Đêm văn hóa cà phê Việt Nam

Hưởng ứng “Năm Ngoại giao Văn hóa 2009” và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Công ty Trung Nguyên tổ chức “Đêm Văn hóa Cà phê Việt Nam” vào tối 17/6/2009 tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên (36 Điện Biên Phủ, Hà Nội). Tham dự chương trình có sự hiện diện của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Đoàn Ngoại giao (Đại sứ, Đại diện lâm thời) và đại diện một số đối tác nước ngoài tại Hà Nội cùng các nhà văn hóa, nhằm giới thiệu văn hóa cà phê Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Lấy “cà phê” và “tinh thần cà phê” làm chủ đề xuyên suốt, chương trình “Đêm Văn hóa Cà phê Việt Nam” đã gửi gắm đến bạn bè quốc tế thông điệp: Cà phê và tinh thần Cà phê Việt Nam đặc biệt nhất thế giới. Điều này đã được thể hiện qua những câu chuyện kể bằng âm nhạc, trưng bày, sắp đặt nghệ thuật mang đậm nét văn hóa bản địa Tây Nguyên – Thủ phủ Cà phê Việt Nam và sự giao lưu, trò chuyện, thưởng thức cà phê Việt Nam của các vị khách quốc tế trong một không gian ngập tràn hương sắc cà phê của Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nguyên phát biểu trong chương trình: “Cà phê là niềm đam mê của hơn 2 tỷ người trên thế giới nên có tính quốc tế rộng lớn. Với chất lượng đặc biệt nhất thế giới, cà phê Việt Nam đem đến cho người thưởng thức nhiều ý tưởng sáng tạo để hướng đến một thế giới phát triển bền vững – đây chính là thông điệp ngoại giao xanh của cà phê Việt Nam gửi đến với bạn bè quốc tế”.

Tất cả khách mời đều bất ngờ khi được khám phá những câu chuyện kể Hồn đất, Hồn nước, Hồn cây, Hồn người đã kết tinh, tạo thành những hạt cà phê Việt Nam đặc biệt nhất thế giới qua lời kể của các nghệ nhân đến từ buôn Ko Sier, buôn Trắp. Núi rừng Tây Nguyên vang vọng trong tiếng đàn đá của NSND Đỗ Lộc, tiếng cồng chiêng, tiếng sáo Taktar, tiếng đàn T’rưng và Klongput cùng tiếng chày giã cà phê, tiếng sàng cà phê và hương thơm cà phê nồng nàn từ những chảo rang cà phê thủ công của đồng bào Tây Nguyên. Đồng thời, các vị khách quốc tế đều thích thú với tiết mục giao lưu pha chế  cà phê phin của các đại sứ phu nhân, cũng như tự tay mình khám phá những bước pha chế để thưởng thức một ly cà phê chồn Trung Nguyên đặc biệt nhất thế giới.

Ông đại sứ Italia, quốc gia nổi tiếng thế giới với công nghệ và phong cách cà phê Espresso cũng bị ấn tượng bởi sự khác biệt này: “Tôi đến từ quốc gia fast coffee và tôi thật sự bị cuốn hút bởi cách thưởng thức cà phê phin độc đáo mang tính triết lý của cà phê Việt Nam. Hương vị tuyệt vời và khoảnh khắc bên ly cà phê phin là những khoảng lùi chiêm nghiệm, thể hiện nhịp sống chậm, hài hòa và thanh bình cho những ý tưởng sáng tạo đột phá”.

Tôn vinh cà phê và tinh thần cà phê Việt Nam, chương trình “Đêm văn hóa cà phê Việt Nam” đánh dấu một sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên, cà phê cùng các giá trị tinh thần cà phê được chính thức chọn làm yếu tố văn hóa ngoại giao của Việt Nam với thế giới. Cà phê vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, tôn giáo, không gian, thời gian… trở thành một thức uống được xem là “Nguồn năng lượng tri thức, sáng tạo; ngôn ngữ thứ hai kết nối đam mê, kết nối sáng tạo”. Đó cũng chính là thông điệp ngoại giao xanh Việt Nam muốn gửi gắm đến bạn bè quốc tế mà cà phê cùng tinh thần cà phê là đại sứ nhằm gắn kết Việt Nam cùng thế giới và gắn kết thế giới trong một tinh thần sáng tạo chung vì sự phát triển hài hòa, bền vững. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm khẳng định “Đối với người làm ngoại giao như tôi, cà phê là người bạn, là ngôn ngữ kết nối tuyệt vời nhất với bạn bè thế giới”.
Chương trình có sự tham gia của một khách mời đặc biệt là Cô Paula Lima, đại diện công ty sản xuất và chế biến cà phê số một của Brazil – hãng cà phê Santa Clara theo lời mời của Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên. Cô bày tỏ cảm xúc của mình: “Tôi đến từ đất nước được xem là cường quốc cà phê thế giới nhưng tôi rất bất ngờ và ngưỡng mộ tinh thần cà phê Việt Nam, cà phê Trung Nguyên – một tinh thần hướng đến sự sáng tạo vì một thế giới phát triển hòa bình.”

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)