Những lo ngại về năng lượng hạt nhân là chính đáng

Những trấn an từ các “chuyên gia” sẽ không dễ giải tỏa mối lo ngại từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima.

Nguy cơ rủi ro cố hữu gắn liền với năng lượng hạt nhân nay được con người ý thức đầy đủ hơn từ vài tuần nay kể từ thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật. Những người từng mạnh dạn nghĩ về một tương lai điện hạt nhân phổ biến khắp Thế giới nay có lý do để ngừng lại cân nhắc.

Cộng đồng khoa học hiện nay đóng một vai trò đáng kể nhất định trong việc xử lý khủng hoảng. Họ tổng hợp các sự việc để đưa ra phân tích đánh giá, từ đó giúp xây dựng những bài học và biện pháp điều hành hữu ích. Ở Mỹ quá trình này đã bắt đầu diễn ra, với những kiến nghị cụ thể từ những cựu tư vấn về khoa học cho Chính phủ như Frank von Hippel và Matthew Bunn. Vài tuần trước Charles Ferguson, chủ tịch Hội Các nhà khoa học Mỹ cũng đóng góp ý kiến.

Tuy nhiên, với giới chuyên gia về hạt nhân thì tiếng nói dường như chưa được hoàn toàn khách quan, khi liên tục xuất hiện trên truyền thông để ‘thông báo’ về tình hình thảm họa. Động cơ cá nhân của từn người có thể là trong sáng, nhưng ấn tượng tổng hợp về họ là chưa thuyết phục: biện minh, một chiều, và chiếu cố khi đối diện với những lo ngại từ công chúng. Thông điệp chung của họ có lẽ là như sau: Đừng có lo, mọi thứ đều trong vòng kiểm soát, và Fukushima không phải là Chernobyl.

Rất có thể Fukushima không phải là Chernobyl, nhưng có những điểm nổi bật ở Fukushima mà người ta thấy đáng phải quan tâm. Và tất cả những điểm này đều đáng phải xem lại cho những ai cân nhắc phát triển mô hình điện hạt nhân cho tương lai.

Thứ nhất, trong cùng một khu vực ở Fukushima người ta xây tới 6 lò phản ứng, mà điều này là quá nguy hiểm trong bất kỳ kịch bản rủi ro cơ bản nào. Những lò phản ứng này không chỉ hứng chịu đồng thời mọi vấn đề tiềm tàng – bão lụt, động đất, chiến tranh, khủng bố – mà hơn thế, phóng xạ thoát ra từ lò này có thể làm tê liệt mọi nỗ lực cứu nguy ở lò khác. Mọi kỹ sư về hạt nhân đều hiểu điều cơ bản này. Vậy mà mô hình xây dựng tập trung các lò hạt nhân như vậy lại phổ biến trong các nhà máy xây ở Anh, Mỹ, và nhiều nơi khác, vì hạn chế về địa điểm do ở mỗi nước chỉ có một vài địa phương nhất định chấp nhận cho xây nhà máy điện hạt nhân trong địa phận của mình. 

Vấn đề thứ hai mang tính cố hữu đối với các lò phản ứng nước nhẹ, bao gồm các lò đun nước sôi, như tại Fukushima, hay các lò áp suất nước (PWR, viết tắt của pressurized water reactor). Thiết kế của chúng khá nhỏ gọn và rẻ, nhưng nguy cơ nóng chảy của chúng đủ để khiến nước Anh dành tới 30 năm tìm cách phát triển các lò gas lạnh để thay thế. Nhưng ngày nay, khi mà các lò PWR là lựa chọn khả thi nhất hiện nay, nỗ lực tìm kiếm mô hình an toàn hơn dường như đã chìm vào quên lãng trong ý thức những người cổ súy cho năng lượng hạt nhân trong tương lai.

Vấn đề thứ ba và việc ngâm các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong bể nước ở các nhà máy điện hạt nhân. Những thanh nhiên liệu này là mối nguy tiềm tàng, hiện đang tăng lên không ngừng về khối lượng, cụ thể là ở Mỹ, nơi chính quyền Obama đang đóng băng dự án kho chứa thải hạt nhân Yucca Mountain tại bang Nevada, khiến cho những thanh nhiên liệu qua sử dụng này không có chỗ nào khác để chứa. Tình hình cũng không khá hơn ở Anh, nơi những kho chứa quá đát là lựa chọn duy nhất cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng từ các lò phản ứng, trong khi người ta vẫn tiếp tục hứa hẹn về những kế hoạch chôn giấu dưới đất mà chi phí, tiến độ đều không chắc chắn.   

Những quan ngại chính đáng này đối với Fukushima cũng như với các kế hoạch phát triển điện hạt nhân khác, phần lớn là chìm lấp trong vô vàn trấn an kỹ thuật từ các nhà khoa học và chuyên gia hạt nhân. Ví dụ như trong cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Khoa học ở London (nơi được cấp kinh phí từ nhiều tổ chức khoa học và công nghiệp, trong đó có cả Nature Publishing Group, nhóm xuất bản tờ Nature) ngay sau động đất, người ta chỉ nói rất ít về tính nghiêm trọng của tình hình tại Fukushima. Thay vào đó, các tổ chức và cá nhân nhà khoa học mà quyền lợi gắn liền với năng lượng hạt nhân chỉ tìm cách thuyết phục công chúng rằng ‘khoa học’ đứng về phía năng lượng hạt nhân. Quá nhiều người tham gia trấn an công chúng về tính an toàn của điện hạt nhân trong khi chưa giải đáp thỏa đáng những mối lo ngại cụ thể. 

Ngày nay, khi tính toán chi phí và lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, người ta cần phải xem lại ba mốc cơ bản: Three Mile Island năm 1979, Chernobyl năm 1986, và Fukushima năm 2011. Lịch sử cho thấy mỗi lần xảy ra một vụ thì lại có hàng loạt biện minh từ những người ủng hộ năng lượng hạt nhân. Với Three Mile Island, người ta nói rằng lượng phóng xạ thoát ra là tối thiểu. Với Chernobyl, người ta đổ lỗi cho trình độ kỹ thuật thiếu cập nhật của các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa. Và bây giờ thì người ta đang tìm cách lý giải sao cho hợp lý về thực tế ngoài mong muốn của thảm họa Fukushima, trong đó yếu tố được khai thác triệt để nhất có lẽ là đổ lỗi cho động đất và sóng thần, những thiên tai hi hữu.

Nhưng dù thế nào thì nguy cơ thực sự của năng lượng hạt nhân là nó liên tục buộc con người phải duy trì việc chủ động phòng ngừa và can thiệp mỗi khi có thiên tai, chiến tranh, hay bất ổn chính trị. Bởi vì mỗi sự cố xảy đến đều tiềm ẩn một thảm họa quá lớn.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)