Xác định các yếu tố liên quan đến tai nạn giao thông ở đô thị

Xe máy, phương tiện đi lại chủ yếu trong các đô thị ở Việt Nam, không chỉ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn giao thông mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ dẫn đến sự gia tăng của các tai nạn giao thông đường bộ.

Phụ huynh đưa đón con ở trường Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế. Nguồn: Báo TT Huế 

TS. An Minh Ngọc, một nhà nghiên cứu Việt Nam đang làm postdoc tại trường Các hệ thống Kỹ thuật, ĐH Kochi, Nhật Bản và đồng nghiệp đã tìm hiểu về các yếu tố dẫn đến tai nạn giao thông cũng như tác động của việc từng nếm trải va chạm giao thông như vậy trong sự lựa chọn phương thức đi đến trường của học sinh ở Cần Thơ, một thành phố quy mô trung bình ở Việt Nam. Kết quả được công bố trong “Key factors associated with traffic crashes and the role of crash experiences in mode choice for school trips – A case study of Can Tho, Vietnam” (Các nhân tố chính liên quan đến tai nạn giao thông và vai trò của kinh nghiệm trong lựa chọn phương thức đi tới trường) xuất bản trên tạp chí Travel Behaviour and Society.

Trong các thành phố quy mô trung bình của Việt Nam, tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao hơn so với tỉ lệ trung bình của cả nước 8% và cao hơn tới 19% so với hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM. Thêm vào đó, đặc điểm nổi bật ở các thành phố này là 90% nhu cầu đi lại phụ thuộc vào xe cá nhân do không kiểm soát được quá trình đô thị hóa và người dân ở đó thường dùng xe máy như một phương tiện giao thông phổ biến, thuận lợi và hợp túi tiền. 

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu di chuyển được trích ra từ một cuộc khảo sát hộ gia đình từ Sở Giao thông Cần Thơ, được thu thập từ năm 2018 với rất nhiều thông tin về số lượng xe, độ tuổi, thu nhập, khoảng cách từ nhà đến trường, mật độ dân số, môi trường xây dựng… Tại thời điểm khảo sát, xe buýt đã có mặt ở thành phố này người dân ít sử dụng bởi lượng xe máy chiếm 94,1 % trong khi ô tô và xe đạp lần lượt chiếm 0,26 % và 5,42 %. Khi phân tích 4.358 trường hợp thuộc hai nhóm bố mẹ đưa con cái đến trường học (2.131 trường hợp) và học sinh tự đi tới trường (2.227 trường hợp), các nhà nghiên cứu nhận thấy, tỉ lệ từng va chạm giao thông ít nhất một lần trong năm trước khảo sát của nhóm thứ hai cao hơn nhóm thứ nhất với con số lần lượt là 14,05% so với 9,06%.

Các kết quả ước tính mô hình va chạm cho thấy các yếu tố như vị trí nhà, giới với các độ tuổi cụ thể, bằng lái xe, đặc điểm đi lại và mật độ dân số tác động đáng kể đến nguy cơ về tai nạn giao thông của cả hai nhóm. Đặc biệt, nhóm tuổi từ 15 đến 17 dễ bị tai nạn hơn cả, điều này khác biệt với một số công bố trước đây. Ngoài độ tuổi, vị trí nhà là yếu tố liên quan thứ hai bởi học sinh sống ở trung tâm thành phố với mật độ dân số cao và cơ sở hạ tầng an toàn đường bộ không đầy đủ. Về việc lựa chọn phương thức đi lại, gia đình có bố mẹ, con cái từng bị va chạm giao thông trong một năm ít sử dụng xe máy hơn và các bậc cha mẹ có kinh nghiệm thường cho phép con em đi xe đạp tới trường.

Ngoài ra, các đặc điểm về hộ gia đình (quy mô hộ gia đình, số xe đạp, xe máy, ô tô và vị trí nhà), các đặc điểm cá nhân (độ tuổi, giới tính và tình trạng bằng lái), các yếu tố di chuyển (tốc độ, tổng thời gian đi lại hàng ngày), các đặc điểm môi trường xây dựng (gần bến xe buýt, khoảng cách đến trường, mật độ dân số) ảnh hưởng mạnh đến lựa chọn đi bộ, đi bằng xe đạp hay xe máy. Ví dụ các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc nhiều xe máy có xu hướng cho phép con cái đi xe máy, hoặc khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện. Khi quãng đường tăng lên thì xác suất dùng xe đạp giảm đi.

Các phát hiện của TS. An Minh Ngọc và cộng sự cho thấy, để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ ở Cần Thơ nên tăng cường tuyên truyền về an toàn giao thông tại các trường trung học, thiết kế các chương trình an toàn giao thông đường bộ cho học sinh trung học; triển khai các chiến lược cải thiện cơ sở vật chất đường bộ, cải thiện hệ thống quản lý và kiểm soát giao thông ở trung tâm thành phố. Điều này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để cải thiện an toàn giao thông ở các thành phố Việt Nam khác trong tương lai

Tác giả