Giảm hơn 90% tải lượng phù sa, hạ lưu sông Hồng suy thoái nghiêm trọng 

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do hệ thống thủy điện, hồ chứa và khai thác cát trên sông Hồng.

Mùa khô, nước ở hạ du sông Hồng giảm thấp và có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Nguồn ảnh: Hà Nội mới.

Tính toán của chúng tôi đã cho thấy hệ thống đập và hồ chứa thượng nguồn giữ lại trầm tích, dẫn đến lượng phù sa đổ về vùng hạ du suy giảm 91% trong vòng 64 năm (đo đạc được tại trạm Sơn Tây, dữ liệu từ năm 1958 đến 2021). Cụ thể, giai đoạn trước khi đập thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành (12/1988), lượng phù sa đổ về được đo đạc tại trạm Sơn Tây khoảng 115 triệu tấn/ năm (giai đoạn 1958-1988). Sau khi đi vào vận hành đập thủy điện Hòa Bình, lượng phù sa đổ về hằng năm đo được tại Sơn Tây là 49 triệu tấn/ năm (giai đoạn 1989-2008), suy giảm hơn 57%. Từ tháng 12/2008, sau khi sáu đập lớn khác được xây dựng phía thượng nguồn thì lượng phù sa đổ về chỉ còn 10 triệu tấn/ năm (giai đoạn 2009-2021), suy giảm xấp xỉ 80%.

Suy giảm tải lượng phù sa gây ra nhiều tác động tới hạ lưu sông, trong đó dáng chú ý nhất là hiện trạng xói lở. Khu vực giữa các cửa sông của hệ thống sông Hồng, đặc biệt là khu vực đường bờ biển Hải Hậu, Nam Định, với độ dài khoảng 25km, đang bị xói lở nghiêm trọng với tốc độ 15 m/năm. Ngoài tác động chính do thiếu hụt lượng phù sa đổ về từ sông để bù đắp lại các tác động xâm thực từ biển, sóng, bão…, thì vùng đồng bằng sông Hồng cũng bị sụt lún kết hợp nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Quá trình đô thị hóa, khai thác nước ngầm quá mức đang làm giảm cao độ tầng nước ngầm, dẫn đến xuất hiện các quá trình lún cục bộ. Việc kết hợp ảnh vệ tinh Radar và tính toán cho thấy khu vực từ cửa Hà Lạn, Nam Định tiến ra phía Bắc đến khu vực Hải Phòng đang bị sụt lún với tốc độ từ 0.1 mm đến hơn 10 mm/năm. Mực nước biển theo tính toán ở vùng biển vịnh Bắc Bộ đang dâng lên với tốc độ 2.24 mm/năm. 

Hình: Suy giảm phù sa sông Hồng và lượng phù sa trong một đơn vị thể tích (g/m3) trong vòng 64 năm, đo đạc tại trạm Sơn Tây. Nguồn: Quang và cộng sự 2023a,b,c.

Nghiên cứu chập các mặt cắt trên sông Hồng cũng cho thấy lòng dẫn bị hạ thấp ở mức đáng báo động. Trên luồng chính của sông, tại trạm Yên Bái, từ năm 2005 đến 2022, lòng sông thay đổi đáng kể, đáy sông hạ khoảng với tốc độ 5 cm/ năm. Tại trạm Sơn Tây, lòng sông bị hạ đáy với tốc độ 15 cm/ năm. Đặc biệt là tại trạm Vụ Quang, lòng dẫn bị sâu với tốc độ 80 cm/ năm. Đo đạc của các nhóm khác ở khu vực thấp hơn, lòng dẫn sông Hồng cũng bị hạ thấp nghiêm trọng và mở rộng nhiều: Từ năm 2009 đến 2018, riêng lòng dẫn sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Hà Nội ngày càng hạ thấp và mở rộng, với tốc độ trung bình lòng dẫn chính mở rộng 10 ÷ 20 m/năm, và đáy sông bị xói sâu 0,2 ÷ 0,5 m/năm. Việc biến đổi lòng dẫn chủ yếu do hoạt động khai thác cát, các vị trí (khu vực) có biến đổi lòng dẫn lớn là những điểm khai thác cát với lượng lớn. 

Như vậy, khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ đang rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, khi trầm tích đổ về từ thượng nguồn bị suy giảm, kết hợp lún sẽ làm mất đất ven biển cũng như xâm mặn vào sâu trong đất liền ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tưới tiêu nội đồng. Đáng chú ý nhất là khu vực ven biển từ cửa sông Hà Lạn đến cửa Văn Úc, Hải Phòng đang chịu tác động kép từ sụt lún và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Lượng phù sa đổ về thiếu hụt để bù đắp lại các tác động từ biển (sóng, gió, ngập lụt do thủy triều cao và bão). 

Do đó, cần có chương trình quản lý phát triển bền vững khu vực này và có tích hợp với các nguy cơ đã nêu. Ví dụ khi xây dựng đê biển cần tính toán tốc độ lún và mực nước biển dâng để nâng cao trình đê tương ứng. Đồng thời, cần thúc đẩy các giải pháp bảo vệ khu vực ven biển khỏi nước biển dâng, lũ lụt và xói mòn ven biển dựa vào thiên nhiên đang được nghiên cứu và áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Các giải pháp tiêu biểu có thể kể đến như bảo vệ “bờ biển sống” – các đai rừng ngập mặn – vừa giúp bảo vệ bờ biển, giữ các cồn cát, vừa phục hồi môi trường sống của động/ thực vật bản địa.□

——–

Tài liệu tham khảo:

Quang, N.H, Viet, T. Q., Thang, H. N., Hieu T.D.H, (2024), Long-term water level dynamics in the Red River basin in response to anthropogenic activities and climate change, Science of the Total Environment.

Quang, N. H., Thang, H. N., Banno, M., Van An, N., Viet, T. Q., & Luan, N. T. (2023a). Seasonal variations of sediment load related to all large damming in the Red River system: A 64‐year analysis. Earth Surface Processes and Landforms.

Quang, N. H., Loc, H. H., & Park, E. (2023b). Characterizing sediment load variability in the red river system using empirical orthogonal function analysis: Implications for water resources management in data poor regions. Journal of Hydrology624, 129891.

Quang, N. H., Thang, H. N., Van An, N., & Luan, N. T. (2023c). Delta lobe development in response to changing fluvial sediment supply by the second largest river in Vietnam. CATENA231, 107314.

Quang, N. H., & Takewaka, S. (2023d). Historical reconstruction of shoreline evolution at the Nam Dinh Coast, Vietnam. Coastal Engineering Journal65(1), 3-20.

Quang, N. H., & Takewaka, S. (2020). Land subsidence and its effects on coastal erosion in the Nam Dinh Coast (Vietnam). Continental Shelf Research207, 104227.

http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=5218

Hue, N. H. (2019). Phân tích diễn biến lòng dẫn sông hồng đoạn từ sơn tây đến trạm thủy văn Hà Nội. Tạp chí khoa học và công nghệ thủy lợi số 53.

Huân, T. N., Trang, N. T., Thang, P. T., Hung, L. V. (2016). Phân tích đánh giá diễn biến lòng dẫn sông hồng đoạn từ trạm thủy văn Sơn Tây đến trạm thủy văn Hà Nội.

——

TS. Nguyễn Hào Quang, Phòng Động lực trầm tích ven biển và cửa sông, Viện Nghiên cứu cảng và sân bay, Yokosuka, Nhật Bản. 

Tác giả

(Visited 42 times, 1 visits today)