Kirill Petrenko: Khởi đầu một triều đại mới ở Berlin Philharmonic

Khác với những vị nhạc trưởng tiền bối, Kirill Petrenko, tân nhạc trưởng chính của Berlin Philharmonic, không chỉ tránh né các cuộc phỏng vấn và thu âm mà còn nghiêm khắc với các nghệ sỹ. Tuy nhiên, các nghệ sỹ vẫn hết sức yêu quý anh.

 



Các nghệ sỹ từng làm việc với Kirill Petrenko đều rất yêu quý anh.



“Người lạ” trên bục chỉ huy

Có những điều đã trở thành chuẩn mực trong các hoạt động của một maestro (bậc thầy) song Kirill Petrenko – người vừa bước lên một trong những vị trí danh giá nhất giới nhạc cổ điển: nhạc trưởng chính của dàn nhạc Berlin Philharmonic – đơn giản là không làm theo. Anh không trả lời phỏng vấn báo chí cũng không hay chuyện phiếm với các nghệ sỹ. Anh hầu như không phát hành bất kỳ bản thu âm nào mà chỉ giới hạn công việc chỉ huy của mình với một vài dàn nhạc chọn lọc.

Thật khác lạ là trong thời đại tự quảng bá một cách phô trương trên Instagram, không hình ảnh nào của anh trên các áp phích quảng cáo cho buổi biểu diễn ngoài trời bản giao hưởng số 9 của Beethoven mà anh chỉ huy vào tối thứ Bảy ngày 24/8/2019 vừa qua tại Cổng Brandenburg, mặc dù đây là buổi ra mắt chính thức nhiệm kỳ chỉ huy dàn nhạc bậc nhất thế giới của anh. Thật bất ngờ là buổi hòa nhạc lại thu hút một đám đông công chúng tham dự.

“Tôi thích nói bằng tác phẩm trên bục chỉ huy hơn”, anh từng lịch thiệp giải thích như vậy tại một cuộc họp báo năm 2016 khi ký hợp đồng với Berlin Philharmonic. Giờ đây khi đảm nhiệm vị trí – gia nhập một điện Pantheon của  âm nhạc Đức với những vị tiền bối như Wilhelm Furtwängler, Herbert von Karajan, Claudio Abbado và Simon Rattle – Petrenko, 47 tuổi, đang khiến các cuộc thảo luận về vai trò của một nhạc trưởng trong âm nhạc hiện đại trở nên phức tạp. Trường phái cũ của những maestro “hầm hố” và xa cách nay được thế hệ mới các “anti-maestro” (phản bậc thầy), những người theo chiều hướng ngược lại, coi việc tiếp cận tất cả mọi người là tâm điểm công việc của mình, kế tục. Liệu xu hướng đó có biến Petrenko, vốn thích tập trung vào âm nhạc thuần túy và kịch mục chuẩn mực– thành một kiểu “anti-anti-maestro”(siêu phản bậc thầy) hay không?

“Là người lôi cuốn và giàu sức thuyết phục song anh ấy lại rất e thẹn”, Tổng Giám đốc Nikolaus Bachler của Nhà hát Opera Bavaria ở Munich, nhận xét. Cách đây hơn hai thập kỷ, khi còn là giám đốc Vienna Volksoper (Nhà hát Nhân dân Vienna), Nikolaus Bachler đã trao cho Petrenko vị trí chỉ huy đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Khi Nhà hát Opera Bavaria, nơi Petrenko kết thúc một giai đoạn hoạt động nghệ thuật với vai trò giám đốc âm nhạc, muốn có một bức chân dung Petrenko thì rút cục cũng chỉ có được một video trình chiếu đôi bàn tay anh đang chỉ huy vở Götterdämmerung (Hoàng hôn của những vị thần) của Wagner.

Có vẻ khó tính như vậy nhưng dường như ít người biết rằng, ở hậu trường, Petrenko lại là người rất dễ chịu và các nghệ sỹ thích làm việc với anh. Ngôi sao giọng tenor Jonas Kaufmann nói rằng, thi thoảng các buổi biểu diễn cũng gặp trục trặc và những lúc như vậy thì, không ai trong hố nhạc khiến anh cảm thấy yên tâm hơn Petrenko.

“Tôi từng ép anh ấy uống bia với mình,” Kaufmann kể. Một đêm, khi Petrenko muốn chuyện gẫu về một dự án sắp tới, Kaufmann đã gợi ý về một vại bia bên kia đường sau buổi biểu diễn. “Anh ấy đến, gọi một cốc bia nhỏ xíu rồi trò chuyện,” Kaufmann nhớ lại. “Có lẽ anh ấy nói trong vòng 10 phút mà không chạm vào ly bia. Sau đó anh ấy cầm cốc bia lên uống liền một hơi” – Kaufmann làm điệu bộ nốc cạn – “rồi bảo, ‘được thôi, chúc buổi tối vui vẻ’ theo kiểu người chỉ ‘mượn’ bia để trò chuyện cho dễ.”

Một sự nghiệp khởi đầu thầm lặng

Kirill Petrenko chào đời tại Omsk, Siberia, nơi anh từng kể là “trẻ nhỏ có thể ở nhà khi nhiệt độ xuống âm 34 độ; trẻ lớn hơn cũng phải tê liệt cho tới khi nhiệt độ chạm tới âm 38 độ.” Gia đình anh đều là những người làm âm nhạc: cha là concermaster (bè trưởng bè violin 1) của dàn nhạc địa phương, còn mẹ là một biên kịch. Anh từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, vào năm bốn tuổi, anh thường được cha mẹ mang theo tới chỗ làm và lần đầu tiên trông thấy một nhạc trưởng. “Ông ấy đã làm tôi tê liệt, vì với những gì đọng lại trong đôi mắt và tai, tôi thấy đây là người đã tạo ra những âm thanh hay nhất mà mình từng nghe. Và tôi nhận ra: nếu sau này muốn trở thành ai đó thì tôi chỉ muốn trở thành con người như thế này.”

Gia đình anh rời Siberia – họ nằm trong số nhiều người Do Thái Nga rời khỏi đất nước vào thời điểm đó – và chuyển đến Áo khi anh 18 tuổi. Petrenko tiếp tục học nhạc tại Vienna. Khi tốt nghiệp, Bachler, lúc đó là giám đốc của Volksoper, đã thuê anh làm giảng viên và nhạc trưởng. “Khi anh ấy lần đầu tiên đảm nhiệm một buổi diễn tập cho các nhạc công, tôi đã ở đó,” Bachler kể. Tôi đứng dậy, quan sát công việc mà anh chàng này đang làm. Giây phút đầu tiên đó đã thật đặc biệt.”

Điểm dừng chân tiếp theo của anh là Meiningen, một nhà hát nhỏ giàu truyền thống của Đức và là nơi anh trở thành tổng giám đốc âm nhạc khi chưa đầy 30 tuổi và nếm trải thành công lớn đầu tiên trong sự nghiệp khi chỉ huy chùm opera sử thi Ring đầy rẫy những đòi hỏi khắt khe của Wagner. Nguyên tắc làm việc của Petrenko đã bắt đầu được chú ý khi anh chuyển sang vị trí tiếp theo, giám đốc âm nhạc của Komische Oper Berlin. Andreas Homoki, khi ấy là tổng giám đốc của nhà hát này, đã mời đội ngũ diễn vở Der Rosenkavalier (Hiệp sĩ hoa hồng) của Richard Strauss tới một bữa tiệc vào ngày nghỉ trước buổi tổng duyệt. “Anh ấy nhìn tôi như thể tôi bị điên,” Homoki kể. “Vì anh ấy đã ngồi làm việc đến quá nửa đêm, tận 3 hoặc 4 giờ sáng, nghe lại một bản thu âm buổi diễn tập và viết những chỉ dẫn vào những bản phân phổ cho các nhạc công.”





Màn ra mắt của Kirill Petrenko với dàn nhạc Berlin Philharmonic đã thành công với sự theo dõi của đông đảo khán giả. 

Cách chỉ huy của Petrenko đã giúp Munich trở thành nơi cuốn hút bậc nhất của opera thế giới. Nhưng dù nhiều màn trình diễn của anh đã được quay phim để phát sóng trực tiếp nhưng anh vẫn không sẵn lòng cho phát hành kiểu thương mại. Bachler nhớ lại lần đề nghị Petrenko cân nhắc việc phát hành một vở trên đĩa DVD: “Anh ấy bảo ‘để tôi nghe đã’ rồi từ chối ‘không, chúng ta không thể. Vì có tới 85 lỗi, và đó chỉ là những lỗi do tôi mắc phải.’”

Xuất sắc và cẩn trọng đến từng chi tiết như vậy nhưng việc được Berlin bổ nhiệm là một bất ngờ với chính Petrenko, về sau anh kể lại là mình đã bị sốc.

Không như các dàn nhạc khác, Berlin Philharmonic là một dàn nhạc tự quản và các nghệ sỹ chứ không phải người quản lý có quyền sa thải và chọn thuê nhạc trưởng cho mình. Khi các nghệ sỹ tụ họp lần đầu vào năm 2015 để bầu nhạc trưởng kế nhiệm Simon Rattle, người đã nỗ lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa dàn nhạc bằng nhiều sáng kiến số hóa âm nhạc và lên những chương trình phát triển âm nhạc táo bạo – thoạt tiên, họ đã không đồng thuận. Các ứng cử viên được thảo luận nhiều nhất, ít nhất là công khai, bao gồm Christian Thielemann và Andris Nelsons, song Petrenko, được kính trọng vì cách làm việc của anh với nhạc mục Trung Âu thời kỳ Lãng mạn, luôn được chú ý.

Một tháng sau đó, các nghệ sỹ đã họp mặt lần nữa và bầu Petrenko – người mới chỉ biểu diễn cùng ba lần song đã khiến họ thán phục. Đã có biểu hiện chua chát khi vài tường thuật trên báo chí Đức lưu ý Petrenko có thể sẽ là nhạc trưởng người Do Thái đầu tiên của Berlin Philharmonic, nhưng sớm bị chỉ trích vì thái độ bài Do Thái.

Tuy nhiên, việc một nhạc trưởng không sẵn sàng thu âm có vẻ là một sự kỳ quặc ở Berlin Philharmonic, bởi từ lâu họ đã là một trong những dàn nhạc phát hành nhiều CD nhất thế giới. Gần đây, dàn nhạc còn khởi tạo nhãn hiệu riêng của mình, cũng như một nền tảng phát trực tuyến, Phòng hòa nhạc kỹ thuật số (Digital Concert Hall).

Nhưng Petrenko đang dần thay đổi để thích ứng với điều đó. Anh đã cho phép phát hành bản thu âm đầu tiên của mình với dàn nhạc, bản Giao hưởng số 6 của Tchaikovsky, và có vẻ thoải mái làm chủ Phòng hòa nhạc kỹ thuật số, thậm chí còn cho phép các nghệ sỹ của mình trả lời một số cuộc phỏng vấn về việc này. Anh cũng đang lên kế hoạch cho một số hoạt động tiếp cận khán giả, bao gồm việc mời những sinh viên hàng đầu tham gia diễn vở Suor Angelica (Sơ Angelica) của Puccini tại Tempelhof, một sân bay cũ của Berlin và trong tương lai, chỉ huy cả các buổi hòa nhạc gia đình (family concert) – buổi biểu diễn cho phép trẻ em tham gia.

Trong buổi diễn tập đầu tiên bản Giao hưởng số 9 của Beethoven, nhạc trưởng Petrenko đã đề nghị: nếu các nhạc công quan sát được mọi chỉ dấu về cường độ trên phân phổ của mình, họ có thể được phép nghiên cứu sâu hơn vào các tầng mức biểu hiện khác của âm nhạc. Nghệ sỹ violin Matthew Hunter kể: “Anh ấy nói ‘chỉ cần sẵn lòng làm điều này thì chúng ta có thể nói về những điều không có trên trang nhạc. Đó là những điều chúng ta thực sự cần đề cập đến trong quá trình tập luyện.”

Petrenko luôn dễ dàng chuyển đổi chủ đề từ các chi tiết trong tổng phổ bản giao hưởng số 9 đến các thảo luận về Beethoven hay Kant, những ý niệm về sự vô hạn. Anh tin rằng, bản giao hưởng này không chỉ phản ánh những khía cạnh tinh thần tích cực – dĩ nhiên nó nổi tiếng nhờ phần hợp xướng “Tụng ca niềm vui” – mà còn phản ánh những khía cạnh tiêu cực của con người nữa. Ông mô tả một khoảng tạm dừng ở chương kết như một khoảnh khắc im lặng để tưởng niệm những người chết, những người đã ngã xuống, những người bị sát hại. Và ông đặc biệt quan tâm đến việc có thể nghe thấy hợp xướng hát từ “stürzt nieder” (“ngã xuống”). “Nếu đếm số lần mình đã chơi bản Giao hưởng số 9 thì có phải con số này là 99 lần không? Bao nhiêu lần người ta có thể rơi lệ? Mỗi lần chơi, tôi lại thấy những giọt nước mắt mới,” Hunter thổ lộ.

Khi bắt đầu làm việc ở Berlin Phiharmonic, Petrenko không ngại thúc ép các nghệ sỹ điêu luyện, và khét tiếng là ương ngạnh. Matthew McDonald, nhạc công bè trưởng bè double bass cho biết: “Những gì chúng tôi làm nhiều nhất là lặp đi lặp lại một đoạn cụ thể cho đến khi chơi được một cách chính xác, đây là điều trước đây chúng tôi chưa từng thực hiện khi làm việc với nhiều nhạc trưởng khác. Thậm chí có nhiều đoạn chúng tôi đã tập ít nhất bảy lần liên tiếp. Tôi thấy rất hài lòng vì đó cũng là cách bạn làm việc trong phòng tập: bạn cần tập đi tập lại cho đến khi đạt thì thôi.”

Hiện giờ dàn nhạc đang cố gắng biến sự bí ẩn của Petrenko – và thực tế là bên ngoài nước Đức thì anh vẫn còn ít được biết đến – thành một lợi thế để bán vé. Chiến dịch giới thiệu sử dụng từ khóa #PetrenkoLive kêu gọi mọi người hãy cùng trải nghiệm năng lượng âm nhạc lớn lao của anh. Dàn nhạc hy vọng, chính sự khan hiếm của danh mục thu âm của anh sẽ thu hút những người tò mò tìm đến Phòng hòa nhạc kỹ thuật số để nghe anh chỉ huy.

Buổi biểu diễn ra mắt chính thức của Petrenko vào thứ Sáu ngày 23/8/2019 tại phòng hòa nhạc Philarmarmie, kết hợp bản giao hưởng của Beethoven với giọng nữ cao Marlis Petersen, một nghệ sỹ yêu thích của Petrenko và là nghệ sỹ đầu tiên ông mời cộng tác khi sống ở Berlin, hát tổ khúc “Lulu” của Berg, được phát trực tuyến qua internet và tới 145 rạp hát. Đêm diễn hôm sau tại Cổng Brandenburg cũng được truyền hình trực tiếp.

17 năm trước khi nhạc trưởng Simon Ratte lên vị trí nhạc trưởng, các tấm áp phích ghi hình ông đã giăng khắp Berlin với dòng chữ “Chào mừng Sir Simon!”, nay việc giới thiệu Petrenko tinh tế hơn rất nhiều. Hôm thứ Bảy, sau khi những giai điệu cuối cùng của “Tụng ca niềm vui” tan nhòa, ca sĩ Filipe Faustino 24 tuổi đến từ Hà Lan phát biểu cảm tưởng rằng âm nhạc như “rót mật vào tai”. Nhưng khi được hỏi liệu anh có biết buổi biểu diễn này nhân dịp gì không, anh ngừng lại đôi chút rồi hỏi lại “Năm Beethoven chăng?”, ám chỉ về dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven sắp tới. Sau Faustino một chút, Brigita Gerkeept, 69 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu, từng nghe Berlin Philharmonic kể từ triều đại của Karajan – người đã biến mình thành một ngôi sao truyền thông toàn cầu, tỏ vẻ vui thích và bị hút vào Petrenko và cách tiếp cận của anh, “tôi nghĩ  rằng lắng nghe người trầm lặng là phải lắm.” □

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/2019/08/26/arts/music/berlin-philharmonic-conductor-kirill-petrenko.html

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)