Những bài học kinh nghiệm từ Rạng Đông

Diễn ra vào sáng 24/6 tại Hà Nội, cuộc tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông” đã đề cập đến bài học kinh nghiệm từ việc đầu tư cho KH&CN của Rạng Đông vá những giải pháp để nhân rộng mô hình Rạng Đông ở các doanh nghiệp trong nước khác.


Cuộc tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông”

Tại tọa đàm, Tổng giám đốc công ty Nguyễn Đoàn Thăng cho rằng, “Chúng ta phải chủ động đổi mới ngay từ lúc đang phát triển ổn định, không phải đợi ‘gần chết’ rồi mới thay đổi.” Những đổi mới mà ông Đoàn Thăng đề cập tới đã được thực hiện hết sức nghiêm túc ở Rạng Đông trong nhiều năm qua, đặc biệt ở khâu đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới phương thức quản trị.

Bộ não R&D

Nguy cơ phá sản vào năm 1988 và năm 1989 đã đặt công ty Rạng Đông vào tình thế buộc phải đổi mới. Vào thời điểm đó, ban giám đốc công ty Rạng Đông đã tập trung phát triển theo chiến lược một trục – hai cánh: một trục tức là điều kiện tiên quyết là phát triển con người, công nhân viên và lãnh đạo công ty có sự gắn bó, cùng chia sẻ trách nhiệm, hai cánh là phát triển KH&CN song song với khoa học quản trị.

Đầu tư cho KH&CN là điểm khác biệt của Rạng Đông so với nhiều công ty nhà nước khác, theo nhận xét của TS kinh tế Lê Đăng Doanh. Nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn, phục vụ yêu cầu sản xuất, vào tháng 3/2011, công ty đã thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông. Đây là tổ chức nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực chiếu sáng. GS. TS Đỗ Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm, cho biết, từ vài người góp mặt ở giai đoạn đầu, đến nay, Trung tâm đã tập trung được 90 chuyên gia, trong đó có 40 nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu bên ngoài công ty, làm việc ở 7 bộ môn nghiên cứu như hóa vật liệu, Smartlighting, kỹ thuật chiếu sáng, điện tử… Từ những nghiên cứu tại Trung tâm, Rạng đông đã giải mã được nhiều công nghệ tiên tiến về chiếu sáng, qua đó đáp ứng và nâng cao nhiều yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm như tăng độ chiếu sáng, tăng tuổi thọ chiếu sáng…

Hiện tại, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có GS. TS Nguyễn Quang Thạch (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm đang tập trung đẩy mạnh phát triển đèn compact chiếu sáng trong nông nghiệp, loại đèn này với những bước sóng thích hợp có thể hỗ trợ nuôi cấy mô; xử lý, điều khiển ra hoa trái vụ (cây cúc và cây thanh long); chiếu sáng phục vụ sản xuất rau, hoa an toàn giúp hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu; chiếu sáng đuổi côn trùng và sâu bệnh; chiếu sáng trong chăn nuôi; đánh bắt thủy sản… 

Tham gia cuộc tọa đàm, nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN, TS. Nguyễn Quân nhận xét, thành công của Rạng Đông thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa doanh nghiệp và nhà khoa học. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ KH&CN, trong thời gian qua đã nỗ lực tạo dựng hành lang pháp lý để góp phần thúc đẩy mối quan hệ này, như việc ban hành Luật Chuyển giao công nghệ và hiện tại đang chỉnh sửa, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, TS Nguyễn Quân nhấn mạnh, hiện tại thị trường công nghệ của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn “đơn sơ” ban đầu do nền tảng pháp lý chưa hoàn thiện. Đây cũng là một trong những lý do khiến mô hình thành công như Rạng Đông chưa được nhân rộng. Ông cho rằng, trong bối cảnh này, cần nỗ lực của cả nhà khoa học lẫn doanh nghiệp, thể hiện ở khía cạnh “nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp” và ngược lại “doanh nghiệp có tinh thần khoa học”. 

Cần cơ chế đặt hàng từ doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận về những giải pháp kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp và đưa “hiện tượng Rạng Đông” thành “mô hình Rạng Đông” để nhân rộng trên cả nước.

Đề cập đến hiện trạng hiện nay của Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có nhu cầu đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đầu tư cho R&D, có ý kiến cho rằng “những định hướng, nội dung trong hội thảo và những gì nằm trong thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp nhỏ thực sự có khoảng cách rất lớn.” GS. Trần Xuân Hoài (Viện Vật lý thực nghiệm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận xét: “Tôi thấy cả nhà khoa học và doanh nghiệp đều ‘cô đơn’.” Theo quan điểm của ông, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong thời kỳ cạnh tranh – hội nhập là thật sự gắt gao. Tiềm năng nghiên cứu và làm ra các sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội của các nhà khoa học Việt Nam cũng mới được các doanh nghiệp tận dụng một phần rất nhỏ. Để phát huy tiềm năng đó, các nhà khoa học, kỹ sư cần có cơ hội và môi trường làm việc tốt, những yếu tố quan trọng mà mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp đem lại. 

Muốn thúc đẩy được mối quan hệ hợp tác này, cần có cơ chế để doanh nghiệp có thể đặt hàng các viện trường nghiên cứu theo yêu cầu sản xuất, nghiên cứu những gì doanh nghiệp còn thiếu hoặc chưa làm được. Thậm chí, doanh nghiệp có thể “đặt hàng” nhân lực đối với trường đại học, tránh tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân viên làm được việc, đại học đào tạo tràn lan và sinh viên khó khăn trong khi tìm việc làm. Để đưa tri thức thành động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn tới thì chiếc cầu nối như vậy giữa doanh nghiệp với các trường, viện có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)