Kỹ nghệ luyện đồng của loài người có thể khởi nguồn ở Serbia
Người ta tìm thấy kim loại tại một địa điểm khảo cổ học ở Đông Nam Âu. Địa điểm cổ đại này ẩn chứa những bằng chứng xa xưa nhất về ngành luyện đồng, khoảng 7000 năm trước, và cho thấy rằng công nghệ luyện đồng có thể đã được phát minh một cách độc lập ở châu Á và châu Âu, thay vì lan truyền xuất phát từ một nguồn duy nhất.
Các phân tích hóa học và phân tích bằng kính hiển vi từ những mẫu vật đào được tại Belovode thuộc Serbia đã cho thấy các mẩu xỉ đồng, chất được thải ra từ quá trình đốt nóng với nhiệt độ rất cao để tách đồng ra từ các thành phần khác của quặng. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết rằng nguồn quặng có thể đến từ các mỏ quặng đồng gần đó ở Serbia hoặc Bulgaria.
“Các phát hiện của chúng tôi khẳng định được thời gian sớm nhất mà con người ngày nay được biết về sự tồn tại của công nghệ luyện đồng, và có thể khẳng định sự tồn tại của một trung tâm luyện kim độc lập”, Rehren nhận định. Luyện kim là quá trình tách kim loại khỏi quặng để chế tạo các công cụ hữu ích.
Một lượng lớn các vật dụng bằng đồng đã được tìm thấy ở các địa điểm thuộc Đông Nam Âu, có tuổi khoảng 6000 năm, Rehren lưu ý.
Quan điểm mới của Rehren là một thách thức đối với quan điểm truyền thống lâu nay, rằng kỹ nghệ luyện đồng được truyền vào châu Âu sau khi khởi phát khu vực Fertile Crescent, chính xác là từ một địa điểm ngày nay thuộc phía Nam Iran.
Các nhà khảo cổ cho rằng kỹ nghệ luyện đồng ở Trung Đông từng tồn tại từ cách đây 6500 năm. Tuy Belovode hiện đang chiếm danh hiệu là nơi luyện đồng cổ xưa nhất được biết đến, danh hiệu đó có lẽ sẽ không duy trì được lâu, nhận định từ nhà khảo cổ Benjamin Roberts của Bảo tàng Anh tại London. “Nhiều khả năng là sau khi tiến hành các chương trình khai quật mới ở khu vực Fertile Crescent, chúng ta sẽ tìm thấy bằng chứng về một lò luyện đồng ít nhất là cũng cổ xưa tương đương với Belovode”, ông dự đoán.
Luyện đồng có thể có nguồn gốc từ một nơi ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét từ nhà khảo cổ Christopher Thornton của Đại học Pennsylvania ở Philadelphia. Khoảng 10 nghìn năm trước, dân cư ở đó đã chế ra những chuỗi hạt và các đồ trang trí khác từ quặng đồng và biết nấu quặng ở nhiệt độ thấp để khiến khúng dễ uốn hơn, ông cho biết. Tuy nhiên, những bằng chứng rải rác về kỹ nghệ luyện kim tại khu vực này vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.
Roberts và Thornton cùng đồng tình với quan điểm cho rằng kỹ nghệ luyện đồng được khởi phát từ một địa điểm duy nhất, hoặc là Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc là Trung Đông.
Nhóm nghiên cứu của Rehren hiện đang kiểm tra những mẫu vật có thể là xỉ đồng từ các địa điểm thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có tuổi khoảng 7000 năm hoặc lâu hơn.
Tuổi thọ phóng xạ carbon của xương động vật khai quật được từ Belovode cho thấy con người cư trú tại địa điểm này từ khoảng 7350 năm tới 6650 năm trước đây. Những đồ trang sức và mẫu cổ vật tìm thấy ở Belovode thuộc về nền văn hóa cổ đại Vinča, được biết đến với khả năng sử dụng những bình đựng bằng đồng cùng các vật dụng kim loại khác.
Phân tích hóa học các mảnh vụn kim loại từ Belovode giúp xác định được 5 loại xỉ đồng. Tỷ trọng lớn của sắt, mangan, kẽm và coban trong những vật liệu này có lẽ có trong quặng đồng, nhóm nghiên cứu của Rehren cho biết. Khác biệt về mật độ các nguyên tố trong các mẫu vật cho thấy chúng được luyện từ các mẻ khác nhau. Những vụn xỉ được hòa lẫn trong tro gỗ để có thể đốt nóng tới nhiệt độ luyện kim khoảng 1100 độ C.
Phân tích dưới kính hiển vi cho thấy có những mẫu oxit kim loại tinh thể hóa trong quá trình đốt nóng để nấu chảy trước khi làm nguội.
Một mẩu kim loại từng được nấu chảy tìm thấy ở Belovode có chứa đồng nguyên chất, nhóm nghiên cứu cho biết.
Đồng vị chì có trong xỉ và vụn đồng ở Belovode cho thấy mối quan hệ với các mỏ quặng ở Serbia và Bulgaria.
Người ta không tìm thấy ở Belovode có lò luyện nào có hình ống thuôn dài như các lò tìm thấy thuộc thời Đồng muộn của Tây Nam Á. Thay cho loại lò này, cư dân ở Vinča có lẽ đã đào hố luyện đồng, các nhà khoa học phỏng đoán.
(Bruce Bower, Science News)