Đón đọc Tia Sáng số 19 tháng 10/2023

Có lẽ, một trong những điều thôi thúc chúng tôi trong quá trình chuẩn bị nội dung cho số báo này là đem lại cho độc giả góc nhìn đúng đắn về các sự kiện mà xã hội quan tâm, biến đổi khí hậu và cơ hội ngành công nghiệp bán dẫn có thể đem lại cho Việt Nam.

Điều này có quá thừa thãi, khi những vấn đề thời thượng như vậy vẫn chảy tràn trên các mặt báo và các diễn đàn?

Ở đây, Tia Sáng mong muốn lật lại vấn đề và đánh giá nó dưới góc nhìn của khoa học. Chỉ có cách này, chúng ta mới có thể lọc đi vô vàn biến nhiễu mà sự thừa mứa thông tin, trong đó không có ít thông tin chưa phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng, khiến chúng ta chưa thể tiếp cận với sự thật.

Vậy vấn đề của biến đổi khí hậu và giải carbon ở đây là gì? Đó là một hành trình chúng ta không thể đảo ngược, sau rất nhiều năm khai thác các nguồn tài nguyên và xả thải không theo một lộ trình đúng đắn. Nhưng cách nào chúng ta giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu lên trái đất và ở quy mô nhỏ hơn là lên quốc gia mình và chính mình? Trong “Phát triển bền vững: Một tương lai phi thực”, GS Pierre Darriulat đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh mà ở đó thật khó khăn có được nhận thức chung về những vấn đề khẩn cấp toàn cầu, “trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi việc thao túng và tẩy não dân chúng trở nên dễ dàng hơn với các phương tiện truyền thông gần như là tức thời với độ bao phủ toàn cầu”.

Đó là lý do mà những sự thật khoa học của các vấn đề khẩn cấp toàn cầu chưa được hiểu một cách đúng đắn. Không thể áp một chiến lược giải carbon, chuyển đổi năng lượng của quốc gia này cho quốc gia khác “Nếu nhu cầu chuyển đổi năng lượng toàn cầu sang năng lượng tái tạo rõ ràng thì tính cấp thiết của nó ở một quốc gia cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng phát triển và khối lượng dự trữ nhiên liệu hóa thạch của quốc gia đó”.

Sự hỗn loạn thông tin khiến dẫn đến nhiều hệ lụy. GS Darriulat chỉ ra, “áp lực từ thái độ và sự phi lý của công chúng, thiếu chín chắn về mặt khoa học và dễ bị thao túng, tẩy não” đã dẫn đến những quyết định hỗn loạn về năng lượng hạt nhân – một công nghệ có nhiều đóng góp cho thế giới. Ở Ý, việc đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm 1990 khiến gần 20 năm sau, chính phủ thừa nhận “là một sai lầm khủng khiếp, chi phí lên tới hơn 50 tỷ euro”… Nhưng sự thừa nhận có ích gì, khi dân chúng một lần nữa gây áp lực cho chính phủ, mà về sâu xa là gây áp lực cho chính mình, bằng việc bỏ phiếu chống việc xây nhà máy điện hạt nhân mới.

Cũng nằm trong dòng chảy của các vấn đề được xã hội quan tâm, cơ hội phát triển ngành công nghệ bán dẫn, cụ thể là chip, ở Việt Nam như thế nào? Liệu chúng ta có thể “chen chân” vào chuỗi giá trị chip và hy vọng vào việc xây dựng các nhà máy chip tại chính quốc gia mình? Trước khi trả lời được câu hỏi này, chúng ta cùng GS Trần Xuân Hoài tìm về lịch sử phát triển bán dẫn, linh kiện bán dẫn, chuỗi giá trị của nó qua “Ngành công nghiệp bán dẫn: Cơ hội và tương lai cho Việt Nam” (kỳ 1). Dù xuất hiện ở mọi nơi mọi chốn, trong rất nhiều thiết bị điện tử nhưng do lịch sử phát triển của nó, ngành công nghiệp bán dẫn hội tụ về một số quốc gia có tiềm lực. “Chưa có quốc gia hoặc lãnh thổ nào đạt được quyền tự chủ chiến lược hoàn toàn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Sự phức tạp về công nghệ và nhu cầu về quy mô đã dẫn đến sự xuất hiện của một số lượng lớn ‘tay chơi’ với mô hình kinh doanh tập trung vào một lớp cụ thể của chuỗi giá trị bán dẫn”.

Khi đã hiểu được bản chất của vấn đề, có lẽ, chúng ta đã hiểu hơn về ngành công nghiệp chip trên thế giới và những manh nha của nó ở Việt Nam.

Tia Sáng, như thường lệ, thảo luận rất nhiều vấn đề của khoa học, văn hóa mà mỗi khi đọc, chúng ta đều có thể nhận được ít nhiều giá trị từ nó: “Quỹ NAFOSTED: Vận hành theo cách nào?” (Thanh Nhàn), “Vận động chính sách đằng sau sự thành lập NAFOSTED” (Anh Vũ thực hiện); “Tìm những tín hiệu mới từ vũ trụ” (Nguyễn Nhật Minh), “Chuyện những đường chân trời” – Kỳ 1 (Hoàng Mai dịch); “Mô hình vật lý tạo cảm hứng cho các thuật toán sinh ảnh nghệ thuật AI” (Nguyễn Quang dịch); “Jules Verne – người mở đường cho thể loại khoa học viễn tưởng” (Anh Thư lược dịch); “Những món quà từ mặt trận người máy (Thái Hà dịch); “Địa tầng số 0: Chuyến viễn du của những nhà khảo cổ tâm hồn” (Dương Mạnh Hùng); “Yoko Tawada và cuộc sinh nở của ngôn từ” (Hiền Trang); “György Kurtág: Sáng tác để kiếm tìm sự thật” (Ngọc Anh dịch).

“Sống trên đời giống như đạp xe. Để giữ được sự cân bằng, bạn cần phải chuyển động”, Albert Einstein đã từng nói như vậy. Vậy tại sao bạn không cầm Tia Sáng số này và chọn “chuyển động” theo cách của mình?

——————————-

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)