Nhớ Thầy Phạm Toàn – Người không chịu dạy “ngữ văn”
Phạm Toàn mất ngày 26/6/2019. Nhớ tới ông là nhớ tới một nhà giáo dục lớn. Bản thân ông là cả một cuộc cải cách giáo dục hiện đại. Con người lỗi lạc, xuất chúng dấn thân sự nghiệp đó từ hơn thập niên trước đã trình ra Đề án Cải cách Giáo dục một nền giáo dục Việt Nam hiện đại (với tiêu đề khiêm tốn chứa kèm - Gợi ý định hướng Cải cách Giáo dục).
Chúng tôi là một nhóm nhỏ những “thanh niên không chịu lớn” (lời Thầy Toàn) trong Nhóm lớn Cánh Buồm. Nhóm nhỏ những anh chị em phần đa có đi dạy “ngữ văn”, nhà đều gần chỗ Thầy ở – những “chân chạy” và “sai vặt” của Thầy. Có chị Minh Hà không phải là giáo viên và tuy già (!) nhưng vui lòng vào nhóm để làm lãnh đạo. Chị Minh Hà có hôm nói “Thầy mất rồi… giờ nhóm lúc vui có khi chả nhớ Thầy, nhưng lúc chuyện buồn lại nhớ Thầy quá!”. Mỗi tội từ lúc Thầy mất đến giờ thấy chuyện buồn nhiều, vui chả mấy. Tuy thế mỗi khi nhớ đến Thầy thì chúng tôi thực rất vui. Niềm vui lớn lao vì giác ngộ hay nói như Thầy là “trông đều hứa hẹn trở thành những kẻ tự giáo dục – tự học” cả.
Không vui sao được khi nhờ Thầy mà chúng tôi biết dạy môn nào ra môn ấy. Biết dạy học Tiếng Việt như một khoa học, dạy học Văn như một nghệ thuật. Đối với chúng tôi đó là cả một cuộc cách mạng – kết quả của một nhận thức luận trác việt tìm lại đối tượng hai môn học Ngữ và Văn.
Chúng tôi cũng như đông đảo các giáo viên đứng lớp môn Ngữ văn đã khổ quá khổ vì sự nhập nhằng văn và ngữ vào một môn học. Môn Ngữ văn là nơi lẫn lộn ngữ học với văn học, lẫn lộn giao tiếp dụng ngữ văn chương với các khu vực dụng ngữ còn lại trong một bản ngữ, làm khổ học sinh bởi sự đổ đống thuật ngữ-khái niệm tiện lấy của lý luận văn học, của văn học sử, của truyền thống bình văn giảng thơ pha trộn giáo hóa đạo đức dễ dãi và nhạt nhẽo. Dạy học ngữ văn giờ đây quy nhanh tác phẩm văn thành văn bản để rèn luyện đọc hiểu như một kĩ năng trong bộ kĩ năng đọc nghe nói viết. Vậy mà muốn hiểu sâu hơn về năng lực đọc hiểu văn bản Văn như là năng lực chuyên biệt (dĩ nhiên vẫn hòa kết với năng lực nhân cách chung) chúng tôi vẫn thấy không ai diễn giải thú vị và sâu sắc như Phạm Toàn: “Chúng ta sẽ còn phải trả lời một câu hỏi nữa: địa điểm cư trú của đối tượng văn ở đâu? Dường như chúng ta đã mang máng thấy con mồi văn, và vì lẽ ấy mà đã có thể bước đầu xác định mục đích, mục tiêu dạy văn cho trẻ em ở nhà trường phổ thông. Nhưng sẽ không đầy đủ nếu chúng ta không truy lùng con mồi văn đến cùng và vừa xác định được mục tiêu, vừa tổ chức cách làm, mà đó mới chính là mối băn khoăn của nhà sư phạm. Văn nằm ở đâu? Thông thường, khi dạy văn hoặc khi học văn, hoặc khi thưởng thức văn, chúng ta vẫn cầu viện tới những tác phẩm văn in thành sách. Chúng ta quen gọi đó là những tác phẩm, trong khi thực ra nên gọi đó là những văn bản. Đó là chặng đường cuối cùng của quá trình sáng tạo nghệ thuật, và rất nhiều hành động tinh thần cũng như vật chất trong cả chuỗi việc làm nay được vật chất hóa trong hình hài của bức tượng, hoặc bức tranh hoặc vở kịch, những thước phim, điệu múa v.v… Sách, tiểu thuyết, bài thơ, kịch bản cũng vậy, đều là những văn bản. Đối với người đã tạo ra các văn bản đó, đó là công việc đã xong: còn đối với những người sẽ tiếp nhận văn bản đó, ấy là những cái chưa quen. Những văn bản đó đối với người sẽ tiếp nhận chúng có thể ví như những cây đàn bị bỏ quên chưa được bàn tay con người đụng tới: các văn bản đó còn đang nằm ngủ, chưa được một tâm hồn đồng cảm đánh thức dậy. Hằng Nga còn đang ngủ trong rừng, chưa được chú Hoàng tử đi săn lạc bước tới và chiếm lĩnh lấy nàng cho mình, chỉ cho riêng mình thôi.” [Phạm Toàn, Sao lại dạy Văn].
Cốt lõi giáo dục tư duy và tình cảm nghệ thuật qua môn Văn là tạo ra những con người biết đồng cảm với “nỗi đau nhân tình”, là biết thao tác với những cách tạo ra và nhào nặn hình tượng nghệ thuật, là biết cách biểu đạt tình cảm mình một cách tinh tế cả bằng “lời văn” lẫn không bằng lời văn.
Nói thế đâu phải là vì ông đánh đồng Văn với các nghệ thuật khác, xem thường hay bỏ qua đặc tính chất liệu ngữ dùng trong sáng tạo Văn. Ông bộc lộ một tầm nhìn tinh tế phi thường khi tự trả lời câu hỏi vì sao dạy học Văn: “Và ở nhà trường phổ thông, người ta đã chọn văn làm cái mẫu cho trẻ em học nghệ thuật. Đó là nhờ một sự may mắn “trời cho”: vật liệu ngôn từ tạo thành tác phẩm văn đã có cái ưu thế hơn hẳn các loại hình nghệ thuật khác xét về phương diện sư phạm. Cái vật liệu ngôn từ không cồng kềnh như vật liệu của hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh… Cái vật liệu vừa đủ cụ thể để làm nơi bấu víu cho trẻ em khi học tập thơ văn, và nó cũng vừa đủ mơ hồ để tạo ra một kích thích vào trí tưởng tượng và năng lực liên tưởng của người học. Bản tính lưu chất (fluidité) của ngôn từ tan như nước chảy liền sau khi phát ra khiến cho hình tượng tạo ra từ vật liệu ngôn từ vẫn rõ nét nhưng lại không chiếm chỗ như hình tượng tạo ra từ các phương thức nghệ thuật khác. Đồng thời hình tượng tạo ra bằng ngôn từ do chỗ không định hình bền vững ở một không gian bên ngoài con người sẽ được con người bù đắp lại bằng hình tượng tạo ra bên trong tâm trí con người. Thế là, từ chỗ yếu, ngôn từ trở thành có thế mạnh: con người đã lợi dụng cái may mắn trời phú ấy, và từ bao đời nay người ta dạy văn thơ cho trẻ em, truyền khẩu hay qua sách, trong gia đình hay ở trường, và ít ai để ý thấy văn, nhờ cái may mắn dùng vật liệu ngôn từ mà trở thành kẻ “cao hơn một cái đầu so với những người anh em cùng vai phải lứa” khi nghệ thuật ngôn từ ấy đuợc dùng vào giáo dục. Xưa nay, một cách kinh nghiệm chủ nghĩa, nghệ thuật văn được dùng trong giáo dục như một mục đích, và rất ít khi người ta nhận rõ văn chỉ là một cái mẫu để trẻ em hiểu biết một ngữ pháp nghệ thuật nói chung. Bây giờ chúng ta nên nói rõ ra: từ cái mẫu là nghệ thuật văn, trẻ em phải đi tới cái ngữ pháp nghệ thuật chung cho các nghệ thuật, và dĩ nhiên là ở trình độ phổ thông nhất. Sự phân biệt giữa nhà trường phổ thông và chuyên nghiệp cũng ở đó: ở trường phổ thông trẻ em được hiểu biết ngữ pháp nghệ thuật chung nhất, cơ bản nhất, còn trường chuyên nghiệp (nghệ thuật) sẽ dạy các em từng nghề nghệ thuật. Một bên là để hiểu biết, một bên là để hành nghề. Phải chăng, tới đây chúng ta có thể bổ sung mục tiêu dạy văn cho trẻ em ở nhà trường phổ thông như sau: Dạy trẻ em cách giải mã tác phẩm văn, thông qua cái mẫu đó mà dạy trẻ em cái ngữ pháp nghệ thuật phổ thông nhất” [Phạm Toàn, Sao lại dạy văn]. Ông cho thấy một nhận thức sâu xa đến mức nào về ý nghĩa “giáo dục học” thực sự của việc dạy học Văn: “Cốt lõi giáo dục tư duy và tình cảm nghệ thuật qua môn Văn là tạo ra những con người biết đồng cảm với “nỗi đau nhân tình”, là biết thao tác với những cách tạo ra và nhào nặn hình tượng nghệ thuật, là biết cách biểu đạt tình cảm mình một cách tinh tế cả bằng “lời văn” lẫn không bằng lời văn. Đó chính là cách “trồng người” để con người có năng lực văn (do đó, có năng lực nghệ thuật).” “Ví dụ với môn Văn, các vật liệu văn chương không dùng để tán tụng nhại lại, mà để học lấy tư duy và tình cảm nghệ thuật – với định nghĩa nghệ thuật là hành động tự mình tạo ra cái Đẹp. Vì thế kỹ thuật trồng người có năng lực Văn-Nghệ thuật là học lòng đồng cảm, rồi học các thao tác nghệ thuật như tưởng tượng, liên tưởng, sắp xếp, rồi ứng dụng được các thao tác nghệ thuật đó vào các thể loại nghệ thuật (âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, văn xuôi, thơ trữ tình, kịch). Con người “nên người” tự tạo ra năng lực Văn-Nghệ thuật theo cách này sẽ khác hẳn con người nghe giảng về văn chương.” [Triết lý của nhóm Cánh Buồm: Trồng người hiện đại, http://canhbuom.edu.vn/2013/10/15/triet-ly-cua-nhom-canh-buom-trong-nguoi-hien-dai/].
Khác với chương trình “giáo dục ngôn ngữ và văn học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục của Phạm Toàn – Cánh Buồm xây dựng hai môn học khác nhau – môn Tiếng Việt và môn Văn. Và do vậy ở nhóm Cánh Buồm phải nói tới “đặc điểm môn Tiếng Việt” bên cạnh “đặc điểm môn Văn” – hai môn không thể gộp làm một, dạy học song song từ Tiểu học lên Trung học.
Phạm Toàn nói rất rõ: “Cánh Buồm rất coi trọng cách trình bày bìa sách. Điều này không chỉ để giúp người mua dễ tìm cái cần mua mà còn nhằm mục đích chỉ ra toàn bộ nội dung sư phạm của cuốn sách. Hai thành viên Cánh Buồn đã có dịp nói về điều đó (Nguyễn Thị Thanh Hải, Giáo dục: năng lực gì? http://hiendai.edu.vn/danhmuc.php?cat=13&post=251, Vũ Thị Như Quỳnh, Đặt tên cho bộ sách giáo khoa hiện đại của nhóm Cánh Buồm, http://hiendai.edu.vn/danhmuc.php?cat=26&post=234). Tên gọi mỗi cuốn sách của nhóm Cánh Buồm đi theo một mẫu chung với đặc điểm sau: chỉ rõ ra nhiệm vụ học tập của học sinh trong một năm học. Nhiệm vụ ấy được thể hiện bằng một thuật ngữ dành cho người tổ chức, hướng dẫn việc học của học sinh. Liền ngay tên gọi có tính “hàn lâm” đó, là một tên gọi nôm na hơn, coi như phần diễn giải thuật ngữ, để người dùng sách nào cũng hiểu được mục tiêu học tập và cách thực hiện mục tiêu đó. Thí dụ:
TÁC GIẢ | NHÓM CÁNH BUỒM |
TÊN MÔN HỌC | TIẾNG VIỆT |
Tên LỚP | LỚP MỘT |
Tên hàn lâm | Ngữ âm |
(Tên phổ thông) | (Ghi và đọc tiếng Việt) |
Tên nhà xuất bản | Nhà xuất bản Tri thức Hà Nội 2011 |
Giáo dục ngôn ngữ của Cánh Buồm dĩ nhiên là giáo dục tiếng Việt, nhưng cái Tiếng Việt như mọi người đọc thấy ở bìa cuốn sách giáo khoa của nhóm này cũng không phải là một cái Tiếng Việt gộp gắn trong “Ngữ văn” bên cạnh một Ngoại ngữ hay một Tiếng dân tộc thiểu số nói ở câu dẫn ra từ bản CTGDPT nói trên – “Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc thiểu số có vai trò chủ đạo”.
Phạm Toàn viết không thể rõ ràng hơn được nữa về “giáo dục ngôn ngữ” Tiếng Việt (bậc học Tiểu học) mà nhóm Cánh Buồm đã bày tỏ ra ở bộ sách giáo khoa Tiếng Việt bậc học đầu tiên: “Trước khi đến trường học lớp Một, trẻ em nói chung đều thạo tiếng Việt, thậm chí thời nay nhiều em còn biết đọc, biết viết, thế nhưng các em cũng vẫn cứ phải học môn Tiếng Việt, tại sao vậy? Chúng ta cần thấy rằng: Hiểu biết tiếng Việt của trẻ em trước thời kỳ 6 tuổi mang tính kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở trình độ của người homo sapiens. Trình độ kinh nghiệm đó tương đương với điều Gaston Bachelard gọi là thời kỳ tư duy tiền khoa học của loài người. Nhiệm vụ của Giáo dục là giúp trẻ em khi đã đến trường thì trút bỏ được cái tư duy cụ thể đó để chuyển sang thời kỳ tư duy cụ thể – trừu tượng, và sau đó nữa thì dứt khoát đạt tới giai đoạn tư duy trừu tượng (ba thời kỳ theo sự phân chia của Gaston Bachelard). Lẽ ra, nói một cách tổng quát nhất, môn học này nên đổi thành môn Ngôn ngữ học mà tiếng Việt chỉ là một vật liệu nghiên cứu. Nhưng đổi tên môn học như vậy e rằng quá đột ngột đối với xã hội. Chưa đổi tên nhưng đổi cách làm và cách nhìn vấn đề – theo nhóm Cánh Buồm trẻ em học môn Tiếng Việt ở trường phổ thông là để có một tư duy khoa học (ngôn ngữ học) đối với tiếng Việt. Cái tư duy đó sẽ được hình thành dần nhờ được trang bị công cụ học ngôn ngữ để tự mình làm chủ các đối tượng ngữ âm và ngữ nghĩa của tiếng Việt.
Con đường đi qua các giai đoạn (các lớp) như sau:
– Lớp Một: Làm chủ ngữ âm tiếng Việt, có kỹ năng tương đối thành thạo về đọc và ghi âm tiếng Việt, các mặt ngữ nghĩa và cú pháp vẫn sử dụng theo kinh nghiệm đã có.
– Lớp Hai: Làm chủ từ vựng tiếng Việt, có kỹ năng tương đối thành thạo trong việc tạo ra và tìm nghĩa từ tiếng Việt, các mặt cú pháp vẫn sử dụng theo kinh nghiệm đã có.
– Lớp Ba: Làm chủ cú pháp tiếng Việt, có kỹ năng tương đối thành thạo trong việc tạo ra và dùng câu tiếng Việt.
– Lớp Bốn: Làm chủ văn bản tiếng Việt, có kỹ năng tương đối thành thạo trong việc tạo ra và dùng các đoạn văn tiếng Việt (thể loại phi hư cấu), tiến lên tạo ra và dùng bài văn tiếng Việt.
– Lớp Năm: Làm chủ các hoạt động ngôn ngữ đa dạng trong đời sống (các hội thảo của lớp hoặc của trường, các quan hệ ngôn ngữ bằng văn bản với xã hội, các phong cách ứng xử ngôn ngữ…)” [Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỉ yếu Hội thảo Tự học – Tự giáo dục, Nxb Tri thức, 2011, tr.97-98].
Xưa nay, một cách kinh nghiệm chủ nghĩa, nghệ thuật văn được dùng trong giáo dục như một mục đích, và rất ít khi người ta nhận rõ văn chỉ là một cái mẫu để trẻ em hiểu biết một ngữ pháp nghệ thuật nói chung. Bây giờ chúng ta nên nói rõ ra: từ cái mẫu là nghệ thuật văn, trẻ em phải đi tới cái ngữ pháp nghệ thuật chung cho các nghệ thuật, và dĩ nhiên là ở trình độ phổ thông nhất.
Thực ra theo Phạm Toàn, sau khi đã “tách trả” hai đối tượng dạy-học Ngữ và Văn về cho hai môn học – trong một tầm nhìn xa rộng, ông còn muốn đặt tên hai môn học này “Giáo dục Ngôn ngữ học Tiếng Việt” và “Giáo dục Nghệ thuật Văn chương”. Báo cáo trong Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỉ yếu Hội thảo Tự học – Tự giáo dục nói rõ: “Trong chương trình Giáo dục Hiện đại của Nhóm Cánh Buồm có môn học Giáo dục Nghệ thuật. Môn Giáo dục Nghệ thuật là tên gọi mới, lâu dần rồi sẽ thay thế tên gọi cũ. Nhưng nay trong bước đầu, do cần có thời gian để tâm lý xã hội được làm quen dần, nên chúng tôi vẫn tạm gọi như cũ, do đó tên sách vẫn là sách học Văn. Tại sao cần thay đổi như vậy? Lý do chính là như sau: cách dạy Văn lối cũ mắc sai lầm cơ bản lẫn lộn giữa đối tượng Ngữ và Văn, cùng với cách dạy áp đặt cảm xúc của giáo viên lên học sinh dẫn đến người học nhại lại cảm xúc của người dạy. Để sửa chữa sự lẫn lộn giữa Ngữ và Văn, một mặt, cần đối xử ngôn ngữ học với vật liệu và hiện tượng tiếng Việt; mặt khác, văn chương – nghệ thuật tuy dùng tiếng Việt để chuyển tải, nhưng đối tượng của môn học này là nghệ thuật. Sửa chữa sự lẫn lộn đó sẽ giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, làm cho môn Văn thành môn học được yêu thích trong nhà trường phổ thông.” [Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỉ yếu Hội thảo Tự học – Tự giáo dục, Nxb Tri thức, 2011, tr.134]. Cái ý thức bắt buộc không thể dạy một môn gọi là môn Ngữ văn đó của Phạm Toàn không phải nhằm “tách tạo” một môn thành hai môn. Ý thức đó của ông xuất phát từ một nhận thức sâu xa: “Nói của đáng tội, việc nhầm lẫn giữa Văn và Ngữ không phải là lỗi của chúng ta, những người đương thời. Đó là lỗi của quá khứ, trong đó có lỗi của khoa ngôn ngữ học cổ truyền. Lỗi của khoa ngôn ngữ học cổ truyền mà phải đợi cho tới Ferdinand de Saussure mới có được sự cắt đứt với quá khứ, nhờ đó mà có sự phân biệt giữa khoa “mô tả ngôn ngữ” (philologie) và khoa “ngôn ngữ học” (linguistique) thời hiện đại”.
Trong quá khứ, những nghiên cứu “ngữ pháp” và “văn chương” bao giờ cũng đi đôi với nhau. Các văn bản “đẹp” bao giờ cũng được dùng để minh họa cho lí thuyết ngữ pháp. Quan niệm cũ về ngữ pháp nằm trong khoa “Ngữ-Văn” (philologie) mà “ngữ pháp” có nghĩa là “nghệ thuật đọc và viết”, trong khi quan niệm về “văn chương” nằm trong cách diễn đạt belles-lettres có thể dịch thô thiển như là “chữ đẹp” hiểu theo nghĩa “văn hay chữ tốt” của ta. Cái đẹp văn chương đó nằm trong cái đẹp của ngôn ngữ được dùng đúng và đẹp về mặt ngữ pháp. Và nếu coi “văn chương” khi đó như chỉ bó gọn chủ yếu trong Kinh Thánh và một số ít tác phẩm của các nhà Cổ điển, thì sức chứa của khoa philologie quả là vô cùng nghèo nàn. Ferdinand de Saussure đã đứng ra “xóa đói giảm nghèo” giải quyết tình trạng ngữ và văn lẫn lộn đó. Thời đại công nghiệp đã giúp con người di chuyển từ các sự vật được con người tri giác đơn thuần với các sự vật được con người phân tích theo tính khoa học.” [Phạm Toàn, Công nghệ dạy Văn (Dẫn luận – Cơ sở tâm lí học), Nxb Lao Động-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2006, tr.165-166].
Giờ đây như chúng tôi thấy, cái ý nguyện “tích hợp” Văn-Ngữ vào trong một môn học vẫn không ngừng làm khổ các giáo viên. Chương trình Ngữ văn Trung học trên thực tế đã đổ đống một khối lượng lớn thuật ngữ-tên gọi mượn dùng hay xáo trộn đồng thời từ văn học sử, lý luận văn học, khảo cứu-phê bình, ngôn ngữ học đủ biến mỗi bài học trong sách giáo khoa thành một thao trường tập luyện căng thẳng tư duy logic và óc hệ thống hóa cho đội ngũ giáo viên. Một giáo viên càng thành tâm soạn bài bao nhiêu càng phát hiện thấy việc cố hiểu cho ra cách trình bày của sách giáo khoa Ngữ văn tiêu phí biết bao thời gian của họ. Sau cùng chắc chắn ứng xử của họ sẽ là dạy bài nào hay bài ấy và sách giáo khoa diễn giải thế nào thì họ diễn giải lại thế ấy.
** *
Cách dạy Văn lối cũ mắc sai lầm cơ bản lẫn lộn giữa đối tượng Ngữ và Văn, cùng với cách dạy áp đặt cảm xúc của giáo viên lên học sinh dẫn đến người học nhại lại cảm xúc của người dạy.
Năm 2010 có nhà văn làm bài thơ “vịnh người” – “SINH MỘT PHẠM TOÀN”. Kể ra gọi suông hai tiếng phạm-toàn thế cũng hơi cộc. Mà cũng có thể là do tác giả bài thơ có mở cuốn Kỉ yếu hội thảo Tự học – Tự giáo dục của Nhóm Cánh Buồm đọc đến bài viết của Thầy Hồ Ngọc Đại: “Tầng lớp trí thức trong xã hội là một thực thể có tầng có lớp. Lớp trên cùng gọi là thiên tài, số cá thể đủ đếm trên đầu ngón tay: Nguyễn Du, Mozart, Einstein. Kế theo là tầng lớp người có ý tưởng, đông lắm nhưng các cá thể có thể gọi theo tên riêng cộc lốc, ví dụ Phạm Toàn. Dưới cùng gọi là lớp học trò, đông không đếm xuể, nên tên gọi cá thể bao giờ cũng phải kèm theo hư danh, chức tước, bằng cấp. Ví dụ, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Hồ Ngọc Đại!” (Hồ Ngọc Đại, Cánh Buồm đỏ thắm của Phạm Toàn).1Mới rồi chú Nguyễn Đức Tùng nhân hẹn làm kỉ yếu kỉ niệm Phạm Toàn viết bài có đoạn: “Giờ đây con người ấy, con người hiền hậu, thông minh và hài hước ấy, đã yên nghỉ, nhưng những gì ông để lại, những trang sách, những cố gắng không mệt mỏi, tâm nguyện của một nhà giáo nhân dân, vì ông đúng là một nhà giáo nhân dân không cần phong tặng, đúng nghĩa nhất, những thứ ấy sẽ còn ở lại với chúng ta và những thế hệ sau.” Phải rồi, gọi ông là nhà giáo nhân dân vậy. Gọi thế là rất dân chủ! “Dân chủ, chuyện thật dễ và thật khó, thật khó và thật dễ. Dễ, nếu nhà trí thức ngồi viết tào lao bàn tán về nó với đầy đủ những “sáng kiến” đủ để được khen là nhà thông thái. Khó, nếu nhà trí thức tham gia vào tạo ra tiến trình dân chủ phát triển từ thấp lên cao của xã hội, bắt đầu bằng thông tin. Lúc này, ta sẽ lại đụng chạm tới một khái niệm khác, mới mà cũ cũ mà mới, khái niệm public intellectual xin tạm dịch là người trí thức nhân dân.” [Phạm Toàn, Dân chủ và thông tin, Tạp chí Tia Sáng (tiasang.com.vn)]. Nghĩ lại không vui sao được – chúng tôi được ngồi nói chuyện thông tin với người trí thức nhân dân Phạm Toàn bao lâu. Tất nhiên là những dịp như thế chúng tôi cũng chỉ quen gọi Thầy Toàn. Thầy cũng nói “Toàn thích gọi thế!”.□
———
1 Bài viết của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, in trong Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỉ yếu Hội thảo Tự học – Tự giáo dục, Nxb Tri thức, 2011, tr.184. Trong đoạn trên ông nói về bản thân với một giọng tự trào rất ý vị. Có chút thú vị là ngay khi viết những dòng này chúng tôi ngẫu nhiên đọc thấy báo đưa tin “Trong bài giảng cho lớp tập huấn đạo diễn trẻ do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vừa khai mạc ngày 3-10 ở Hà Nội, giảng viên, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà cho biết các đạo diễn được xếp vào lớp “trí thức tầng bậc cao”.”. Bài báo trích dẫn lời NSND Giang Mạnh Hà: “Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cũng là trí thức. Nhưng đạo diễn là trí thức tầng bậc cao. Người ta minh định rằng đạo diễn còn là một nhà văn hóa. Ngoài kiến thức về sân khấu, đạo diễn phải có kiến thức rất sâu rộng về cuộc đời để lôi lên sân khấu mà kể chuyện bằng bản diễn” [Lời giảng cho lớp đạo diễn trẻ: ‘Đạo diễn là trí thức tầng bậc cao’ – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)].