Xem trọng việc xây dựng lòng tin

Lòng tin là chất xi-măng kết dính con người trong khuôn khổ đời sống xã hội, tạo ra động lực thôi thúc con người tìm đến nhau và dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Cũng chính lòng tin đặt cơ sở cho việc thực hiện tất cả các giao tiếp nhân văn, từ mời nhau một ly cà phê, cho mượn một chiếc xe đạp, cho vay một số tiền, đến ủy thác bằng lá phiếu cử tri cho đại biểu dân cử thực hiện các quyền chính trị của người dân tại cơ quan lập pháp.


Xã hội có tổ chức thừa nhận sự tự do của mỗi thành viên. Trong điều kiện xã hội có nhiều thành viên, chuẩn mực ứng xử được đặt ra để tạo điều kiện mỗi thành viên thụ hưởng tự do của mình trong chừng mực tôn trọng tự do của thành viên khác. Với mục tiêu đó, chuẩn mực ứng xử phải mang ý nghĩa của sự thoả thuận tự nguyện giữa các chủ thể quan hệ xã hội về việc giới hạn tự do của mỗi chủ thể, để tất cả đều có cuộc sống tốt đẹp, ít nhất là chấp nhận được, trong không gian chung. Nói cách khác, chính từ lòng tin mà hệ thống chuẩn mực ứng xử khách quan hình thành và được hoàn thiện theo thời gian.
Có những chuẩn mực, được Nhà nước xác nhận và bảo đảm thực hiện, trở thành luật. Chuẩn mực pháp lý được người làm luật lựa chọn giữa các phương án ứng xử khác biệt; và sự lựa chọn ấy chỉ có sức thuyết phục đối với công dân, một khi nó dựa vào sự tin tưởng của người làm luật đối với sức sống của các phẩm chất tốt đẹp của con người, của những giá trị nhân văn tích cực. Bảo vệ, cổ vũ, phát huy điều thiện, lòng bao dung, hào hiệp, sự hòa thuận, tính trung thực… luật trước hết được coi là kim chỉ nam cho hành vi giao tiếp trong quan hệ xã hội mà một con người điển hình thực hiện, trong quá trình theo đuổi các lợi ích chính đáng của bản thân, các lợi ích được xác định như các mục tiêu tồn tại của cá nhân trong cộng đồng.
Cả việc thực thi pháp luật cũng chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất khi dựa vào lòng tin, chứ không phải vào sức mạnh của bộ máy trấn áp, cưỡng chế. Một người kiên nhẫn dừng lại trước đèn đỏ, vì tin rằng khi mình vượt đèn xanh, những người đang di chuyển theo hướng vuông góc sẽ dừng lại để nhường đường; một người chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng, vì tin rằng ngân hàng sẽ quản lý tiền bạc của mình một cách có hiệu quả và nhất là sẽ trả tiền vốn, lãi cho mình theo đúng thoả thuận. Lòng tin về tính hữu hiệu của luật thể hiện thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ý thức phê phán, tẩy chay đối với thái độ không tôn trọng hoặc chống đối pháp luật.
Thậm chí, khi có đủ lòng tin hỗ tương, người ta có thể không cần đến các biện pháp bảo đảm loại trừ rủi ro mà luật dành cho mình khi giao tiếp: cho vay, cho mượn mà không cần tài sản cầm cố, thế chấp; bán trả chậm mà không cần bảo lưu quyền sở hữu. Lòng tin hỗ tương không làm cho pháp luật trở nên thừa: đơn giản, trước lòng tin mạnh mẽ, pháp luật tự bằng lòng với vai trò công cụ chi phối dự bị.   
Một khi lòng tin không tồn tại hoặc không còn, con người, trong quá trình tìm kiếm lợi ích, sẽ không chủ động, tự nguyện giao tiếp, mà chỉ lẳng lặng thực hiện hành vi của mình, đồng thời dè chừng, đối phó, đề phòng hành vi của những người khác. Không có sự trao đổi ý chí thẳng thắn, minh bạch, sòng phẳng giữa người và người, hệ thống quy ước xã hội sẽ không có điều kiện để hình thành. Thế rồi, trong bối cảnh thiếu vắng chuẩn mực khách quan đặt cơ sở cho hành vi ứng xử, con người có xu hướng tìm đến những thế lực có khả năng bảo bọc mình chống những rủi ro, đe dọa từ bên ngoài; con người chấp nhận ứng xử theo sự chỉ dẫn của thế lực ấy để được hưởng sự bình yên. Cơ chế xin-cho ý kiến ra đời như kết quả tất yếu của xu hướng đó. Thế lực càng mạnh, ý kiến chỉ dẫn đưa ra càng có giá trị chuẩn mực.   
Luật, được xây dựng trong điều kiện con người không có lòng tin, không còn mang ý nghĩa chủ yếu là cho phép, điều chỉnh hành vi tích cực được chủ thể thực hiện trong quá trình thụ hưởng tự do. Cai quản một tập hợp chủ thể không đáng tin cậy, nhà chức trách tự nhiên bận tâm nhiều đến việc hoàn thiện chuẩn mực pháp lý có tác dụng cấm đoán, ngăn chặn, kiểm soát, khống chế hành vi tiêu cực của một chủ thể nhằm mục đích xâm phạm tự do hoặc chiếm đoạt lợi ích của chủ thể khác: luật sẽ mang nặng tính chế tài, trấn áp, hơn là tính tổ chức, hướng dẫn, điều khiển ứng xử trong khuôn khổ trật tự xã hội.  
Về phần mình, người dân mà không tin tưởng vào sức mạnh chi phối của luật, thì sẽ không tự giác tuân thủ pháp luật. Khi có công an đứng chốt ở ngã tư, người dân có thể dừng lại trước đèn đỏ; còn khi không có công an, thì đèn nào cũng vượt; bởi vậy, muốn người dân tôn trọng luật lệ giao thông, dù không tin vào luật, Nhà nước phải tăng cường lực lượng công an. Nói chung, nếu đa số chủ thể không tự nguyện tôn trọng pháp luật, thì, để bảo đảm trật tự xã hội, Nhà nước sẽ buộc phải tổ chức và duy trì một cách thường trực và trên quy mô lớn bộ máy trấn áp của nhà chức trách.     
Còn một điều nữa: một khi lòng tin bị đẩy lùi thì, theo đúng logic, sự đố kỵ và lòng đa  nghi sẽ ngự trị. Người cầm quyền luôn cảm thấy bất an trước mọi động thái, trào lưu xã hội không bình thường và, do đó, phải xây dựng một cơ chế bảo đảm trật tự công cộng có tác dụng thiết lập tai mắt của mình ở mọi ngóc ngách. Tất cả các khâu trong quy trình vận hành của guồng máy xã hội đều phải được giám sát, kiểm soát nghiêm ngặt. Đến lượt mình, chính người giám sát, kiểm soát cũng không được tin tưởng và, do đó, cũng phải được giám sát, kiểm soát. Cứ như thế, con người sẽ bị cuốn vào vòng xoáy vô tận của hệ thống quản lý quân phiệt, cảnh sát.


Nguyễn Ngọc Điện

Tác giả