Còn nhiều điều chưa biết về phong trào Đông Kinh nghĩa thục

Hơn một trăm năm trôi qua nhưng đến giờ chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Thục trưởng Lương Văn Can mặc áo trắng (ở giữa) cùng các giáo viên Trường Đông Kinh nghĩa thục.

Vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ hoạt động cụ thể của các trường được mở dọc miền Trung, quá trình các giáo viên của Đông Kinh nghĩa thục tiếp thu tân thư, cũng như quá trình các lãnh tụ của phong trào đã học hỏi nguyên mẫu Mô hình Khánh ứng nghĩa thục của Nhật Bản…

Đó là những chủ đề được thảo luận tại Hội thảo “Đông Kinh nghĩa thục và mô hình giáo dục khai phóng Việt Nam”, do trường Đại học Fulbright tổ chức tại TP. HCM ngày 19-20/11/2022.

Được thành lập vào năm 1907 ở Hà Nội, với phương châm theo đuổi mục tiêu “khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh”, Đông Kinh nghĩa thục đã mở ra một con đường mới cho giáo dục Việt Nam, khi bước ra khỏi truyền thống giáo dục Nho học gò bó thiếu sáng tạo, thiếu phản biện, truyền cảm hứng cho một thế hệ công dân khát khao độc lập dân tộc và truyền bá các kiến thức khoa học hiện đại trong bối cảnh Việt Nam thuộc địa đầu thế kỉ 20. Mặc cho chính quyền thuộc địa gây sức ép, các sĩ phu yêu nước thời ấy, cả Cựu học và Tân học, dẫn đầu là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh đã dũng cảm mở trường giảng dạy theo lối mới, vượt khỏi khuôn khổ giáo dục của chính quyền thực dân.

Là người đã dành nhiều năm nghiên cứu về Đông kinh nghĩa thục nhưng TS Nguyễn Trân Phượng vẫn cho biết bà còn nhiều câu hỏi về phong trào Đông Kinh nghĩa thục. “Chúng ta còn biết ít về Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, nhưng chúng ta càng biết ít hơn về hơn 40 trường suốt dọc miền Trung: những nhà giáo ở hơn 40 trường miền Trung là ai? Họ được tiếp xúc tân thư tân văn bằng những phương tiện nào? Chúng ta có thể đặt giả thiết là họ nhận tân thư tân văn qua cảng biển Quảng Nam Đà Nẵng hồi đó rồi nhưng cá nhân họ lưu trữ trong nhà họ hay như thế nào? Điều kiện nào để họ tiếp xúc với yếu tố mới ra sao”, TS. Nguyễn Trân Phượng nêu.

Tương tự, “người ta nói nhiều về việc Đông Kinh nghĩa thục học theo mô hình Trường Keio Gijuku nhưng chưa có bằng chứng trực tiếp”, GS. Shimao Minoru, ĐH Keio lật lại vấn đề. Có khả năng người sáng lập Keio Gijuku luôn tổ chức các buổi diễn thuyết cho lưu học sinh, khi sang Nhật, các cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu nghe thông tin về các hội diễn thuyết này và được truyền cảm hứng, nhưng chỉ là “có khả năng” và ông “chưa có bằng chứng chắc chắn”. Cũng có thể các lãnh tụ của Đông Kinh nghĩa thục đã biết tới Keio Gijuku bằng con đường gián tiếp –“qua thông tin mà Lương Khải Siêu cung cấp, các nhà trí thức Việt Nam đã biết tới và ghi danh tiếng của Trường Keio Gijuku và Fukuzawa Yuchi”. Để trả lời được, cần tìm được các nguồn sử liệu cho thấy “vào năm 1906, khi Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu sang Nhật các tham quan các trường học ở đây, vậy họ nghe những thông tin gì? Tham gia các hoạt động gì?”, GS. Shimao Minoru cho biết.

Trả lời được những câu hỏi này giúp chúng ta hình dung rõ ràng hơn và có thể dựng được bức tranh sinh động về Đông Kinh nghĩa thục, những ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh nghĩa thục kể cả khi các trường đã bị đóng cửa chỉ sau chín tháng tồn tại ngắn ngủi.

Hội thảo là một trong những hoạt động đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Fulbright, thành lập cách đây hơn sáu tháng, nhằm khởi xướng những nghiên cứu học thuật chuyên sâu và các thảo luận công chúng ý nghĩa về lịch sử của Việt Nam và những cội nguồn văn hóa và tinh thần của xã hội Việt Nam đương đại. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đặt mục tiêu kết nối mạng lưới các chuyên gia nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước, là nơi ươm dưỡng các nghiên cứu, hoạt động dạy và học lấy Việt Nam làm trung tâm.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)