Tài trợ có điều kiện – giải pháp cho đầu vào cao học

Chỉ bằng cách tài trợ có điều kiện mới có thể thu hút đầu vào chất lượng cho đào tạo cao học. 

Gắn kết đào tạo với nghiên cứu là câu chuyện đương nhiên ở các nước tiên tiến. Sau nhiều cuộc thảo luận trên những diễn đàn khác nhau, tầm quan trọng của vấn đề này ngày càng được thừa nhận ở Việt Nam. Đó là một bước tiến không nhỏ trong nhận thức của đội ngũ trí thức và dư luận của nước ta. Tuy nhiên làm thế nào để biến chủ trương này thành hiện thực thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Nó rất nan giải, đòi hỏi nhiều điều kiện và giải quyết nhiều vấn đề. Nếu nóng vội, duy ý chí sẽ dẫn đến ngộ nhận về nghiên cứu khoa học, mà biểu hiện thường thấy nhất là tầm thường hóa nghiên cứu, chẳng hạn đồng hóa nó với việc giải vài ba bài tập (có thể khó) hoặc lặp lại một vài thí nghiệm (có thể phức tạp). Và như vậy vô hình trung vẫn không tăng cường được sự nghiên cứu trong công tác đào tạo.
Có thể dễ dàng kể ra đây hàng loạt điều kiện. Đó là:
–    Có đội ngũ giảng viên đồng thời là những nhà nghiên cứu giỏi;
–    Có chương trình đào tạo tiên tiến;
–    Có nhiều sinh viên/học viên có khả năng;
–    Có đầy đủ tài liệu, thông tin, phòng thí nghiệm;
–    Có phương tiện làm việc hiện đại;
–    ….

Không thể đề cập tất cả các điều nêu trên trong một bài viết, bởi vậy ở đây tôi chỉ muốn đi sâu vào phân tích một yếu tố – đó là làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ sinh viên/học viên. Không kể một vài trường hợp ngoại lệ “lấy cần cù bù khả năng”, thì rõ ràng không thể có hy vọng đào tạo học viên cao học đầu vào thấp thành những nhà nghiên cứu được.

Cái khó của đầu vào

Để có căn cứ cụ thể minh chứng cho những suy nghĩ nêu trong bài này, tôi sẽ dựa vào quan sát đào tạo cao học ngành Toán. Rất đáng tiếc chất lượng đầu vào của học viên cao học Toán tại các trường đại học cũng như tại Viện Toán học rơi vào tình trạng không mấy phấn khởi. Gần 15 năm đào tạo cao học (từ 1996) với 17 khóa đã tuyển tại Viện Toán học đã nói rõ điều đó. Những khóa đầu mới tuyển, số học viên đăng kí nhiều, nhưng lại có tuổi trung bình khá cao. Yêu cầu chuẩn hóa bằng cấp đã bắt buộc nhiều người phải đào tạo tiếp, bất kể điều đó có thực sự cần thiết cho ngành nghề của mình hay không. Đây được coi là lý do lớn nhất của chuẩn đầu vào thấp khi đó – mặc dù tỷ lệ thi trượt khá lớn, thường là trên 50%.

Tuy nhiên, sau khoảng chừng chục khóa đào tạo thì số học viên cần chuẩn hóa bằng cấp hết dần. Hệ lụy là số học viên vào học tại Viện Toán cũng giảm đi rõ rệt, nhưng độ tuổi trung bình thì giảm đi đáng kể. Bây giờ phần lớn học viên cao học tại Viện Toán học là những sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc tốt nghiệp 1-3 năm trở lại đây. Ấy thế mà chất lượng đầu vào vẫn không nâng lên được là bao.

Lý do tại sao? Chưa có một nghiên cứu kĩ càng cho vấn đề này, nhưng theo quan sát của tôi thì thấy nổi lên một hiện tượng: ngay sau khi tốt nghiệp đại học, thường chỉ những người không xin được việc làm mới đăng kí học cao học luôn. Hiện tượng này không phải là đơn lẻ ở Viện Toán học, mà có thể dễ quan sát thấy ở mọi nơi. Bởi vậy nhiều người nói đùa: “đại học là cấp 4” và “cao học là cấp 5”.

Nghĩ kĩ cũng có cái lí của nó. Rất ít trường hợp, sau khi được tuyển dụng, sinh viên được cử đi đào tạo tiếp luôn. Những sinh viên này thường là loại giỏi nhất. Như vậy, phần lớn sinh viên đăng kí học cao học tiếp không nằm trong tốp đầu của những người mới tốt nghiệp. Với chất lượng đào tạo đại học ở nước ta còn phải bàn nhiều như hiện nay, thì hiện tượng này tất yếu dẫn đến chất lượng đầu vào thấp.

Sự khác biệt

Ở các nước tiên tiến, tình hình hoàn toàn ngược lại. Sinh viên tốt nghiệp đại học ở tốp đầu tiếp tục học cao học và nghiên cứu sinh chiếm tỷ trọng rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình đào tạo cao học nghiên cứu – tức là phần lớn những người thạc sĩ tốt nghiệp theo chương trình này sẽ đủ khả năng làm tiếp nghiên cứu sinh. Tại sao lại có nghịch lý này, trong khi học phí bên đó cao, thậm chí rất cao? Tìm hiểu kĩ cơ chế tài trợ học viên ở các nước tiên tiến sẽ giúp chúng ta phần nào giải thích được nghịch lý trên.

Học phí rất cao dĩ nhiên không thể trả được nếu không có học bổng hoặc không có thu nhập. Muốn có học bổng thì phải có các quỹ. Ở các nước, rất nhiều quỹ do các tổ chức, cá nhân sáng lập. Dĩ nhiên, chỉ những học viên xuất sắc mới được nhận học bổng. Mức học bổng của họ đủ lớn, không chỉ đủ chi trả hoàn toàn học phí, mà còn đủ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của học viên. Học viên có thể yên tâm theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích. Không kể các nước giàu và có truyền thống lâu đời trong việc trao học bổng như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… mà các nước mới nổi cũng đang noi theo. Chương trình Brain Korea 21 (BK21) – tạm dịch là Trí tuệ Hàn Quốc Thế kỉ 21 – do Chính phủ Hàn Quốc lập ra từ năm 2000 đã dành một khoản kinh phí khổng lồ để trao học bổng hoặc tài trợ các nhà nghiên cứu trẻ (từ học viên cao học trở lên).

Ở nước ta, học bổng trao cho học viên cao học trong nước hầu như không có, ngoại trừ việc cử thẳng đi đào tạo ở nước ngoài (Đề án 322 và các đề án khác), hoặc những chương trình liên kết với nước ngoài như đề án “Đào tạo thạc sĩ Toán học trình độ quốc tế phối hợp với các trường đại học ngoài nước” tại Viện Toán học và ĐHSP Hà Nội, thực hiện từ năm học 2007-2008.

Còn muốn có thu nhập thì phải đi làm. Ở nước ta là vậy và ở các nước khác càng phải vậy. Chỉ có rất ít người độ tuổi hơn 23-24 vẫn còn được gia đình nuôi cho ăn học. Nhưng nếu đã dành hết thời gian cho đi làm, thì làm sao còn đủ thời gian và trí tuệ để học, nghiên cứu? Các nước tiên tiến đã tìm ra một giải pháp đơn giản: họ đặt ra những tài trợ mà người nhận vừa được học, lại vừa phải làm việc bán thời gian với tư cách là phụ giảng hoặc trợ lí thí nghiệm cho các nhóm nghiên cứu. Nói cách khác, đó là một hình thức làm việc tạm thời có điều kiện, vì vậy tôi dùng chữ tài trợ thay cho học bổng. Người được nhận tài trợ dĩ nhiên không phải đóng học phí đào tạo (vì đã trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy – nghiên cứu của trường), vừa có thêm thu nhập để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống để theo học – nghiên cứu tiếp. Trong khi đó bản thân cách trao tài trợ này đã hàm chứa sự kết hợp nghiên cứu với giảng dạy: người nhận tài trợ phải dùng một phần chất xám của mình cho hoạt động nghiên cứu – giảng dạy, mà trường đại học lại có thêm nhân lực là những trợ lí nghiên cứu giảng dạy xuất sắc! Qua đó trường bớt được chi phí trực tiếp cho đào tạo, và do đó mới có nguồn kinh phí để tài trợ!

Phá vòng luẩn quẩn

Nhiều sinh viên Việt Nam ta hiện nay tự mày mò tìm hiểu, dự tuyển và được theo học – nghiên cứu ở nước ngoài dưới hình thức này! Trong một chuyến thăm Học viện cao cấp về Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc (KAIST) gần đây, khi được một giáo sư Hàn Quốc về Công nghệ sinh học mời ăn tối và chứng kiến nhóm ông ta đang có hơn 10 học viên cao học Việt Nam, tôi thấy ghen tỵ với ông và xót xa cho đồng nghiệp Việt Nam.
Cho dù mức học bổng hay tài trợ không cao, nhưng nếu cộng thêm với khoản học phí hiển nhiên không phải đóng, số tiền được trao không phải là ít. Vì vậy sự cạnh tranh để giành được những học bổng/tài trợ rất cao, và chỉ có những sinh viên xuất sắc nhất mới được trao. Nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, viện hàng đầu tuyển chọn được sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường thứ hạng thấp hơn, tức là mở rộng được nguồn tuyển mà không sợ bị mất nhân tài “còn ẩn náu”. Ngược lại, sinh viên tốt nghiệp ở các trường hàng đầu cho dù có lợi thế, nhưng vẫn phải tham gia cạnh tranh khốc liệt. Điều này cũng bắt buộc họ nỗ lực học tập – nghiên cứu trong suốt thời gian học đại học, chứ không thể yên trí mình là sinh viên trường hàng đầu.

Lẽ dĩ nhiên nguồn học viên cao học của họ không chỉ thuần túy từ các nguồn học bổng – tài trợ. Vẫn có nhiều học viên truyền thống, tức là đến học và đóng học phí! Thế nhưng rõ ràng học viên từ các nguồn học bổng – tài trợ là chỗ dựa chắc chắn để thực thi một chương trình đào tạo chất lượng cao, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Như vậy, ngoài việc cấp học bổng đi học nước ngoài hoặc một phần ở nước ngoài (như Chương trình 322), thì hình thức trao tài trợ nêu trên chưa tồn tại trên danh nghĩa ở Việt Nam. Nói một cách chính xác thì thực chất vẫn có một vài trường hợp. Đó chính là những học viên vừa được nhận vào làm việc đã được cơ quan cử đi học cao học ngay. Tuy nhiên hình thức này chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ, không thường xuyên. Đó là chưa kể so với việc cấp tài trợ để vừa học – vừa làm như các nước tiên tiến, hình thức này có hai nhược điểm căn bản. Một là, học viên không cần thật sự cố gắng vì dù sao họ đã có việc làm. Hai là: qui trình tuyển cán bộ bị đảo ngược: đáng lẽ nên chờ đến khi học viên có trình độ thạc sĩ mới tuyển thì sẽ đánh giá được chính xác hơn khả năng ứng viên, nhưng họ đành phải tuyển trước – phải gặt lúa non – vì nếu chờ thì sẽ mất hết nguồn sinh viên khá, giỏi.

Như vậy đối với phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, cho dù có nguyện vọng được đào tạo tiếp, việc ưu tiên xin đi làm vẫn là lẽ đương nhiên. Đã xin đi làm thì xin vào nơi có lương càng cao càng tốt. Mà muốn được lương cao ắt phải giỏi. Nơi đã trả lương cao, tất nhiên không dại gì cử họ đi đào tạo tiếp. Hệ quả tất yếu là hầu hết sinh viên ưu tú nhất không theo học cao học, ngoại trừ số xin được học bổng – tài trợ ở nước ngoài. Cái vòng luẩn quẩn này nếu không giải quyết được thì không thể tạo ra điều kiện quan trọng nhất để thực thi một chương trình đào tạo cao học kết hợp với nghiên cứu.

Qua những phân tích tuy còn mang tính chất sơ bộ nêu trên, có thể rút ra một kết luận là: Các cơ sở đào tạo phải tìm cách tạo ra một hình thức tài trợ như trên. Điều này phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan chủ quản. Nếu cứ chờ Nhà nước ban hành một chính sách chung, thì không biết bao giờ mới tạo ra một hệ thống tài trợ như vậy. Vì vậy phải có những cơ quan đi đầu, tạo ra thí điểm để dựa vào đó Nhà nước có kinh nghiệm thực tiễn mở rộng mô hình, đưa ra chính sách – tựa như vai trò của Vĩnh Phúc, Hải Phòng trong Khoán 10, Khoán 100 mở đường cho đổi mới chính sách sản xuất nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung.

Hoàn toàn khả thi

Các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo đại học hàng đầu có đội ngũ nghiên cứu mạnh về chất lượng và số lượng, có đầy đủ điều kiện để trở thành đơn vị tiên phong trong việc triển khai một biện pháp như vậy. Đó là: tạo ra nguồn kinh phí dành riêng để kí kết hợp đồng nghiên cứu hoặc trợ giảng thời hạn 2 năm. Người làm hợp đồng được nhận lương và các chế độ như cán bộ cơ hữu khác, nhưng phải là những người thi đỗ cao học của cơ sở đào tạo đó với mức điểm cao, và trong quá trình học cao học phải thực thi một số nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu hoặc trợ giảng như tham gia làm thí nghiệm, chữa bài tập… Số lượng hợp đồng mỗi khóa phải đủ nhiều để làm nòng cốt cho lớp học (chọn lọc), chẳng hạn chiếm 30-40% số học viên của lớp. Ý tưởng này hoàn toàn khả thi vì những lý do sau đây:

–    Thứ nhất, học viên được nhận hợp đồng trên danh nghĩa đã là nhân viên của cơ quan, được hưởng mọi quyền lợi của người lao động, trong đó có chế độ đóng bảo hiểm và thâm niên công tác. Thế nhưng trên thực chất nhiệm vụ chính của họ là học cao học, không phải lo làm thêm (tất nhiên nếu chịu khó chi tiêu dè sẻn), ngoại trừ thực hiện những nhiệm vụ trợ lí nghiên cứu, hoặc trợ giảng mà cơ quan yêu cầu. Những công việc như vậy không làm mất thời gian của học viên. Ngược lại, đó là một cách định hướng sự học tập của họ vào đề tài nghiên cứu của một nhóm cụ thể. Với những lí do đó, chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi có mong muốn được tuyển chọn.
–    Thứ hai, mỗi khóa học, cơ sở có được một lực lượng học viên nòng cốt để thực thi một chương trình đào tạo chất lượng cao, gắn đào tạo với các vấn đề nghiên cứu và ứng dụng của cơ sở đó. Sau hai năm đào tạo, chắc chắn sẽ có một số học viên xuất sắc, có thể tuyển vào làm nghiên cứu sinh tiếp và/hoặc tuyển vào hợp đồng dài hạn (biên chế). Qua đó tạo tiền đề bổ sung đội ngũ cán bộ của cơ sở dào tạo ra họ. Số học viên sau khi tốt nghiệp đi làm ở cơ quan khác (do không có nguyện vọng hoặc không được tuyển ở lại) cũng đã có mối liên hệ sâu với các cán bộ của cơ sở đào tạo, và do đó sẽ là cầu nối quan trọng giữa các cơ quan khác nhau.
–    Thứ ba, nguồn cán bộ trẻ có năng lực nói trên rất cần cho các viện nghiên cứu hoặc các trường đại học.
–    Thứ tư, hình thức nhận hợp đồng có mục đích trên không mâu thuẫn với các qui định tuyển cán bộ, mà mức kinh phí đòi hỏi cũng không quá lớn. Do vậy biện pháp này có thể thực hiện được ngay.
–   
Với bốn lí do vừa nêu và những phân tích ban đầu, tôi cho rằng đây là một biện pháp cần được xem xét nghiêm túc để triển khai càng sớm càng tốt. Có thể đó chưa phải là một giải pháp đột phá, nhưng chắc chắn có thể nâng cao đáng kể chất lượng đầu vào của đào tạo cao học. Cũng chẳng phải phát kiến gì to tát, mà chỉ là áp dụng một cách làm phổ biến của các nước tiên tiến vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)