Uganda và Ethiopia sẽ là ngân hàng nước của Ai Cập?

Bài viết này là một trong những báo cáo đặc biệt của tạp chí Hội Địa lý Quốc gia Mỹ về vấn đề nước sạch trên toàn cầu. 

Tôi đứng trong một ngôi nhà tầng xây theo kiểu thuộc địa giữa thành phố Malakal phía Nam nước Sudan. Tôi đến đây để tìm hiểu về một dòng sông từ một người đàn ông, một chuyên gia thủy học người Ai Cập, nhưng ông ta không chịu cung cấp thông tin. 
“Đây là điều cấm kị”, ông ta nói một cách nghiêm túc, “chúng ta không được phép bàn về sông Nile”.

Tôi chỉ ra ngoài cửa sổ: “Nhưng nó ở ngay đây”, tôi nói. Chúng tôi đang ở ngay một trong số vài trạm đo lường thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên nước và Thủy lợi của Ai Cập được đặt trong lãnh thổ Sudan và Uganda nhằm theo dõi lưu lượng của con sông dài nhất thế giới.

Vị chuyên gia thủy học không cần phải nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông ta biết rõ về sông Nile – thậm chí đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về nó. Nhưng ông không thể cung cấp thông tin gì cho người lạ về một vấn đề có vai trò quan trọng sống còn đối với một quốc gia. Có lẽ tìm hiểu về chương trình hạt nhân của Iran cũng không khó khăn đến thế.
Tính chất nhạy cảm về sông Nile mà tôi gặp phải tại Malakal trong những tháng gần đây càng trở nên nghiêm trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử 5000 năm thống trị sông Nile, người Ai Cập vấp phải một thách thức đáng kể.

Thay đổi trật tự ở Châu Phi

Trong tháng 5, một nhóm các quốc gia phía Đông và Trung Phi đã ký kết một hiệp ước có mục đích phá vỡ vị thế độc quyền của Ai Cập (và ít nhiều một phần quyền lợi của Sudan) đối với sông Nile. Vị thế độc quyền này là di sản từ các hiệp định thời kỳ thuộc địa áp đặt bởi Đế quốc Anh. Các hiệp định năm 1929 và 1959 cho Ai Cập quyền phủ quyết các dự án thủy lợi tại các nước láng giềng, qua đó đảm bảo duy trì cho mình nguồn nước dồi dào từ dòng chảy sông Nile.

Ngày nay, trong bối cảnh dân số gia tăng, hạn hán thường xuyên, và với sự tự tin ngày càng được xác lập, các nước châu Phi cuối cùng cũng lên tiếng đòi quyền lợi của mình đối với sông Nile. Tới nay 5 quốc gia khu vực thượng lưu là Ethiopia, Uganda,Tanzania, Kenya, và Rwanda, đã ký kết cho một cơ chế chia sẻ và chống độc quyền nguồn nước, và đưa ra thời hạn trong vòng 1 năm để các nước Ai Cập, Sudan, Burundi, và CHDC Congo nhất trí tham gia. Báo chí Ai Cập phản ứng quyết liệt, với quan điểm chung cho rằng các quốc gia thấp kém hơn đang tìm cách khai thác trên huyết mạch của nền văn minh Ai Cập. Ngôn từ trên báo chí Ai Cập căng thẳng như thể đang trong thời chiến, và nếu trong một bối cảnh nào đó trong quá khứ, thì có lẽ thực sự đã nổ ra chiến tranh. 

Căng thẳng trong quá khứ

Năm 1978, khi Ethiopia bắt đầu nghiên cứu về khả năng dùng nước sông Nile Xanh cho mục đích thủy lợi trong nông nghiệp, Tổng thống quá cố của Ai Cập là Anwar Sadat đã tuyên bố “Bất cứ hành động nào đe dọa nguồn nước sông Nile Xanh sẽ gặp phải phản ứng cứng rắn… cho dù phản ứng đó có thể dẫn tới chiến tranh”.

Từ xa xưa, Ai Cập đã sống trong nỗi lo sợ rằng Ethiopia, đối thủ lâu đời, sẽ bằng cách nào đó chặn dòng chảy sông Nile. Năm 1706, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao, Hoàng đế Tekla Haymanot I viết thư cho Cairo, trong đó nói “Sông Nile có thể là công cụ để trả thù của chúng tôi, Thượng đế đặt vào tay chúng tôi nguồn nước, các con suối, nhánh sông, và đặt vào tay chúng tôi quyền  lực để cư xử tốt hay xấu”. Tất nhiên vị Hoàng đế khi đó chỉ đe dọa bằng lời nói.

Tương tự như vậy, vào thập kỷ 1990, khi Sudan bắt đầu chuẩn bị xây dựng một đập thủy điện lớn ở Merowe, phản ứng đầu tiên từ quân đội Ai Cập là đề xuất ném bom xuống địa điểm trên. Tuy nhiên sau đó những cái đầu lạnh đã thắng thế; từ đó tới nay Ai Cập và Sudan hòa giải.

Ngày nay, vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế đã giảm xuống, trong khi các nước như Ethiopia và Uganda đã nổi lên sau nhiều thập kỷ chiến tranh và thiên tai, và đang tìm cách xây dựng tương lai mới cho riêng mình.

Nguồn nước có bị thiếu?

Nhìn thoáng qua thì người ta dễ thông cảm với tâm lý phòng vệ của Ai Cập. Đây là quốc gia đông dân nhất ở Trung Đông, với 95% nguồn nước phải lấy từ sông Nile. Cuộc sống của 80 triệu người Ai Cập sinh sống dựa vào con sông, trong khi các quốc gia khu vực thượng nguồn hằng năm vẫn nhận được nguồn nước mưa dồi dào. Theo quan điểm của Ai Cập thì các quốc gia Đông Phi cần phải quản lý tài nguyên nước của mình hiệu quả hơn, và để lại nguồn nước sông Nile cho Ai Cập, chủ nhân truyền thống của dòng sông.

Tuy nhiên, luận điệu này không mấy thuyết phục, khi mà Ai Cập chẳng hề cư xử như thể đang bị thiếu nước nghiêm trọng. Hơn 40% lượng nước máy của Ai Cập bị thất thoát vì đường ống hỏng không được sửa chữa, kèm theo nạn lắp đặt phi pháp ngoài vòng kiểm soát. Bên cạnh đó, lượng nước không bị thất thoát được cung cấp miễn phí cho mọi người, bất kể mục đích sử dụng, phục vụ hộ gia đình cũng như cho nông dân tưới tiêu. Vì vậy người dân không hề có ý thức tiết kiệm nước. Những cánh đồng canh tác các loại cây cần nhiều nước như bông hay lúa gạo được tưới tiêu bằng những phương pháp kém hiệu quả có từ thời Vua Tut (pharaoh nổi tiếng của Ai Cập, sinh và mất vào năm 1341 và 1323 trước Công nguyên). Ngày nay, Ai Cập là nước xuất khẩu lương thực, cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu một lượng nước lớn sử dụng để trồng bông (100.000 tấn mỗi năm) và lúa gạo (600.000 tấn mỗi năm).

Chuẩn bị đối đầu

Ai Cập đang xem xét các đe dọa liên quan tới sông Nile một cách nghiêm túc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ahmed Aboul Gheit khẳng định nguồn nước sông Nile là huyết mạch không thể xâm phạm, trong khi Omar Suleiman, vị giám đốc cơ quan tình báo nổi tiếng của Ai Cập, gần đây đã lập một hồ sơ chuyên biệt về vấn đề sông Nile. Tuy gần đây Ai Cập bày tỏ một thái độ hòa giải hơn, chúng ta có thể thấy trước các nhà ngoại giao của họ tăng cường sức ép lên những nước nhận viện trợ bằng việc từ chối cấp kinh phí cho các dự án thủy lợi ở các nước đang có mâu thuẫn về quyền lợi.

Xu thế hiện nay là các quốc gia Đông Phi sẽ tiến một bước xa hơn trong việc từ bỏ những ràng buộc có từ thời thuộc địa, khi các ông chủ đế quốc đòi hỏi đảm bảo nguồn nước trồng bông xuất khẩu tới các nhà máy dệt của Anh, và từ bỏ những ràng buộc áp đặt bởi chính Ai Cập. Từ thế kỷ 19, Ai Cập dưới sự hậu thuẫn của Anh đã bắt đầu tìm cách gây ảnh hưởng để giành quyền lợi ở châu Phi Xích đạo. Chính phủ Ethiopia từng buộc phải ký một hiệp định liên quan vào năm 1929, tới 1959 mới chấm dứt.

“Chúng tôi không cầu xin Ai Cập và Sudan cho chúng tôi quyền lợi chính đáng của mình ở sông Nile”, Asfaw Dingamo, Bộ trưởng Tài nguyên nước của Ethiopia khẳng định hôm 24/6. “Sẽ không có quân đội quốc gia nào tới sông Nile ngăn chặn chúng tôi sử dụng nước, miễn là chúng ta không làm hại lẫn nhau”.

Ngân hàng nước sông Nile?

Bế tắc hiện nay không dễ gì giải quyết. Nhưng một lựa chọn có thể khả thi là Uganda hay thậm chí Ethiopia sẽ đóng vai trò như “ngân hàng nước” của Ai Cập.

Hồ Nasser dài 340 dặm trữ nước đằng sau đập Aswan Hig, chứa tới 157 tỷ m3 nước. Nhưng ước tính có khoảng 10 tỷ m3 nước mỗi năm từ hồ Nasser không bao giờ chảy tới được các vòi nước hay kênh tưới; mà bốc hơi lên bầu trời không gợn mây phía Nam của Ai Cập. Lượng nước đó đủ để đáp ứng nhu cầu của 20 triệu người Ai Cập, tức là ¼ tổng dân số quốc gia.

Nhưng nước bốc hơi không phải là vấn đề đối với khu vực xích đạo của châu Phi, nơi sông Nile Trắng khởi nguồn. Đây cũng là nơi đất đai phì nhiêu màu mỡ. Ai Cập có thể nên cân nhắc đầu tư trữ nước của mình ở đây, thay vì để bốc hơi trên sa mạc Sahara.

Tìm kiếm một giải pháp chung

Tại sao khu vực phía Bắc Uganda, nay đang trở về với đời sống bình yên sau 2 thập kỷ chiến tranh và độc tài, không thể trở thành nhà cung cấp lương thực cho Ai Cập? Câu hỏi tương tự cũng có thể đặt ra cho Sudan, nơi hầu như chưa phát triển mặc dù đất rất phì nhiêu. Phía Nam của Sudan ngày nay đã trở thành nơi tranh giành đất cho các dự án nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài. Ai Cập nên tìm kiếm lợi ích của mình ở đây.

Con sông Nile Xanh hùng vĩ khởi đầu từ các cao nguyên của Ethiopia và cung cấp tới 59% lưu lượng nước cho sông Nile. Ethiopia hiện đang cho một doanh nghiệp Ấn Độ thuê 300.000 hecta đất nông nghiệp và dự kiến sẽ đặt mục tiêu cho nước ngoài đầu tư thuê tính tới năm 2013 đạt 3 triệu hecta. Không có lý do thực tiễn nào để ngăn cản Ai Cập bắt tay với đối thủ xa xưa của mình vì lợi ích chung giữa hai bên.

Về lâu dài, các quốc gia khu vực hạ lưu sông Nile cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn. Nhưng nếu chuyển việc sử dụng nước cho nông nghiệp sang những nước phía thượng lưu như Ethiopia tại sông Nile Xanh, hay Uganda ở sông Nile Trắng, thì chắc chắn lượng nước có thể dành để sinh hoạt cho tất cả mọi người sẽ tăng lên.

National Geographic

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)