Ứng dụng NLNT: Chưa đáp ứng nhu cầu xã hội

Ở Việt Nam, những ứng dụng phi năng lượng của năng lượng nguyên tử mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu nên kết quả đạt được ở các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

GS. Mai Trọng Khoa (bên phải) kiểm tra phim chụp CT cho bệnh nhân. Nguồn: Báo SK&ĐS

Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Diễn ra trong hai ngày 13 và 14/10 tại Hà Nội, Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu của Bộ KH&CN, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và các bộ, ngành liên quan.

Nhìn lại kết quả đạt được trong 10 năm qua, các đại biểu đều cho rằng, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam đã bắt đầu được phát huy ở nhiều lĩnh vực như y tế , nông nghiệp, quản lý và bảo vệ môi trường, sản xuất công nghiệp… Với những kết quả này, năng lượng nguyên tử cũng như những ứng dụng phi năng lượng của nó đã được xã hội biết đến và “nhiều người dân đã ý thức được vai trò đó” như nhận định của Thứ trưởng Phạm Công Tạc tại lễ khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng cũng lưu ý, ở các quốc gia có nền KH&CN phát triển thì “năng lượng nguyên tử như một đầu tàu kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khoa học khác”. Tuy nhiên tại Việt Nam, năng lượng nguyên tử vẫn còn là một lĩnh vực nghiên cứu mới với nhiều tiềm năng ứng dụng chưa được khai thác một cách hợp lý. Những ứng dụng phi năng lượng của năng lượng nguyên tử mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu nên kết quả đạt được ở các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, ví dụ trong lĩnh vực sản xuất dược chất phóng xạ và đồng vị phóng xạ, dù lò phản ứng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) vận hành hết công suất mới đạt được 400Ci/năm trong khi tổng nhu cầu dược chất phóng xạ trên toàn quốc toàn quốc gần 1400 Ci/năm. Cùng với việc sản xuất dược chất phóng xạ trên các máy gia tốc đạt khoảng 250 Ci/năm, tổng sản lượng của Việt Nam mới đạt 50% nhu cầu, số lượng 50% còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là đội ngũ cán bộ nghiên cứu đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, những nhà cán bộ trẻ vẫn còn thiếu về kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu – triển khai chưa được nâng cấp; công tác xây dựng văn bản pháp quy còn chậm so với thực tiễn.

Vì vậy, để những ứng dụng năng lượng nguyên tử trong đời sống xã hội phát triển về cả chiều sâu và chiều rộng, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu  cần phải tiến hành xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ứng dụng năng lượng nguyên tử cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu về năng lượng nguyên tử trong các trường, viện.

Đồng thuận với quan điểm này, các đại biểu đề xuất rà soát, điều chỉnh lại nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra trong từng lĩnh vực ứng dụng để phù hợp với tình hình mới; tăng cường hợp tác liên ngành để cùng giải quyết những vấn đề lớn và nâng cao năng lực nghiên cứu; đẩy mạnh việc chế tạo thiết bị ứng dụng hoặc nhập khẩu các công nghệ hiện đại của nước ngoài để phục vụ cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các tổ chức, doanh nghiệp.

 

Một số kết quả nổi bật về ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2011-2016 Y tế: Những ứng dụng chủ yếu trong các chuyên ngành y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Hiện 32 cơ sở y học hạt nhân trên cả nước đã đưa những công nghệ tiên tiến của nước ngoài thành kỹ thuật khám bệnh thường quy trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, thần kinh. Về xạ trị đã có những kỹ thuật hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế điều trị các khối u tuyến tiền liệt, ung thư gan, ung thư trực tràng, ung thư vú… Công nghiệp: Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã thiết kế và chế tạo thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ ba và thiết bị CT/CPECT hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Nhiều phương pháp kiểm tra không phá hủy (NDT) được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ứng dụng kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng. Nông nghiệp: Việt Nam đứng thứ 8 thế giới trong nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng, đặc biệt đã tạo ra và đưa vào sản xuất trên diện rộng 61 giống lúa, đậu tương, ngô, lạc, hoa cảnh… Các kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng trong lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng, bảo vệ thực vật, bảo quản và chế biến sau thu hoạch như diệt ruồi trên cây thanh long, đánh giá xói mòn đất, chiếu xạ hoa quả xuất khẩu… Tuy nhiên những ứng dụng này vẫn còn hạn chế và chưa được phổ biến trong lĩnh vực thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam là nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm. Tài nguyên môi trường: Hoàn thành bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam với tỷ lệ 1:1.000.000; xây dựng bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho 5 khu đô thị lớn; lắp đặt các trạm quan trắc phóng xạ tại các mỏ chứa phóng xạ tại 16 địa phương.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)