Vẫn giữ tục xưa
Dù đang sống ở nước Mỹ thế kỷ 21, nhưng người Hmong ở đây vẫn giữ tục thách cưới. Nhà trai thường phải nộp cho nhà gái một khoản tiền cheo, đôi khi lên đến 25.000 USD nếu cô dâu tốt nghiệp ĐH Standford.
Theo văn hóa truyền thống của người Hmong, nhà trai và nhà gái sẽ cùng bàn bạc về khoản tiền cheo, thường vào khoảng 5.000 – 8.000 USD, đôi khi lên đến 25.000 USD, trong trường hợp cô dâu tốt nghiệp ĐH Standford. Từ hàng nghìn năm nay, người Hmong đã quen với tục thách cưới. Trong trường hợp hôn nhân đổ vỡ, và nếu những người đứng đầu dòng họ kết luận, đó là lỗi của cô dâu, thì nhà gái sẽ phải hoàn lại toàn bộ tiền cheo. Do người Hmong đã ít nhiều Mỹ hóa nên vấn đề tiền cheo ngày càng gây tranh cãi. Người ta đã được nghe kể không ít trường hợp các cặp trai gái Hmong rủ nhau trốn đi khỏi nhà vì hai bên gia đình không thể thỏa thuận về tiền cheo, những thanh niên Hmong tự tử vì không cưới được người mình yêu, và cả những đám cưới không còn theo tục lệ này nữa.
Năm ngoái, Hội đồng các dòng họ Hmong đã họp ở thành phố Fresno (California), nơi hiện đang sinh sống khoảng 70 nghìn trên tổng số 300 nghìn người Hmong ở Mỹ, để tìm cách hạn chế tối đa những mâu thuẫn do tục thách cưới gây ra. Tháng 9 năm 2005, đại diện của 18 dòng họ trong Hội đồng đã bàn bạc thống nhất với nhau rằng, tiền cheo sẽ cố định ở mức 5.000 USD, cộng thêm 800USD phụ phí. Quy định này sau đó được in trong cuốn sách “Hướng dẫn các phong tục văn hóa truyền thống của người Hmong”, do 500 người đứng đầu các dòng họ nhất trí thông qua với mong muốn, nó sẽ được phổ biến đến cộng đồng người Hmong trên khắp nước Mỹ. Cuốn sách, hoàn thành với sự giúp đỡ của hai luật sư ở TP Fresno, đặt ra hai mục tiêu rõ rệt là bảo tồn và chuẩn hóa các nghi lễ Hmong truyền thống khi tổ chức ma chay, cưới xin, cúng bái…
Nhưng cũng có người nói rằng, cuốn sách chỉ làm cho mọi chuyện trở nên rắc rối hơn. Ít nhất đã có bốn cặp trai gái Hmong ở thành phố Sacramento không thể nên vợ nên chồng hồi năm ngoái, vẫn bởi những bất đồng về vấn đề tiền cheo – Victor Vang, một doanh nhân đã góp phần soạn thảo cuốn sách cho biết như vậy. Ông Vang và những người đứng đầu dòng họ thậm chí còn thảo ra một mẫu thư do thẩm phán thành phố Fresno là bà Sandra Smith ký, yêu cầu những gia đình thách cưới nhiều hơn 5.000 USD hoàn lại số tiền thừa. Tuy nhiên, bà Smith cho rằng: “Không có điều luật nào buộc họ phải tuân theo các quy định này. Tôi cũng không nghe nói sẽ có bất kỳ hậu quả nào trong trường hợp người ta không tuân theo quy định”.
Theo ông Xia Kao Vang, Chủ tịch Cộng đồng các gia đình Lào ở thành phố Sacramento, khoảng một nửa các gia đình Hmong mà ông biết, đã làm theo quy định mới về tiền cheo. Tuy nhiên, cũng không ít người Hmong ở Mỹ cho rằng mình rơi vào thế bị áp đặt khi những người soạn thảo ra cuốn sách không cho họ cơ hội phản hồi ý kiến hoặc tranh luận. Bản thân họ vẫn quan niệm, tiền cheo phải được quyết định tùy từng trường hợp cụ thể.
“Con gái tôi đáng giá hơn 5.000 USD chứ”, Fong Thao, một người bán sách ở TP Suisun (California) có đến 10 con gái trong tổng số 13 người con, hùng hồn tuyên bố như vậy. “Không phải ai sinh ra cũng giống nhau”. Ông Thao, năm nay 43 tuổi, có hai con gái vừa lấy chồng với tiền cheo 7.000 USD. “Nếu con gái anh giỏi giang, được giáo dục tốt và biết vâng lời thì cha mẹ có quyền đòi hơn 10.000 USD. Còn nếu con gái anh đã vụng về lại ương ngạnh thì tốt nhất không nên đòi hỏi gì.”
Neo Nrhiav, 16 tuổi, chuẩn bị trang phục để dự Tết cổ truyền của người Hmong vừa rồi (18/12/2006).
|
Vợ của ông – bà Pang Vang – cũng không đồng ý với quy định mới: “Như thế là không được – liệu chúng tôi có phải điều chỉnh con số đó cho phù hợp với tình hình lạm phát hay không?”
Bà May Ying Ling, một phụ nữ Hmong nổi tiếng, Chủ tịch Hiệp hội di sản Hmong ở thành phố Sacramento, cho rằng, tục thách cưới tự bản thân nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Theo bà, từ góc độ văn hóa, đây là một cử chỉ đẹp để bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình nhà gái. Tiền cheo cao, cho thấy cô gái đó được nuôi dạy trong một gia đình tốt, và có đầy đủ phẩm hạnh cần thiết. Nhưng tiền cheo cao cũng tạo sức ép đối với cô dâu, người sau đó tự thấy có trách nhiệm phải giữ cho cuộc hôn nhân êm ấm bằng mọi giá. “Nếu có điều gì không hay xảy ra thì bao giờ cũng là lỗi của cô dâu, cô sẽ bị đem trả về cho nhà đẻ, còn bố mẹ cô phải hoàn lại tiền cheo. Khi gia đình lục đục, câu cửa miệng mà các cô dâu thường phải nghe chồng nói là, “Tôi đã mua cô về làm vợ”, và còn tồi tệ hơn khi bố mẹ chồng nhắc nhở “Nên nhớ, chúng tôi đã mua cô về”.
“Đó là một truyền thống tốt đẹp nhưng cũng bị nhiều người lạm dụng để đưa ra những cái giá thách cưới trên trời. Tuy nhiên, với khoản tiền cheo 800 USD thì tôi khác nào một món hàng hạ giá,” bà Ly nói đùa. Tuy nhiên, bà Ly và chồng không có ý định đòi tiền cheo cho đám cưới trong tương lai của cô con gái năm nay mới 17 tuổi.
Tony Vang, một vị giáo sư ở thành phố Fresno kể rằng, năm ngoái, khi con gái ông lấy chồng, ông đã không nhận một đồng nào của nhà trai. “Tôi hiểu, đôi trẻ còn rất nghèo. Mặc dù có bằng cấp đầy đủ, nhưng chúng chỉ mới chân ướt chân ráo vào nghề và mới bắt đầu cuộc sống. Nên nhớ, chúng ta đang sống ở nước Mỹ thế kỷ 21 và bọn trẻ phải đối mặt với những thách thức khác với cách đây 30 năm khi chúng ta sống ở Lào”. Ông nhấn mạnh, “Nếu con gái tôi lấy chồng mà tôi nhận 8.000 USD thì không thể gọi là đủ. Tôi phải nhận một triệu đô mới thấy đáng”.
Khi một gia đình phải trả 8.000 USD để cưới vợ cho con thì đó không phải là cuộc “trao đổi” nhẹ nhàng. Họ thường hy vọng sẽ được nhận lại ít nhất là khoản tiền tương đương khi gả con gái, đặc biệt trong trường hợp chàng rể cùng dòng họ với con dâu mình. Điều này đã xảy ra với Chang Vang, một anh chàng Hmong 23 tuổi ở TP Sacramento: cuộc hôn nhân của anh với cô bạn gái 20 tuổi đang có nguy cơ bị tan vỡ chỉ vì nhà gái đòi tiền cheo cao. Gia đình Vang muốn gia đình nhà gái làm theo quy định mới về tiền cheo – tức là không quá 5.000 USD. Trong khi đó, gia đình nhà gái lại muốn 6000USD cộng với 800USD phụ phí. Bản thân Vang không muốn theo tục thách cưới. Anh nói, truyền thống chỉ có giá trị trong quá khứ, bởi các bậc phụ huynh ngày nay thường hay lẫn lộn vấn đề nội bộ gia đình với hôn nhân.
Mẹ vợ tương lai của anh, bà Ker Lo thì quả quyết, tục thách cưới vẫn còn nguyên giá trị vì nó cụ thể hóa thành quả nuôi dạy con gái của mỗi người mẹ. Bà muốn khoản tiền cheo cao hơn quy định, bởi như bà giải thích, nuôi dạy con gái là thử thách lớn nhất trong đời bà. “Tôi sinh nó ở Thailand, khi đó tôi không có sữa nên nuôi nó vất vả hơn những đứa con sinh ở Mỹ sau này”, bà Lo nói. “Bây giờ nếu chúng không trở về làm đám cưới thì đừng coi tôi là mẹ nữa”.
Mỗi nhà đều bảo đang đợi nhà kia bắt đầu lại cuộc bàn thảo về tiền cheo. Chỉ có đôi trẻ đã quyết làm đám cưới mà không cần quan tâm, đó có phải là đám cưới kiểu Hmong hay không.
ảnh trên cùng: Neng Vang, 21 tuổi, ở St Paul, Minnesota ném pao (trò chơi trong dịp Tết cổ truyền của người Hmong, còn là một hình thức giao duyên) bằng bóng tennis, thay vì làm từ vải cuốn.