FDA cân nhắc cảnh báo nguy cơ từ phẩm màu

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) từ lâu đã kết luận rằng không có mối quan hệ chắc chắn nào giữa phẩm màu và các vấn đề về hành vi hay y tế, và ít có khả năng Cục sẽ thay đổi quan điểm này trong một sớm một chiều. Nhưng trong ngày 30 và 31/3 vừa qua, FDA đã đề nghị một hội đồng các chuyên gia thẩm tra lại các bằng chứng và cho khuyến nghị về khả năng thay đổi chính sách, trong đó có thể bao gồm yêu cầu ghi khuyến cáo trên các nhãn thực phẩm.

Cuộc họp này cho dấu hiệu rằng danh sách đang ngày một dài những nghiên cứu cho rằng có sự liên quan giữa phẩm màu nhân tạo và thay đổi về hành vi ở trẻ em, giờ đây đã làm các nhà quản lý phải lưu tâm – và đối với những nhà vận động, đây đã là một thắng lợi.

Trong báo cáo kết luận, các nhà nghiên cứu làm việc tại FDA đã viết rằng mặc dù có thể những trẻ em thông thường không bị ảnh hưởng bởi phẩm màu nhân tạo, nhưng với những đứa trẻ đã bị rối loạn về hành vi thì tình trạng đặc biệt của chúng sẽ bị “trầm trọng thêm do tiếp xúc với những hóa chất trong thực phẩm, bao gồm những cử chỉ không giới hạn bởi những chất tạo màu nhân tạo.” Renee Shutters, mẹ của hai đứa trẻ sống tại Jamestown, bang New York, trả lời phỏng vấn trên điện thoại hôm 29/3 đã nói rằng cách đây 2 năm, con trai bà tên là Trenton, khi đó mới 5 tuổi, đã có những rối loạn hành vi nghiêm trọng ở trường, cho tới khi bà quyết định loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm có màu nhân tạo ra khỏi danh sách thực đơn của đứa bé. “Tôi biết chắc chắn là tôi đã tìm thấy nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này, vì chúng ta có thể tắt hoặc mở chúng như một công tắc”, bà Shutter nói.

Nhưng bác sĩ Lawrence Diller, một chuyên gia tâm lý hành vi ở Walnut Creek, bang California, cho rằng những căn cứ cho thấy thực đơn ảnh hưởng đáng kể tới các rối loạn hành vi của trẻ là rất nhỏ, hoặc không hề tồn tại. “Đây chỉ là một thứ huyền thoại trong đời sống đô thị”, bác sĩ Diller nói.

Không có nhiều cuộc tranh luận về tính an toàn của phẩm màu, và các nhà sản xuất từ lâu đã khéo léo thuyết phục được công chúng về tính an toàn này. Trong một công bố, Hội Sản xuất Thực phẩm nói, “tất cả các tổ chức y tế uy tín trên thế giới đều đã kiểm tra trên những căn cứ khoa học hiện có và đều đã xác nhận rằng không có dấu hiệu cho thấy mối liên quan giữa phẩm màu nhân tạo và tính hiếu động ở trẻ.”

Năm 2008, trong đơn thỉnh nguyện gửi các nhà quản lý thực phẩm Liên bang từ Trung tâm Khoa học vì Quyền lợi Công chúng, một tổ chức vận động của một nhóm khách hàng, đã khẳng định rằng một số bậc cha mẹ đang không biết rằng trẻ em của họ đang gặp nguy cơ, “và biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt nhất là loại trừ những hóa chất nguy hiểm và không cần thiết này ra khỏi nguồn cung cấp thực phẩm”.

Chính quyền Liên bang Mỹ cũng đã điều tra về phẩm màu nhân tạo từ hơn một thế kỷ nay, một phần vì một số phẩm màu trước đây không chỉ độc hại mà còn được dùng để che dấu ôi thiu. Năm 1950, nhiều trẻ em đã ngộ độc vì ăn kẹo lễ hội Halloween trong đó có phẩm màu Da cam Số 1, sau đó FDA đã nghiêm cấm sử dụng chất này vì nhiều thử nghiệm kỹ lưỡng đã chứng minh rằng nó gây độc. Năm 1976, Cục cũng ban lệnh cấm phẩm màu Đỏ Số 2 vì nghi rằng nó chứa chất carcinogen gây ung thư. Phẩm màu này vì vậy buộc phải thay thế bằng phẩm màu Đỏ Số 40. Nhiều phẩm màu nhân tạo ngày nay được FDA chấp thuận kể từ 1931, trong đó có màu Xanh dương Số 1, Vàng Số 5, và Đỏ Số 3. Một số phẩm màu được chế ra – giống như thuốc aspirin – từ hắc ín than đá, nay được chế từ các sản phẩm gốc dầu lửa.

Vào thập kỷ 1970, bác sĩ Benjamin Feingold, một chuyên gia về dị ứng trẻ em tại California, đã chữa lành các triệu chứng hiếu động thái quá ở một số trẻ em bằng cách kê một thực đơn, trong đó ngoài các điều kiện khác, yêu cầu loại bỏ hoàn toàn phẩm màu nhân tạo. Và một số nghiên cứu, đặc biệt có một nghiên cứu trên tạp chí Lancet, đã kết luận rằng phẩm màu nhân tạo có thể dẫn đến thay đổi hành vi, kể cả ở những đứa trẻ bình thường.

Các nhóm vận động vì quyền lợi khách hàng đã đề nghị Chính phủ cấm các màu nhuộm, hoặc tối thiểu yêu cầu nhà sản xuất phải đưa khuyến cáo lên nhãn hàng rằng “phẩm màu nhân tạo gây hiếu động thái quá và vấn đề về hành vi ở một số trẻ em”.

Các đơn thỉnh nguyện của người dân thường bị FDA bỏ qua mà không hồi đáp. Nhưng lần này thì khác. Tuy nhiên, Cục chưa đề nghị các chuyên gia cân nhắc về lệnh cấm trong cuộc gặp vừa qua, và các nhà khoa học làm việc cho Cục qua các phân tích tỉ mỉ của mình đã bày tỏ nghi ngờ đối với bài báo trên tạp chí Lancet và những nghiên cứu tương tự cho rằng có mối quan hệ giữa phẩm màu và rối loạn hành vi ở trẻ. Điều đáng nói là tác giả bài báo trên tạp chí Lancet chưa chỉ ra được mức nguy cơ của từng phẩm màu riêng lẻ, qua đó khiến việc áp đặt chính sách hạn chế lên những phẩm màu như Xanh lá cây Số 3 hay Vàng Số 6 là hầu như không thể được.

Các nhà khoa học của FDA cho rằng những vấn đề liên quan tới phẩm màu nhân tạo có thể tương tự như chứng dị ứng với đậu phộng, hoặc “một chứng dị ứng đặc biệt với những chất này mà không hề liên quan tới các đặc tính tác động lên thần kinh” ở bản thân phẩm màu. Cũng như với đậu phộng và một số thực phẩm khác có thể kích thích phản ứng, Cục đã yêu cầu các nhà sản xuất công khai công bố về sự hiện hữu của phẩm màu trong thực phẩm. Đáp lại, người phát ngôn của tập đoàn General Mills từ chối bình luận. Còn Valerie Moens, người phát ngôn của Kraft Foods Inc., thì viết trong Email rằng tất cả phẩm màu của công ty đều đã được nhà chức trách chấp thuận và ghi rõ ràng trên nhãn, nhưng mặt khác công ty cũng đang mở rộng “danh mục sản phẩm để bao gồm những sản phẩm không có phẩm màu”, như Kool-Aid Invisible, nước quả Capri Sun, Kraft Macaroni, và pho mát Cheese Organic White Cheddar.

Hội đồng được ủy thác từ FDA sẽ chắc chắn yêu cầu có thêm các nghiên cứu, nhưng điều này không phải dễ dàng. Nghiên cứu về hành vi trẻ em là điều khó khăn và khá tốn kém, vì chúng cần đến những đánh giá khách quan và thường xuyên của các bậc phụ huynh, những người đúng ra không nên biết về mục đích của thí nghiệm. Và vì bản quyền sáng chế các loại phẩm màu từ lâu đã hết hạn, bản thân các nhà sản xuất cũng không có động cơ để cấp kinh phí cho những nghiên cứu như vậy.

(Gardiner Harris, New York Times)   

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)