Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến: Nỗ lực “tẩy xanh”

Những cam kết bảo vệ môi trường, hô hào người dùng cá nhân có ý thức giữ gìn môi trường từ các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến thực ra lại là một cách “tẩy xanh” cho việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần tràn lan và che đậy cho việc đối xử bất công với người lao động.

Cố ý dùng từ “bền vững” trong các diễn ngôn bảo vệ môi trường, nhập nhằng và lấp liếm các vấn đề lao động nghiêm trọng đang hiển hiện mà họ gây ra. Ảnh: Vietnam Investment Review.

Tháng 7/022, Ngân hàng Thế giới công bố một báo cáo báo động về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Thế giới chỉ đích danh các ứng dụng (app) giao đồ ăn bùng phát gần đây chính là nhân tố tiếp tay. Điều hài hước là chính các ứng dụng này đã hô hào là có nhiều biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay bằng các mỹ từ về phát triển bền vững.

Nhưng có lẽ, nhìn vào lượng rác nhựa dùng một lần sinh ra từ các chuyến giao hàng qua các app này, có thể thấy rằng đó dường như là thủ thuật kêu gọi bảo vệ môi trường – như giảm thiểu sử dụng vật liệu nhựa trong các ứng dụng giao đồ ăn – được dùng để che đậy cho lượng rác nhựa dùng một lần cũng như mô hình kinh doanh thúc đẩy người tiêu dùng mua nhiều hơn, thúc đẩy giao – nhận nhiều hơn. Chưa hết, những tuyên bố về phát triển “bền vững” không chỉ giúp các công ty “làm màu” về việc bảo vệ môi trường mà còn được thể lờ đi trách nhiệm tạo ra “việc làm thỏa đáng” và “việc làm bền vững” cho người lao động. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, “việc làm bền vững” là để chỉ những công việc ổn định và lâu dài, còn khái niệm “Việc làm thỏa đáng” nói về công việc an toàn, trong điều kiện công bằng, với mức lương đủ sống và có kèm bảo hiểm xã hội. Cố ý dùng từ “bền vững”, các ứng dụng này đã cố ý nhập nhằng và lấp liếm các vấn đề lao động nghiêm trọng đang hiển hiện mà họ gây ra.

Nói cách khác, cách tiếp cận như vậy cho phép các công ty nhận vừa “được tiếng” cho những nỗ lực môi trường, lại vừa “được miếng” khi không cải thiện mức lương thấp và điều kiện lao động tồi tệ mà các tài xế phải đối mặt.

Những mỹ từ về trách nhiệm môi trường  

Việt Nam đang chìm trong “khủng hoảng ô nhiễm nhựa”, theo lời của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới phụ trách Việt Nam. Tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tăng từ 3,8kg năm 1990 lên đến 41,3kg năm 2018. Chỉ khoảng 1/3 lượng nhựa này được tái chế. Việt Nam là một trong năm quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới.

Cuộc bùng nổ các ứng dụng giao thức ăn gần đây đã khiến vấn đề càng trầm trọng hơn, góp phần “nhận chìm” Việt Nam trong nhựa. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy bao bì nhựa dùng một lần đựng thực phẩm mang đi là thủ phạm lớn nhất gây ra rác thải nhựa. Khi khảo sát các vật liệu gây ô nhiễm sông ngòi Việt Nam, Ngân hàng Thế giới nhận thấy rác nhựa chiếm đại đa số lượng chất thải ở sông suối và bờ biển Việt Nam (94% theo số lượng và 71% theo trọng lượng). Nguồn lớn nhất trong đó là rác nhựa từ bao bì thực phẩm dùng một lần (44% theo số lượng và 35% trọng lượng).

Các sáng kiến ​​như yêu cầu người tiêu dùng giảm dao kéo nhựa không chỉ vô ích về mặt bảo vệ môi trường mà còn rất khôn khéo vì chúng cho phép các công ty tuyên bố rằng họ đang đóng góp vào phát triển bền vững trong khi duy trì một lực lượng lao động làm công việc với mức lương thấp và có ít hoặc không có quyền và lợi ích.

Các nghiên cứu và báo cáo khác cũng cho thấy những mảnh ghép tương tự về bức tranh rác thải nhựa dùng một lần ở Việt Nam. Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã phát hiện ra rác nhựa tăng vọt trong các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội vì Covid-19 ở Việt Nam, do có nhiều người mắc kẹt ở nhà và phải đặt đồ ăn qua ứng dụng. Và xu hướng này vẫn không có dấu hiệu giảm sau đại dịch. Những người tham gia vào chuỗi giao hàng của các app cũng chia sẻ nỗi lo về lượng rác nhựa gia tăng quá nhanh, như một cựu tài xế của một nền tảng giao đồ ăn, trong một bài viết nêu quan điểm trên báo gần đây, cũng nêu rõ thực trạng lượng đồ nhựa nhiều quá mức cần thiết trong mỗi chuyến giao hàng.

Dù thực trạng như vậy, nhưng diễn ngôn bảo vệ môi trường vẫn đang bị lợi dụng làm bình phong. Ví dụ, Baemin tận dụng một số biện pháp bảo vệ môi trường họ đang thực hiện để tuyên bố rằng họ đang đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tương tự, Grab, gã khổng lồ trong khu vực về dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn, cũng tuyên bố họ cam kết tăng trưởng bền vững và bao trùm thông qua nhiều hành động, trong đó có giảm thiểu tác động đến môi trường. Một số giải pháp các ứng dụng này đưa ra đều hướng tới thay đổi hành vi người tiêu dùng. Như Baemin, Grab gần đây đã khuyến khích thay đổi hành vi cá nhân người tiêu dùng, trong đó đưa ra lựa chọn không lấy dụng cụ ăn uống bằng nhựa.

Tuy nhiên, yêu cầu người tiêu dùng giảm bớt muỗng dĩa nhựa không thực sự giúp giảm rác thải nhựa là bao. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, quan điểm cho rằng thay đổi thói quen tiêu dùng cá nhân là sẽ đem lại tác động thực chất tới các vấn đề môi trường, chỉ là ảo tưởng. Thậm chí ảo tưởng nhắm vào người tiêu dùng cá nhân này có nguy cơ làm trầm trọng vấn đề thêm, khi nó khiến các bên xao nhãng khỏi những thay đổi mang tính hệ thống. Điều tốt nhất mà các cá nhân có thể làm để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là nhận ra rằng, ở cấp độ cá nhân, họ không thể thực sự tạo ra thay đổi. Thay vào đó, họ cần hành động tập thể, cùng nhau phản đối để buộc các chính phủ và tập đoàn quyết liệt thực thi những biện pháp có tính hệ thống, cần thiết cho công bằng khí hậu và chuyển đổi công bằng. Phong trào phản đối nhà máy điện than Vũng Áng 2 là một ví dụ điển hình gần đây cho hành động tập thể như vậy.

Việt Nam đang chìm trong “khủng hoảng ô nhiễm nhựa”, theo lời của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới phụ trách Việt Nam. Ảnh: Lê Đình Tuyển

Nhìn chung thủ thuật đẩy trách nhiệm môi trường lên cá nhân người tiêu dùng không chỉ có ở Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu cho thủ thuật này là vụ bê bối dầu mỏ lớn vừa mới nổ ra ở Mỹ trong tuần qua. Nhiều tài liệu được công bố cho thấy các công ty dầu mỏ lớn bao gồm ExxonMobil, Chevron, Shell và BP bề ngoài hùng hồn tuyên bố với công chúng về cam kết chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, họ rũ bỏ trách nhiệm bằng cách kêu gọi các cá nhân chung tay chống biến đổi khí hậu, nhưng trong nội bộ lại nói những điều hoàn toàn trái ngược.

Nhập nhằng về “việc làm thỏa đáng”

Tương tự với mỹ từ về bảo vệ môi trường, những cam kết hùng hồn về phát triển bền vững của các hãng này không khác nào những xảo ngôn vỗ về, ở chỗ họ không cải thiện hoặc thậm chí không chịu thừa nhận điều kiện làm việc bấp bênh, thời gian lao động kéo dài và mức lương thấp của tài xế. Thực tế, hai vấn đề này thường bị thảo luận tách biệt, cho phép các nền tảng vừa được tán tụng cho các nỗ lực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), vừa không phải thực sự hành động cải thiện sinh kế cho người lái xe.

Những tuyên bố như vậy bỏ qua thực tế rằng các nền tảng vẫn khước từ những quyền lợi lao động và biện pháp bảo vệ cơ bản của các tài xế của mình, khi tiếp tục coi họ là “đối tác” chứ không phải là nhân viên. Thậm chí trên thực tế, Grab đã thông báo sẽ cắt giảm ưu đãi của các tài xế nhằm tăng lợi nhuận.

Ở đây, cách “tẩy xanh” thứ nhất là công ty dùng việc mình đang thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường – cho dù hiệu quả hay không, và dù thực tâm hay không – cũng giúp “tẩy xanh” lần hai cho họ, giúp họ đánh lạc hướng chú ý khỏi những cách thức bóc lột mà họ đang thực hiện với lao động của mình. Đây là trọng tâm của bài viết của tôi: các sáng kiến ​​như yêu cầu người tiêu dùng giảm dao nĩa nhựa không chỉ vô ích về mặt bảo vệ môi trường mà còn rất khôn khéo vì chúng cho phép các công ty tuyên bố rằng họ đang đóng góp vào phát triển bền vững trong khi duy trì một lực lượng lao động làm công việc với mức lương thấp và có ít hoặc không có quyền và lợi ích.

Không đẩy gánh nặng sang cá nhân

Thay vì chỉ đẩy gánh nặng sang cho cho người dùng cá nhân, thì các doanh nghiệp vận chuyển này phải thực hiện các chính sách môi trường một cách có hệ thống. Những biện pháp như các ứng dụng giao đồ ăn ngừng dùng tất cả đồ nhựa dùng một lần, trả tiền/hỗ trợ chi phí cho tất cả tài xế chuyển sang xe điện (và hỗ trợ cung cấp điểm sạc), và có những đóng góp khổng lồ cho nỗ lực chống ô nhiễm không khí của chính phủ,… đều sẽ rất hữu ích. Nhưng sẽ không có chuyện các công ty này chịu chủ động tự nguyện thực hiện chúng – tất nhiên là không, vì mục tiêu chính của các công ty là tạo ra lợi nhuận, và các hành động nghiêm túc để giải quyết khủng hoảng khí hậu và thảm họa môi trường về cơ bản trái ngược với động cơ lợi nhuận của họ.

Để thực sự đóng góp cho phát triển bền vững, các ứng dụng giao thức ăn, dưới bàn tay quy định của chính phủ, cần buộc phải góp phần vào công cuộc mà các công đoàn gọi là “công bằng khí hậu” hoặc “quá trình chuyển đổi công bằng”. Ở đó, họ trở thành doanh nghiệp thân thiện hơn với môi trường, đồng thời tạo ra và đảm bảo tạo công việc thỏa đáng cho tài xế của họ.

Thay vào đó, cần có những lực kéo, như thông qua luật pháp và thuế của chính phủ, buộc các ứng dụng khổng lồ này tham gia xây dựng một nền kinh tế bền vững với môi trường. Chúng ta cần những đề xuất nghiêm túc và có tính hệ thống. Ví dụ, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị thu phí hoặc cấm các đồ nhựa sử dụng một lần như ống hút hoặc hộp đựng thực phẩm. Ngoài ra, về phần mình, Chính phủ Việt Nam đã cam kết cấm sản xuất và nhập khẩu với túi nilon vào năm 2026 và với hầu hết các mặt hàng nhựa dùng một lần vào năm 2031.

Nói tóm lại, để thực sự đóng góp cho phát triển bền vững, các ứng dụng giao thức ăn, dưới bàn tay quy định của chính phủ, cần buộc phải góp phần vào công cuộc mà các công đoàn gọi là “công bằng khí hậu” hoặc “quá trình chuyển đổi công bằng”. Ở đó, họ trở thành doanh nghiệp thân thiện hơn với môi trường, đồng thời tạo ra và đảm bảo tạo công việc thỏa đáng cho tài xế của họ.

Vì chỉ quan tâm đến “khí hậu” thì không đủ để gọi là “công bằng” hay “bền vững”. Ngay cả khi các công ty này có mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường, họ vẫn bóc lột nặng nề người lao động vì cách đối xử với tài xế của họ – như từ chối coi tài xế là công nhân viên, để họ với công việc và mức lương hết sức bấp bênh, không cho họ phúc lợi hoặc bất kỳ quyền lao động nào. Vấn đề này cũng cần phải được ưu tiên giải quyết cấp bách. Và lại một lần nữa, các công ty sẽ không bao giờ tự nguyện thừa nhận tài xế của mình là nhân viên hoặc cho họ mức lương và điều kiện lao động tử tế. Vì vậy, cần có những tác nhân can thiệp, ép buộc họ phải hành động. Đầu năm nay, Liên đoàn Công nhân Giao thông Vận tải Quốc tế (ITF), một liên đoàn công đoàn toàn cầu gồm nhiều công đoàn ngành giao thông vận tải trên khắp thế giới, đã phát hành một báo cáo về Cuộc Chuyển đổi Công bằng cho Công nhân Giao thông Đô thị. Tài liệu nêu các trường hợp điển hình trên khắp thế giới, bao gồm câu chuyện công nhân viên các ứng dụng vận tải đấu tranh cho quá trình điện khí hóa các phương tiện ở Hyderabad (Ấn Độ) diễn ra công bằng, và đưa ra danh sách mười điểm mà một tiến trình chuyển đổi công bằng cần có để thực sự giảm khí thải carbon và thu hẹp các vấn đề bình đẳng còn tồn đọng. Danh sách này bao gồm đảm bảo việc làm, hỗ trợ lương hưu cho người lao động sắp nghỉ hưu và các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Ở Việt Nam, các nền tảng, người lao động và chính quyền có thể bắt đầu học hỏi, tham khảo từ đây (trang 43 của báo cáo). □

Nhung Nguyễn dịch

——-

*Tiến sĩ Joe Buckley là Học giả mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam, Viện ISEAS-Yusof Ishak.

** Một phiên bản của bài viết bằng Tiếng Anh được xuất bản ngày 16 tháng 9 năm 2022 trên Fulcrum Singapore.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)