Người phụ nữ đưa các phi hành gia Mercury vào vũ trụ

Katherine Goble có một tài năng đặc biệt: luôn có mặt đúng chỗ, vào đúng thời điểm. Thời điểm đó là tháng 8 năm 1952, tại Marion, Virginia, Katherine cùng chồng Jimm


Katherine Johnson, giờ 99 tuổi.

Chị gái của Jimmy là Margaret cũng đến dự lễ cưới cùng chồng Eric Epps từ Newport News. “Tại sao hai em không đến sống cùng anh chị nhỉ?” Eric nói với Katherine, “anh có thể tìm cho Jimmy công việc tại xưởng đóng tàu, và anh có thể tìm việc cho cả hai.” Qua Eric, Katherine biết một cơ quan chính phủ ở Hampton (gần Newport News) nhận phụ nữ da đen vào làm, và họ đang tìm các nhà toán học. Đó là một công việc dân sự, nhưng gắn liền với Phòng thí nghiệm Hàng không Memorial Langley – tiền đồn lâu đời nhất của Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không (NACA).

Katherine chăm chú lắng nghe Eric mô tả công việc. Cô và Jimmy kiếm sống bằng nghề giáo, nhưng phải thường xuyên làm thêm các công việc phụ khác vì tiền lương rất ít ỏi so với nhu cầu của ba cô con gái đang tuổi ăn học. Vào hè, gia đình Gobles làm giúp việc cho một gia đình New York đến nghỉ hè tại Blue Ridge, Virginia.

Katherine rất thích giảng dạy. Cô cảm thấy một trách nhiệm “giúp phát triển chủng tộc”, không đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà còn là kỷ luật và lòng tự tôn trong học sinh, những phẩm chất cần thiết sau này để các em có thể thành công trong một xã hội mà các em thua thiệt về mọi mặt. Tuy nhiên khi Eric đề cập đến công việc liên quan đến toán học, kí ức về một tham vọng tưởng như đã ngủ yên từ lâu lại dấy lên trong Katherine, khiến chính cô cũng ngạc nhiên.

Đêm đó, Katherine và Jimmy bàn đến chủ đề đã chiếm trọn tâm trí họ. Nếu định đến Newport News, họ phải quyết định sớm: ngôi trường họ đang dạy cần thời gian để tìm giáo viên khác, và họ sẽ cần tìm nơi ở tại chỗ mới. Nhưng sự hứa hẹn của công việc đủ sức thuyết phục Katherine.

Cô thì thầm “Chúng ta hãy làm như vậy đi”.

Sinh ra và lớn lên ở White Sulphur Springs, West Virginia, Katherine là con út trong bốn người con của Joshua và Joylette Coleman. “Con không hơn bất cứ ai, và không ai hơn con,” Joshua nói với con cái của mình. Cha cô là một người đã giành được sự kính trọng của cả người da đen lẫn da trắng trong vùng.

Dù chỉ học đến lớp sáu, cha của Katherine có năng khiếu bẩm sinh về toán học. Ông có thể chỉ nhìn vào một cây và nhẩm tính sẽ thu được bao nhiêu mét khối gỗ.  Ngay khi Katherine bắt đầu biết nói, Joshua và Joylette nhận ra rằng cô bé thừa hưởng năng khiếu toán học của cha mình. Katherine đếm bất cứ thứ gì cô bé thấy được: các chiếc đĩa, bậc thang và các ngôi sao trên trời. Với trí tò mò vô hạn, cô bé đặt ra vô số câu hỏi cho các giáo viên và nhảy cóc từ lớp hai lên lớp năm. Ngôi trường duy nhất trong vùng dành cho người da đen chỉ dạy đến lớp sáu. Khi chị gái của Katherine tốt nghiệp, Joshua thuê nhà cách đó hơn 200 km để bốn người con tiếp tục đi học tại trường thực nghiệm của Viện Tiểu Bang Tây Virginia (laboratory school là trường nhằm nghiên cứu và thí nghiệm các phương pháp giảng dạy).

 Năm 1933, Katherine trở thành sinh viên năm thứ nhất Cao đẳng bang West Virginia khi mới 15 tuổi. Nhờ thành tích học tập từ trung học, cô được học bổng toàn phần. Một giáo sư toán học ở đó là William Waldron Schieffelin Claytor. Sự nghiêm khắc của ông khiến hầu hết các sinh viên sợ hãi, họ không thể theo kịp khi giáo sư điên cuồng viết các công thức lên bảng bằng một tay và nhanh chóng xóa đi bằng tay kia. Ông chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, không để tâm đến những phản ứng hoang mang của sinh viên. Nhưng Katherine, với thái độ học tập cực kì nghiêm túc, đã nghiên cứu hết cả chương trình và Claytor đã phải mở những lớp cao cấp dành riêng cho cô.

“Em sẽ làm một nhà toán học, một nhà nghiên cứu tốt”, Claytor nói với cô sinh viên 17 tuổi nhưng đã học đến năm 2. “Và thầy sẽ chuẩn bị cho em để thành công với sự nghiệp đó.”

Từng là một sinh viên sáng giá và đầy hoài bão, tốt nghiệp Đại học Howard và Đại học Pennsylvania, và là một trong ba Tiến sĩ toán học da đen duy nhất, Claytor đã chờ đợi trong vô vọng để được tuyển vào các khoa Toán hàng đầu nhưng chỉ có Trường Cao đẳng Bang West Virginia là nhận ông. Tuy nhiên, như để bù đắp lại nỗi thất vọng về sự nghiệp của bản thân, Claytor gửi gắm niềm tin vững chắc rằng Katherine có thể có một tương lai thành công trong nghiên cứu toán học, mặc cho điều kiện thực tế khắc nghiệt lúc đó. Vào những năm 1930, chỉ có hơn 100 phụ nữ ở Hoa Kỳ làm việc như các nhà toán học chuyên nghiệp. Các nhà tuyển dụng công khai phân biệt đối xử với phụ nữ Ailen và Do Thái có bằng toán;  còn với phụ nữ da đen, tỷ lệ được nhận trong lĩnh vực này gần như không.

“Nhưng em sẽ tìm việc ở đâu?” Katherine hỏi.

“Đó sẽ là vấn đề của em,” đáp lại giáo sư Claytor, người thầy, người cố vấn của cô.

Tháng 6 năm 1953, Katherine bắt đầu công việc của mình như một “người tính toán” (human computer) trong nhóm tính toán West Area của Langley, nơi “những cô gái da màu” giỏi toán làm việc. Người trực tiếp quản lý cô là Dorothy Vaughan, một nhà toán học xuất sắc khác, người đã gia nhập West Computing (bộ phận tính toán của Langley) 10 năm trước và đã trở thành người đứng đầu bộ phận. Katherine không mất nhiều thời gian để nhận ra và ngưỡng mộ tài năng của Dorothy cả với tư cách là nhà toán học lẫn người quản lý.

Trong vài ngày đầu, Katherine bắt đầu với việc điền vào các bảng dữ liệu theo các phương trình đưa ra bởi Vaughan hoặc các kĩ sư. Hai tuần sau, một người da trắng tìm đến văn phòng của Vaughan. Sau khi nói chuyện với người này, Vaughan gọi Katherine và một phụ nữ khác là Erma Tynes đến. “Phòng nghiên cứu về hành trình bay đang yêu cầu hai người tính toán mới,” Vaughan nói. “Tôi sẽ gửi hai người đến tòa nhà 1244. ”


 Tổng thống John F Kenedy tham quan Trạm Hàng không Cape Canaveral, nơi diễn ra quá trình tiền cất cánh của dự án Mecury. Dự án này đỏi hỏi rất nhiều tính toán siêu chính xác mà Katherine Johnson tham dự, đảm bảo các phi hành gia trở về Trái đất an toàn.

Đối với Katherine, được chọn để làm việc tại tòa nhà 1244 là một may mắn bất ngờ. Cô đã thấy phấn khởi khi ngồi tính toán các bản dữ liệu do Vaughan giao, nhưng được gửi đến ngồi chung với những bộ não siêu việt tại tòa nhà 1244 có nghĩa là được gần hơn với một trong những nhóm nghiên cứu quan trọng và mạnh nhất của Langley.

Bên trong tòa nhà đầy mùi cà phê và thuốc lá. Hầu hết người làm việc đều là nam giới, nhưng xen kẽ có một vài phụ nữ thao tác trên máy cộng hay nhìn chăm chú vào các trang tài liệu.

Bên ngoài viện nghiên cứu, các quy tắc đẳng cấp rất rõ ràng. Người da đen và người da trắng sống riêng rẽ, ăn riêng, học riêng, giao tiếp xã hội riêng, và với hầu hết trường hợp, làm việc ở những nơi riêng biệt. Tại Langley, ranh giới mờ hơn: dù người da đen vẫn phải dùng phòng vệ sinh riêng, nhưng họ cũng được trao cơ hội làm việc trong một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Một số đồng nghiệp của Goble là người Mỹ da trắng hoặc những người nước ngoài chưa bao giờ gặp một người da đen trước khi đến Langley. Những người khác đến từ miền Nam với thái độ phân biệt chủng tộc rõ ràng. Có thể nói, Langley chính là phòng thí nghiệm về quan hệ chủng tộc, nơi cả người da đen và da trắng cùng làm việc.

Katherine hiểu rằng thái độ của những người phân biệt chủng tộc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.  Đối mặt với sự phân biệt và kỳ thị, Katherine và những người như cô ngày nào cũng luôn phải khéo léo với cách ăn mặc gần như hoàn hảo, cách ăn nói đúng mực, luôn thể hiện lòng yêu nước và luôn ý thức rằng sự tương tác hằng ngày của họ với người da trắng có thể có ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn cả cộng đồng da đen. Katherine hiểu rằng tự mình phải vượt qua những bất an và sự sợ hãi, không để chúng xâm chiếm khiến mất lòng tin ở bản thân, dẫn tới thiếu tự tin, cộng thêm với sự phân biệt đối xử và chế nhạo, chính những điều đó có thể khiến cô rút lui khỏi cơ hội mà tiến sĩ Claytor đã chuẩn bị kỹ càng cho cô.

Sau hơn sáu tháng, có vẻ nhiệm vụ tạm thời của Katherine tại Phòng Nghiên cứu hành trình bay chuyển dần thành lâu dài. Đầu năm 1954, Dorothy nói với Henry Pearson rằng hoặc ông phải tăng lương cho Katherine, hoặc trả cô về bộ phận của Dorothy. Pearson đề nghị Katherine một vị trí chính thức với mức tăng lương tương ứng. Thực tế là ngay sau khi Katherine tới, các kĩ sư của Pearson đã nhận ra cô là người họ cần giữ lại.

Sau này khi đã qua độ tuổi 90, Katherine vẫn nhớ như thể mới ngày hôm qua: khi cô nhìn thấy cái đốm sáng lấp lóe trên bầu trời vào tháng 10 năm 1957. Khắp nước Mỹ, người dân nhìn lên bầu trời, đầy háo hức xen lẫn sợ hãi, băn khoăn không biết liệu quả cầu kim loại 83 kg mà người Nga phóng lên quỹ đạo quanh Trái đất có quan sát thấy họ không.

Đó có thể coi là một thất bại của Mỹ. Người Mỹ vẫn không thể hiểu sao điều đó lại xảy ra sau khi họ đã chiến thắng áp đảo ở cuộc thế chiến trước đó. “Đi đầu trong không gian có nghĩa là dẫn đầu,” tuyên bố của Thượng nghị sĩ Major Lyndon Johnson. “Thứ nhì trong không gian có nghĩa là thứ nhì trong tất cả mọi thứ.”

Tuy nhiên tại Langley, động thái của Liên Xô giống như một khởi đầu mới. Bầu trời đã chứng kiến những thành công trong suốt bốn thập kỷ nghiên cứu của Langley: từ máy bay phản lực chở khách đến máy bay ném bom, máy bay vận tải tới máy bay chiến đấu, và giờ là máy bay quân sự siêu thanh. Khi Katherine và các cộng sự tự hỏi đâu là thử thách tiếp theo, vệ tinh đầu tiên của Liên Xô – Sputnik – đã cho câu trả lời.

Mặc dù có nhiều tổ chức trong Chính phủ Mỹ cạnh tranh để dẫn đầu cuộc chinh phục không gian, NACA được chọn làm nơi tập hợp tất cả các hoạt động vũ trụ khác nhau. Tháng 10 năm 1958, với Langley là nhân tố chính, Chính phủ Hoa Kỳ hợp nhất tất cả các hoạt động vào NACA và đặt tên mới: Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA).

Khi bộ phận của Katherine chuyển các ưu tiên từ hàng không sang vũ trụ, công việc của cô đã có một bước rẽ đặc biệt. Dù việc điền vào các bảng dữ liệu vẫn là một phần trong nhiệm vụ, các kĩ sư giao thêm một nhiệm vụ nữa là chuẩn bị các đồ thị và phương trình cho một loạt bài giảng về công nghệ không gian – nơi các kĩ sư trình bày nghiên cứu. Đó chính là cuốn sách giáo khoa về không gian – được viết trong thời gian thực.

Katherine lắng nghe cẩn thận mọi thứ, và nghiền ngẫm tờ “Aviation week” (Tuần lễ Hàng không). Nhưng cô hiểu rằng những gì thật sự quan trọng diễn ra trong các cuộc họp kín nơi các kĩ sư báo cáo nghiên cứu. Sự quan tâm của cô với các cuộc họp kín càng tăng lên khi Katherine biết rằng cô đã ở rất gần: so với phần còn lại của đất nước, cô đang ngồi ở hàng ghế đầu của buổi trình diễn mà công chúng chỉ có thể biết đến qua báo chí và truyền hình. Nhưng chừng nào cô không tham gia các buổi họp kín thì cô cũng chỉ là một “khán giả” mà thôi.

Katherine đặt rất nhiều câu hỏi cho các kĩ sư dù phạm vi công việc chỉ xoay quanh loại máy bay cỡ nhỏ Cessna 405. Càng ngày càng có nhiều điều hơn để hỏi, nhiều hơn nữa để hiểu, và bởi vì tất cả đều mới, cô cảm thấy như đang cùng khám phá với các kĩ sư. Công việc càng ngày càng nhiều lên, và Katherine bắt đầu cân nhắc nghiêm túc câu hỏi đã luôn hiện hữu trong tâm trí.

“Tại sao tôi không thể đến các cuộc họp?” Cô hỏi các kĩ sư. Tại sao cô lại không muốn trở thành một phần của cuộc thảo luận cơ chứ, dù sao nó cũng sử dụng những kết quả tính toán của cô mà.  

“Phụ nữ không đến dự các cuộc họp,” các đồng nghiệp nam nói với cô.

“Có luật nào cấm điều đó không?” Katherine đáp lại. Thực ra không hề có. Đó không phải là luật, mà chỉ là thông lệ đã luôn được tuân theo.

Dù Katherine có cảm thấy kém thế ra sao khi làm việc với các cộng sự nam, hay khi là một trong số ít người da đen làm việc trong một nơi toàn người da trắng, thì cô cũng vượt qua cảm giác đó khi cô đến làm việc vào mỗi sáng. Cô cố gắng không để sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới làm hỏng sự tự tin của mình: một khi họ đã vào văn phòng, thì tất cả đều như nhau.

“Tại sao tôi không thể tham dự các cuộc họp?” Katherine hỏi một lần nữa, không nao núng. Cô quyết định sẽ hỏi cho đến khi nhận được câu trả lời thỏa đáng. Cô đưa ra yêu cầu nhẹ nhàng nhưng dai dẳng, giống như những giọt nước muốn len lỏi để vượt qua tảng đá lớn trước mặt.

“Để cô ấy vào,” các kĩ sư mệt mỏi với việc liên tục phải từ chối, và quyết định để cô tham gia. Năm 1958, Katherine cuối cùng đã tham gia vào các cuộc họp của Phòng Nghiên cứu Hành trình bay, sau này là Phòng Cơ học Không gian vũ trụ. Từ giờ, cô sẽ là một phần của tiến trình.

NASA quyết định lần đầu tiên đưa người vào không gian là một chuyến bay “đạn đạo” đơn giản, giống như viên đạn bắn vào không gian từ một khẩu súng. Phi thuyền phóng lên rồi rơi xuống theo quỹ đạo parabol lớn, hạ cánh tại Đại Tây Dương. Phi hành gia cần hạ cánh đủ gần để chờ tàu hải quân nhanh chóng kéo lên khỏi mặt biển. Thách thức là làm thế nào để thiết lập đường bay sao cho phi thuyền sẽ đáp gần nơi tàu hải quân chờ, vì nếu tính toán không chính xác, phi thuyền vượt ra khỏi giới hạn và đe dọa tính mạng của phi hành gia.

Chuyến bay vào quỹ đạo không gian – mục tiêu của dự án Mercury – là vô cùng phức tạp. Phi thuyền cần phải được phóng lên với một góc chính xác và lực đủ mạnh để nó đi vào quỹ đạo quanh Trái đất một cách chính xác, và sau đó rơi trở lại đúng như đã dự định, đáp xuống gần chỗ tàu hải quân đợi.

“Hãy để tôi làm điều đó,” Katherine nói với Ted Skopinski. Trong thời gian làm việc với Skopinski, cô đã chứng tỏ khả năng toán học đáng tin cậy và làm việc với tinh thần đầy trách nhiệm. Các đồng nghiệp đang cố gắng với tất cả những gì họ có, và cô không thể đứng ngoài cuộc. “Cho tôi biết chỗ anh muốn phi hành gia đáp xuống, và tôi sẽ cho anh biết cần phải phóng anh ta thế nào.”

Việc đưa người vào vũ trụ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chính phần đưa họ trở lại Trái đất an toàn khiến Katherine trằn trọc hàng đêm. Mỗi nhiệm vụ có vô số kết cục thảm họa đang đón chờ, bắt đầu với tên lửa Atlas nổi tiếng, tên lửa đạn đạo liên lục địa cao 29 mét, được sửa đổi để đẩy phi thuyền Mercury vào quỹ đạo. Hai trong năm lần phóng của Atlas gần đây đã thất bại. Bản thân phi thuyền là một thiết bị tinh vi nhất hành tinh với hệ thống ô xy, điều áp, mọi công tắc, mọi đèn hiệu, mọi máy đo đều phải được kiểm tra xem có nguy cơ tiềm tàng nào không.

Nhiệm vụ Atlas là cực kì khổng lồ và phức tạp, nhưng thêm vào đó nó còn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Mỗi một sai lầm, một sai số nhỏ trong việc tính toán tốc độ và gia tốc của tên lửa, hay độ chính xác thấp của khối lượng toàn bộ của phi thuyền… sẽ để lại hậu quả thảm khốc. Không ai hiểu điều này hơn phi hành gia John Glenn. Là một phi công bay thử nghiệm dày dặn kinh nghiệm, ông hiểu rằng cách duy nhất để loại bỏ tất cả các mối nguy hiểm là không bao giờ rời khỏi Trái đất.

Chuyến bay vào quỹ đạo đầu tiên của dự án Mercury được dời đến ngày 20/2 năm 1962. Ba ngày trước thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời, Glenn kiểm tra lần cuối các số liệu mô phỏng. Trước khi chấp nhận vận mệnh của mình, anh yêu cầu kiểm tra lại việc đánh giá quỹ đạo bởi máy tính IBM 7090.

Thông điệp được gửi đến John Mayer hoặc Ted Skopinski rồi được truyền đạt xuống dưới: “Hãy để cô gái ấy kiểm tra các con số,” John nói. “Nếu cô ấy đồng ý với tính toán đó, tôi sẵn sàng xuất phát.”

Chính thời điểm đó Katherine đã làm nên lịch sử: cô là nhà toán học, một công dân Mỹ có tài năng lớn đã được công nhận, người sắp mang tài năng đó phục vụ đất nước. Katherine luôn là một người có niềm tin vững chắc vào sự tiến bộ, và vào tháng 2 năm 1962, một lần nữa, cô trở thành biểu tượng của sự tiến bộ.

Khi tiếng chuông điện thoại reo, Katherine đang ngồi tại tòa nhà 1244. Cô nghe loáng thoáng cuộc điện thoại và hiểu ra rằng cô chính là “cô gái” đang được nhắc đến. Việc Glenn không biết tên cô không thành vấn đề, quan trọng là anh ấy hiểu rằng cô là người phù hợp.

Nhiều năm sau, Katherine nói rằng bà đã rất may mắn khi bà là người tính toán được gửi đến làm việc cùng kĩ sư phòng Nghiên cứu Hành trình bay và chính tại đó, trở thành một phần của cuộc phiêu lưu vĩ đại này. Nhưng đó còn là sự kết hợp của tình cờ, sự ưu ái, trí tuệ, và dĩ nhiên là may mắn nữa. Điều kì diệu chỉ có thể xảy xa khi một bộ não được đào tạo và chuẩn bị cẩn thận gặp điều mà nó chưa từng nghĩ tới, để nắm bắt cơ hội được tạo ra từ một cuộc nói chuyện trong đám cưới của cô em gái chồng năm nào.

3 năm trước, trong báo cáo Azimuth Angle, Katherine đã tính toán hai quỹ đạo mẫu khác nhau. Sau khi cô đưa ra phương trình cho các kịch bản và thay các con số giả thuyết cho các biến, Phòng Kế hoạch và Phân tích đã lập trình nó trên máy tính IBM 704. Sử dụng cùng các con số giả thuyết, họ chạy chương trình và cho thấy một sự chính xác cao giữa kết quả của IBM 704 và của Katherine. Cô không hề nghĩ rằng một ngày nào đó điều này sẽ lặp lại, và đó sẽ là một bước ngoặt không chỉ cho sự nghiệp của cô mà còn cho cả ngành vũ trụ Hoa Kỳ.

Ngay khi nhận được nhiệm vụ, Katherine lập tức xếp lại bàn làm việc, dẹp đi mọi thứ trừ các phương trình quỹ đạo. Thay vì gửi số liệu để máy tính kiểm tra, cô kiểm tra lại số liệu mà máy tính cung cấp, hi vọng có thể tính ra kết quả tương tự. Cô tính toán cho mọi phút trong quỹ đạo, tính kết quả cho 11 biến đầu ra, với độ chính xác đến tám chữ số. Phải mất một ngày rưỡi cô mới thực hiện xong. Và như một điều kì diệu: tính toán cô đưa ra phù hợp với kết quả của máy tính – hay nói cách khác, năng lực tính toán của máy tính cũng ngang với cô.

Vào ngày 20 tháng 2 năm 1962, bầu trời trong xanh, 135 triệu người chứng kiến qua màn hình TV, trong khi nhiều người ở Langley đến tận Mũi Canaveral để xem trực tiếp chuyến bay. Katherine ngồi trong văn phòng, quan sát cả quá trình trên TV.

Vào 9h47 sáng, tên lửa Atlas phóng tàu Friendship 7 lên quỹ đạo chính xác như một nhà vô địch bắn mũi tên trúng hồng tâm. Trong vòng quỹ đạo đầu tiên, hệ thống điều khiển tự động trục trặc, khiến cho phi thuyền lắc qua lắc lại. Glenn khắc phục bằng cách chuyển sang điều khiển thủ công, giữ phi thuyền đúng hướng như cách lái máy bay. Đến cuối vòng quỹ đạo thứ hai, đèn hiệu thông báo lớp chống nhiệt quan trọng bị lỏng. Mất lớp chống nhiệt này thì không còn gì ngăn giữa phi hành gia và nhiệt độ 1650 độ C khi phi thuyền xuyên qua bầu khí quyển. Một quyết định được đưa ra bởi ban Điều khiển: vào cuối vòng quỹ đạo thứ ba, sau khi các tên lửa hãm cháy hết, Glenn sẽ phải giữ các tên lửa này lại thay vì tách bỏ như thường lệ, với hi vọng là nó sẽ giúp giữ lớp chống nhiệt không bị tuột đi.

4 giờ 33 phút sau khi phóng, tên lửa hãm kích hoạt. Glenn điều chỉnh phi thuyền cho bước trở lại khí quyển và sẵn sàng cho điều xấu nhất. Khi con tàu giảm tốc, thoát khỏi quỹ đạo và rơi xuống, các kĩ sư mất liên lạc với tàu và họ chỉ có thể chờ đợi. Phải mười bốn phút sau, giọng nói của Glenn mới trở lại, bĩnh tĩnh đến mức đáng kinh ngạc với một người chỉ vài phút trước còn đối mặt với khả năng chết trong một phi thuyền bốc cháy. Thành công đã đến gần, và phi thuyền hạ cánh chỉ cách 40 dặm so với máy tính dự đoán, do khối lượng ước tính của phi thuyền khi quay trở lại chưa chính xác. Cả máy tính và người tính đã đóng góp vào sự thành công, và mọi chuyện kết thúc như trong giấc mơ: 21 phút sau khi hạ cánh, phi hành gia được đưa lên khỏi mặt biển.

John Glenn trở thành người hùng, nhưng ông không phải là người duy nhất. Vai trò của Katherine trong nhiệm vụ thành công của Glenn lan truyền trong cộng đồng người da đen, trước là ở địa phương rồi sau đó lan ra các vùng khác. Ngày 10 tháng 3 năm 1962, một Katherine quyến rũ và trang nhã mỉm cười trên trang đầu tờ báo Pittsburgh Courier. “Tên cô ấy … trong trường hợp bạn chưa đoán ra … là Katherine Johnson: người mẹ, người vợ, người phụ nữ với một sự nghiệp đáng nể!” (Bên dưới là một một tiêu đề khác: “Tại sao không có phi hành gia người da đen?”) Tờ báo kể lại xuất thân và thành tựu của nhà nữ toán học với niềm kiêu hãnh, nêu chi tiết việc bà đã đóng góp ra sao trong tính toán của chuyến du hành lịch sử.

 

Hạnh Duyên dịch
Nguồn bài và ảnh: http://nautil.us/issue/43/heroes/the-woman-the-mercury-astronauts-couldnt-do-without

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)