Bàn về “linh vật” trong văn hóa Việt Nam

Thời gian gần đây, thuật ngữ linh vật được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt kể từ khi Bộ VH,TT&DL ra công văn số 2662, yêu cầu các di tích, công sở không sử dụng linh vật không phù hợp với thuần phong mĩ tục Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như chưa có nghiên cứu nào trỏ ra nội hàm cũng như ngoại diên của khái niệm “linh vật”.

Bài viết dưới đây, trên cơ sở khảo sát các định nghĩa về “linh vật” từ trước tới giờ, sẽ tiến hành phân suất nội hàm và các loại hình của khái niệm này.

Trước tiên, “Linh vật” là từ gốc Hán. Theo La Trúc Phong trong bộ Hán ngữ đại từ điển (12 quyển), ghi “linh vật” gồm có bốn nghĩa như sau:

Vật trỏ điềm lành. Sách Hậu Hán thư phần Quang Vũ đế kỷ hạ ghi: “Nay thiên hạ thanh bình, linh vật giáng điềm”. Hàn Dũ đời Đường trong bài Vị Tể tướng hạ bạch quy trạng (bài trạng về việc Tể tướng dâng mừng rùa trắng) có câu: “Đó đều là do thánh đức của bệ hạ tưới tắm, mà linh vật đều đến tỏ điềm lành”.

Các sản vật quý báu, thần kỳ. Sách Hậu Hán thư phần Nam Nam Tây Nam di truyện luận ghi: “nếu là các linh vật ẩn chứa nơi núi non biển cả, châu báu chôn vùi dưới đất cát, thì chẳng có cái nào là không lộ rõ vẻ đẹp lạ kì, đều đẽo gọt [các vật ấy] để trang sức phòng ốc, cung điện”. Nhà thơ Nguyên Chân đời Đường trong bài Thố ti có câu: “linh vật vốn hiếm có, chẳng phải lúc nào cũng có”. Lỗ Ứng Long đời Tống trong Nhàn song quát dị chí chép: “rùa vích ba ba, là các linh vật trong chốn thủy tộc”.

Thần linh, thần minh. Bạch Cư Dị đời Đường trong Lưu Bạch xướng họa tập giải ghi: “chốn chốn nơi nơi, nên có các linh vật phù hộ cho”. Phạm Trọng Yêm đời Tống trong Đằng Tử Kinh dĩ chân lục tương thị nhân dĩ tặng chi có câu “nếu chẳng có linh vật hộ trì, thì sách này sao có thể hoàn thành được?”.

Các vật của người tu tiên đắc đạo. Vương Thao đời Thanh trong Tùng tân tỏa thoại có câu “theo như tôi đoán, ấy ắt là linh vật ảo hóa, nếu chẳng phải quỷ thần thì cũng là hồ li”1.

Trong tiếng Việt, linh vật cũng có nhiều định nghĩa khác nhau.

Năm 1773, Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) trong Tự vị An nam La tinh ghi định nghĩa sớm nhất như sau “linh vật: vật lương dân coi là có phép thiêng.”2 Năm 1838, Tabert tiếp thu lại mục từ này: “res ab ethnicis spritualis habita”3.

Năm 1896, Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị đã đưa ra một định nghĩa khá chi tiết: “靈 linh c. Hồn, trí; có phép thần thông, biến hóa, hiển tích, hiệu nghiệm… Linh vật: Vật có phép thần thông, hoặc có trí hiểu biết nhiều việc lạ lùng. Người ta nói voi, cọp có trí hiểu biết, cho nên gọi là linh vật; kêu là bửu kiếm gươm báu, gươm linh cũng là vì dùng nó mà giết được nhiều người; ai có tội cũng không trốn nó được”4.

Năm 1932, Đào Duy Anh trong Giản yếu Hán Việt từ điển ghi: “linh vật: cái vật thiêng liêng có thể chỉ điềm tốt xấu (objet sacré).”5

Năm 1937, Gustave Hue trong Dictionnaire Vietnamien- Chinois- Français ghi: “linh vật. Objets sacrés”6

Năm 1951, Đào Văn Tập trong Từ điển Việt Nam phổ thông ghi định nghĩa khá ngắn gọn “linh vật: vật thiêng”7.

Năm 1958, Thanh Nghị trong Việt Nam Tân từ điển đã tiếp thu/kết hợp định nghĩa của Đào Văn Tập và Gustave Hue “linh vật dt. Vật linh- thiêng. Objets sacrés”8

Năm 1971, Ban Tu thư Khai trí trong cuốn Tự điển Việt Nam ghi: “linh vật dt. 1. Vật linh thiêng. 2. Vật thuộc tâm linh.”9

Năm 1999, Bửu Kế trong cuốn Từ điển Hán Việt từ nguyên đã đưa ra định nghĩa khác khá thú vị như sau: “linh vật 靈物: linh: thiêng liêng, vật: gọi chung các đồ vật hoặc loài vật. Linh vật tức là quỷ thần.”10

Như vậy, có thể thấy, từ “linh vật” trong tiếng Hán có bốn nghĩa, nhưng chỉ có nghĩa ba và nghĩa bốn là được dùng trong tiếng Việt. Lưu tích của nghĩa ba hiện còn thấy trong một số từ Hán Việt như: thần linh, linh từ, linh vị, linh tòa, linh hồn, linh sơn. Lưu tích của nghĩa bốn còn thấy trong chữ linh đơn.

Các định nghĩa đã khảo sát trong tiếng Việt từ thế kỷ XVIII đến nay thể hiện rõ nội hàm phong phú của chữ “linh vật”. Định nghĩa của Bỉ Nhu là cách định nghĩa cho thấy tính linh động của khái niệm này, “linh vật” có thể là “bất cứ cái gì” mà con người/chủ thể văn hóa cho là thiêng liêng. Kiểu định nghĩa mang tính khái quát như vậy đã bao quát được phần lớn các ngoại diên có thể xảy ra trên thực tế. Cách định nghĩa của Paulus Của nhấn mạnh đến “tính thần thông” (tức khả năng phù phép), và “tính hiểu biết”. Định nghĩa này lần đầu tiên tiến hành phân loại “linh vật” gồm có hai loại là “các động vật thiêng” (voi, cọp) và “các đồ vật thiêng” (gươm, kiếm). Định nghĩa trong từ điển của Đào Duy Anh không có gì mới, mà thuần túy chỉ trích dẫn nghĩa trong từ điển của Trung Quốc (xem nghĩa thứ tư trong Hán ngữ đại từ điển). Các định nghĩa của Gustave Hue, Đào Văn Tập, Thanh Nghị đều khá giản đơn. Từ điển của Ban tu thư Khai trí, ngoài việc nêu ra định nghĩa “vật linh thiêng” còn nêu thêm một nghĩa mới là “vật thuộc tâm linh”. Nghĩa thứ hai này chưa từng được phân suất trong các từ điển tiếng Hán và tiếng Việt đã nêu. Định nghĩa của Bửu Kế có phân tích từ nguyên của từng từ tố, trong đó từ tố “vật” được tác giả chia đôi thành “đồ vật” và “loài vật” (đồng ý kiến với Paulus Của). Ngoài ra, tác giả còn ghi “linh vật” tức là “quỷ thần”, nghĩa này trùng với nghĩa mà Đào Duy Anh và nhóm La Trúc Phong đã nêu.

Đến đây có thể tạm đưa ra nội hàm khái niệm như sau. Linh vật là tất cả các VẬT (được định hình bằng một loại VẬT CHẤT nhất định) được một chủ thể văn hóa nào đó quan niệm là có tính chất thiêng liêng, có tính tâm linh biểu tượng cho những quan niệm của họ về thế giới, về linh hồn, thể hiện những quan niệm giá trị về mặt tư tưởng, tín ngưỡng và văn hóa của họ.

Tính VẬT CHẤT của linh vật được thể hiện qua các hình thức/phương thức tạo tác (yếu tố làm nên đặc trưng mĩ học). Tính vật chất này được coi là yếu tố then chốt để phân biệt linh vật với các loại biểu tượng phi vật chất/trừu tượng (thường được thể hiện dưới các loại hình văn hóa/nghệ thuật khác như văn học, diễn xướng dân gian, nghi lễ, lễ hội, phong tục,…).

Tính tâm linh của linh vật thường được thể hiện qua quan niệm của chủ thể văn hóa. Mỗi một linh vật thường được định hình bởi không gian văn hóa sản sinh ra các linh vật – biểu tượng đó. Về mặt vật chất, một linh vật có thể có nhiều hình dạng/phương thức tạo tác khác nhau, và cũng có thể nó có nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau ở trong cùng một môi cảnh văn hóa hoặc ở những môi cảnh khác nhau.

Theo chúng tôi, linh vật cần được phân loại chi tiết hơn. Về mặt loại hình, các linh vật trong di tích có thể chia làm bốn loại (linh khí, linh thú, linh tượng, linh cốt) như sau:

(1) Linh khí (tế khí): là các đồ vật thiêng được đặt trong các không gian văn hóa cổ, bao gồm tất cả các đồ thờ và đồ để cúng dàng (lễ vật).

Danh sách các đồ thờ (hay đồ tế khí) gồm: bộ quán tẩy, bát bộ, bát bửu, thiên thụ, cờ phướn, đèn nến, pháp khí, văn bia, câu đối, kinh tràng, hoành phi, tranh thờ, bộ tam sơn, quả, nhang án, cửa võng, độc bình, lư hương, linh vị, linh phù, linh tọa, ngai, đá trấn yểm, trang phục, chuông, trống, kiệu, tàn, lọng, khánh, mõ,…

Danh sách lễ vật bao gồm: mâm ngũ quả, hoa, rượu, xôi, tam sinh, đồ chay,…

Tế khí luôn được sử dụng ở bất kỳ di tích nào, ở bất kỳ thời điểm nào. Vấn đề nổi cộm ở mảng này, như chúng tôi được biết, thường là vấn đề làm mới hoành phi câu đối. Theo nhu cầu tín ngưỡng hiện nay, nhiều người có tâm cung tiến loại linh vật này. Có điều bất cập: (1) hiện không có cơ quan nào được giao quyền kiểm soát nội dung; (2) dùng câu đối mới thay thế/hủy bỏ câu đối, hoành phi cũ. Cả hai điểm bất cập này đều vi phạm luật di sản và di tích. Việc cung tiến đồ thờ mới thực sự đã gây nên những điều bất ổn. Ví dụ, một số độc bình lớn của Trung Quốc có ghi những câu thơ không phù hợp được đặt tại tam bảo, các viên đá trấn yểm không rõ nguồn gốc được đặt tại đền Hùng, ví dụ: câu đối hoành phi đền Hùng, đền Đô,…

Trong khi đó, đồ cúng dàng được coi như là những linh vật tạm thời (có thể có, hoặc có thể không), thường xuất hiện tập trung vào các dịp tuần rằm, mùng một, các dịp lễ lạt trong năm. Hiện các loại linh vật này chưa thể đưa ra một bảng danh sách cụ thể. Nhưng rõ ràng, trong việc quản lý di tích và lễ hội đã gặp không ít vấn đề gây tranh cãi. Như việc có nên hay đem rượu, bia, thuốc lá hay những vật phẩm hiện đại nói chung như nước Coca Cola, Pepsi,… vào ban thờ? Rồi đồ hàng mã, theo truyền thống là vàng vó, tiền, hình nhân, quần áo,… thì nay lại thêm máy bay, xe hơi, nhà lầu, vi tính…

(2) Linh thú: là tượng các con vật thiêng được đặt trong các không gian văn hóa tâm linh, như long, lân, quy, phượng, sấu, xô, xi vẫn/xi vĩ, sư tử, nghê, toan nghê, voi, chó, ngựa, trâu, khỉ, ca lâu la, khẩn na la, rắn, nhạn,… Ví dụ, hình tượng sư tử có hình dáng tròn đầy, mình phủ hoa văn trong nghệ thuật thời Lý Trần. Các tượng sư tử này thường được đặt dưới bệ tu di tòa (tòa sen trên đỡ tượng Phật) tức là nó thuộc không gian văn hóa Phật giáo, nó là linh vật dùng để hộ pháp (đỡ Pháp giới, Phật giới). Đến thời Trần, tượng sư tử còn được đặt ở các bậc tam cấp, trước cửa ra vào, lúc ấy nó còn là vật để bảo vệ lãnh thổ nước Phật. Tượng sư tử ngậm hỏa châu còn trùng hình với motif “song long hiến châu” (xuất phát từ điển tích Long Nữ hóa Phật) biểu tượng cho sự quy y Phật pháp. Trong khi đó, các tượng sư tử của Trung Quốc hiện nay được tạo tác bởi hình khối hoành tráng, áp chế, cơ bắp cuồn cuộn, bờm râu dữ dằn, nhe răng để đe dọa. Đó là một kiểu tạo hình mang tính phô trương, các loại sư tử này là biểu tượng của giới công quyền và thương gia, tượng trưng cho quyền lực và sự phồn vinh về mặt vật chất. Như vậy, sư tử có nguồn gốc Trung Hoa khác với sư tử Việt (cụ thể là sư tử Lý Trần) ở hai phương diện: (1) mỹ thuật và (2) chức năng biểu tượng. Nếu đặt sư tử Trung Quốc vào các không gian văn hóa Phật giáo, hay các di tích cổ của Việt Nam (vốn có những truyền thống mỹ thuật, và biểu tượng khác) thì sẽ gây nên những điều phản cảm (nhất là đối với các du khách quốc tế đến từ Trung Quốc và các nước Đông Á khác). Tuy nhiên, sư tử chỉ là một ví dụ điển hình cho linh vật.

(3) Linh tượng: là các tượng pháp được đặt trong các không gian thờ cúng (đình, đền, chùa,…), bao gồm: tượng Phật, tượng Thánh, tượng Hậu (hoặc bia tượng), tượng Thần, Thánh Gióng, Ngựa Thánh Gióng, tượng Bác Hồ, …). Chúng tôi từng thấy một số ngôi chùa ở Hà Nội sử dụng các con tỳ hưu (linh vật không có hậu môn để trỏ việc tiền chỉ có vào mà không có ra); tượng Ngựa Thánh Gióng được cung tiến vào Đền Gióng (Gia Lâm). Gần đây còn có sự kiện một vị sư đúc tượng Phật mới (giống khuôn mặt mình) và bỏ tượng cũ đi.

(4) Linh cốt 11: tức chân thân xá lị của các sư tổ trụ trì, được an tàng trong nhà thờ tổ hoặc các tháp tổ ở một số chùa. Loại này trước nay chưa được đưa vào danh sách cổ vật, linh vật, nhưng đã được PGS Nguyễn Lân Cường và một số nhà khoa học khác nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện nay, loại hình linh vật này, do đặc thù riêng, hầu như không xuất hiện các vấn đề bức xúc như ba loại linh vật đã nêu. Duy chỉ có tình trạng trộm cổ vật, tiến hành quật phá các tháp tổ là nguy cơ rõ nét nhất.

Trên đây, bài viết bước đầu đã vạch ra lịch sử khái niệm “linh vật” qua các từ điển tiếng Việt từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Sau khi tiến hành nhận định điểm mạnh yếu của từng kiểu định nghĩa, chúng tôi đã tiến hành tổng hợp và đề xuất một định nghĩa mới với những nội hàm cụ thể/ bao quát của khái niệm này. Cuối cùng, bài viết tiến hành phân suất được bốn loại hình của linh vật, gồm: linh khí, linh thú và linh tượng, và linh cốt. Mỗi loại hình linh vật này đều có liệt kê danh sách sơ bộ các hiện vật tiêu biểu, cần quan tâm. Việc nêu ra một danh sách cụ thể, toàn diện các linh vật với các ý nghĩa biểu tượng, lịch sử biểu tượng và các đặc điểm tạo hình của chúng sẽ là cơ sở để tham vấn cho các cơ quan văn hóa các cấp trong quá trình quản lý di sản, di tích trong thời gian sắp tới.

Để quản lý việc sản xuất, sử dụng linh vật, Bộ VH,TT&DL nên đưa ra những mẫu thức chuẩn của các linh vật văn hóa, giới thiệu chức năng và ý nghĩa biểu tượng của từng loại linh vật phù hợp với từng không gian tín ngưỡng, không gian văn hóa. Các quy định, mẫu thức này không chỉ áp dụng cho các di tích mà còn sử dụng để quản lý các công ty, làng nghề mỹ nghệ, xưởng chế tạo tượng pháp, đồ lưu niệm phục vụ du lịch, và nhiều phạm vi liên quan khác

* Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KH & XH Việt Nam

Chú thích:

1 La Trúc Phong 罗竹风 chủ biên. 1986. Hán ngữ đại từ điển (quyển 11), 上海辭書出版社 Thượng Hải từ thư xuất bản xã. Thượng Hải 上海. p.754.

2 Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), 1772- 1773. Dictionarium Anamitico Latinum. Chữ Nôm chép theo bản viết tay, thủ bút của Bỉ Nhu. Ki hiệu VV.02291 (Viện NC Hán Nôm). P.323. (tb1999), Tự vị An nam La tinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ. tr.258.

3 AJ. L. Taberd, (1838), Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore. P.267.

4 Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), 大 南 國 音 字 彙 Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896). Tr.568.

5 Vệ Thạch Đào Duy Anh, Giản yếu Hán Việt từ điển 簡要漢越辭典, (Hãn Mạn Tử, Giao Tiều hiệu đính). Imprimerie TIENG DAN. HUE- Dong Ba. Hué. 1932. tr.5106 Gustave Hue.1937. Tự điển Việt- Hoa- Pháp (Dictionnaire Vietnamien- Chinois- Français), Imprimerie Trung Hòa. Repr.1971 Librarie Khai- Trí, 62 Lê- Lợi, Saigon. (in theo ấn bản Imprimerie Trung Hoà). P.505.

7 Đào Văn Tập. 1951. Từ điển Việt Nam phổ thông. Nhà sách Vĩnh Bảo. Sài Gòn. Tr.360.8 Thanh Nghị. 1958. Việt Nam Tân từ điển. Thời thế. Sài Gòn. Tr.747.

9 Ban Tu thư Khai trí. 1971. Tự điển Việt Nam (越南字典). Nhà sách Khai-Trí, 62 Lê-Lợi, Saigon. P.515.10 Bửu Kế. 1999. Từ điển Hán Việt từ nguyên. Nxb Thuận Hóa. Huế. tr.1066.11 Từ điển Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa của Pháp Tính thế kỷ XVII ghi: “Xá lị linh cốt thầy tu.”

 

Tác giả

(Visited 65 times, 1 visits today)