Hiện tượng nông dân tự tử và cuộc sống không tồn tại của những góa phụ ở Ấn Độ
Cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở Ấn Độ đang rơi vào giai đoạn trầm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới gần 700 triệu người trên tổng số 1,3 tỉ người (chiếm khoảng 1/4 dân số) hiện đang sống bằng nghề nông. Một trong những hệ quả kéo theo là tình trạng nông dân tự tử. Trong hai thập niên qua đã có hơn 300.000 nông dân tìm đến cái chết.
Vasantha, một góa phụ với ba con nhỏ
Chỉ tính riêng trong hai năm qua, Ấn Độ đã có 5.650 (2014) và hơn 3.000 (2015) trường hợp nông dân tự tử. Theo ước tính của một số tổ chức, 11,2% ca tự tử ở Ấn Độ là người nông dân. Lý giải cho hiện tượng này, các nhà hoạt động xã hội và giới học giả đã đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau như hạn hán, phá sản, nợ nần, cây trồng biến đổi gene, chính sách của chính phủ, sức khỏe thần kinh của dân chúng, các vấn đề cá nhân hay gia đình.
Trong khi hiện tượng nông dân tự tử thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức, nhiều bên như vậy thì bên cạnh đó còn có một góc khuất ít người để ý tới: cuộc sống lặng lẽ, bất an và đầy cam chịu của những góa phụ. Với tổng số 46 triệu góa phụ, Ấn Độ hiện là quốc gia có số lượng góa phụ cao nhất thế giới theo ước tính của tổ chức phi chính phủ quốc tế Loomba.
Phụ nữ góa bụa ở khu vực nông thôn Ấn Độ thường bị cộng đồng tẩy chay và lạm dụng, song các góa phụ nông dân thậm chí còn chịu cảnh sống tồi tệ hơn nữa.
Ở độ tuổi 24, Joshna Wandile, và hai con nhỏ bị đẩy ra khỏi ngôi nhà nơi cô sống cùng gia đình nhà chồng sau khi chồng cô, một nông dân, treo cổ tự tử. Cái chết của anh đã để lại một khoản nợ lớn cho gia đình sau nhiều năm hạn hán khiến đất canh tác bị bỏ hoang, còn vợ con anh phải gồng mình chống chọi lại với chính quyền, chủ nợ, gia đình nhà chồng, và cộng đồng xung quanh. Wandile chia sẻ: “Chồng tôi chết đi chẳng để lại gì, ngay cả xoong nồi anh ấy cũng bán đi để lấy tiền trả chủ nợ rồi. Tôi thậm chí còn không có thời gian để mà buồn nữa bởi những nỗi lo lắng cứ vây quanh. Mẹ con tôi sẽ sống ở đâu đây? Làm thế nào để kiếm được tiền trang trải cuộc sống? Tôi bảo vệ con cái mình như thế nào?”
Wandile không được chia một phần nào trong mảnh đất 1,8ha mà cô và chồng đã canh tác bởi người đứng tên sở hữu mảnh đất là bố mẹ của chồng. Họ hàng nhà chồng cũng không sang tên cho cô trên phiếu nhận phân phối của nhà nước để cô được trợ cấp các đồ nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo, bột mì và dầu ăn.
Tính trên toàn cầu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 1/3 số lượng góa phụ; tuy nhiên, theo Loomba, tình trạng ở Ấn Độ đáng quan ngại hơn bởi trình độ học vấn của những góa phụ nước này thấp hơn, và sự nghèo đói cùng cực đang diễn ra rộng khắp trên Ấn Độ. Theo các nhà hoạt động, nghèo đói và nợ nần cũng làm gia tăng nguy cơ đẩy họ trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người hay mại dâm. Với nạn tảo hôn phổ biến trong các làng quê, một số người trở thành góa phụ khi vẫn còn là trẻ em, và điều này càng khiến họ trở thành “con mồi” dễ dàng hơn.
Những góa phụ ở Ấn Độ thường chịu rất nhiều thành kiến, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, bởi họ bị coi là người mang đến vận đen. Nhiều người bị lạm dụng, đuổi khỏi nhà, không được nhận đồ ăn và bị cộng đồng quy trách nhiệm cho cái chết của chồng. Những người vẫn tiếp tục làm nghề nông sẽ gặp khó khăn khi thuê mướn và quản lý những người làm công nam giới, thậm chí họ còn có thể bị những thương nhân và các nông dân khác quấy rối tình dục và lừa gạt.
“Sau những trường hợp người nông dân tự tử, góa phụ là những người chịu nhiều rủi ro nhất bởi vị thế của họ trong gia đình và cộng đồng rất mong manh. Cuộc sống hàng ngày của họ không khác gì địa ngục trần gian,” Lata Bandgar, một nhà tổ chức cộng đồng tại Paryay, một tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các góa phụ ở bang Maharashtra, cho hay. “Những người phụ nữ này không có gì trong tay cả, họ cũng không thể làm gì, và họ bị chính người trong gia đình coi là nô lệ.”
Những điểm sáng le lói
Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã công bố một bản dự thảo của chính sách mới dành cho phụ nữ nước này, trong đó có những gói hỗ trợ đặc biệt đối với các góa phụ. Ngoài ra, hiện cũng đã có thêm nhiều tổ chức từ thiện được thành lập dành riêng cho đối tượng này. Dẫu vậy, vẫn có khoảng 500 góa phụ tự tử trong năm 2014, phần lớn trong số họ có lẽ tự tử do bị nợ nần bức bách.
Wandile đã bị đuổi ra khỏi nhà chồng, và cô chuyển về nhà mẹ đẻ ở được hai năm thì cũng bị yêu cầu rời khỏi nhà. Khi nghe tin gia đình nhà chồng đang chuẩn bị bán đất, cô gửi đơn kiện họ với sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện. Cuối cùng, cô cũng được nhận 100.000 rupee, là phần mà chồng cô được hưởng sau vụ bán đất đó. Hiện nay cô đang sống trong một căn nhà hai gian mà cô xây được nhờ một khoản vay tài chính vi mô tại làng Alipur, nhưng hiện nay cô vẫn chưa dám xuất hiện bên ngoài nhà nhiều vì sợ bị chế giễu và quấy rối.
Wandile chia sẻ: “Tôi muốn giáo dục con cái mình, muốn lập gia đình cho con gái. Nhưng tôi cũng muốn giúp đỡ những người góa phụ khác nữa, bởi vì thế giới này quá tàn nhẫn đối với chúng tôi; không ai tôn trọng một người phụ nữ chết chồng cả.”
Một số thực tế về cuộc sống của những góa phụ Ấn Độ:
Nghi lễ: Góa phụ sẽ không còn được bôi vạch đỏ sindoor lên trán nữa, bởi đây là dấu hiệu nhận biết người đã có chồng. Trong một số trường hợp, toàn bộ trang sức của họ đều bị bỏ đi, những chiếc vòng bằng thủy tinh bị đập vỡ. Một số truyền thống khác tuy không phổ biến nhưng rải rác vẫn còn bao gồm: cạo đầu góa phụ và cho họ tắm theo nghi thức, sau buổi tắm này góa phụ sẽ bị cấm mặc saree màu sắc mà chỉ được phép mặc đồ màu trắng hoặc nhạt màu.
Chế độ ăn uống: Ở một số cộng đồng, các góa phụ buộc phải ăn một chế độ ăn nhạt, không có hành, tỏi và thịt vì đây được coi là những đồ ăn kích thích ham muốn tình dục. Đồ ngọt cũng có thể bị cấm.
Tái hôn: Góa phụ tái hôn thường bị xã hội lên án và đây cũng không phải là chuyện thường xảy ra ở các khu vực nông thôn, dù rằng không có luật nào cấm đoán việc này cả.
Mê tín: Các góa phụ thường bị coi là báo điềm xấu và họ không được phép tham gia vào các lễ hội, đám cưới hay các cuộc lễ lạt khác trong cộng đồng.
Thành kiến: Đôi khi các góa phụ, nhất là những góa phụ trẻ, bị gọi là phù thủy, đặc biệt là trong trường hợp chồng họ chết trẻ hoặc đột tử. Rất nhiều phụ nữ độc thân và các góa phụ đã bị giết hại mỗi năm sau khi bị xã hội coi là phù thủy ở các bang như Bihar, Jharkhand và Orissa. Một số bang đã đưa ra luật cấm hoạt động săn tìm phù thủy.
Thừa kế: Khi một người đàn ông qua đời, vợ người hiếm khi được kế thừa tài sản của chồng, ngoại trừ một số bang như Tây Bengal và Kerala, bởi những bang này theo chế độ mẫu quyền. Nhiều góa phụ thậm chí còn không được phép sống ở nhà chính, buộc phải ra sống trong một gian nhà phụ. Trong một số trường hợp, góa phụ bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ.
Thu Trang tổng hợp