Đón đọc Tia Sáng số 5 tháng 3/2024

Mặc dù không quá hào hứng với những dịp kỷ niệm, vốn dễ bị lái theo các hoạt động mang tính hình thức hào nhoáng, rùm beng, không phản ánh thực chất nhưng Tia Sáng số này đã có một chuyên đề đáng đọc về nữ giới và bất bình đẳng giới.

Tại sao chúng ta phải chú ý đến bất bình đẳng giới? phụ nữ chả phải đã được xã hội loại bỏ rất nhiều thứ gánh nặng trên vai để có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, và hơn nữa, tự tạo được một sự nghiệp của riêng mình? Những thông tin lạc quan, những con số thống kê đã nói được nhiều điều và vẽ lên những gam màu tươi sáng trên bức tranh bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn có những góc khuất, những thứ không dễ bóc tách, phân định và chỉ ra được một cách chuẩn xác.

Đây chính là đất để các nhà khoa học dọi thấu kính của mình vào, tìm ra những điểm chính trong một sơ đồ chồng chéo những mối quan hệ, cả hiển thị rõ ràng lẫn lẩn khuất, và đưa ra câu trả lời.

“Phía dưới quyền lực của đàn ông: Nho giáo và nền kinh tế của phụ nữ”, một cái nhìn xuyên suốt nhiều thế kỷ của PGS. TS Trần Trọng Dương cho chúng ta thấy “là một nét hằng xuyên của văn hóa Việt Nam trong nhiều thế kỷ, cho đến nay đã thành một căn tính, dù ở ý hệ khác, và dù trong điều kiện hòa bình”.

Chúng đọc sử đất nước, chúng ta nhớ về những người anh hùng ngoài chiến trận nhưng chúng ta không thấy rằng “Khi xã hội hoạt động theo cơ chế thời chiến, thì nền kinh tế được vận hành bởi phụ nữ. Khi đàn ông dành cả đời trong quân ngũ và quan trường, thì đàn bà làm chủ gia đình, vừa phải mưu sinh/ làm giàu, vừa phải sinh nở, nuôi nấng dạy dỗ con cái, và điều hòa các mối quan hệ gia đình, họ tộc, cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Phụ nữ trở thành trung tâm của đời sống xã hội, và kỳ thay, dưới tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, đó là vị thế “trung-tâm- từ- bên- dưới”.

Câu chuyện về nền kinh tế của phụ nữ không chỉ thú vị về góc nhìn mới mẻ mà còn ẩn chứa những hiểu biết sâu sắc và nhân bản về người phụ nữ.

Có nhiều đóng góp là vậy nhưng cho tới hiện nay thì vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại vẫn còn quá khiêm tốn. “Khi luật pháp vắng góc nhìn nữ giới” của TS. Trịnh Thục Hiền đặt ra câu hỏi “Pháp luật hiện đại đã điều chỉnh bình đẳng giới. Nhưng sự điều chỉnh đó đã đầy đủ hay chưa, và liệu có phản ánh được tiếng nói, quan điểm, kinh nghiệm và vai trò của phụ nữ trong xã hội?”.

Tại sao tác giả lại đặt ra vấn đề này? Chị nêu quan điểm của mình “nền tảng của các chuẩn mực pháp lý sẵn có phải chăng được tạo lập trên tư tưởng gia trưởng và diễn ngôn của nam giới”, trên những “tư tưởng và khái niệm pháp lý đã được hình thành từ rất lâu. Một số lĩnh vực pháp luật có thể cho thấy trong chừng mực nào đó sự ảnh hưởng của các quan điểm gia trưởng hoặc đặc trưng cho nam tính”.

Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận sự việc hiện tượng một cách không thấu đáo thì có thể đã bỏ lỡ nhiều yếu tố cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên, không phải bao giờ vấn đề cũng hiển hiện trước mắt, ngược lại, nó ẩn sâu bên trong rất nhiều mối quan hệ, liên quan đến rất nhiều tham số. “Sự nghiệp của phụ nữ: Tổn thất khi có con”? của TS. Đặng Đình Thắng cho chúng ta thấy vô cùng gian nan để xác định được sự thiệt thòi của phụ nữ trên thị trường lao động, đặc biệt khi có con. Tổn thất khi có con đã được lượng hóa và chứng minh trong một nỗi buồn mênh mông: đến bao giờ thì phụ nữ mới thôi hết thiệt thòi?

Nhưng thôi, đó còn là cả một tương lai, một tương lai rộng lớn có quá nhiều vấn đề cho chúng ta: quyền riêng tư ở nhiều khía cạnh, sự ứng xử với AI, biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm… Chúng ta có thể tìm thấy những điều mình quan tâm, cả những vấn đề nghiêm trọng của xã hội hiện đại và cả những vẻ đẹp mong manh của cuộc sống trong số báo này: “Sự nguy hiểm của chiến lược thu thập dữ liệu gen trên diện rộng” (Phan Dương Hiệu); “Hóa giải chuyện ‘rừng luật’ chồng chéo” (Võ Thị Hải Minh); “Trong những giấc mơ thời gian” (Tô Vân); “AI không có thật” (Nguyễn Hoàng Thạch dịch); “Các xã hội sụp đổ: Bài học cho nhân loại” (Cao Hồng Chiến lược thuật); “Kiến trúc đô thị (Kỳ 4): Cửa ô và cửa ngõ đô thị” (Vũ Hiệp); “Hành trình hiểu nhân vật phản diện” (Thùy Cốm); “Từ Wim Wenders đến Haruki Murakami: Sự kỳ diệu của thói quen” (Hiền Trang); “Bây giờ là bây giờ. Lần tới là lần tới” (Vũ Ánh Dương); “Nhạc trưởng Seiji Ozawa – Người tiên phong” (Ngọc Tú).

Vậy tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này.

BBT Tia Sáng

———————————-

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)