TP.HCM: Cần quan tâm đến yếu tố nào trong quy hoạch y tế?
Việc tối ưu hóa vị trí và phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe số sẽ là cơ sở để góp phần tăng cường cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng của các dịch vụ y tế tại TP.HCM.
Đó là một phần kết luận được các nhà nghiên cứu Việt Nam và Phần Lan nêu trong bài báo “Service quality and accessibility of healthcare facilities: digital healthcare potential in Ho Chi Minh City” (Chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận các cơ cở y tế: tiềm năng sức khỏe số ở TP.HCM), xuất bản trên BMC Health Services Research.
TP.HCM có 9 triệu dân, sinh sống ở ba khu vực là khu đô thị cũ, khu đô thị mới phát triển và vùng ven-ngoại thành. Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh có 319 cơ sở y tế, bao gồm 92 bệnh viện đa khoa, 42 bệnh viện chuyên gia và 260 phòng khám, theo kết quả điều tra năm 2020 và dữ liệu trên công thông tin Sở Y tế TP.HCM. Và nếu phân theo cấp quản lý trung ương, địa phương và quận huyện thì TP.HCM có 8 bệnh viện cấp trung ương, 41 cấp vùng và 342 cấp quận huyện.
Nhằm có cái nhìn tổng quan về phân bố hệ thống cơ sở y tế theo không gian, các nhà nghiên cứu đã áp dụng các cơ sở dữ liệu công và dữ liệu về hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho các phân tích về địa điểm, đường xá, dân số và dữ liệu về các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, họ đi tìm mối liên hệ giữa vị trí địa lý với mỗi cơ sở y tế được truy xuất từ dữ liệu Google Earth. Ở các khu đô thị cũ, tỷ lệ dân trên cơ sở y tế là 15.188 người/cơ sở, khu vực đô thị mới là 3.729 dân/cơ sở trong khi ở vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ 50.978 người/cơ sở. Tuy nhiên có thực tế là các nơi có các cơ sở y tế được trang bị tốt và có dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao đều nằm trong khu đô thị cũ như Trung tâm Y tế Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Hùng Vương… Ngoài ra, một số khu dân cư mới ở quận 7, quận Bình Thạnh đều có những cơ sở y tế tư nhân chất lượng cao có xu hướng đáp ứng nhu cầu dịch vụ mới nổi ở đây. Những khu vực vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi đều có chất lượng thấp hơn.
Do đó, những người sống ở các khu vực nội thành và khu vực mới phát triển đều có khả năng tiếp cận hệ thống cơ sở y tế tốt hơn và được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn so với những người sống ở vùng ngoại thành. Mật độ bệnh viện và mạng lưới đường, ngõ giúp cư dân đô thị di chuyển đến các cơ sở y tế dễ dàng ở khu vực nội thành, khu vực mới. Ví dụ, ở khu vực mới, trong vòng bán kính 10 phút di chuyển, 49% dân số có thể tiếp cận các dịch vụ y tế còn trong vòng bán kính 30 phút di chuyển thì con số lên tới gần 86%. Các nhà nghiên cứu tính toán, chỉ có khoảng 1/10 người không đến được bệnh viện trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, số cư dân sống cách cơ sở y tế trong vòng bán kính 30 phút lên hơn 1.131 triệu người, trong đó 61% thuộc khu vực ngoại thành. Ngoài nguyên nhân số lượng và chất lượng các cơ sở y tế ở vùng ngoại thành còn thấp thì còn có nguyên nhân khác là do tình trạng tắc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Mỹ đến Khu CNC Sài Gòn và tuyến đường cao tốc từ Long Thành về Dầu Giây. Việc xây dựng đường vành đai và đường cao tốc để cải thiện lưu thông giao thông và vận chuyển hàng hóa qua thành phố nhưng cách bố trí giao thông này đã kéo dài thời gian di chuyển đến các cơ sở y tế. “Đây là một tình trạng đòi hỏi những hành động và giải pháp mới. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên hệ giữa các giải pháp sức khỏe số với việc quy hoạch cơ sở y tế và phát triển đô thị, đồng thời đem lại một ví dụ tốt cho việc quy hoạch một hệ thống chăm sóc y tế số và vật lý công bằng hơn cho nhiều thành phố khác”, nhà nghiên cứu Lê Khánh Hưng, Khoa Nghiên cứu đô thị (Đại học KHXH&NV TP.HCM, ĐHQG TP.HCM) và là tác giả thứ nhất của nghiên cứu, trả lời trên eurekalert.org. (T. Nhàn)