vốn con người, nhưng khác với vốn vật thể .[9]
Căn bản hơn, không giống mọi loại vốn khác, vốn xã hội là sản phẩm của tập thể, không của chỉ một cá nhân. Nó tùy vào “lòng tốt” của kẻ khác, sự “có đi có lại” của nhiều người, và lợi ích của nó cũng là của chung. Dùng thuật ngữ kinh tế, có thể nói vốn xã hội là một loại hàng hoá công. Không một ai có thể độc quyền “sở hữu” mạng lưới xã hội, ngăn chặn lợi ích đến người khác. Song, ngược lại, chỉ một vài cá nhân thôi cũng đủ làm đổ vỡ vốn xã hội mà tập thể đã dày công xây dựng.[10]
Gần đây, nhiều nhà kinh tế chính thống (Arrow, Solow, Stiglitz) đã phân tích cặn kẽ khái niệm vốn xã hội và nêu ra một số dè dặt về sự thích hợp của chữ “vốn” trong cụm từ này. Arrow nhắc lại rằng vốn vật thể có ba đặc tính: trải ra trong thời gian (extension in time), hàm chứa những hi sinh cho lợi ích mai sau, và có thể được chủ thể này chuyển nhượng cho chủ thể khác. Theo Arrow, “vốn xã hội” có đặc tính thứ nhất nhưng thiếu đặc tính thứ hai và thứ ba. Solow đặt thêm câu hỏi: vốn vật thể có “suất thu hoạch” và có thể đo bằng cách tổng cộng tất cả đầu tư trong quá khứ, trừ đi phần tiêu hao, còn vốn xã hội thì làm sao đo? “Suất thu hoạch” của nó là cái gì? Và Ostrom châm thêm: vốn xã hội có đặc tính là càng sử dụng thì giá trị càng tăng, hoàn toàn trái ngược với vốn vật thể.
II. Vốn xã hội và phát triển kinh tế
Vậy thì cái “nguồn lực” ấy (từ đây sẽ gọi là “vốn xã hội” cho gọn, dù vẫn tồn nghi tính “vốn” của nó, như đã nói ở trên) có những ích lợi kinh tế nào?
(1) Vốn xã hội giúp giải quyết những “bài toán tập thể”. Cụ thể, có những tình huống mà mọi người đều có lợi (có thể khá lớn) nếu mỗi người làm một việc nhỏ, song lợi ích (lớn) đó chỉ hiện thực khi mọi người đều làm việc nhỏ ấy. Ví dụ đầy rẫy chung quanh ta: từ những việc quan trọng như đóng thuế, đến những việc bình thường như dừng khi đèn đỏ, hoặc không vứt rác nơi công cộng. Nói theo các nhà kinh tế, vốn xã hội – như là kết tinh của một chuẩn mực cư xử, một kì vọng chung của thành viên cùng một cộng đồng – giúp giải quyết các “bài toán phối hợp” (coordination problems).[11] Đi xa hơn (dù chưa thấy ai đề nghị), nhớ lại rằng nhiều nhà kinh tế đã giải thích những vấn đề kinh tế vĩ mô như là hậu quả của sự “thất bại phối hợp” (coordination failures), người viết bài này nghĩ rằng “tiếp cận vốn xã hội” có thể rất hữu ích cho phân tích những hiện tượng vĩ mô tổng quát (như thất nghiệp, lạm phát…).[12]
[1] Một tài liệu của Liên Hợp Quốc năm 1951 hô hào phá vỡ những xã hội truyền thống nếu muốn phát triển.
[2]Dù nó đã có trong xã hội học gần cả thế kỉ trước.
[3]Những tên tuổi chính: Bourdieu, Coleman, Putnam, Fukuyama, De Soto, …
[4] Xem Adler và Kwon (1998)
[5] Chẳng hạn như vốn tài chính là do tiết kiệm mà có.
[6] Ví dụ, một người bạn của anh là một thứ vốn xã hội mà anh có thể dùng khi nhờ người ấy giới thiệu chỗ làm cho anh, và cũng có thể dùng để “tâm sự” (khỏi tốn tiền gặp bác sĩ tâm lý!).
[7] Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không phải luôn luôn dễ (vốn tài chính là dễ chuyển đổi nhất).
[8] Ví dụ, “móc nối xã hội” giữa một nhóm người sẽ phai nhạt qua thời gian nếu những người ấy không giữ liên lạc với nhau.
[9] Một chiếc ôtô cũ chẳng hạn, dùng càng lâu thì chắc chắn giá trị càng giảm. Nhưng không thể tiên đoán giá trị của một liên hệ sẽ thay đổi ra sao với tầm mức hai người giữ liên lạc với nhau.
[10] Trong một hội đoàn, chỉ vài người lươn lẹo là không ai còn tin ai nữa.
[11] “Thế lưỡng nan của người tù”, chẳng hạn.
[12] Xem Cooper và John, 1988; Cooper 1999.