Xã hội công dân ở Trung Quốc (Kỳ 2)

Sự tồn tại hàng triệu tổ chức xã hội của công dân đã ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị - kinh tế ở Trung Quốc và trên mức độ nhất định đã làm thay đổi tình hình quản trị xã hội, nâng cao đáng kể sự tham gia chính trị của công dân, nâng cao mức độ liêm khiết và hiệu suất làm việc của các cơ quan đảng, chính quyền.

3. Hoạt động và vai trò tác dụng của các tổ chức xã hội

Trong cơ chế hai tầng quản lý, hầu hết các tổ chức xã hội (TCXH) của công dân đều vừa phục tùng sự lãnh đạo của đảng và chính quyền lại vừa giữ tính độc lập tự chủ của mình, ngoài ra, nhằm tăng cường quyền lợi của mình, họ còn cố gắng ảnh hưởng tới chính sách của đảng và chính phủ.

Thí dụ các tổ chức dân cư địa phương thường sử dụng các biện pháp kéo dân chúng lên gặp cấp trên phản ảnh tình hình, tố cáo, khiếu nại, thỉnh nguyện, thậm chí biểu tình ngồi hoặc mít tinh tuần hành, bao vây cơ quan đảng, chính phủ, đòi hỏi giải quyết các yêu cầu thiết thân của họ. Tình hình này thường xảy ra khi địa phương có việc cưỡng chế dỡ nhà giao đất, hoặc khi trật tự trị an kém, môi trường bị phá hoại.

Ngày càng có nhiều TCXH, nhất là tổ chức có thành viên là giới trí thức, muốn tham gia quá trình quyết sách của đảng và nhà nước. Hình thức chủ yếu họ sử dụng là tiến hành phản biện, góp ý phê phán, đề nghị cải tiến hoàn thiện các chủ trương chính sách của nhà nước. Thí dụ năm 2000, Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc, tổ chức Những người bạn của thiên nhiên, Nhà sách Tam Vị đã công bố nhiều kiến nghị xây dựng về các vấn đề chính trị, kinh tế, ngoại giao, môi trường và đã có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

XHCD Trung Quốc đã góp phần thực sự vào việc xây dựng Đảng CSTQ trong sạch, xứng đáng với danh hiệu đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc Trung Hoa. XHCD xuất hiện đã làm cho ĐCSTQ từ một đảng chỉ lãnh đạo đường lối chiến lược, chuyển sang đóng vai trò một đảng cầm quyền. Tổng Bí thư Đảng đồng thời là Chủ tịch nhà nước, trực tiếp chịu trách nhiệm đối nội đối ngoại của quốc gia. Cùng với sự phát triển XHCD, ý thức dân chủ, ý thức phục vụ nhân dân, ý thức làm cầu nối của xã hội, ý thức nguy cơ và ý thức pháp trị của ĐCSTQ cũng được tăng cường không ngừng. Chẳng hạn, ý thức nguy cơ của Đảng sẽ được tăng cường bởi lẽ sự phản biện và giám sát của các TCXH đối với hoạt động của Đảng sẽ làm cho Đảng thấy được nguy cơ có thể tự đánh mất quyền lãnh đạo nếu Đảng không giữ được tính tiên phong và tỏ ra có năng lực tổ chức tốt mọi công việc của nhà nước. Như vậy sự phát triển XHCD sẽ giúp ĐCSTQ xây dựng được ý thức cầm quyền; ngược lại việc đó cũng có lợi cho sự phát triển XHCD.

Bản thân các TCXH, nhất là các tổ chức có tính độc lập tự chủ cao, cũng tỏ ra có những ưu điểm trội hơn các tổ chức của nhà nước về mặt tổ chức quản lý nội bộ và hiệu quả công tác. Điều đó đã làm cho vai trò tác dụng của các TCXH ngày càng được nâng cao. Thí dụ các hội người cao tuổi, các tổ chức dân cư (thôn dân, dân phố) lại làm được nhiều việc hơn các tổ chức đoàn thể quần chúng nặng màu sắc nhà nước như Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Phụ nữ. Quỹ Thanh Thiếu niên Trung Quốc là một sản phẩm của Đoàn Thanh niên cộng sản lại đạt được mức độ nhất trí nội bộ cao hơn Đoàn, hoạt động quyên góp từ thiện có kết quả cao hơn, và hăng hái phản biện các chủ trương chính sách của nhà nước, trong khi Đoàn TNCS không làm được chức năng này.

Xét về mặt công khai trong suốt hoạt động nội bộ, các TCXH của công dân cũng làm tốt hơn các tổ chức nhà nước. Thí dụ các Ủy ban Thôn dân ở nông thôn, Ủy ban dân phố ở thành thị đã thực hành rộng rãi công khai hóa mọi hoạt động và chi tiêu tài chính của mình, có mức độ trong suốt chính trị cao hơn hẳn các tổ chức chính quyền cơ sở. Tại Thượng Hải, cán bộ Ủy ban dân phố đi làm đều phải đeo biển chức danh; mọi công tác, thời hạn hoàn thành, chương trình làm việc, tên người phụ trách… đều phải viết thành biểu bảng treo trên tường cho dân biết Tại thôn Đông Thăng tỉnh Phúc Kiến, Ủy ban thôn dân công khai toàn bộ các nội dung: tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp của cán bộ thôn; tình hình thu chi tài chính, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, tình hình nhận thầu đất đai ao hồ vườn cây, xí nghiệp; tình hình gọi thầu các dự án xây dựng; phân phối nhà đất; trưng dụng đất đai và bồi thường v.v…Công khai hóa được thực hiện bằng hai hình thức: viết thành biểu bảng treo trên tường và đọc trên hệ thống truyền thanh xóm. Ngoài ra còn đặt một số hòm thư bên lề đường để dân phản ảnh ý kiến.

Hoạt động công khai hóa nói trên đưa lại kết quả là cán bộ phụ trách các TCXH có tính độc lập tự chủ cao thường trong sạch liêm khiết hơn hẳn cán bộ chính quyền, qua đó có tác dụng đẩy mạnh giám sát chính quyền và phòng chống tham nhũng trong cán bộ chính quyền địa phương.

Hoạt động quản trị nội bộ của các TCXH còn có ưu điểm là mức độ dân chủ hóa cao. Toàn bộ cán bộ lãnh đạo các tổ chức này đều được bầu lên chứ không chỉ định. Các chủ trương chính sách đều được trưng cầu ý kiến dân trước rồi mới quyết định. Ngoài ra đều áp dụng cơ chế giám sát nội bộ khá nghiêm ngặt.

Những mặt trội nói trên thể hiện sự quản trị hoàn hảo của các TCXH đã có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị của toàn xã hội Trung Quốc, thể hiện trên các mặt tạo dư luận đồng thuận để nhân dân tham gia quá trình quyết sách, tự quản lý xã hội, đòi chính quyền công khai hóa các hoạt động, phòng chống tham nhũng v.v…

Sự ra đời rất nhiều tổ chức dân gian đã hình thành XHCD ở Trung Quốc, đây là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với công dân. Xã hội chỉ được quản trị hoàn hảo khi chính quyền và dân hợp tác tốt với nhau, nhưng sự hợp tác đó không phải bao giờ cũng là hợp tác trực tiếp mà phải thông qua sự điều phối của một tổ chức trung gian, đó là các tổ chức dân gian (còn gọi là tổ chức xã hội TCXH). Các TCXH này kịp thời tập trung mọi yêu cầu, nguyện vọng, đề nghị và ý kiến phê bình của dân chúng và chuyển tới cơ quan chính quyền. Thực tế cho thấy các TCXH này đã thực hiện được sự tham gia chính trị ở mức độ cao hơn nhiều so với sự tham gia của các cá thể công dân, nhất là ở tầng nấc cơ sở tại nông thôn và thành thị.

Năm 2010 Trung Quốc có 450 nghìn TCXH đăng ký hoạt động và 250 nghìn TCXH chuẩn bị đăng ký; nếu kể cả các tổ chức chưa đăng ký thì trên thực tế hiện có khoảng 3 triệu TCXH và tăng với tốc độ mỗi năm 8-10%.

Các TCXH trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết sách của chính quyền và là động lực to lớn đẩy mạnh quá trình cải cách chính trị. Ngày một nhiều TCXH, nhất là các hội đoàn nghiên cứu học thuật có tính chuyên ngành, đảm nhiệm vai trò tư vấn tham mưu cho chính quyền khi nghiên cứu hoạch định các chủ trương chính sách, góp phần xúc tiến dân chủ hóa quyết sách.

Các TCXH ở Trung Quốc thường dùng những cách sau đây để tham gia quá trình quyết sách của chính quyền:

1- Phản ánh vấn đề, nêu kiến nghị, yêu cầu nhằm đưa ra các chủ trương chính sách thích hợp; 2- Tiến hành phản biện góp ý kiến đối với việc hoạch định và thực thi quyết sách; 3- Khi chủ trương chính sách của chính quyền gây thiệt hại cho lợi ích của thành viên TCXH, các tổ chức này đứng ra giao thiệp với ban ngành liên quan của chính quyền để giải quyết.

Nhìn chung các TCXH của công dân đã góp phần quan trọng xúc tiến nâng cao độ trong suốt chính trị của xã hội Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, công dân muốn nắm được thông tin về hoạt động của chính quyền thì chỉ có thể thông qua TCXH sở tại để gây sức ép đòi chính quyền cung cấp tin; cá thể công dân không đủ sức gây được sự chú ý của chính quyền. Ngoài ra các TCXH (như các hội nghiên cứu, tư vấn, hội học thuật) thường tổ chức hội họp thường kỳ, là những dịp quan trọng để cung cấp thông tin cho công dân. Một số TCXH còn lập cơ quan truyền thông của mình, như ra báo, tạp chí, báo điện tử, lập trang mạng để truyền bá các thông tin. Các hiệu sách tư nhân cũng có ảnh hưởng lớn tới việc mở rộng kênh thông tin, thay đổi cơ chế quản lý truyền phát thông tin.

Trên lĩnh vực công việc công ích, các TCXH của công dân đã phát huy tác dụng không thể thay thế. Thí dụ trong công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp người già yếu tàn tật v.v…các TCXH như Tổng hội Từ thiện Trung Hoa, Quỹ Tống Khánh Linh, … đã có tác dụng rất lớn. Việc làm của các TCXH đã cải thiện hình ảnh của xã hội Trung Quốc, xúc tiến sự hòa hợp giữa dân với chính quyền. Thí dụ “Dự án Hy vọng” do Quỹ Thanh thiếu niên Trung Quốc tổ chức thực hiện, Quỹ này đã tổ chức quyên góp được nguồn kinh phí lớn, giúp hàng triệu trẻ em nghèo được đi học. Quỹ này sinh ra từ hệ thống Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc, nhưng Đoàn không làm được việc này.

Hệ thống các TCXH của công dân trở thành lực lượng có tác dụng chế ước chính quyền. Về nguyên tắc, quyền lực và hoạt động của bất cứ chính quyền nào cũng phải được chế ước. Trước cải cách mở cửa việc này là do nội bộ chính quyền tự thực thi. Sau khi hàng loạt TCXH của công dân ra đời, chính quyền bắt đầu chịu sự giám sát và chế ước từ bên ngoài. Một số TCXH khi phát hiện thấy các bất hợp lý trong chủ trương chính sách đã tiến hành hoạt động ngăn cản một cách có tổ chức. Trong nhiều trường hợp trước sức ép của các TCXH này, chính quyền đã sửa đổi chủ trương chính sách. Nơi nào các TCXH lớn mạnh thì chính quyền càng chịu sức ép lớn, hiện tượng cán bộ nhà nước tham nhũng và làm bậy giảm rõ rệt.

Thực tế cho thấy tầng lớp nông dân đấu tranh hăng hái nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của họ (nhất là quyền giữ đất), chống tham nhũng và suy thoái trong giới quan chức địa phương. Các cuộc đấu tranh của họ nặng về tự phát và thiếu lý trí, dễ dẫn đến tình trạng dùng bạo lực. Đó là do nông dân còn chưa thành lập được nhiều TCXH của mình. Cũng cùng với mục tiêu như vậy nhưng tầng lớp trung lưu ở thành thị đấu tranh văn minh, ôn hòa hơn; đó là do họ có nhiều TCXH của mình hướng dẫn, tổ chức.

4. Quy mô của các tổ chức xã hội công dân Trung Quốc

Tính đến năm 2003 đã có 8.031.344 tổ chức xã hội của công dân được thành lập. Trong đó đã đăng ký 266.000, chưa đăng ký – 290.000 tổ chức; các đoàn thể do nhà nước lập ra như công đoàn, đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ có 5.378.424 tổ chức cơ sở; Hội người tàn tật, Hội Sinh đẻ có kế hoạch, Hội Liên hiệp văn nghệ có 1.338.220 tổ chức cơ sở; ngoài ra còn 758.700 các đoàn thể học sinh, văn nghệ giải trí thể thao v.v….

Một nguồn số liệu khác cho biết năm 2010 Trung Quốc có 450 nghìn TCXH đăng ký hoạt động và 250 nghìn TCXH chuẩn bị đăng ký; nếu kể cả các tổ chức chưa đăng ký thì trên thực tế hiện có khoảng 3 triệu TCXH và tăng với tốc độ mỗi năm 8-10%.

Sở dĩ các số liệu khác nhau vì mấy lý do: – Tiêu chuẩn xét TCXH không thống nhất, thí dụ có người nói các đoàn thể quần chúng do nhà nước lập ra (gần 5.4 triệu tổ chức cơ sở) không phải là TCXH; – Rất khó thống kê vì nhiều tổ chức không đăng ký.

Các TCXH này có mặt trong hầu như mọi hoạt động công ích và môi giới, dịch vụ xã hội: văn hóa, y tế vệ sinh, lao động, thể thao, bảo vệ môi trường, pháp lý, từ thiện v.v..,, sơ bộ hình thành một hệ thống. Riêng hơn 60 nghìn hội ngành nghề đã có hơn 20 triệu hội viên; hơn 40 nghìn hội học thuật tập họp hơn 5 triệu học giả; các hội chuyên ngành liên kết hơn 10 triệu thành viên. Sức mạnh kinh tế của các TCXH tăng đáng kể: tính tới cuối năm 2010 các tổ chức này có vốn cố định gần 109 tỷ RMB (Nhân dân tệ; 1 USD tương đương 7 RMB)), thu nhập hàng năm khoảng 124,7 tỷ RMB; thực ra những con số này rất nhỏ so với thực tế.

Gần đây các TCXH Trung Quốc bắt đầu quốc tế hóa; hiện nay các TCXH có tính toàn quốc của Trung Quốc đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 122 tổ chức quốc tế, chức vụ ủy viên chấp hành trong 92 tổ chức quốc tế. Đây là một phát triển đáng chú ý của XHCD Trung Quốc.

Các TCXH đang phát huy tác dụng ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa.

Các tổ chức này tích cực tham gia mọi hoạt động kinh tế, thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế. Bản thân họ tạo ra việc làm: trong các TCXH hiện có 5,4 triệu nhân viên chuyên trách, hơn 5 triệu nhân viên kiêm chức và hơn 25 triệu tình nguyện viên có đăng ký.

Về chính trị, các TCXH là kênh quan trọng để công dân tham gia quản lý xã hội, là cầu nối chính quyền với công dân, giúp tăng cường sự tín nhiệm giữa quan chức nhà nước với dân. Các TCXH đang tích cực tác động, xúc tiến sự khoa học hóa và dân chủ hóa quá trình quyết sách của các cấp chính quyền. Gần đây nhiều TCXH cấp địa phương bắt đầu gánh vác một phần dịch vụ công cộng của chính quyền sở tại, góp phần nâng chất lượng các dịch vụ này.

Các TCXH thường xuyên đảm nhiệm công tác xóa đói giảm nghèo, làm từ thiện. Do họ chủ động tích cực cứu trợ vụ tai nạn động đất Tứ Xuyên, các cấp chính quyền đã đánh giá tốt về họ và bắt đầu thực sự hợp tác với họ.

Về văn hóa, các TCXH có nhiều đóng góp về mặt xây dựng lối sống mới trật tự, vệ sinh, có văn hóa, đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ở địa phương.

 —
Kỳ tới: Đặc điểm và phương hướng phát triển xã hội công dân ở Trung Quốc

Tác giả