Giáo dục STEM: Kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh
Ngày 22/1 vừa qua, Hội Đồng Anh đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về “Vai trò của nhà nước và các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục STEM”. Trong đó, khách mời của chương trình – Ông Mark Windale đã chia sẻ kinh nghiệm của mình rút ra từ 18 năm nghiên cứu về giáo dục khoa học tại Đại học Sheffield Halam và tham gia các dự án thay đổi chương trình học theo hướng tích hợp cho giáo viên và học sinh ở các nước Đông Nam Á.
Một trong những thắc mắc của nhiều người, theo Mark, đó là trong S-T-E-M, Kỹ thuật không phải là một môn học, vậy thì dạy STEM như thế nào? Theo ông, Kỹ thuật không nhất thiết phải là một môn trong nhà trường mà được đưa vào giáo dục STEM thông qua cách học sinh giải quyết vấn đề mà giáo viên đưa ra. Nói cách khác, Kỹ thuật không hẳn là một hệ thống lý thuyết và kỹ năng cần ghi nhớ mà chính là tình huống, vấn đề mà học sinh giải quyết.
Hiện nay ở Việt Nam, giáo dục STEM mới chỉ dừng lại ở mức phong trào. Theo Mark Windale, cần một chương trình cấp quốc gia, xác định rõ và cụ thể mục tiêu của đất nước khi triển khai giáo dục STEM. Từ đó, phân công nhiệm vụ cho các bên liên quan bao gồm: Các tổ chức nghiên cứu sẽ xác định nhu cầu về kỹ năng, năng lực và các lĩnh vực STEM phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội quốc gia; Chính phủ xây dựng chương trình STEM quốc gia, xây dựng tầm nhìn và mục tiêu của giáo dục STEM; Các trung tâm Giáo dục STEM tham gia liên kết với các trường học, phát triển chương trình và các nguồn lực để đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên khoa học giảng dạy tại các trường phổ thông; Các phòng thí nghiệm quốc gia cung cấp cơ sở vật chất, các viện nghiên cứu giới thiệu những nhà khoa học để làm đại sứ STEM…
Ở Anh, giáo dục STEM được đưa thành một chương trình quốc gia với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng hơn nữa, gọi là Chương trình Hành động 11 bao gồm bốn nội dung là: (1) Tuyển dụng và đào tạo giáo viên giảng dạy STEM. Theo đó, dạy tích hợp không phải là một giáo viên dạy nhiều môn một lúc (bản thân Vương Quốc Anh cũng thất bại khi cố gắng thực hiện điều này) mà các giáo viên dạy các môn khác nhau phải hợp tác, cùng xây dựng bài giảng để học sinh có thể vận dụng kiến thức và kỹ năng của nhiều môn để giải quyết một vấn đề. Vì vậy, cần đào tạo giáo viên theo nhóm hoặc theo cặp. (2) Nâng cao trình độ nghiệp vụ của giáo viên. Qua nhiều năm làm việc với các giáo viên khoa học phổ thông ở nhiều nước trên thế giới về việc thay đổi giáo trình và sách giáo khoa sang học tích hợp, Mark Windale phân loại trình độ của giáo viên thành bốn cấp: Thứ nhất là thử (try things out) làm một vài thí nghiệm khoa học nhỏ trình diễn cho học sinh; Thứ hai là tham gia một dự án khoa học (engaging in projects) dài hơi hơn, thu hút các giáo viên và học sinh cùng thực hiện; Thứ ba là xây dựng một lớp học STEM giống như câu lạc bộ với các hoạt động khoa học thường xuyên; Thứ tư là các giáo viên dạy các môn khác nhau cùng viết giáo trình cho từng môn học để học sinh có thể trải nghiệm STEM ở bất cứ môn nào. (3) Thúc đẩy phong trào giáo dục STEM bằng các hoạt động như câu lạc bộ, ngày hội, đại sứ STEM, ngày tham quan các phòng thí nghiệm, nhà máy… (4) Phát triển cơ sở vật chất hỗ trợ cho việc dạy và học. Điều này không chỉ cần đầu tư từ ngân sách nhà nước mà còn từ phía khu vực tư nhân. Ở Anh, các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư hơn tám triệu USD cho chương trình giáo dục STEM quốc gia.
Điều quan trọng nhất mà Mark Windale nhấn mạnh nhiều lần, đó là phải liên tục nâng cao trình độ nghiệp vụ của giáo viên, Ông cho rằng, phải biết cần hỗ trợ và cung cấp cho họ những nguồn lực nào và công cụ gì để họ có thể sử dụng hiệu quả cho chuyên môn của mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần xác định được trình độ mặt bằng chung của giáo viên để có thể thiết kế dữ liệu, nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả nhất.
Trong buổi thảo luận bàn tròn còn có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Vũ Đình Chuẩn, đại diện các trường phổ thông và các tổ chức xã hội đang thúc đẩy giáo dục STEM tham dự, đưa ra những khó khăn vướng mắc hiện tại. Trong đó, đại diện của trường phổ thông Wellspring cho biết, anh đang triển khai giáo dục STEM giáo dục STEM ở trường nhưng gặp khó khăn là nội dung của chương trình này lại trùng với nội dung chính khóa. Mark Windale gợi ý rằng, không nên tách biệt việc dạy STEM và dạy chính khóa mà phải biết lồng ghép những trải nghiệm STEM vào việc giảng dạy chương trình sách giáo khoa. Giáo viên các bộ môn khác nhau cần hợp tác để xây dựng giáo án.
Là đơn vị tổ chức ngày hội STEM tại Hà Nội vào 5/2015 và tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 16-17/1 vừa qua, đại diện tạp chí Tia Sáng cũng chia sẻ khó khăn của mình trong việc tổ chức ngày hội lớn đó là chi phí tổ chức tương đối lớn nhưng khoản đóng góp từ phụ huynh chỉ chiếm 1/20 và nguồn tài trợ chủ yếu là từ các doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết với ban tổ chức, tuy nhiên, nguồn tài trợ này lại không bền vững. Mark cho biết, theo kinh nghiệm của ông tại Thái Lan, ngày hội STEM nên tổ chức tại các trường phổ thông và hoàn toàn có thể thực hiện với chi phí rất rẻ. Ông cho rằng, mấu chốt để thực hiện điều này là phải tìm cách huy động được lực lượng giáo viên và học sinh, tạo cho họ tinh thần làm chủ dự án, sở hữu dự án để phát huy tối đa sức sáng tạo từ nguồn lực, địa điểm và mối quan hệ sẵn có.