Làm thế nào để công bố quốc tế?

Ngày 25/6 tại trường ĐH Bách khoa, GS. TS Trương Nguyện Thành (trường ĐH Utah, Mỹ) đã có cuộc trao đổi với hơn 200 nhà nghiên cứu trẻ Hà Nội về chủ đề "Làm thế nào để công bố khoa học trên tạp chí quốc tế?". Đây là buổi làm việc thứ hai của GS. TS Trương Nguyện Thành với các nhà nghiên cứu trong nước về chủ đề này.


GS. TS Trương Nguyện Thành (giữa)

Quy trình phát triển khoa học

Chương trình “Làm thế nào để công bố khoa học trên tạp chí quốc tế?” do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) tổ chức nhưng phần nhiều các nhà nghiên cứu trẻ tham dự đều không phải “dân toán”. Họ thuộc nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng và ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Nét chung của họ là mới bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và mong muốn có được một định hướng rõ nét về cách thức viết một bài báo quốc tế cũng như những cách giải quyết phù hợp nếu như bài báo bị các nhà xuất bản, các tạp chí quốc tế từ chối. Bên cạnh đó, cũng có một số TS trẻ mới về nước, mong mỏi được GS. TS Trương Nguyện Thành chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và xây dựng nhóm nghiên cứu. GS. TS Trương Nguyện Thành không xa lạ với cộng đồng khoa học Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu tại Mỹ, ông còn tham gia hoạt động tại Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác cũng như hoạt động với vai trò đồng quản lý Viện trưởng Viện KH&CN tính toán TPHCM. Ông có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu với khoảng 200 bài báo, 3 patents và tham gia phản biện cho nhiều tạp chí chuyên ngành.

Chính vì vậy, trong cuộc trao đổi với các nhà nghiên cứu trẻ tại ĐH Bách khoa, GS. TS Trương Nguyện Thành đã nhiệt thành chia sẻ những kinh nghiệm mà ông đã tích lũy trong quá trình nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trường ĐH Utah. Theo quan điểm của ông, các nhà nghiên cứu trẻ cần phải xác định được quy trình phát triển khoa học của mình, theo ba bước: 1. Chọn hướng phát triển đề tài; 2. Xây dựng và triển khai đề tài; 3. Nghệ thuật viết công bố quốc tế. Với quy trình này, việc viết bài báo chỉ là bước cuối cùng, sau khi nhà nghiên cứu xác định được hai bước đầu tiên. Và để thực hiện tốt các bước này, nhà nghiên cứu trẻ cần xác định được yếu tố chủ quan là điểm mạnh, điểm yếu của mình song song với việc xác định yếu tố khách quan của môi trường nghiên cứu là cơ hội và thách thức.

Cũng theo GS. TS Trương Nguyện Thành, ngoài ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp giải quyết vấn đề đặt ra và khả năng xuất bản bài báo, việc xây dựng và triển khai đề tài tốt còn góp phần mang lại một lợi ích quan trọng khác của nhà nghiên cứu, hỗ trợ trực tiếp cho quá trình nghiên cứu khi trở thành cơ sở để họ xin tài trợ từ Quỹ đầu tư nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như các chương trình của các bộ, ngành. Đây là thực tế mà nhà nghiên cứu nào cũng cần phải nắm rõ bởi việc xin được kinh phí tài trợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con đường nghiên cứu của các nhà khoa học.

Vượt qua khâu bình duyệt

Là một trong những vấn đề được các nhà khoa học trẻ quan tâm nhất trong cuộc tọa đàm này, bước Công bố quốc tế được GS. TS Trương Nguyện Thành trình bày khá kỹ lưỡng. Hiện tại, việc công bố được thực hiện dưới ba hình thức: xuất bản tạp chí, tham gia các hội nghị quốc tế và họp báo với mục tiêu là quảng bá tri thức và xây dựng thương hiệu cho nhóm nghiên cứu nhằm nâng cao khả năng xin kinh phí nghiên cứu cho những đề tài khác trong tương lai. Quy trình xuất bản trên tạp chí thường diễn ra với các công đoạn như chuẩn bị – xét duyệt – sửa chữa – xuất bản. Không chỉ với các nhà nghiên cứu trẻ mà cả với các nhà nghiên cứu “lão thành”, công đoạn đau đầu và khó vượt qua nhất là xét duyệt (peer-review). Thông thường, các nhà bình duyệt tại các tạp chí quốc tế chuyên ngành vẫn đánh giá các bài báo gửi đến qua những tiêu chí: giá trị đóng góp và tầm ảnh hưởng, tính sáng tạo, chất lượng quá trình nghiên cứu, phân tích và trình bày. Để vượt qua cửa ải quan trọng nhất, các nhà nghiên cứu cần chú trọng đến các yếu tố như sơ đồ, bảng biểu, kết quả… bởi trước khi “để mắt” tới bài báo, các nhà bình duyệt vẫn xem xét các yếu tố này để xác định tính logic của nó.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn xuất bản ở tạp chí quốc tế nào cũng là điều các nhà nghiên cứu trẻ quan tâm. Quá trình thực hiện các nghiên cứu cũng diễn ra đồng thời với quá trình lựa chọn tạp chí. Cần phải có chiến lược lựa chọn tạp chí với hệ số ảnh hưởng IF tăng dần đều nếu không muốn bị đánh giá là dễ dãi trong nghiên cứu, GS. TS Trương Nguyện Thành khuyên các nhà nghiên cứu trẻ.

Với những nội dung liên quan mật thiết đến con đường nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu trẻ đã lắng nghe và đặt ra nhiều câu hỏi cho GS. TS Trương Nguyện Thành. Giảng viên trẻ Dương Thị Toan (Khoa Địa lý, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đã thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích sau 4 tiếng đồng hồ nghe giảng. Khi được hỏi vì sao làm việc tại một trường đại học có môi trường nghiên cứu khá tốt và có nhiều công bố quốc tế hàng đầu Việt Nam mà vẫn tham dự tọa đàm, chị trả lời “nhà nghiên cứu trẻ cần học hỏi thật nhiều từ những người đi trước và đây là cơ hội mà không ai muốn bỏ lỡ”.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)