Xã hội công dân ở Trung Quốc (Kỳ 1)

Mặc dù đã tiến sang xã hội công dân nhưng thuật ngữ xã hội công dân vẫn bị coi là rất nhạy cảm ở Trung Quốc; quan chức Đảng và chính quyền, kể cả đa số học giả nước này còn chưa hiểu rõ và có thái độ hoài nghi về xã hội công dân.

Trước cải cách mở cửa, Trung Quốc thực hành chế độ “Hợp nhất chính trị và xã hội”, Đảng Cộng sản và Chính phủ “bao cấp” tất cả mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-chính trị-văn hóa-tư tưởng v.v… Do thực thi cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung nên chính quyền bao biện làm cả hai chức năng chính trị và kinh tế (“chính phủ toàn năng”), quyền lực nhà nước bao trùm tất cả mọi lĩnh vực. Bộ máy của nhà nước vì thế rất cồng kềnh, hiệu suất thấp, phí tổn cao. Về nguyên tắc, toàn bộ cuộc đời mỗi người dân từ khi sinh ra cho tới khi chết đều được nhà nước “bao cấp” quản lý, kể cả suy nghĩ của họ. Dân chúng chỉ được hưởng những quyền tự do dân chủ hạn chế. Mỗi người đều bị buộc chặt vào “đơn vị công tác” cố định của mình (ở nông thôn là công xã nhân dân). Các đoàn thể quần chúng đều do Đảng lập ra và lãnh đạo, chỉ là nơi quản lý, giáo dục họ tuân theo sự lãnh đạo của Đảng; công dân không được phép tự do lập hội đoàn của mình. Trong nước chỉ tồn tại hai khu vực là nhà nước (gồm chính quyền, đảng, đoàn thể quần chúng do đảng lập ra và lãnh đạo) và cá nhân, hầu như không tồn tại lĩnh vực trung gian là xã hội, hoàn toàn không thể có xã hội công dân.

1. Quá trình hình thành và phát triển xã hội công dân tại Trung Quốc

Sau Hội nghị trung ương lần 3 khóa XI năm 1978, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu tiến hành cải cách mở cửa, tạo ra sự thay đổi long trời lở đất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội Trung Quốc.

Công cuộc cải cách thể chế kinh tế theo định hướng thị trường đã nâng cao đáng kể sức sản xuất xã hội và đời sống nhân dân. Đây là nguồn gốc sâu xa nhất làm cho các tổ chức dân gian có dịp phát triển nhanh chóng. Kinh tế thị trường yêu cầu các doanh nghiệp phải trở thành pháp nhân độc lập có quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu lỗ lãi, vì thế chính quyền và doanh nghiệp phải tách khỏi nhau. Trong cơ chế đó, quyền tự chủ của doanh nghiệp tăng lên rõ rệt, tạo khả năng để một số hội đoàn ngành nghề và đồng nghiệp trở nên tương đối độc lập với chính quyền. Mặt khác, kinh tế thị trường làm tăng độ rủi ro của doanh nghiệp, giới doanh nhân phải lập ra các hội đoàn có tính ngành nghề để tự bảo vệ lợi ích của mình. Nhằm tìm kiếm môi trường cạnh tranh công bằng với khối doanh nghiệp quốc doanh, các chủ doanh nghiệp tư nhân cần lập các tổ chức tự nguyện để giúp đỡ nhau (như các câu lạc bộ doanh nhân).

Kinh tế thị trường thừa nhận sở hữu tư nhân, do đó tạo ra tầng lớp hữu sản, trong đó có tầng lớp trung lưu, vừa có của vừa có trí thức, họ hăng hái lập ra các đoàn thể tự nguyện để bảo vệ lợi ích của mình, đòi mở rộng tự do dân chủ và tham gia việc hoạch định chủ trương chính sách của nhà nước. Xét theo tiêu chuẩn trung lưu nêu trong báo cáo năm 2006 của Ngân hàng Thế giới là thu nhập đầu người hàng năm đạt 4.000~17.000 USD (GDP đầu người Trung Quốc năm 2010 là 4277 USD), năm 2008 tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc chiếm 22-23% tổng số dân hoặc 300 triệu người và tăng hàng năm 1%.

Cải cách mở cửa đã nâng cao đáng kể đời sống nhân dân cả nước, nhờ đó công dân có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch,.., qua đó tự phát lập ra các tổ chức công dân, hội ngành nghề, câu lạc bộ v.v… Cũng do đời sống khá nên họ có điều kiện cung cấp tài chính cho các tổ chức đó hoạt động.

Đồng thời Trung Quốc đã thực hiện những thay đổi lớn về chính trị, chủ trương tách rời chính quyền với xã hội, xây dựng nhà nước pháp trị:

– Nhà nước ngày càng tôn trọng pháp chế, pháp trị, như cho dân chúng thực hiện quyền tự do lập hội và mít tinh biểu tình (đã ghi trong Hiến pháp nhưng trước đây không thi hành);

– Nhà nước dần dần tách khỏi xã hội, trước hết là xã hội kinh tế (tức khối doanh nghiệp);

– Trung ương phân chia bớt quyền lực cho địa phương; chính quyền nới lỏng quản lý công dân. Từ giữa thập niên 80 bắt đầu thực hiện nông thôn tự quản, nông dân trực tiếp bầu ra Ủy ban Thôn dân để giải quyết mọi công việc trong làng.

– Tinh giản bộ máy nhà nước, giảm chức năng kinh tế, xã hội, tăng cường chức năng quản lý hành chính; chính quyền không còn quản lý sản xuất kinh doanh, các việc dân sự, văn hóa nghệ thuật, học thuật nữa, mà để các tổ chức dân gian (như các hội ngành nghề) tự quản lý.

Đã thực hiện thay đổi cách quản trị xã hội, như mở rộng dân chủ ở cơ sở, thực hiện công dân tự quản, chính trị trong suốt, xã hội giám sát chính quyền, công khai tài chính, tổ chức kiểm toán. Mở rộng dân chủ cơ sở là thành tích nổi bật nhất. Như đã mở rộng quyền trực tiếp bầu cử, ban hành Luật Bầu cử, quy định Hội đồng nhân dân (Quốc hội) từ cấp huyện trở xuống phải do cử tri trực tiếp bầu, không được đề cử ứng viên mà để dân tự chọn. Ban hành chế độ bầu cử trực tiếp Ủy ban Thôn dân tại mỗi làng xã, Ủy ban Dân phố tại mỗi khu phố ở thành thị, đều không được chỉ định sẵn ứng cử viên. Các Ủy ban này không phải là cơ quan chính quyền mà là tổ chức tự quản của dân. Việc thành lập Ủy ban Thôn dân và Ủy ban Dân phố, thực hiện công dân tự quản xã hội ở nông thôn và khu phố, là cải cách chính trị quan trọng nhất tại Trung Quốc kể từ thập niên 80, một bước tiến mạnh dạn tới thành lập XHCD ở nước này.

Tuy vậy nhiều cải cách dân chủ chỉ được thực hiện qua loa đại khái, hình thức; ban hành nhiều văn bản luật pháp nội dung tốt nhưng không chấp hành đúng. Chẳng hạn khi bầu cử vẫn chỉ bầu theo danh sách ứng cử viên đã chỉ định sẵn, hoặc không bầu trực tiếp mà chỉ để một số “đại biểu dân” bầu; nghĩa là bầu người đã được cấp trên lựa chọn; thực chất dân chưa được làm chủ.

Kinh tế thị trường đem lại sự phân hóa sâu sắc trong xã hội, đặc biệt là phân hóa giàu nghèo, làm tăng bất công xã hội và mâu thuẫn nội bộ. Xã hội chia làm các tầng lớp khác nhau về thu nhập, nguồn lực, địa vị, trình độ văn hóa. Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết hiện nay xã hội nước này hình thành 10 tầng lớp: cao nhất là tầng lớp cán bộ quản lý nhà nước và xã hội; thứ nhì là tầng lớp giám đốc doanh nghiệp quốc doanh; thứ ba là tầng lớp chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh; thứ 8, 9 là tầng lớp công nhân xí nghiệp, lao động nông nghiệp; thứ 10 là tầng lớp vô nghề nghiệp, thất nghiệp và nửa thất nghiệp. Ba tầng lớp trên cùng thuộc vào quần thể đặc quyền đặc lợi; ba tầng lớp dưới cùng thuộc quần thể yếu thế, đông người nhất, nghèo nhất và lợi ích của họ bị xâm phạm nhiều nhất. Các phần tử xấu trong mấy tầng lớp trên cùng thường móc nối với nhau chiếm đoạt lợi ích của các tầng lớp dưới cùng, vì thế đa số dân chúng ngày càng bất mãn, mâu thuẫn nội bộ nhân dân ngày càng gay gắt, xã hội có xu hướng mất ổn định.

Kinh tế thị trường đẻ ra lối sống chạy theo đồng tiền, tạo điều kiện phát triển nạn tham nhũng trong giới quan chức nhà nước và thói kinh doanh mù quáng trục lợi trong giới doanh nhân; họ thường dùng cách hối lộ để móc nối với các quan chức nhằm kiếm lợi nhuận tối đa, gây thiệt hại lợi ích của nhân dân. Công nghiệp hóa, đô thị hóa làm cho đất đai – nguồn sống của nông dân, bị thu hẹp, thiệt hại trực tiếp tới lợi ích của họ, trong khi lại làm cho giới doanh nhân kinh doanh bất động sản giàu lên.

Tất cả những điều đó đã làm dân chúng thức tỉnh ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình. Họ đã đứng dậy chống lại giới quan chức tham nhũng và giới doanh nhân trục lợi. Số vụ biểu tình phản kháng tăng lên: năm 1994 có 10 nghìn vụ, năm 2003 – 60 nghìn; quy mô biểu tình lớn dần: năm 1994 có 1.400 vụ có từ 100 người trở lên tham gia, năm 2002 – hơn 7000. Công đoàn Trung Quốc cho biết: thời gian 1992-1997 hàng năm bình quân có 1,26 triệu công nhân tham gia các vụ tranh chấp với chủ lao động. Năm 1995 ở 30 đô thị có hơn 1 triệu người tham gia biểu tình phản đối bất công xã hội; năm 1998 có 3,6 triệu người.

Trong tiến trình cải cách mở cửa ngày càng có nhiều lực lượng xã hội tách ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước, dẫn đến quá trình phân hóa cơ cấu xã hội Trung Quốc theo diễn biến như sau: trước tiên là phân hóa giữa nhà nước chính trị với xã hội kinh tế mà đột phá khẩu là sự tách rời chính quyền với khối doanh nghiệp. Thứ hai là từ thập niên 90 trở đi tầng lớp trung lưu dẫn đầu dân chúng lập ra các đoàn thể tự nguyện để bảo vệ lợi ích của mình và góp phần tham gia quản lý xã hội, gọi chung là Tổ chức xã hội (TCXH), hình thành một khu vực tương đối độc lập, bắt đầu quá trình tách rời nhà nước chính trị với xã hội của công dân, chế độ “Hợp nhất chính trị và xã hội” bị xóa bỏ hoàn toàn.

Các cải cách về kinh tế và chính trị nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi để xu thế thành lập các TCXH phát triển rất mạnh. Đây là cơ sở hình thành XHCD ở Trung Quốc.

Năm 1989 số lượng các TCXH có tính toàn quốc tăng lên tới 1600 đơn vị, các TCXH có tính địa phương bằng hơn 200 nghìn. Năm 1997, có hơn 180 nghìn các TCXH cấp huyện trở lên. Đến năm 2010 cả nước đã có 450 nghìn TCXH đăng ký hoạt động và 250 nghìn TCXH chuẩn bị đăng ký; nếu kể cả các tổ chức chưa đăng ký thì trên thực tế hiện có khoảng 3 triệu TCXH và con số này đang tăng lên với tốc độ mỗi năm 8-10%.

Như vậy bình quân 400 người có một tổ chức của công dân (ở Mỹ là 300 người). Điều đó nói lên XHCD Trung Quốc hình thành và phát triển nhanh mạnh tới mức đáng ngạc nhiên.

Cơ cấu tổng thể xã hội Trung Quốc đã phân hóa thành 3 khu vực độc lập tương đối với nhau: – Khu vực nhà nước với đại diện là quan chức chính quyền, cơ sở là tổ chức chính quyền; – Khu vực thị trường với đại diện là các chủ doanh nghiệp, cơ sở là tổ chức doanh nghiệp; – Khu vực các tổ chức xã hội của công dân, tức khu vực xã hội công dân (còn gọi là khu vực thứ ba) với đại diện là công dân, cơ sở là mấy triệu tổ chức xã hội nói trên.

Mới đây tiến sĩ Du Khả Bình Phó Cục trưởng Cục Biên dịch thuộc Trung ương Đảng CSTQ (Central Compilation & Translation Bureau) nhận xét: việc nghiên cứu XHCD ở Trung Quốc đang ngày một đi vào chiều sâu cho thấy không những XHCD đã trở thành một lực lượng lớn mạnh mà việc nghiên cứu XHCD cũng đã thành phong trào, thành sức mạnh. Điều đó nói lên chân lý: bất cứ sự vật nào hợp quy luật phát triển xã hội và yêu cầu tiến bộ xã hội thì sẽ không thể nào ngăn cản được.

Giới học giả Trung Quốc cho rằng từ đầu thế kỷ XXI nước này đã hình thành xã hội công dân – thành quả vĩ đại của tiến trình cải cách mở cửa.

Đầu năm 2009, một tờ báo CHLB Đức đăng bài Trung Quốc đã tiến sang xã hội công dân. Tác giả cho rằng đó là do: – Tăng trưởng kinh tế và cải cách mở cửa tại Trung Quốc đã dẫn đến các thay đổi lớn về mặt xã hội; – Tầng lớp trung lưu đã chiếm tỷ lệ khá lớn trong xã hội, họ tự hào vì có căn hộ, xe hơi, có đầu tư chứng khoán và có phong cách sống gần như dân đô thị Âu Mỹ; – Dân chúng đô thị Trung Quốc đã quan tâm tới các tầng lớp không có đặc quyền (như nông dân, dân công, người thất nghiệp), tới vấn đề môi trường và tham nhũng, họ bắt đầu bàn thảo về luật pháp, đòi có quyền phát ngôn, phản biện về các chính sách của nhà nước; dân chúng đã lập ra các tổ chức phi chính phủ và hội đoàn giúp lẫn nhau. – Mạng Internet và các công cụ thông tin hiện đại thúc đẩy dân chúng hăng hái bàn bạc mọi vấn đề, qua đó ảnh hưởng tới quyết sách của chính quyền.

XHCD Trung Quốc có các đặc trưng tổng quát là: – Tương đối độc lập với nhà nước và chính quyền; – Có chủ thể là các tổ chức dân lập phi chính phủ và phi lợi nhuận; – Là sản phẩm tất nhiên của kinh tế thị trường và yêu cầu tất nhiên của nền chính trị dân chủ; – Có quy luật vận hành khác với hệ thống chính quyền và hệ thống thị trường (hệ thống kinh tế); – Có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế thị trường và chính trị dân chủ.

Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và khoa học kỹ thuật, trong đó có công nghệ thông tin, công nghệ mạng Internet đã tăng tốc quá trình hình thành và phát triển XHCD. Trung Quốc năm 2011 có 513 triệu dân mạng (135 triệu ở nông thôn) và 850 triệu hộ dùng điện thoại di động, hơn 250 triệu người dùng microblog (weibo) để phát biểu quan điểm của mình, tố cáo tham nhũng, bất công và nạn chính quyền giấu thông tin, qua đó đóng góp rất quan trọng hình thành XHCD. Như trong vụ tai nạn đường sắt cao tốc ở Ôn Châu (23/7/2011), họ đã vạch ra cách xử lý sai lầm của ngành đường sắt, qua đó giúp chính phủ giải quyết vụ này một cách hợp tình hợp lý, tìm ra và khắc phục được nhiều sai sót trong quản lý nhà nước.

Công dân và các TCXH của họ đã góp phần quan trọng đấu tranh gìn giữ quyền lợi của mình, tham gia quản lý xã hội, giám sát cán bộ và cơ quan nhà nước.

Đặc biệt nông dân Trung Quốc đã tiến hành đấu tranh quyết liệt đòi quyền làm chủ xã hội, đòi giữ lại đất nông nghiệp. Họ đấu tranh với chính quyền địa phương theo nhiều cách, từ biểu tình ngồi ở trước trụ sở cơ quan chính quyền tới diễu hành trên đường phố hoặc kéo lên ngồi kín đường cao tốc, đường xe lửa. Tuy chính phủ đã có quy định cấm dùng vũ lực đàn áp dân biểu tình nhưng chính quyền một số nơi vẫn dùng cảnh sát để đối phó, gây xung đột bạo lực với người biểu tình.

Điển hình nhất là vụ 11000 nông dân xã Ô Khảm (Quảng Đông) đấu tranh chống bầu cử dân chủ giả hiệu, chống tham nhũng, chống bán đất của dân, bắt đầu từ vụ biểu tình ngày 21/9/2011 tố cáo chính quyền địa phương bán mảnh đất tập thể cuối cùng của xã. Đấu tranh diễn biến phức tạp, tới mức dân biểu tình đánh lại cảnh sát đàn áp, gây thương vong cả hai bên; tiếp đó dân làng đuổi hết cán bộ và cảnh sát; đối lại, chính quyền phong tỏa làng, cắt lương thực, điện nước và thông tin liên lạc. Ngày 20/12 chính quyền tỉnh Quảng Đông đã nhượng bộ, cử Tổ Công tác do Ủy viên Ban Kỷ luật Trung ương Đảng kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu xuống xã gặp dân trao đổi ý kiến và tuyên bố: “Các khiếu nại chủ yếu của quần chúng là hợp lý”, “Một số hành vi quá khích của đa số quần chúng là có thể thông cảm và tha thứ được, Đảng và chính phủ không truy cứu trách nhiệm của họ” và cách chức cán bộ lãnh đạo chi bộ và Ủy ban Thôn dân (một tổ chức tự quản của nông dân Trung Quốc đã được Hiến pháp 1982 xác nhận và có Luật thực hiện từ năm 1988) hiện có, đồng ý để dân bầu lại Ủy ban Thôn dân theo cách toàn dân xã trực tiếp bỏ phiếu kín, không có đề cử ứng cử viên kiểu Đảng cử dân bầu như trước kia. Kết quả một người lãnh đạo cuộc biểu tình được bầu làm chủ nhiệm Ủy ban; từ đó cuộc đấu tranh chấm dứt. Cuộc bầu cử này đã chứng minh chỉ cải cách kinh tế thôi thì không thể giảm được mâu thuẫn xã hội mà dứt khoát còn phải cải cách chính trị, thực sự để dân làm chủ.

Ngày 19/2/2012, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội công dân trường Đại học Bắc Kinh công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện xã hội công dân lớn năm 2011 của Trung Quốc, trong đó vụ Ô Khảm được xếp hạng thứ nhất với số phiếu 100%.

Tiến trình xây dựng XHCD ở Trung Quốc khá phức tạp. Đó là do: – Lĩnh vực tư nhân và bảo đảm quyền tư nhân chưa phát triển, thiếu bảo đảm pháp lý; – Các TCXH vẫn chịu sự chỉ đạo của nhà nước; chính quyền vẫn còn nghi kị các tổ chức này; – Chưa hình thành môi trường xã hội cho các TCXH tham gia và bàn bạc công việc chung.

2. Thay đổi nhận thức về xã hội công dân

Tuy từ thập niên 80 các hình thái manh nha của XHCD đã hình thành và lớn mạnh dần nhưng thuật ngữ Xã hội công dân vẫn bị coi là rất nhạy cảm; quan chức Đảng và chính quyền, kể cả đa số học giả Trung Quốc còn chưa hiểu rõ và có thái độ hoài nghi về XHCD (tương tự tình hình ở Việt Nam hiện nay).

Vụ động đất lớn ở Tứ Xuyên (12/5/2008) đánh dấu sự thay đổi rõ rệt về thái độ đối với XHCD. Khi ấy dân chúng và các TCXH của họ bắt đầu tự động làm những việc do trách nhiệm công dân thôi thúc (chứ không chờ lãnh đạo chỉ thị rồi mới làm như trước kia), họ hăng hái tham gia cứu chữa và quyên góp cứu tế với quy mô lớn. Đồng thời họ đòi quyền được thông tin chính xác tình hình, quyền được tham gia và giám sát công tác cứu chữa, cứu tế. Tuy vậy vẫn chưa hình thành một XHCD chín muồi. Phần lớn các TCXH chưa biết cần làm gì để cứu giúp đồng bào bị nạn và khi tiến hành cứu giúp thì lại làm việc không chuyên nghiệp. Nhà nước vẫn nghi ngờ và hạn chế hoạt động của các tổ chức này, như quy định mọi nguồn quyên góp phải đưa vào kênh do nhà nước chỉ định; xe chở đồ cứu tế đều bị khám xét kỹ, có giấy phép mới được vào vùng tai nạn.

Sau vụ này, Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng nhận thấy tác dụng to lớn của XHCD và đưa ra quan điểm “Nhà nước khuyến khích công dân, pháp nhân và các tổ chức khác tích cực tham gia công tác khôi phục tái thiết sau tai nạn động đất”. XHCD trở thành đề tài thảo luận rất rộng rãi, không còn bị kiêng kị nữa.

Nhận thức của ĐCSTQ về XHCD đã trải qua một quá trình từ phủ định tới khẳng định. Như chính ĐCSTQ thường nói, có nhiều sự vật nảy sinh không tùy thuộc vào ý chí của con người, mà XHCD là một thí dụ.

Trên thực tế một XHCD tương đối độc lập đã xuất hiện và trưởng thành không thể nào ngăn cản, đồng thời nó có ảnh hưởng ngày một quan trọng đối với tình hình chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc. Từ thập niên 90 giới học thuật Trung Quốc triển khai mạnh mẽ đợt thảo luận về XHCD, kết quả là tính hợp pháp của XHCD (hoặc xã hội thị dân, theo cách gọi hồi ấy) được xã hội thừa nhận.

Hiện tượng đó về khách quan đã yêu cầu ban lãnh đạo Trung Quốc phải thừa nhận tính hợp pháp và tác dụng của XHCD, đồng thời có các biện pháp tích cực để dẫn dắt XHCD trưởng thành một cách lành mạnh.

Sau thập niên 80, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự quản tại các cơ sở, chủ yếu trên 3 lĩnh vực: nông dân tự quản tại nông thôn, dân phố tự quản khu phố ở đô thị và tự quản ngành nghề. Ủy ban Thôn dân, Ủy ban Dân phố và các Hội ngành nghề là 3 loại TCXH của công dân thực hiện việc tự quản đó.

Hiến pháp và luật pháp quy định các Ủy ban thôn dân và Ủy ban dân phố không phải là một cấp cơ quan chính quyền mà là tổ chức dân gian (tức TCXH) và tổ chức tự quản.

Tháng 6/1998, Bộ Dân chính chính thức đổi tên Nha quản lý đoàn thể xã hội thành Cục quản lý các tổ chức dân gian. Tháng 10/2008, Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đăng ký các đoàn thể xã hội, trên cơ sở điều lệ cũ được sửa đổi lớn; đồng thời lần đầu công bố Điều lệ quản lý các đơn vị phi doanh nghiệp dân lập. Hai văn bản pháp lý này đã thay đổi cơ chế quản lý hành chính các TCXH của công dân (tức tổ chức dân gian) trước đây thành cơ chế lãnh đạo hai nấc là ngành Dân chính và đảng phụ trách, trong đó cơ quan Dân chính chịu trách nhiệm tổ chức đăng ký, cơ quan đảng chịu trách nhiệm quản lý.

Kỳ tới:
Quy mô, h
oạt động và vai trò tác dụng của các tổ chức xã hội công dân Trung Quốc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)