Kiềm chế lạm phát: Lợi thế của Việt Nam

Lạm phát hiện nay ở Việt Nam chủ yếu do giá đầu vào của sản xuất tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy. Tuy nhiên, theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, lợi thế tự chủ và xuất khẩu lương thực thực phẩm sẽ là yếu tố quan trọng để giúp kiểm soát, hỗ trợ kìm hãm lạm phát. Vì vậy, các gói hỗ trợ có thể tập trung vào giảm thuế phí xăng dầu, phân bón, giảm thuế cho các ngành tiêu thụ năng lượng, đầu vào sản xuất để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng vượt 30.000 đồng/ lít. Ảnh: Báo Chính phủ.

Khả năng lạm phát dài hạn

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của xu hướng chung trên thế giới hiện nay là lạm phát gia tăng, chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, đặc biệt là hai thị trường lớn gồm Hoa Kỳ – đang lạm phát ở mức 8.6%, Trung Quốc – vẫn còn duy trì chính sách ZeroCOVID. Do đó, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể lạm phát sẽ lên tới 5-6% và Việt Nam buộc phải chấp nhận, khó tránh được xu hướng chung vì kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát hiện nay chủ yếu do giá năng lượng tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt là do Trung Quốc, nước cung cấp phần lớn đầu vào của sản xuất trên thế giới, đang trong tình trạng phong tỏa. Chuỗi sản xuất các thiết bị như đồ điện tử, dệt may, giày da của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá năng lượng, phân bón đang chịu ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraina, càng khiến đầu vào của sản xuất tăng cao và thiếu hụt, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao.

Bằng chứng cho thấy sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng rõ nhất khi nhìn vào số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng năm bị giảm tốc. Trong đó khối FDI bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp FDI rất lớn như Samsung bị giảm chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Honda cũng phải giảm một nửa công suất.

Trong hai năm qua, do tác động của đại dịch thì lương trung bình thực tế không tăng, còn lương tối thiểu thực tế đã giảm do lạm phát.

Dự đoán, lạm phát trên thế giới và cả ở Việt Nam sẽ không giảm ngay mà có thể kéo dài tới hết năm 2023, cho đến khi giá xăng dầu hạ nhiệt (theo dự báo, giá dầu vẫn còn cao trên 90 USD/thùng đến 2024 sau đó mới giảm dần về 60 USD/thùng); Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế; và chiến tranh kết thúc.

Với mức lạm phát khoảng 5-6% thì tăng trưởng kinh tế không gặp vấn đề lớn nhưng lạm phát, giá cả hàng hóa cao trong thời gian dài sẽ lại gây tác động mạnh tới đời sống của những bộ phận dân cư nghèo, đặc biệt là những nhóm nghèo không tự sản xuất được lương thực thực phẩm. Số liệu thống kê trong tháng năm vừa qua cho thấy giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tăng so với tháng trước và năm trước. Đối với người dân, chỉ bằng đánh giá cá nhân, khi đi chợ và siêu thị đều có thể thấy ngay giá thực phẩm thiết yếu trứng hay thịt tăng rất mạnh, thậm chí trứng gà đã có thời điểm tăng gấp đôi.

Các nhóm nghèo, vốn chi phần lớn thu nhập cho nhu cầu nhu yếu phẩm, là các nhóm đã chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID – 19 trong hai năm qua. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI), trong hai năm đại dịch, nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động có kỹ năng thấp, không có kỹ năng, làm dịch vụ, hoặc những hộ nghèo và cận nghèo vốn cũng đã gặp nhiều khó khăn từ trước đại dịch. Ngay từ năm đầu của đại dịch, thu nhập của hầu hết người dân thuộc nhóm này đã giảm và họ mất việc nên phải cắt giảm chi tiêu, sử dụng tiền tiết kiệm từ trước (42%) hoặc vay mượn (15%), thậm chí có một số nhóm rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, phải bán tài sản để duy trì cuộc sống (7%).

Sau đại dịch, các nhóm này đã bắt đầu tìm kiếm được việc làm do nền kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối tốt, nhu cầu lao động ở cả khu vực đầu tư trong nước lẫn FDI đều rất lớn. Tuy nhiên mặt bằng lương chung và mức lương tối thiểu của các nhóm này đang thấp. Trong những năm gần đây trước khi xảy ra đại dịch COVID thì tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn tốc độ tăng của lương trung bình. Thậm chí trong hai năm qua, do tác động của đại dịch thì lương trung bình thực tế không tăng, còn lương tối thiểu thực tế đã giảm do lạm phát.

Tận dụng lợi thế của Việt Nam trong kìm hãm lạm phát

Dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng lạm phát trên thế giới, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định để kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống người dân.

Thứ nhất, Việt Nam có lợi thế tự chủ được sản xuất và xuất khẩu lương thực thực phẩm, nhờ đó Chính phủ có thể kiểm soát, hỗ trợ kìm hãm lạm phát. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân. Nhờ vào lợi thế này, có thể thiết kế các chính sách để hỗ trợ, ổn định nguồn hàng hóa trong nước, đặc biệt cho nhóm ngành lương thực thực phẩm.

Thứ hai, Việt Nam không phải là nước nhập khẩu năng lượng quá lớn. Về xăng dầu, nhờ vào sản xuất và xuất thô dầu mỏ nên Việt Nam có thể kiểm soát được năng lượng, xăng dầu phần nào. Ngoài điện than đang phải nhập khẩu nhiên liệu nhiều thì các nguồn năng lượng khác cũng đang được đầu tư nhiều, đặc biệt là lượng mưa lớn năm nay giúp ổn định nguồn năng lượng thủy điện, giúp giá điện không tăng.

Cần có chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nhiều hơn vì hiện nay chưa có gói hỗ trợ nào cho sản xuất nông nghiệp. Điều nghịch lý là lạm phát khiến giá thực phẩm tăng cao nhưng nông sản nhiều vùng vẫn bị ế tới mức phải giải cứu. Ảnh: Vietnamplus.

Vấn đề gián đoạn chuỗi sản xuất công nghiệp liên quan đến phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc, Chính phủ có thể đàm phán với Chính phủ Trung Quốc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là các thiết bị như đồ điện tử, dệt may, giày da.

Chính phủ có thể dựa trên những lợi thế đó để đưa ra một số giải pháp giúp giảm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm lạm phát cũng như giá hàng hóa:

Điểm quan trọng đầu tiên là thực thi chính sách hỗ trợ giảm giá xăng – đầu vào cho toàn bộ chuỗi sản xuất và phân bón – đầu vào của ngành nông nghiệp: Chính phủ nên tạm thời bỏ hết các loại thuế phí môi trường để giá xăng dầu giảm, hỗ trợ đầu vào của phân bón giảm, kiểm soát xuất khẩu phân bón.

Biện pháp thực thi nhanh nhất, hiệu quả nhất là dùng các gói phục hồi kinh tế để bù cho các loại thuế phí mà doanh nghiệp và người dân đang phải chịu liên quan đến xăng dầu. Việc cắt giảm phí thuế sẽ giúp giảm giá xăng rất nhanh, có thể giảm xuống còn hơn 20.000/ lít xăng. Nếu tiếp tục để giá xăng dầu tăng cao trong thời gian dài sẽ kéo theo hàng hóa, dịch vụ tăng theo, cản trở mọi nỗ lực của Chính phủ về kiềm chế lạm phát và phục hồi kinh tế.

Biện pháp thực thi nhanh nhất, hiệu quả nhất là dùng các gói phục hồi kinh tế để bù cho các lệ phí mà doanh nghiệp và người dân đang phải chịu liên quan đến xăng dầu.

Sử dụng các gói hỗ trợ tài chính để phục hồi sản xuất, cho phép các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID có thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp; tăng đầu tư công và khuyến khích đầu tư vào hạ tầng để tạo công ăn việc làm và phục hồi các doanh nghiệp liên quan đến mảng xây dựng, sản xuất nội địa.

Tuy vậy, hiện nay hầu như giải ngân đầu tư công còn đang rất chậm, các gói hỗ trợ tài chính chưa thực thi được trong thực tế, chưa có nghiên cứu khả thi cho các dự án đầu tư công, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bắt đầu triển khai nhưng tiêu chí còn quá phức tạp, chưa rõ ràng. Nếu không khắc phục sớm (các quy định cho các dự án đầu tư công, hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế, năng lực triển khai của các cơ quan thực thi) thì việc triển khai các gói phục hồi quá muộn sẽ không còn nhiều giá trị.

Bình ổn giá và hỗ trợ an sinh cho các nhóm nghèo

Lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực trên thế giới cho thấy vấn đề giữ vững chuỗi cung ứng, sản xuất nông nghiệp rất quan trọng để ổn định tình hình kinh tế và giảm lạm phát. Duy trì vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam là một phần rất quan trọng đóng góp vào an ninh lương thực trên thế giới, đồng thời giúp ổn định đời sống người nông dân, là những người nghèo nhất trong xã hội Việt Nam.

Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nhiều hơn vì hiện nay chưa có gói hỗ trợ nào cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nên có các chính sách thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ đầu vào cho sản xuất của người nông dân.

Lạm phát ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến tiêu dùng lương thực thực phẩm, do đó cần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo ổn định đời sống của người dân. Để giảm tác động của lạm phát đối với các nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người nghèo, nông dân, Chính phủ có thể xây dựng các chương trình bình ổn giá để giảm bớt ảnh hưởng của tăng giá đến đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm nghèo không tự sản xuất, phải mua lương thực thực phẩm. Đồng thời để thúc đẩy sản xuất trong nước thì cần có chính sách trợ giá cho các mặt hàng tiêu dùng trong nước.

Tiếp tục có các chính sách cải thiện lương tối thiểu cho người lao động. Theo tính toán gần đây của MDRI, mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng tiền lương tháng của người lao động có mức lương dưới mức lương tối thiểu lên 0,83%, sẽ hữu ích cho người lao động nghèo.

Ngoài ra, chúng ta nên sử dụng các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau COVID để bù đắp giá cho các dịch vụ công khác như tiền điện, học phí, phí y tế để các nhóm dịch vụ thiết yếu này không tăng giá ngay, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Dùng gói phục hồi để bù đắp giá cho các dịch vụ công là cách làm nhanh, hiệu quả, minh bạch và dễ thực hiện.

***

Trong bối cảnh nguồn cung đang có vấn đề, thì các chính sách hỗ trợ khôi phục được nguồn cung sẽ giúp giảm lạm  phát. Giảm giá xăng dầu, sử dụng các gói hỗ trợ đầu vào, phục hồi chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, giảm chi phí logistics sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. □

Bảo Như ghi

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)