Vaccine mRNA đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất
Trung Quốc đang tiến gần đến việc phê duyệt vaccine mRNA đầu tiên do nước này tự sản xuất, có tên là ArCoV.
Trong một thử nghiệm lâm sàng nhỏ, vaccine ArCoV đã kích hoạt phản ứng kháng thể mạnh hơn so với vaccine chứa SARS-CoV-2 bất hoạt – nền tảng công nghệ của tất cả các loại vaccine COVID-19 của Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt bảy loại vaccine COVID-19. Hầu hết người dân Trung Quốc đều được chủng ngừa một trong hai loại vaccine virus bất hoạt do nước này tự sản xuất, đó là CoronaVac của Sinovac hoặc BBIBP-CorV của công ty nhà nước Sinopharm – cả hai đều có trụ sở ở Bắc Kinh.
Vaccine virus bất hoạt có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, nhưng hiệu quả bảo vệ thấp hơn so với hai vaccine mRNA do Pfizer – BioNTech và Moderna phát triển.
Nhập khẩu hay sản xuất?
Các công ty Trung Quốc từng lên kế hoạch nhập khẩu vaccine mRNA do BioNTech và Pfizer sản xuất. Tháng 3/2020, Fosun Pharma, công ty dược phẩm có trụ sở ở Thượng Hải, đã ký thỏa thuận để được phân phối vaccine của BioNTech tại Trung Quốc đại lục và ở Hồng Kông ngay sau khi vaccine này được các cơ quan quản lý phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, vaccine BioNTech vẫn chưa được phê duyệt ở Trung Quốc, dù đã được chứng minh hiệu quả cao và được nhiều nước khác phê duyệt từ lâu. Dữ liệu từ một thử nghiệm vaccine BioNTech giai đoạn II ở Trung Quốc cũng cho thấy vaccine an toàn và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh.
Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nước ngoài để đẩy nhanh quá trình phê duyệt thuốc. Do đó, các loại thuốc khẩn cấp, như vaccine trong đại dịch, càng có cơ hội được phê duyệt nhanh chóng. “Không có lý do nào khác để giải thích sự chậm trễ này ngoại trừ chủ nghĩa công nghệ-dân tộc,” Yanzhong Huang, chuyên gia về chính sách y tế Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở TP New York, bình luận và nói thêm rằng có lẽ chính phủ Trung Quốc muốn vaccine mRNA đầu tiên trong nước là do mình tự sản xuất.
Trung Quốc có ít nhất sáu vaccine mRNA nội địa đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. ARCoV, do công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Abogen Biosciences có trụ sở ở Tô Châu phát triển, sẽ là vaccine về đích sớm nhất, hiện đang được thử nghiệm giai đoạn III ở Mexico và Indonesia.
Thử nghiệm giai đoạn trước, công bố ngày 31/5 và chưa qua bình duyệt, được tiến hành trên 300 người lớn ở Trung Quốc. Những người này đã được tiêm 2 liều vaccine virus bất hoạt 6 tháng trước khi bước vào thử nghiệm tiêm thêm một mũi tăng cường bằng ARCoV. Kết quả, mức độ kháng thể trung hòa nhắm vào biến thể Omicron cao hơn bốn lần so với sau khi tiêm mũi tăng cường bằng CoronaVac và các kháng thể trung hòa có thể ngăn chặn virus lây nhiễm vào tế bào.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mũi tiêm tăng cường rất quan trọng, đặc biệt với người lớn tuổi, trong việc bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong khi bị nhiễm Omicron. Ở Trung Quốc đại lục, hiện mới có 60% người từ 60 tuổi trở lên được tiêm mũi tăng cường, có nghĩa là 100 triệu người trong độ tuổi đó chưa được tiêm. Mức độ bao phủ mũi tăng cường còn thấp hơn nhiều ở những người từ 80 tuổi trở lên – dưới 20% tính đến tháng 3/2022, khi làn sóng Omicron bắt đầu bùng phát. Nếu được chấp thuận, ARCoV sẽ được dùng làm mũi tiêm tăng cường trong chương trình tiêm chủng COVID-19 tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Phạm Hài
(Visited 2 times, 1 visits today)